Chi thứ 5 trong 12 chi là THÌN, tượng cho con Rồng, chữ Hán viết LONG (龍). Còn đọc là “thần”, có nghĩa lý như chữ “Thần” (宸), dị âm đồng nghĩa. Chữ này còn có nghĩa là cung vua. Cung điện sơn màu đỏ là vì thế. Từ xa xưa trong khuôn viên, cung điện nhà vua chọn trồng nhiều cây phong. Lúc sương xuống lá phong nhuốm màu đỏ. Chữ viết hình tượng lấy nghĩa biểu trưng, thăm thẳm một chiều sâu qua thành ngữ “sơn son thếp vàng”. Nhà vua bận áo màu vàng lúc ngự triều, viết chữ bằng son đỏ gọi là “ngự bút châu phê”.
Chữ THÌ (時) còn đọc là “thời” ý chỉ thời gian. Âm lịch chia một ngày thành 12 giờ. Giờ Thìn từ 7 giờ đến 9 giờ sáng. Người xưa khéo ví von “thì giờ là khách qua đường của trăm đời”. Nói có sách mách có chứng, bài Xuân dạ yến đào lý viên tự của Lý Bạch viết: “Phù thiên địa giả vạn vật chi nghịch lữ, quang âm giả bách đại chi quá khách”. Nghĩa của câu ấy là: “Ôi trời đất là quán trọ của vạn vật, thì giờ là khách qua đường của trăm đời”.
Đồng hồ (horloge) là thước đo thời gian trong một ngày đêm gồm 5 canh sáu khắc. Nguyễn Gia Thiều viết: “Mắt chửa nhắm đồng hồ đã cạn”. Cao Bá Nhạ cũng viết: “Đồng hồ thảnh thót vơi đầy năm canh”. Nghĩa chữ “đồng hồ” nguyên ủy do người xưa dùng một cái bình đựng nước bằng đồng có lỗ nhỏ cho nước giọt dần, xem chừng mực nước thì biết giờ.
Dưới thời nhà Nguyễn do kiêng tránh tên vua Tự Đức là “Thì” (時) cho nên mượn chữ Thìn (辰) để thay thế và cũng còn đọc là “Thần” tùy theo văn cảnh. Tổ Khi viết: “Lương thời vị thử biệt, nhật nguyệt vạn hướng trừ”, nghĩa là “một năm đến đêm nay là hết, một năm mới sắp bắt đầu”. Đó là đêm giao thừa, mọi người đều ưa thức khuya để mừng Xuân mới.
Cao Bá Quát đã sáng tác bài hát nói thời danh, kết thúc bằng câu: “Hơn nhau cũng một chữ thì”. Và câu ấy trở thành tựa bài để cho dễ cảm, dễ nhớ ca từ bất hủ.
Chữ THÌN tượng cho con Rồng. Có con rồng xanh gọi là thanh long, con rồng vàng gợi tên Kim Long. Rồng là linh vật theo ý nghĩa lời ca dân gian: “Long Lân Quy Phượng một đoàn tứ linh”. Nhà bác học Lê Quí Đôn khảo về 12 động vật thuộc số thập nhị chi ở sách Vân đài loại ngữ đã truy nguyên từ thiên SINH TIỂU LUẬN là một thiên trong sách Luận hành của Vương Sung đời nhà Hán, đã nói về đặc điểm của loài Rồng như sau:
Quý thủy ở trên trời mà mưa, ở thân thể là tai; nhâm thủy sinh ở thân, tử ở mão, mộ ở thìn, cho nên loài rồng 5 vuốt, tai nhỏ, nghe kém (không thính)”.
Giải thích điều này phải dựa vào “hoa giáp”, một danh từ thường dùng để gọi 60 năm, từ Giáp Tý đến Quý Hợi. Từ Giáp Tý, Ất Sửu thuộc Kim đến Nhâm Thìn thuộc Thủy cộng 30 hoa giáp. Và từ Giáp Ngọ, Ất Mùi, thuộc Kim đến Nhâm Tuất, Quí Hợi thuộc Thủy cũng 30 hoa giáp.
Thiết tưởng, các họa tiết về Rồng trên giấy hoặc trên đồ thờ bằng sứ, bằng đồng hoặc khảm hình rồng bằng gỗ, bằng vật liệu đắp nổi hình tượng rồng phải tuân thủ một cách trung thực các đặc điểm tiên thiên nói trên của loài rồng. Như thế tuyệt nhiên không có chuyện rồng có số vuốt (móng) dưới con số 5. Vì vậy trong dân gian thường nói “vẽ rồng thì dễ, vẽ rắn thì khó”. Râu rồng có nét na ná với lá cây long tu, và xương rồng, thân rồng thì rắn rỏi, khúc khuỷu như hình tượng cây xương rồng vậy.
Rồng xuất hiện từ trong núi, bay lên trời phun nước tạo thành mưa, cứu dân vượt qua cơn đại hạn, tránh cho mùa màng thất bát. Chuyện cầu đảo ở các linh từ như miếu NAM HẢI LONG VƯƠNG ở cửa Thuận An. Khởi thủy, miếu này ở làng Dương Xuân, năm Gia Long thứ 12 (1813) dời về cửa khẩu ở kinh kỳ và đặt tên Thuận An hải khẩu thần từ, năm Minh Mạng thứ 3 (1822) cải đổi tên NAM HẢI LONG VƯƠNG. Miếu gồm 3 gian, gian giữa thờ thần vị Long Vương, phía bên trái thờ thần vị Thuận An hải khẩu, Tư Hiền hải khẩu, phía bên phải thờ thần vị Hà Bá. Mỗi năm dùng ngày Quí của sau khi tế Xã Tắc vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch cùng ngày Thượng quí tháng 11 sai quan địa phương đến tế lễ.
Rồng được tôn thờ như một vị thần vào tháng 5 năm Mậu Tuất, niên hiệu Minh Mạng thứ 19 (1838) ở ngoài kinh kỳ như sách Đại Nam thực lục chính biên đã chép:
“Vua nghĩ trời lâu không mưa, thường cầu đảo ở các linh từ, chưa được đáp ứng lập tức, nhân nghĩ tháng trước, có tiếng sấm phát ra ở núi Ô Phụ, núi đó tất có rồng, mà rồng bay lên ra mưa, sắc cho Kinh doãn truyền sức cho viên huyện Hương Trà đến núi ấy lập đàn cầu đảo, tức thì mưa ngay, xa gần thấm khắp.
Vua mừng tức thì phát hương lụa ở trong kho, sai Thị lang Lại bộ Tôn Thất Bách đi lễ tạ, sắc phong thần núi ấy là CHIÊU LINH PHỔ TRẠCH PHỤ Ổ SƠN LONG THẦN, hàng năm ở cuối mùa Xuân đến tế một lần. (Cứ sau ngày tế Nam Hải Long Vương một ngày thì làm lễ), đặt phu giữ 5 người”.
Rồng hiện phun nước ở núi Ô Phụ thuộc thôn Phù Ổ, tổng Long Hồ, huyện Hương Trà không những một lần mà nhiều lần. Đó là một trong những cơ sở đặt nền móng cho việc nhà vua truyền lệnh các tỉnh thành phải báo về triều đình các sông núi lớn ở từng địa phương. Vào tháng bảy, năm Mậu Tuất ấy, từ đầu mùa thu trời đại hạn, lúa ruộng ở vùng cao khô héo. Nhà vua sai quan cầu đảo ở các linh từ nhưng chưa thấy hiệu nghiệm. Tiếp tục cầu đảo ở miếu Đô Thành hoàng và đền Long Thần ở núi Phụ Ổ thì mưa to, đồng ruộng đầy nước và lúa mạ thi nhau lên tươi tốt. Vua Minh Mạng vui mừng, sai quan đem lễ bái tạ. Thưởng quan Khâm phái Hoàng Quýnh và Nguyễn Hanh mỗi người gia một cấp.
Tháng 3 năm Canh Tý, Minh Mạng thứ 21 (1840), nhà vua chuẩn y lời tâu của bộ Lễ: “Phàm vị thần nào đã biên vào điển lệ thờ cúng như thần núi Hải Vân, Thúy Ba, Phụ Ổ, Khải Vận, Hưng Nghiệp, Thiên Thọ và thần ngã ba sông Lô, sông Thao đều có đền riêng, vẫn theo điển lệ mà tế”.
Từ đó, tiến hành lập phương án xây dựng đàn SƠN XUYÊN ở các tỉnh trong nước để thờ thần Sông Núi dưới triều vua Tự Đức. Năm Thành Thái thứ nhất (1889) trở về sau do kiêng tránh chữ Chiêu vì kỵ húy cho nên đã sắc phong thần núi Phụ Ô là LINH ỨNG PHỔ TRẠCH PHỤ Ổ SƠN LONG THẦN. Thật đúng với lời dân gian: “Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai”. Rồng giữ vai trò điều tiết khí hậu, thời tiết sao cho gặp cảnh mưa thuận, gió hòa để mùa màng bội thu mà chữ Hán gọi là Phong đăng. Có một câu đối cổ nói rõ điều ấy:
Long phi phượng vũ tung thiên thụy
Nhất lãng phong hòa đại địa xuân
Tam dịch:
Rồng bay phượng múa đời tươi đẹp
Trời sáng phong hòa đất thắm xuân
Long phi còn có nghĩa là vua lên ngôi, những gì cao sang, tôn kính liên quan đến nhà vua đều được dùng những thuật ngữ gần nhiều chữ chỉ thuộc tính có thêm các từ như “long”, “hoàng”, “ngự”, “điện”… đặt trước hoặc sau. Riêng về địa danh, di tích ở cố đô Huế còn có các tên gọi Kim Long, Thanh Long, Hàm Long, Hàm Rồng (ở điện Hòn Chén), Long Hồ, Thảo Long, Long Thọ, Chí Long, Ô Long, Bến Ngự, Ngự Bình, Ngự Viên và Giác Hoàng, Long Quang (hai quốc tự).
Có những địa danh tưởng chừng như không liên quan đến vua chúa mà kỳ thực lại có tương liên tương tác. Dương Xuân là một điển hình. Về mùa xuân dương khí phát sinh mạnh, trời đất ấm lên, cây cối nẩy lộc, đâm chồi, ra hoa kết trái. Trong kinh Dịch, quẻ Kiền gồm 6 vạch ( ). Kiền tức là trời, có nghĩa là mạnh. Kiền là đầu muôn vật cho nên là Trời, là Dương, là Cha, là Vua. Kiền lấy con rồng làm Tượng, rồng là loài vật thiêng liêng biến hóa không thể lường được. Kinh Dịch viết: “Long hiện tại điền, lợi kiến đại nhân”, có nghĩa là “Rồng hiện ở ruộng thì lợi cho sự thấy của người lớn”. Ông vua lấy đức lớn để trị nước yên dân, bề tôi có đức lớn làm công thần danh tướng giúp vua khiến cho đất nước thịnh vượng.
Làng gắn liền hữu cơ và mật thiết với nước. Nước thịnh thì làng được hưởng ơn mưa móc. Vận nước có lúc thịnh, lúc suy khác nào khúc sông có bên lở, bên bồi. Trí tưởng của người dân thật phong phú và chân thật.
Làng ta mở hội vui mừng,
Chuông kêu, trống dóng vang lừng đôi bên.
Long ngai thánh ngự ở trên,
Tả văn, hữu võ bốn bên rồng chầu.
Hoặc:
Làng ta phong cảnh hữu tình
Dân cư giang khúc như hình con Long
Đón mừng Xuân mới năm Nhâm Thìn (2012), trước thời cơ và vận hội mới, dân tộc Viêt Nam nhanh chóng vượt qua những thách thức và phát huy thế mạnh của thế Rồng cuộn Hổ ngồi để sánh vai cùng bè bạn khắp năm châu bốn biển, xứng đáng là con Rồng cháu Tiên, vừa hùng vừa dũng nhưng rất thuận hòa nhân ái theo đúng lời chúc phúc Thiên Hạ Thái Bình…
Có thân phải giữ lấy thân,
Có hồn dân tộc trăm phần phải lo.
(Huy Cận)
L.Q.T