Trang chủ Phật giáo khắp nơi Lễ hội Tây Thiên 2012: Về cõi “trời Tây đất Phật”

Lễ hội Tây Thiên 2012: Về cõi “trời Tây đất Phật”

147
0

Cái nôi của Phật giáo Việt Nam

Cách Hà Nội khoảng 80km về phía Tây Bắc, Tây Thiên (thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) là khu di tích danh thắng đã được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia từ năm 1991. Từ lâu, đi lễ Tây Thiên đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của nhiều người Việt Nam ta. Đến với Tây Thiên cũng tức là "đến với Phật” và "về với Mẫu”, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu sự giao thoa giữa văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu. Bởi thế, ngay từ những ngày đầu Xuân, dù còn hơn một tháng mới đến ngày khai hội, Tây Thiên đã đón hàng ngàn lượt du khách mỗi ngày. Từng đoàn lữ khách mang trên vai ba lô, lễ vật hăm hở bước trên con đường hành hương tìm về cửa Phật. Theo lời của những người dân nơi đây, ba tháng đầu năm luôn là thời điểm Tây Thiên đón lượng khách đông nhất trong năm, đặc biệt là những ngày cuối tuần.
 
Thành tâm khấn vái nơi Đền Thượng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên
 
Tương truyền, Tây Thiên từng được lựa chọn để dựng xây ngôi cổ tự Tây Thiên Phù Nghì tràn đầy linh khí, che chở trấn an cho cả nước. Nhiều tư liệu để lại còn cho biết, Tây Thiên cũng là chiếc nôi và là nơi phát tích của Phật giáo nước nhà. Theo đó, khoảng thế kỷ III trước công nguyên, Phái bộ thứ 8 của vua A Dục trên hành trình du hóa từ Ấn Độ đã dừng chân và bị thu hút bởi cảnh sắc nơi đây. Tên gọi "Tây Thiên” với ý nghĩa là "trời Tây, bầu trời Phật” ra đời để ghi nhớ nơi khởi phát của Phật giáo Việt Nam. Không chỉ thế, đến với Tây Thiên còn có nghĩa là "về với Mẫu”. Mẫu ở đây chính là bà Lăng Thị Tiêu – vợ của vua Hùng thứ 7. Ngọc Phả thời Hùng Vương và những câu chuyện lịch sử chép lại rằng: khi vua Hùng thứ 7 tới Tây Thiên thỉnh Phật, Ngài đã gặp gỡ và kết duyên cùng thiếu nữ Lăng Thị Tiêu. Hoàng phi Lăng Thị Tiêu là người xinh đẹp, giỏi giang, đã cùng vua Hùng mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc, xây dựng một đất nước thái bình thịnh trị. Với những công lao đó, Hoàng phi được sắc phong là Quốc Mẫu Tây Thiên và được thờ tự chính tại Đền Thượng trên đỉnh núi Thạch Bàn. Bà còn được suy tôn danh hiệu Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu tối linh Đại vương – Đệ nhất thượng đẳng Phúc Thần (vị thần tối cao bảo trợ cho dãy Tam Đảo), là hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn (một trong bốn Thánh Mẫu Tứ Phủ chuyên trách cai quản, sáng tạo vũ trụ).
 
Thăm miền đất Phật Tây Thiên, từ chân núi, du khách sẽ lần lượt được tham quan cây đa chín cội, Đền Thỏng, Đền Cậu, Thác Bạc, chùa Phù Nghì, Đền Cô, suối Giải Oan, Đền Thượng… Con đường lên tới Đền Thượng dài gần 5km còn giúp du khách được tận hưởng bầu không khí trong lành, nguyên sơ với thảm thực, động vật phong phú mà ít nơi còn lưu giữ được. Đặc biệt, năm nay, với sự đi vào hoạt động của hệ thống cáp treo từ Đền Cậu lên thẳng Đền Thượng, du khách sẽ không phải leo những đường núi dốc đứng, suối thác gập ghềnh, đường mòn cheo leo, mà thay vào đó, được tận hưởng cảnh quan núi rừng hùng vĩ từ trên cao, đồng thời lắng nghe "tiếng thì thầm” từ Thác Bạc – những câu chuyện cổ bất tận về Phật giáo uy nghi và Quốc Mẫu linh thiêng. Tuy nhiên, với nhiều du khách, đường đi bộ vẫn là lựa chọn hàng đầu, bởi trong tâm tưởng của họ, đây mới đúng nghĩa là hành hương "đến với Phật” và "về với Mẫu”.
 
 
Chờ ngày khai hội
Để chuẩn bị cho mùa hành hương năm nay, ngay từ đầu tháng 1, UBND huyện Tam Đảo đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Ban tổ chức Lễ hội Tây Thiên 2012, tiếp đó là thành lập các tiểu ban phụ trách Lễ hội như an ninh – trật tự, văn hóa, khánh tiết, đón tiếp khách mời… Từ đầu tháng 2 đến nay, các đơn vị liên quan đã có nhiều cuộc họp bàn về công tác lễ hội và hoàn thành kịch bản lễ hội. Ngày 20-2 vừa qua đã diễn ra cuộc họp cuối cùng để các đơn vị báo cáo tiến độ công việc, những điều thuận lợi và khó khăn. Ông Diệp Xuân Tư – Trưởng Ban quản lý Khu danh thắng Tây Thiên cho biết: quy mô của Lễ hội năm nay không khác biệt so với những năm trước đó, song có thêm những nét đặc biệt hơn, như trong sáng khai hội còn diễn ra Lễ khánh thành cáp treo. Sang đến năm 2013, Lễ hội sẽ do tỉnh Vĩnh Phúc đứng ra tổ chức, với thành phần khách mời gồm 6 tỉnh Tây Bắc. Về chương trình Lễ hội 2012 vẫn gồm 2 phần: Lễ và Hội. Trong đó, phần Lễ bao gồm Lễ Cáo, Lễ Rước, Lễ Dâng hương và Lễ Tế; riêng Lễ Rước sẽ có thêm một kiệu văn, thành 3 kiệu thay vì 2 kiệu như các mùa Lễ hội trước. Phần Hội bao gồm các trò chơi dân gian như kéo co, chọi gà, thi hát dân ca, thi nấu cơm… Về lượng du khách, do tiết trời mưa phùn, rét buốt cùng công tác quy hoạch, xây dựng khu di tích chưa hoàn thiện nên thời gian qua, lượng khách có giảm. Tuy nhiên, khi cáp treo hoàn thiện, chắc chắn lượng khách sẽ tăng mạnh hơn và đồng đều hơn, chứ không chỉ tập trung vào những tháng đầu năm.
 
"Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã đúng theo trình tự quy định, đạt khoảng 90%. Từ nay đến trước khi khai mạc Lễ hội, chúng tôi quyết tâm hoàn thành khu vực mặt bằng sân lễ hội, di dời 24 hộ buôn bán ra các kiốt (đã được xây sẵn) trước 10-2 âm lịch, quy hoạch lại bãi gửi xe. Ngày 14-2 âm lịch tất cả các tiểu ban được phân công sẽ về trung tâm Lễ hội để kiểm tra công việc và chuẩn bị cho Lễ khai hội sáng 15-2. Còn để hoàn thành toàn bộ công trình, vẫn cần ít nhất 2 – 3 năm nữa” – ông Tư cho biết thêm.
 
Tuy nhiên, việc quản lý, phát triển Khu di tích danh thắng Tây Thiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Dù danh thắng Tây Thiên đã được công nhận từ năm 1991 song đến năm 1997, Vĩnh Phúc mới được tách tỉnh, còn huyện Tam Đảo mới tái lập năm 2004, lại là huyện miền núi với 50% số dân là đồng bào dân tộc. Do đó, thời gian gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc mới có điều kiện tập trung quy hoạch và đầu tư phát triển khu danh thắng. Thêm nữa, cũng như nhiều nơi, ý thức một bộ phận du khách chưa cao dẫn tới tình trạng xả rác bừa bãi, gây mất vệ sinh môi trường, trong khi đó, công tác xử lý rác thải còn nhiều hạn chế. "Hiện Ban quản lý chỉ có 6 cán bộ, công nhân viên chính thức, mùa Lễ hội thì mới chỉ ký thêm được hợp đồng thời vụ với khoảng 25 người. Lực lượng này là quá mỏng trong khi toàn thể khu danh thắng có tổng diện tích rất lớn, lên tới 160 ha” – ông Tư nhấn mạnh.
 
N.N
 
(Đại Đoàn Kết)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here