Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Chuyện về ông chủ trẻ nghề mõ xứ Cố đô

Chuyện về ông chủ trẻ nghề mõ xứ Cố đô

123
0

Ông chủ trẻ của xưởng mõ Phạm Ngọc Thanh Hải (28 tuổi), thế hệ thứ ba của một gia đình có truyền thống làm nghề mõ ở xứ Huế.

Đam mê với mõ

Ít ai có thể ngờ rằng chàng thanh niên 27 tuổi trắng trẻo, tuấn tú Phạm Ngọc Thanh Hải lại đang là chủ của một xưởng mõ nằm trên đồi đất cằn thôn Hạ 2. Bởi ngay trong xưởng mõ nhỏ của mình, anh cũng đánh trần, đích thân ngồi đẽo, chuốt mõ như bao công nhân khác. Được đích thân nhìn thấy đôi bàn tay khéo léo của Hải đục đẽo, tạo hình cho những chiếc mõ, mới thấy được niềm đam mê với nghề của chàng trai trẻ này.

Hải “mõ” luôn nâng niu những sản phẩm mới ra lò

Sinh ra trong tiếng mõ, lớn lên cùng cái chày, cái đục và mùi gỗ mít làm mõ, không biết từ khi nào “dòng máu mõ” ngấm sâu vào tiềm thức chàng thanh niên Thanh Hải. Thế là trong khi bạn bè cùng trang lứa chọn những con đường khác thì Hải quyết định nối nghiệp gia đình thắp tiếp truyền thống nghề làm mõ như một vận mệnh của mình.

Từ khi còn là một đứa trẻ, Hải đã tập tành đục đẽo, rồi đôi bàn tay ấy “bén duyên” với cái chày, cái đục từ lúc nào không hay. Hải bảo: “Lúc mới tập làm mõ, không ít lần bị đứt tay, chảy máu nhưng sao vẫn “nghiện” tiếng mõ đến nỗi không thể nào dứt được”. Dần dà, cùng với những bí quyết được truyền lại và sự rèn luyện của mình, Hải trở thành “con nhà mõ” chính hiệu như cách nói vui của anh.

Bây giờ, chỉ cần nghe tiếng mõ thôi là Hải có thể đoán biết được kích thước, độ dày mỏng của mõ và cả tuổi của gỗ. Hiện tại, Hải vẫn là người kiểm định “khó tính” nhất cho từng sản phẩm mõ do thợ của xưởng mình làm ra, thậm chí không ngại ngần loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng.


Mặc dù là nghề truyền thống của gia đình mình nhưng Hải luôn sẵn sàng truyền nghề cho thế hệ trẻ. Ảnh: Thảo Nguyên

“Níu giữ” nghề gia truyền

Là thế hệ thứ ba trong gia đình có truyền thống làm nghề mõ, Hải chia sẻ mình đã học được côngviệc này rất nhiều từ đời ông, cha của mình. Bố Hải, ông Phạm Ngọc Dũng và ông nội là Phạm Ngọc Dư đều là những “nghệ nhân” có tiếng của nghề làm mõ ở xứ Huế.

Những kinh nghiệm quý báu tích lũy từ những thế hệ đi trước chính vì thế càng làm cho mõ gia truyền nhà Hải nổi tiếng khắp vùng. Hiện tại, dòng họ Phạm của Hải còn có thêm xưởng mõ của ông nội và của bà cô của Hải, hàng ngày sản xuất được hàng trăm chiếc mõ to nhỏ các loại. Sản phẩm mõ làm ra đều được tiêu thụ rất nhanh, bởi đều đã có những “mối” quen thuộc nhận tiêu thụ.

Hải cho biết, có cả những bạn hàng ở tận TP Hồ Chí Minh hay tận tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng đặt hàng ở xưởng Hải. “Có khi các sư thầy đặt hộ cho các gia đình Việt kiều hoặc các thầy ở nước ngoài, rứa là mõ “xuất ngoại” ra quốc tế luôn” Hải tự hào chia sẻ.

Mặc dù có đến hơn 10 năm trong nghề làm mõ nhưng nghe nói ở đâu có xưởng mõ là Hải lại tìm đến học hỏi thêm kinh nghiệm. Hải chia sẻ, điều Hải luyến tiếc nhất là đã được ngỏ ý mời tham dự triển lãm Festival Huế năm 2010 nhưng do thời điểm ấy xuởng mõ của Hải quá bận bịu với những đơn đặt hàng nên không thể tham dự. Thế là cơ hội “vuột” khỏi tầm tay.

Hiện tại, ông chủ xưởng Thanh Hải đang ấp ủ dự định làm một chiếc mõ “kỉ lục” để nếu có cơ hội được tham dự triển lãm để quảng bá cho “thương hiệu mõ” truyền thống của dòng họ mình.

Sẵn sàng truyền nghề

Hiện tại, xưởng mõ của Hải có 6 lao động thường xuyên với mức lương trung bình hơn 1 triệu đồng/ tháng. Mặc dù là nghề truyền thống của gia đình nhưng Hải vẫn sẵn lòng truyền nghề cho những thợ học việc đang làm trong xưởng mình. Trong tương lai, Hải dự định khi tìm được nguồn vốn, nguồn nguyên liệu sẽ phát triển quy mô sản xuất của xưởng làm mõ. Hải còn ấp ủ dự định kết hợp làm du lịch bằng chính nghề truyền thống của mình.
 

 

Thảo Nguyên (Petrotimes)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here