Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ TT Huế: Lễ Đại tường Ni trưởng Thích Nữ Diệu Trí

TT Huế: Lễ Đại tường Ni trưởng Thích Nữ Diệu Trí

160
0

Ni trưởng Thích Nữ Diệu Trí, Nguyên Giáo phẩm Chứng minh Phân ban Đặc trách Ni giới Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Giáo phẩm Chứng minh Phân ban Đặc trách Ni giới Tỉnh Thừa Thiên Huế; Trưởng Ban Từ thiện Xã hội Tỉnh Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế; Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung Cấp Phật Học Tỉnh Thừa Thiên Huế; Giám viện Ni viện Diệu Đức, Trú trì Chùa Diệu Nghiêm TP. Huế. 

"Ni Trưởng họ Hồ, húy Thị Trâm, pháp danh Trừng Khương, pháp tự Diệu Trí, pháp hiệu Liễu Nhiên, sinh năm Mậu Thân – 1907 tại làng Lâm Cao, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, thân Phụ là cụ ông Hồ Văn Cảnh, thân Mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Kim Lăng.

Năm 1932, tìm đến chốn tòng lâm để xuất gia học đạo với Ngài Huệ Minh, trú trì Tổ Đình Từ Hiếu, Huế, một năm sau – 1933, Ni Trưởng đã được Bổn Sư cho lãnh thọ Sa Di Ni giới, với pháp danh Trừng Khương, pháp tự Diệu Trí. Đến năm 1935, được thọ giới Thức Xoa Ma Na.

Năm 1944, Ni Trưởng được cầu lãnh thọ Tỳ Kheo Ni Bồ Tát giới với đại lão Hòa Thượng Giác Nhiên, trú trì Tổ Đình Thiền Tôn.

Từ những năm đầu của thập niên 50 cho đến năm 2005, các giới đàn được Giáo Hội cũng như Ni Bộ tổ chức, Ni Trưởng đều được cầu thỉnh làm Tôn Chứng Sư, Giáo Thọ Sư, Yết Ma A Xà Lê Sư và Đàn Đầu Hòa Thượng Ni trong việc, tiếp nối mạng mạch Phật pháp, xưởng minh Tỳ Ni Thánh Tạng. 

Vào thập niên 70, Ni Trưởng được Ni Bộ cung thỉnh đảm nhiệm chức vụ Giám Sự của Ni bộ Thừa Thiên – Huế. Bước sang thập niên 80, Ni Trưởng kiêm nhiệm Trưởng Ban Ni Bộ Bắc Tông Phật Giáo Thừa Thiên-Huế.

Năm 1994 trường Trung Cấp Phật học Thừa Thiên Huế thành lập, Ni Trưởng được mời làm Phó Hiệu trưởng; Năm 1997 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế ra đời, Ni trưởng được mời làm Trưởng Ban bảo trợ ngay từ khóa đầu tiên.

Ni Trưởng viên tịch lúc 19 giờ 15 phút ngày 8 tháng 2 năm Canh Dần  (23/3/2010) trụ thế 103 tuổi và 63 hạ lạp."

Cuộc đời Ni trưởng là tấm gương sáng cho hậu thế Ni lưu trên bước đường tu tập. Hình ảnh Ni trưởng mãi mãi để lại một ấn tượng sâu đậm trong lòng môn đồ, pháp quyến và hàng Phật tử tại gia.

Chị em mình đã được sống những ngày tháng hạnh phúc ở tại tổ đình. Em nhớ hồi còn trẻ thường qua thăm chị bên Diệu Nghiêm, hồi đó còn là một mái chùa lá lụp xụp. Chị còn là một sư cô trẻ, em còn là một chú sa di mới thọ giới. Hồi đó chị ở một mình, không có vị đệ tử nào. Chị đã thương yêu chăm sóc mấy điệu bên Từ Hiếu như em ruột của chị.

Chúng ta có may mắn được tu dưới sự che chở của các bậc cao tăng của tổ đình. Em đã gánh nước, giã gạo, trồng sắn, giữ bò, ủ phân, trang trí bàn Phật và bàn tổ bằng những tràng hoa mỗi khi có ngày kỵ Tổ. Chị đã giúp chúng em, chỉ dẫn cho chúng em, làm việc chung với chúng em. Chị đã dạy em chắp tay thế nào cho đẹp, đừng nên uống aspirine để cho bụng khỏi bị cào, gọt mít như thế nào để cho mủ mít đừng dính vào tay áo, những giờ phút hạnh phúc vẫn như đang còn đó, và sẽ không bao giờ mất đi. Chị ở nhà, em đi lang thang trên thế giới. Nhớ chị, có một lần em đã gửi về cho chị một thẻ kẹo chocolate.

Em vẫn còn đi lang thang, chị vẫn còn ở nhà, dù chị đã trên 100 tuổi. Cô giáo ngày xưa vẫn còn đó. Chú điệu ngày xưa cũng còn đó, nhưng bây giờ chúng ta đã được tiếp nối. Con cháu chúng ta sẽ làm cho xong những gì hai chị em ta còn chưa làm xong.

Chị hãy nằm yên, để cho tiếng niệm Phật thấm vào cơ thể. Em đã từng nghe chị trì tụng bài Quy nguyện: “cùng tăng thân xin nguyền trở lại, nơi cõi đời làm việc độ sinh, giờ phút này sông núi chứng minh, cúi xin Đức Từ Bi nhiếp thọ…“. Lời nguyền còn đó, chị sẽ trở lại, làm một sư cô trẻ, một sư chú trẻ. Chúng ta phải tiếp tục chí nguyện ngày xưa”.

(Trích Thư của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh gởi trong ngày Ni trưởng viên tịch)

 N.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here