Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Đầu năm cung chiêm Cửu đỉnh ở Thế Miếu trong kinh thành...

Đầu năm cung chiêm Cửu đỉnh ở Thế Miếu trong kinh thành Huế

136
0

Theo dòng lịch sử, may mắn thay cơ ngơi của các tôn miếu nay vẫn còn tồn tại. Tế Giao, tế Xã Tắc, tế Tôn Miếu, kể cả lễ kỵ Miếu và Điện ở các lăng tẩm là để tỏ lòng tri ân và cầu nguyện Quốc Thái Dân An.

Vào đầu tháng ba năm Tân Tỵ, 1821; vua Minh Mạng phái Chưởng Tượng quân Nguyễn Đức Xuyên và Hữu Tham tri Bộ Binh Nguyễn Khoa Minh trong coi việc xây dựng miếu Thế Tổ. Tháng giêng năm sau Thế Miếu làm xong. Miếu này có cơ ngơi uy nghi và bề thế, bao gồm nhiều hạng mục cao trọng.

Thế Miếu thờ Thế Tổ Cao Hoàng Đế và Cao Hoàng Hậu sau ngày mãn tang. Hằng năm vào tiết Đoan Dương (từ ngày 1 đến 15 tháng 5 âm) và hai kỳ tế về mùa hạ, mùa đông thì đích thân vua Minh Mạng đến tế.

Cạnh Thế Miếu là điện Phụng Tiên, tiền thân có tên gọi điện Hoàng Nhân được dựng thành từ năm 1814, là ngôi điện thờ phụng tổ tiên nhà Nguyễn. Vào tháng giêng năm Đinh Dậu, 1837, nhà vua mới cho dời về phía sau Thế Miếu, đổi kiến trúc từ 3 gian thành 9 gian. Miếu ở đằng trước, điện ở đằng sau là rất thuận lẽ. Tháng 6 cùng năm ấy, điện mới Phụng Tiên làm xong. Vua Minh Mạng ban lời dụ: hằng năm từ ngày 1 tháng 2 đến cuối tháng 9 không phải phô bày cổ vật, từ ngày 1 tháng 10 đến cuối tháng giêng mới kính cẩn đem ra trưng bày báu vật ở điện này.

Nói đến quốc báu thời nhà Nguyễn, học giả Vương Hồng Sển (1902 – 1996) có bài viết “Cung Điện Huế Đô năm 1908” theo lối tạp bút nhưng nghiêng nặng về biên khảo, dịch thuật và đưa ra nhiều nhận định sáng giá. Nhà khảo cổ họ Vương đã nhắc đến 9 cái đỉnh bằng đồng trước sân Thế Miếu và đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò, chức năng khác của điện Phụng Tiên là trưng bày cổ vật quí giá với số lượng và thể loại có tầm vóc của một bảo tàng cung đình. Bài viết của cụ Sển được in chung với những cảo bản khác cùng một tác giả thành cuốn sách quí Tạp bút năm Nhâm Thân, do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, 2003.

Cụ Sển, nhà chơi đồ cổ kỳ lão, người Nam Bộ chỉ ra Cố đô Huế tham quan và dạy ở trường Đại học Văn khoa Huế 2 lần vào năm 1958 và 1966. Chúng tôi có dịp may được Cụ cho tháp tùng đi thăm Thế Miếu và điện Phụng Tiên vào lần thứ hai trong dịp Cụ lưu lại Cố đô Huế nhiều ngày. Cuối đời, lúc đã ở vào tuổi 92, Cụ vẫn khiêm tốn viết vắn tắt về 9 cái đỉnh đồng trong sân Thế Miếu:

“Cửu đỉnh nơi Đại Nội. Biết gì mà nói. Chín đỉnh nầy là lịch sử, địa dư cà cuống, đuông chà la, géographie của Việt Nam ta đó”.

Muốn viết một tiểu phẩm ngắn hơi, để thuyết minh về Cửu đỉnh cho du khách tham quan Thế Miếu đã là chuyện khó, huống chi nuôi tâm dưỡng trí mà dựng thành cuốn sách.

Tháng 10 năm Ất Mùi, 1835, bắt đầu đúc chín đỉnh để ở sân nhà tôn miếu. Tên chữ “Cửu đỉnh” góp phần làm rạng rỡ uy danh ngôi báu của vương triều trị nước dài lâu và vững bền như ý nghĩa lời chúc hổ mà văn thần Phạm Gia Huệ đã viết trong lời kết của bài“Thái hòa cảnh tượng chí” dưới thời vua Tự Đức: 

                      “Nước yên chín vạc,
                        Tộ dõi muôn đời”.

Bao thuở thái bình, phỏng lấy câu vũ trụ thái hòa làm câu kính chúc.

Dụng ý thâm hậu của việc đúc Cửu đỉnh từ buổi dựng nước, hẳn đúng như lời Dụ của vua Minh Mạng với triều thần ở Nội các; trước khi khởi công:

“Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quí ở trong nhà tôn miếu. Xưa các minh vương đời Tam đại lấy kim loại do các quan mục bá chín châu dâng cúng, đúc 9 cái đỉnh để làm vật báu truyền lại đời sau”

Đỉnh là vạc theo ngôn ngữ thông thường như văn chương quốc âm đã dựa vào “chức năng” để phiên âm dịch nghĩa. Chứ trong thực tế, không mấy ai nhất quyết gọi “vạc” là “đỉnh” bao giờ. Đời chúa Hiền vương Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687) đúc nhiều “vạc đồng”. Hai chiếc vạc đồng lớn được kê đặt hai bên tả hữu sân điện Cần Chánh trong Đại Nội là một minh chứng tỏ rõ hình tượng của “vạc” có nét khác biệt với “đỉnh”.

Cửu đỉnh là 9 cái đỉnh đồng kỳ vỹ, đồ sộ đứng sừng sững trước sân Thế Miếu theo trục chính nhìn từ tiền đường Thế Miếu thẳng lối ra Hiển Lâm Các ba tầng. Cảnh trí nơi đây thật phong quang và thanh tú. Thế Miếu uy nghiêm và cao trọng. Sáng mai Cửu đỉnh phơi sương sớm, trưa chiều nắng vàng tắm gội. Chốn cung môn có chuông, có trống, có Cửu đỉnh. Ngày xưa, kẻ sĩ trong nước từng ước mong tu thân, lập đức tranh tài để được hưởng ơn mưa móc từ Cửu trùng ban xuống cân đai, áo mão:

                “Nhởn nhơ trong cõi hồng trần,
                Gặp ngày chung đỉnh đai cân cũng vừa”
                                                         (Nguyễn Công Trứ, Nợ phong trần) 

Đọc quốc sử rồi, nếu có dịp tham quan Thế Miếu để nhìn tường tận 9 cái đỉnh lớn cho thỏa con mắt và đồng thời kiểm chứng được một số nhầm lẫn hoặc sai sót của người dịch sử sách khiến cho người viết những bài chuyên khảo sau về Cửu đỉnh ngắn hoặc dài ít có dịp đi điền dã vướng phải gai góc nên đã nhầm lẫn tiếp theo. Quả thực, trăm nghe không bằng một thấy, thậm chí có thể dùng tay để gỏ hoặc sờ bằng tay lên thân từng đỉnh để nghe “tiếng đồng xưa” muốn nói điều gì cùng ta được biết rõ hơn. Những điều khúc mắc mà lý thú ấy đã được tác giả “Đất nước Việt Nam qua Cửu đỉnh Huế” mất nhiều công sức tra cứu, thực địa để biên khảo, đính chính giải tỏa những sai sót trước đây.

Ngoài tên gọi 9 đỉnh, ở mỗi đỉnh được khắc họa 17 tên gọi về tinh tú, sông núi, cửa ải, chim muông, thảo mộc, binh khí, quân dụng. Cái trật tự ấy không nhất thiết phải duy trì đúng vị trí trước sau trên hình khắc họa để đúc vào từng đỉnh một. Nghệ nhân đúc đồng tuân thủ ý chỉ được quyền uyển chuyển trong khi bày trí vào mặt cầu theo hình tròn của từng đỉnh. Những người thợ giỏi có thiên tư, hoa tay thể hiện từng hình tượng nghệ thuật tinh vi, chữ Hán viết theo lối chữ chân pha kiểu chữ lệ và biến thể linh hoạt xếp đặt ở vị trí thích hợp, hài hòa với từng cảnh sắc. 

Tổng cộng 162 họa tiết khắc nổi trên 9 đỉnh. Dụng ý lưu tâm đến con số 9 hoặc bội số của nó mang ý nghĩa diệu kỳ biểu trưng ngôi vị của nhà vua đặt ở chốn Cửu trùng, được văn học chuyển ngữ chín tầng mây hoặc chín tầng trời.

Vua đang tại vị sống ở cung vua, làm việc ở cung điện và vi hành ngoài chốn dân gian. Lúc vua băng hà, theo triều điển vua kế vị dâng “thụy”; khi hết tang được thăng hưởng ở Thế Miếu. Cửu đỉnh khơi gợi hồn thiêng đất nước, tinh anh của muôn loài, muôn vật hình thành nên non sông gấm vóc; địa linh sinh nhân kiệt làm cho nòi giống rạng rỡ. Lời chúc hổ còn truyền tụng: Hoàng đồ củng cố thì Đế đạo hòa xương; nghĩa là cơ đồ sự nghiệp nhà vua vững bền thì đạo vua tôi hòa thuận làm cho đất nước thịnh vượng.

Bức tranh toàn cảnh của Thế Miếu là cái nền, là bộ mặt của quốc gia được nhìn nhận theo lối biểu trưng và ẩn dụ. Cửu đỉnh là sản phẩm trí tuệ linh diệu của dân tộc, là cái hình trỗi vượt lên, thăng hoa thành hồn nước. Người thông tuệ kinh điển như cụ Nguyễn Công Trứ, lúc ngồi ghế Phủ Doãn Thừa Thiên, cụ đã sáng tác bài hát nói có tựa đề “Ngao du cho thỏa chí” dẫn lời cổ nhân để lý giải về nhân luân, về tam cương ngũ thường:

              “Đạo thông ra ngoài các vật hình của trời đất,
              Ý chen vào trong sự biến chuyển theo gió mây”.

Ẩn ngữ là thế, nhưng lắm người lại hỏi: Cửu đỉnh có phải là vật vô tri không? Xin được nói ngay: Không, nhất thiết là không. Nếu bạn gỏ nhẹ tay hoặc sờ lên hình tượng, họa tiết trên một đỉnh của 9 đỉnh sẽ nghe tiếng đồng cổ rung nhẹ thành âm ba từ quá khứ của 173 năm về trước và trước nữa từ thuở xa xăm, xa xưa vọng về:

                             “Cảnh thanh tú bầu trời vượng thái,
                              Đất thiêng liêng thụy khí nhân luân”.

Chuyện chung vạc tức chuyện liên quan đến “cái đỉnh, cái chuông”, nói gọn lại là “chung đỉnh”, không những là việc đối xử, ứng xử của người đời, cho người sống mà còn cho người đã khuất, đã hy sinh vì đại nghĩa. Văn tế chiến sĩ trận vong ở trấn Bắc Thành do Vũ Lượng biên soạn có hai câu đáng nhớ: 

        “Dưới trướng nức vùi chung vạc, sực nhớ khi chén rượu rót đầu ghềnh,
         Trong nhà rỡ vẻ áo xiêm, chạnh nghĩ buổi tấm cừu hong trước gió”.

Tương truyền khi đọc văn tế này, khách mày râu theo nghiệp đao binh không cầm được nước mắt; lại nữa khi đốt văn tế thả xuống dòng sông Nhị Hà thì mặt nước bỗng nhiên cá vờn lên gây thành sóng làm chao thuyền.

Một chữ “đỉnh”(鼎) gồm 13 nét, cấu trúc của từ linh diệu này gồm chữ “mục”(目) nghĩa là “mắt, nhìn” thịt con vật để tế lễ, chia nhiều phần nhỏ, còn gọi là con “sinh”, nằm hai bên cân phân đối xứng có dạng hình chân đứng và quai của chiếc đỉnh. Chiếc đỉnh xông trầm hương dùng trong tế tự ở nước, ở làng, ở đền, ở miếu, ở chùa đều lấy dạng thức của hình tượng chữ “đỉnh” thu hẹp lại. Có khác chăng ở chỗ độc lư hoặc đỉnh xông trầm có nắp đậy, còn đỉnh lớn hoặc vạc thì không có nắp.

Tế lễ xong, chủ tế và thần dân được hưởng phần và quà theo lối “thừa thần chi huệ’. Vật gì cũng có “thể” và “dụng” của vật ấy. Đạo trời, thiên đạo cũng vậy. Đạo của Phu Tử chỉ có “trung” (忠) và “thứ’ (恕). Trung là hết lòng với người, thứ là suy mình đến người khác. Trung là “thể’ của thứ, thứ là “dụng” của trung. Trung thứ (忠恕) là thể dụng của “nhân” (仁).

Con người muốn đạt quả vị của “chữ nhân” thì phải bắt đầu bằng “trung thứ”. Nhân, lễ, nghĩa, trí là “tứ đoan” (bốn núi), hợp với “tín’ trở thành “ngũ thường”. Tam cương ngũ thường là “thường kinh của đất trời”, là “thông nghị của kim cổ”. Nhân tâm kết hợp với thiên lý làm một, đó là “nhân”. Tam cương ngũ thường là đạo lý làm người từ thời xa xưa, tinh anh ấy do loài người tư duy mà hình thành như quy luật đạo lý làm kim chỉ nam cho hành trạng bước vào ngưỡng cửa cuộc đời. Từ buổi ban đầu nguyên thủy, không ai cho rằng các dường mối luân lý ấy là phát hiện, là minh triết của một dân tộc nào; mà là trí tuệ của nhân loại.

Sách Tả Truyện cho biết nước Tấn đúc vạc để chép hình luật. Nghe biết điều ấy, Đức Phu Tử liền nhận định, bằng lời tiên đoán: “Nước Tấn sẽ mất thôi”. Lạm dụng hình phạt thì làm sao mà tôn kẻ quý. Kẻ quý người hèn không có thứ bậc thì trị nước sao được?

Họa tiết được khắc họa trên vạc hoặc đỉnh phải có dụng ý sâu xa nhằm tính chuyện giáo hóa quốc dân, giữ vững đất nước bền lâu và hưng vượng.

Ngày lành tháng 10 năm Ất Mùi, 1835, trước khi tiến hành đúc Cửu đỉnh, vua Minh Mạng căn dặn Bộ Công: “Nay đúc đỉnh, khắc các hình tượng sông, núi và mọi vật cũng không cần phải khắc đủ cả, duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để tiện nhận xét. Đó là cái ý người xưa vẽ hình mọi vật”.

Việc dịch ra quốc ngữ về tên gọi các hình tượng trên từng đỉnh có nhiều tên chữ không được chuẩn mực hoặc nhầm lẫn làm biến tướng biến nghĩa. Tổng cộng có 27 tên gọi bị biến tướng: ở Cao đỉnh có 4 tên; Nhân đỉnh có 3 tên; Chương đỉnh có 4 tên; Anh đỉnh có 2 tên; Nghị đỉnh có 2 tên; Thuần đỉnh có 2 tên; Tuyên đỉnh có 2 tên; Dụ đỉnh có 4 và Huyền đỉnh cũng có 4 tên hình tượng sai nhầm cần phải được đính chính. Chẳng hạn như hình trường thương là giáo dài thì lại dịch là súng trường…

Cửu đỉnh là báu vật bằng đồ đồng. Kỹ thuật đúc đồng đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật đúc những chữ viết, hình tượng trên mặt hình cầu của từng đỉnh lớn một rất tinh vi. Sân Thế Miếu, nơi đặt 9 cái đỉnh uy nghi, hoành tráng và phong quang. Nay dịch các thuật ngữ khắc nổi trên thân từng đỉnh mà không lưu tâm ít nhiều đến “Tiếng Huế” còn lưu truyền để dịch cho chuẩn, cho rõ và lại dễ hiểu thì tiếc lắm thay. Hình tượng Phổ Lợi Hà (sông Phổ Lợi), không thể nào dịch là Phả Lợi (ở Nhân đỉnh); Ly Ngưu là con bò tót, ít ai nói con bò lang theo lối nửa Nôm nửa Hán (ở Thuần đỉnh); Biển đậu là (cây) đậu ván, không ai gọi là cây biển đậu; Sơn mã (山馬) là con hươu, chứ không phải con ngựa (ở Huyền đỉnh), lẽ nào cứ để cho nó “trùng phùng” với hình tượng con ngựa (mã (馬) được khắc ở Anh đỉnh)…không thể nói hết, chỉ nêu lên một vài “tình tiết” tiêu biểu. Nhờ đọc chậm, và đối chiếu giữa sử liệu, bản dịch của những bậc trí giả đáng kính trước đây mà chúng tôi tìm ra những nét khấp khểnh, so le như thế giữa sử liệu chính thống với thực tế khắc trên di sản Cửu đỉnh.

Hình tượng, chữ viết trên từng đỉnh đồng có giá trị như lời văn và họa tiết trên bia đá, rạch ròi từng đỉnh một. Tuyệt đối không có chuyện nhầm lẫn đáng tiếc theo lối “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Trong quá trình biên soạn “Đất nước Việt Nam qua Cửu đỉnh Huế”, ông Dương Phước Thu đã phát hiện nhiều lỗi sai về chuyện hình tượng và chữ viết minh họa của đỉnh này sang đỉnh khác do những người viết biên khảo về Cửu đỉnh đi trước vấp phải. Chuyện “tréo hèo” này, không phải ở một đỉnh mà đến 4 đỉnh! Xin dẫn chứng:

– Hoàng oanh (黃鶯) tức chim vàng anh: Đại Nam nhất thống chí, Sài Gòn (1962), Hà Nội (1969) chép hình tượng chim này khắc ở Tuyên đỉnh; thực tế chim vàng anh được khắc ở Thuần đỉnh.

– Tần cát liễu (秦吉了) tức chim nhồng, cũng theo hai bản dịch trên, ghi chép hình tượng chim này ở Dụ đỉnh, kỳ thật là ở Tuyên đỉnh.

– Anh vũ (鸚鵡) tức con vẹt, theo sách đã dẫn và một số sách biên khảo khác để hướng dẫn khách du lịch gần đây, ghi hình tượng chim vẹt ở Tuyên đỉnh. Kỳ thật họa tiết này được khắc ở Dụ đỉnh.

– Xa (車) tức cái xe hoặc chiếc xe, gọi tắt một tiếng là “xe”. Sách “700 năm Thuận Hóa-Phú Xuân-Huế” lại chép họa tiết này khắc ở Anh đỉnh. Thực tế hình tượng chiếc xe khắc ở Huyền đỉnh…

Ngoài ra, có một số nhầm lẫn đáng tiếc nữa do người dịch sách Đại Nam Thực lục chính biên, xuất bản 1968, tái bản 2004, như đã chuyển ngữ từ bản gốc chữ Hán ra chữ quốc ngữ 2 từ Thốc thu dùng để chỉ tên “chim ông lão” thành “núi Thúc Thu”. Thế rồi, dựa vào bản dịch Thực lục ấy, một số sách biên khảo sau lại ghi “chim ông lão” thành “núi Thúc Thu”?.

Cửu đỉnh là quốc báu, di sản quí giá, không đơn thuần chỉ là đồ đồng có pha chút kẽm, thiếc, chì mà kỹ thuật đúc cho phép. Hình tượng của đỉnh, họa tiết, chữ viết trên mặt cầu của từng đỉnh, ánh sáng của kim loại đã ngã sang màu đen huyền như là những trang sách quí, lung linh nghĩa lý thanh thoát. Cửu đỉnh là pho sách lớn để giáo hóa quốc dân ghi nhớ nằm lòng những ý nghĩa thâm hậu của đạo làm người và trị nước như “lời vàng” mở đầu của sách Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, rằng:“Đức lớn của trời đất là sinh, duy ở trước sau không ngừng, báu lớn của thánh nhân là vị, truyền trao được đúng là quí”.

Thuận với lẽ trời đất tức thiên lý, hợp với nhân luân tức giềng mối chuẩn định tôn thống để trao ngôi báu đúng người kế vị theo cái trật tự của từng đỉnh ứng với danh xưng các án thờ tại Thế Miếu, rõ nét nhất qua 4 đời vua Gia Long (Cao Hoàng Đế), Minh Mạng (Nhân Hoàng Đế), Thiệu Trị (Chương Hoàng Đế), Tự Đức (Anh Hoàng Đế). Thời thế chao đảo, vận nước chông chênh từ sau ngày vua Tự Đức băng hà khiến cho quốc sử phải vận dụng lối viết chấp kinh tùng quyền theo bước ngoặc lịch sử để thiết lập 3 án thờ vua Kiến Phúc (Nghị Hoàng Đế), Đồng Khánh (Thuần Hoàng Đế) và Khải Định (Tuyên Hoàng Đế). Còn khuyết hai án ứng với hai đỉnh là Dụ và Huyền, chưa có án thờ theo qui định của vua Minh Mạng thì vai trò vương triều của nhà Nguyễn kết thúc năm 1945.

Bằng giải pháp “tình thế” vào năm 1958, tại Thế Miếu, con cháu hoàng tộc nhà Nguyễn đã thiết thêm án thờ ba vua yêu nước là Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân; trong ba án thờ có hai án ứng với hai đỉnh còn lại (nhưng vẫn không có tên thụy). Như vậy có một án sẽ không ứng với đỉnh nào cả? Cung chiêm Cửu đỉnh, nhìn trước nhìn sau cũng chạnh lòng. Hỏi trời! Trời ở trên cao. Lục xem điển cố thấy rõ “lễ do nghĩa mà đặt ra”!

Ngẫm lại cái uẩn khúc kỳ diệu của Cửu đỉnh – di sản thể hiện minh triết Việt ẩn hiện trên chất liệu bằng đồng quí giá, vô cùng quí báu trở thành đề tài “gai góc” khiến cho nhiều người né tránh, không dám “đâm bút sâu” vì ngại chợt sơn, “chảy máu” một cách vô tình!

Luận giải, đương nhiên phải khởi sự bằng thủ pháp miêu tả, rồi mới suy tư đưa ra cảm nhận và theo lối trình bày với độc giả một cách dễ hiểu, có tình, có lý, có nghĩa. Thì ra, “đạp phải gai góc” thấy đau ở chân mới nghĩ đến sự thế buổi đầu xa xưa cũng thật thú vị; đúng là cái thú của dân thích cổ ngoạn.

Đọc và viết xong lời bạt cho sách “Đất nước Việt Nam qua Cửu đỉnh Huế”, tôi thật sự vui mừng vì lẽ thấu hiểu và say mê thêm về một giai đoạn lịch sử văn hóa của dân tộc. Dẫu có say nhưng lòng vẫn niệm tĩnh, để khơi gợi lại chuyện xưa vừa hoành tráng vừa uy phong nhưng cũng thấm ướt một lớp bụi hồng trần bi dũng. 

Vào Thế Miếu, gỏ nhẹ lên thân Cửu đỉnh ta sẽ nghe được tiếng đồng vọng ngàn xưa của tổ tiên truyền lại.

L.Q.T 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here