Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Hành hương Yên Tử

Hành hương Yên Tử

140
0

Theo truyền thuyết, vòng cung Đông Triều giống như một con rồng vươn mình ra Biển Đông. Đỉnh cao Yên Tử là đầu rồng, vị trí tháp tổ trước cửa chùa Hoa Yên là hàm rồng, ngọc xá lợi đệ nhất tổ Trúc Lâm được nhập bảo tháp trong lăng Quy Đức. Thân rồng ở chùa Thanh Mai, Chí Linh, Hải Dương, là nơi an táng Đệ tam tổ Huyền Quang trong bảo tháp Chiêu Minh.

Khu di tích danh thắng Yên Tử là nơi gắn liền với sự nghiệp tu hành của Tam tổ Trúc Lâm, đánh dấu sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm. Đức vua Trần Nhân Tông là người sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Thiền phái Trúc Lâm đã hội tụ đầy đủ những tinh thần của Phật giáo, nhưng chứa đựng được những nét độc đáo của Việt Nam. Vì vậy, Yên Tử cũng được xem là kinh đô Phật giáo Việt Nam. Tam tổ Trúc Lâm Yên Tử (Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa Đồng Kiên Cương, Huyền Quang Lý Đạo Tái) là những người sáng lập, phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vì dân tộc và đạo pháp, xây dựng Yên Tử trở thành trung tâm Phật giáo của quốc gia Đại Việt. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử phát triển cực thịnh vào thời Trần, chấn hưng vào thời Lê và đầu thời Nguyễn; được tín đồ, Phật tử nhiều đời tôn vinh, bảo vệ, tôn tạo, gìn giữ để Yên Tử ngày càng phát triển, xứng danh là một kỳ quan.


Hành hương Yên Tử.

Từ thời nhà Lý, Yên Tử đã có chùa thờ Phật gọi là chùa Phù Vân. Đến thời kỳ nhà Trần, Yên Tử được tiếp tục kế thừa phát triển đặc biệt dưới thời vua Trần Nhân Tông, một ông vua có công lớn trong sự nghiệp giữ nước và có động cơ tu hành cao thượng. Từ Yên Tử, giáo lý Trúc Lâm phát triển rộng ra khắp vùng Đông Bắc, dựng lên 800 ngôi chùa lớn nhỏ. Khu di tích danh thắng Yên Tử đã được xếp hạng đặc cách là di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 15 VH/QĐ ngày 13-3-1974.

Trong số các di tích, danh thắng tại Yên Tử, quan trọng nhất là chùa Hoa Yên và chùa Đồng. Chùa Đồng nằm ở độ cao 1.068m, điểm cao nhất là điểm cuối cùng lên Yên Tử, phía bên kia vách núi dựng đứng thuộc tỉnh Bắc Giang. Chùa Đồng tên chữ là Thiên Trúc tự, mang tên đất nước của Phật Tổ Như Lai, phù hợp với vị trí “vô thượng” của đỉnh Yên Tử. Tại điểm đặt chùa Đồng ngày nay, xưa là một ngôi chùa bằng Đồng có quy mô nhỏ. Trong chùa thờ tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, chuông và đồ thờ đều bằng đồng. Vào thời Lê – Trịnh, một nội nhân họ Trịnh dựng lại chùa mái lợp bằng đồng. Chùa xưa không còn, dấu tích còn lại là những lỗ chân cột đục sâu vào nền đá.

Hai trăm năm sau, vào mùa đông năm 1930, vị thủ từ chùa Long Hoa tên là Bùi Thị Mỹ công đức tôn tạo lại chùa Đồng, chùa được đúc bằng đồng đặc có quy mô nhỏ, một người chui không lọt. Vào những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ (khoảng sau năm 1964) chùa bị rơi xuống vách núi phía bắc, nay chưa tìm thấy. Cũng trong thời gian này, phật tử thập phương công đức dựng lại chùa Đồng bằng vật liệu bê tông cốt thép. Trên 30 năm qua, ngôi chùa bị dột nát chỉ còn là di tích, lưu lại trong chùa còn 4 pho tượng bằng đá.

Năm 1993, bằng sự hồi hướng công đức, phật tử Việt kiều ở bang Ca-li-pho-ni-a, Mỹ, đúc ngôi chùa bằng đồng dựng bên chùa Đồng cũ. Chùa cấu trúc hình chữ “đinh” theo dáng một bông sen nở, ngự trên sập đồng, chân quỳ dạ cá trạm trổ hình hoa sen cách điệu.

Ngày 3-6-2006, dưới sự chủ trì của Tiến sĩ Phật học đại đức Thích Thanh Quyết và Ban Quản lý Dự án chùa Đồng, bằng công đức thập phương trong và ngoài nước, đã khởi lễ đúc chùa Đồng. Chùa được khánh thành vào ngày 30-1-2007, tọa lạc trên đỉnh non thiêng ở vị trí giữa hai ngôi chùa được xây dựng trước đây. Chùa Đồng hiện nay là một công trình độc đáo nhất Đông Nam Á, trọng lượng 70 tấn, chiều dài 4,6m, chiều rộng 3,6m, cao 3,35m. Chùa mang vóc dáng một đài sen nở. Trong chùa thờ Phật Thích Ca Mâu Ni và Tam Tổ Trúc Lâm Yên Tử.

Chùa Hoa Yên vốn có tên là Vân Yên (mây khói), đặt với hàm ý: Chùa tận trên núi cao quanh năm mây phủ, mây lững lờ trôi, trắng nhẹ như mây khói trên núi. Từ khi vua Lê Thánh Tông lên vãn cảnh, thấy sắc hoa tươi đẹp nên cho đổi là chùa Hoa Yên.

Chùa Hoa Yên ở độ cao 535m so với mực nước biển, là ngôi chùa chính của cả hệ thống chùa ở Yên Tử. Trên 700 năm trước, chùa chỉ là một thảo am để đệ nhất tổ Trần Nhân Tông giảng đạo. Chùa được xây khang trang bắt đầu từ thời đệ nhị tổ Pháp Loa. Cả ba vị tổ Trúc Lâm đều đã trụ trì tại chùa này.

Nhìn theo thế núi, chùa Hoa Yên tọa lạc nơi đầu rồng, núi nhô ra như trán, mũi, hàm rồng. Đôi mắt rồng ở ngôi tháp tổ, hai dãy núi tây, đông vươn về nam, ôm lấy con đường hành hương dưới chân núi Giải Oan như đôi cánh tay rồng. Ngoài những tượng, bia, tháp cổ, chùa Hoa Yên còn lưu lại những di vật quý giá: Gạch hoa cúc, ngói mũi hài kép thời Trần, những bức phù điêu chạm trên đá hình sư tử, đầu rồng, bệ tượng tam thế, chậu hoa, tay vịn tầng bậc, đá trang trí kiến trúc (khối chạm rồng cuộn, khối chạm nghê). Cuối năm 2002, chùa Hoa Yên được tôn tạo lại, cấu trúc gần giống hình chữ “quốc” kiểu chùa gọi là “nội công ngoại quốc”, do thập phương công đức.

T.H.V

(QĐND)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here