Ông cũng là người tổ chức ấn hành Đại Tạng Kinh, một cuốn sách quan trọng của Phật giáo tại Việt Nam… Những thành tựu mà Pháp Loa có được đã khiến cuộc đời của ông được bao quanh bởi vô số những câu chuyện đẫm tính huyền thoại.
1. Pháp Loa sinh ngày 7 tháng 5 niên hiệu Thiệu Bảo thứ 4, tức năm 1284, quê ở làng Cửu La, huyện Chí Linh, lộ Lạng Giang (nay là huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Ông vốn tên thật là Đồng Kiên Cương, sau này đi tu mới đổi pháp hiệu là Pháp Loa. Cha của Pháp Loa là Đồng Thuận Mậu, mẹ tên là Vũ Từ Cứu. Câu chuyện về sự ra đời của Pháp Loa lưu truyền từ trước tới nay đẫm màu huyền thoại, vẫn chưa thể biết là thật hay giả.
Tương truyền, có lần bà Vũ Từ Cứu có lần nằm mộng thấy một vị thần đến trao cho thanh kiếm, bà vui vẻ nhận rồi sau đó thì mang thai. Trước khi sinh Pháp Loa, cha mẹ ông đã sinh tới 8 người con nhưng đều là gái, vì vậy sợ lần này cũng sinh ra con gái nên mẹ ông đã dùng thuốc để bỏ cái thai đi. Tuy nhiên, thuốc không có công hiệu dù mẹ ông đã cố gắng dùng thuốc tới 4 lần. Và cuối cùng, Pháp Loa đã được sinh ra.
Chuyện cũng kể rằng, khi Pháp Loa mới sinh ra, người ta cảm thấy có một mùi thơm kỳ lạ bay tỏa khắp nhà. Mọi người đều cho rằng đó là điềm lành và đứa bé này chắc chắn sẽ làm nên sự nghiệp lẫy lừng. Cha mẹ Pháp Loa sinh được con trai lại là một đứa bé kỳ lạ nên rất vui mừng. Nhân việc mẹ ông dùng thuốc phá thai tới 4 lần mà vẫn sinh ra được Pháp Loa nên cha mẹ ông mới quyết định đặt tên cho ông là Kiên Cương (nghĩa là cứng rắn).
Không hề phụ sự kỳ vọng của cha mẹ, ngay từ nhỏ, Pháp Loa đã tỏ ra là một đứa trẻ thông minh, học một biết mười. Tuy tuổi còn rất trẻ nhưng Pháp Loa đã rất uyên bác. Ông không chỉ tinh thông Phật học mà cả Nho, Lão cũng rất am tường. Một điều đặc biệt là từ nhỏ tới lớn, Pháp Loa tuyệt đối không dùng các thứ thịt, cá. Ngoài ra, ông cũng không hề nói lời xấu, ác và rất biết trọng đức hiếu sinh, giống hệt như một đệ tử nhà Phật.
Năm Hưng Long thứ 12, tức năm 1304, Hoàng Giác Điếu Ngự Trần Nhân Tông, vị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cùng với đoàn sứ giả du hành khắp nơi trong cả nước để hoằng pháp, bố thí và khuyên dân phá bỏ những miếu thờ thần không chân chính, hướng tâm vào các việc phúc thiện. Khi đoàn sứ giả của Trần Nhân Tông tới huyện Nam Sách quê của Pháp Loa, ông đã tìm đến yết kiến Hoàng Giác Trần Nhân Tông và cầu xin được đi xuất gia.
Hoàng Giác Trần Nhân Tông nhìn cậu bé Pháp Loa khôi ngô, tuấn tú vui mừng nói: “Kẻ này có tuệ nhãn, ắt sau này làm long thịnh cho Phật pháp!” thế rồi cho ông đi theo hầu về chùa Long Động, làm lễ xuống tóc và cho thụ giới sa di. Sau đó, Hoàng Giác Trần Nhân Tông gửi Pháp Loa tới tham học với hòa thượng Tính Giác ở Quỳnh Quán. Ở đây, Pháp Loa chuyên nghiên cứu kinh Lăng Nghiêm, khi đọc phần chính tông, khi nói về việc đệ tử A Nan bảy lần hỏi về cái “tâm” đến đoạn nói về “khách trần” thì bừng tỉnh, nhận ra là, “tính thấy vốn không sinh, diệt” thì Pháp Loa có được sở ngộ.
Một hôm, Pháp Loa về gặp thầy mình là Hoàng Giác Trần Nhân Tông và trình kiến giải của mình bằng một bài tụng về “tam yếu”.
Tuy nhiên, bài tụng của ông bị Hoàng Giác Trần Nhân Tông gạch một gạch dài từ trên xuống dưới. Sau đó, Pháp Loa thỉnh cầu mấy lần nhưng Trần Nhân Tông đều làm thinh, bảo: “Hãy tự mình tham khảo lấy”. Đêm ấy, Pháp Loa về phòng nhập thiền, tâm trí bị dao động mạnh với bao ý nghĩ vụt hiện, vụt tắt. Đến quá nửa đêm, nhân thấy hoa đèn tàn rồi rụng xuống, Pháp Loa chợt đại ngộ. Sáng hôm sau, Pháp Loa lên trình chỗ sở ngộ của mình tối hôm qua và được Hoàng Giác Trần Nhân Tông ấn chứng.
Từ đó, Pháp Loa nguyện tu theo mười hạnh đầu đà và phát lời nguyện nổi tiếng: “Chư Phật và Bồ Tát, có những hạnh nguyện nào, tôi xin học và thực hành theo; dù chúng sinh khen hay chê, dù khinh hay trọng, dù bố thí hay cướp đoạt, khi mắt thấy, tai nghe cũng đều hỉ xả, khiến cho tất cả cùng bước lên nấc thang giác ngộ”.
Tượng Pháp Loa |
Đến năm Hưng Long thứ 13, tức năm 1305, Hoàng Giác Trần Nhân Tông lập đại giới đàn để Pháp Loa thụ Tỳ khưu và Bồ tát. Lúc này, Hoàng Giác Trần Nhân Tông mới quyết định đổi pháp danh Thiên Lai của ông thành Pháp Loa. Qua nhiều lần khảo chứng, nhận thấy Pháp Loa đã ngộ đạo, lại tinh thông kinh điển nên Hoàng Giác Trần Nhân Tông đã cử ông làm chủ giảng tại chùa Báo Ân ở Siêu Loại (nay thuộc Bắc Ninh). Năm 1307, Pháp Loa cùng với năm vị pháp hữu tới am Ngọa Vân cầu thỉnh Trần Nhân Tông dạy bộ Đại Tuệ Ngữ Lục.
Tháng 5 năm đó, trên am Ngọa Vân, khi làm lễ bố tát xong, ngài được Hoàng Giác trao y bát và tâm kệ. Tới đúng ngày mồng 1 Tết năm 1307, Pháp Loa ngài chính thức được Hoàng Giác cử giữ chức trụ trì chùa Báo Ân, và được suy tôn là Tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngày 3 tháng 11 năm Hưng Long thứ 14, tức năm 1308, Trần Nhân Tông qua đời. Pháp Loa phụng mệnh đưa xá lợi vua về kinh đô.
2. Sau khi Pháp Loa chính thức được suy tôn là Tổ thứ 2 Thiền phái Trúc Lâm, trở thành người lãnh đạo Phật tử trong cả nước, số người xin xuất gia và quy y học đạo rất đông, số lượng lên tới hàng vạn. Do đệ tử ngày một đông nên Pháp Loa phải nhờ hai vị sư huynh là Tông Cảnh và Bảo Phác về chùa Báo Ân dạy luật Tứ phần cho các đệ tử.
Khi đó, Tông Cảnh trụ trì chùa Tiên Du và Bảo Phác trụ trì chùa Vũ Ninh, cả hai người lúc đó đều đã được triều đình tôn là quốc sư. Pháp Loa nhận trách nhiệm giảng các bộ kinh lớn như Kim Cương, Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, Lăng Già, Viên Giác, Pháp Hoa và Niết Bàn, các bộ ngữ lục như: Đại Tuệ Ngữ Lục, Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục… Ngoài ra, ông còn tới thuyết pháp cho tín đồ tại các chùa Quỳnh Lâm, Dưỡng Phúc, Xí Thịnh Quang, An Lạc Tàng Viện và Kiến Xương phủ.
Trong số các đệ tử kể trên, đắc pháp khoảng 3.000 người. Số tự viện cũng được xây dựng rất nhiều, gồm 800 sở, dựng hai đài giảng kinh, xây 5 cây bảo tháp, đúc 1.300 tượng Phật lớn nhỏ bằng đồng. Trong thời gian này, Pháp Loa cũng là người tổ chức in bộ Đại Tạng Kinh đời nhà Trần nổi tiếng còn được lưu truyền đến ngày nay. Chưa bao giờ Phật giáo phát triển thịnh vượng đến thế.
Tới năm Đại Khánh thứ 4, tức năm 1317, đời Trần Minh Tông, Pháp Loa bị ốm nặng liền viết tâm kệ và lấy bộ pháp y của Hoàng Giác trao cho mình khi trước để trao lại cho đệ tử Huyền Quang, pháp khí và tích trượng thì trao cho Cảnh Nguyện, phất tử trao cho Cảnh Huy, gậy trúc trao cho Huệ Quán, pháp thư trao cho Huệ Nhiên, linh vàng trao cho Hải Ân, mỏ vàng trao cho Huệ Chúc… Tuy nhiên, chỉ sau đó ít ngày, sức khỏe của Pháp Loa lại bình phục trở lại.
Tới năm 1318, Thượng hoàng Trần Anh Tông mời Pháp Loa vào cung Thiên Trường để giảng cho mình về bộ Tuyết Đầu Ngữ Lục. Sau khi khóa giảng kết thúc, Anh Tông tự tay viết 4 chữ “Phổ Tuệ Tôn Giả” tặng Pháp Loa. Người ta nói rằng, vua Anh Tông rất tôn kính Pháp Loa, thường khiêm tốn xưng với ông là đệ tử.
Không chỉ Trần Anh Tông, các thành viên hoàng thất và quý tộc triều Trần cũng rất tôn kính Pháp Loa. Quốc vụ thượng tể Quốc Chấn cũng mời ông vào phủ An Hoa giảng Đại Tuệ ngữ Lục. Cũng năm ấy, Pháp Loa còn trao giới tam quy tại gia cho công chúa Hoa Dương.
Tượng Pháp Loa |
Tới ngày 2/5/1330, niên hiệu Khai Hưu thứ 11, lúc đang giảng kinh Hoa Nghiêm cho chúng đệ tử tại viện An Lạc thì Pháp Loa bỗng dưng cảm thấy trong người khó chịu. Ông đành nhờ trưởng lão Bích Phong thay mình giảng tiếp rồi lui về phòng nghỉ ngơi. Từ hôm đó cho tới ngày 11 thì bệnh của ông ngày càng nặng hơn. Ngày 13, các đệ tử đưa ngài về viện Quỳnh Lâm tĩnh dưỡng. Tại đây, Thượng hoàng Minh Tông đích thân tới thăm và gọi ngự y tới chẩn mạch, cắt thuốc cho Pháp Loa nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Tới lúc này, các đệ tử mới quỳ xuống thưa: “Xưa nay các bậc đại ngộ, lúc sắp tịch, đều có những lời kệ để lại cho đời sau, sao riêng thầy không có?”.
Pháp Loa liền ngồi dậy, cầm bút viết bài kệ rằng: “Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn, Tứ thập dư niên mộng huyễn gian, Trân trọng chư nhân hưu tá vấn, Na biên phong nguyệt cánh man khoan” (Nghĩa là: Muôn duyên cắt đứt, một thân nhan, Trót nửa cuộc đời mộng thế gian, Hỡi các môn đồ đừng gạn hỏi, Bên kia trăng gió đẹp mênh mang).
Viết xong bài kệ, Pháp Loa an nhiên viên tịch, hôm đó nhằm ngay 3 tháng 3 năm 1330, thọ 42 tuổi. Sau khi được tin Pháp Loa viên tịch, Thượng hoàng Trần Minh Tông ngự bút truy tặng ngài là Tịnh Trí Đại Tôn Giả. Các đệ tử theo di chúc của Pháp Loa, đưa nhục thể ông về an táng tại ngọn tháp trên núi Thanh Mai. Mặc dù qua đời khá sớm nhưng trong suốt 24 năm ròng rã, Pháp Loa đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà thầy mình là Trần Nhân Tông giao phó, trở thành vị tổ nổi tiếng của dòng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
B.H (Phunutoday)