Trang chủ Phật học Những lời dạy của Đức Phật đối với một tín đồ...

Những lời dạy của Đức Phật đối với một tín đồ Phật tử nói chung (2)

134
0

Sự  xuất hiện của một bậc Chánh Đẳng Giác

“Này các Tỷ-kheo, không thể được, sự việc này không xảy ra, rằng trong một thế giới, ở trong cùng một lúc, có hai vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện, sự việc này không xảy ra. Và sự việc này có xảy ra, này các Tỷ-kheo, trong một thế giới, chỉ có một vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện, sự kiện này có xảy ra.” 

      Anguttara Nikaya – Book of The Ones Chapter XV 1-28

Một số chư Thiên thưa lại rằng: “Ồ, nếu có  được bốn vị Chánh Ðẳng Giác xuất hiện ở  đời, diễn giảng Chánh pháp như Thế Tôn. Như  vậy mới đem lại hạnh phúc cho chúng sanh, an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc cho loài Người và loài Trời”. Và một số chư Thiên khác lại nói như  sau: “Ồ, cần gì có bốn vị Chánh Ðẳng Giác – cần có ba vị Chánh Ðẳng Giác xuất hiện  ở đời cũng đủ rồi.” Rồi một số khác nói như sau: “Ồ, cần gì có ba vị Chánh Ðẳng Giác – cần có hai vị Chánh Ðẳng Giác xuất hiện ở đời cũng đủ rồi.”

Thiên chủ Ðế-thích nói: “Không thể có được, này các thiện hữu, không thể xuất hiện hai vị  Phật Chánh Đẳng Giác đồng thời ra đời trong cùng một thế giới. Sự việc này không thể xảy ra. Chư thiện hữu, một bậc Thế Tôn như vậy, không có tật bệnh, không có đau khổ, sống như  vậy trong khoảng thời gian rất dài. Như vậy mới  đem lại hạnh phúc cho chúng sanh, an lạc cho chúng sanh, vì  lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc cho loài Người và loài Trời. 

Digha Nikaya 19:13-14 (Mahagovinda Sutta)

Bốn  điều vui

“Có bốn điều vui mà người tại gia thọ hưởng được đúng mùa, đúng lúc. Thế nào là bốn?  Đó là vui vì có được những cái làm ra được (lạc sở hữu), vui vì được giàu có (lạc thọ dụng), vui vì không mắc nợ, vui vì không phạm tội. 

      Anguttara Nikaya IV.62 (Anana Sutta)

Tánh của Pháp

“Cho dù chư Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện, vẫn được an trú là pháp trú tánh của giới ấy, là pháp quyết định tánh, tức là: “Tất cả các hành là vô thường…” 

      Anguttara Nikaya III.137 (Dhamma-niyama Sutta)

Không thể nghĩ bàn được

“Có bốn điều này không thể nghĩ đến được, nếu nghĩ  đến, thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ. Thế nào là bốn? cảnh giới của chư Phật…, cảnh giới Thiền định của người tu Thiền…, (suy nghĩ cặn kẽ sự hoạt động của) quả dị thục của nghiệp…, suy tư về (nguồn gốc, khởi nguyên… của) thế giới…” Có bốn điều này không thể nghĩ đến được, này các Tỷ-kheo, nếu nghĩ đến, thời có thể  đi đến cuồng loạn và thống khổ. 

        Anguttara Nikaya IV.77 (Acintita Sutta)

Bốn cách trả lời các câu hỏi

“Có bốn cách trả lời các câu hỏi. Bốn cách đó là gì? Có những câu hỏi mà nên trả lời trực tiếp [thẳng thắn trả lời có, không, đây là, đó là]. Có những câu hỏi nên trả lời bằng lối phân tích [định nghĩa hay định nghĩa các thuật ngữ]. Có những câu hỏi nên trả lời bằng cách hỏi ngược lại. Có những câu hỏi nên phải loại bỏ. Đây là bốn cách trả lời các câu hỏi.” 

      Anguttara Nikaya IV.42 (Panha Sutta)

Luân hồi

Đức Phật dạy các Tỉ kheo rằng: “Này các Tỷ-kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt bốn Pháp mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Thế nào là bốn? Này các Tỷ-kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh Giới; chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh Ðịnh; chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh Tuệ;  chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh giải thoát mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Và khi Thánh Giới được giác ngộ, được chứng đạt; khi Thánh Ðịnh được giác ngộ, được chứng đạt; khi Thánh Tuệ được giác ngộ, được chứng đạt; khi Thánh Giải thoát được giác ngộ, được chứng đạt, thời tham ái một đời sống tương lai được trừ diệt, những gì đưa đến một đời sống mới được dứt sạch, nay sẽ không còn tái sinh nữa. 

      Digha Nikaya 16:4.2 (Mahaparinibbana Sutta)

Lợi ích của việc hành hương chiêm bái Phật tích

“Bạch Thế Tôn, thuở trước các Tỷ-kheo sau khi thọ an cư, từ các địa phương đến chiêm bái Như Lai, chúng con được sự lợi ích tiếp kiến, hầu cận những Tỷ-kheo tu hành chân chính. Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn nhập diệt, chúng con sẽ không được sự lợi ích làm những việc đó nữa.”

“Này Ananda, có bốn Thánh tích khơi dậy niềm tin của các tín đồ Phật tử cần phải chiêm bái và tôn kính. Thế nào là bốn? “Thứ nhất là nơi Như Lai đản sanh”; “Thứ hai là nơi Như Lai giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác”; “Thứ ba là nơi Như Lai chuyển Pháp luân”; thứ tư là nơi Như Lai diệt độ, nhập vô dư Niết-bàn.” Này Ananda, các thiện tín, Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ sẽ đến chiêm bái bốn nơi này. Và những ai, trong khi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thành tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên cảnh giới chư Thiên.” 

      Digha Nikaya 16:5.7-5.8 (Mahaparinibbana Sutta)

Chín việc không vi phạm của một bậc A-la-hán

“Một vị Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, đã diệt trừ các lậu hoặc, phạm hạnh đã thành, các việc phải làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, mục tiêu đã đạt, hữu kiết sử  đã diệt trừ, chánh trí giải thoát, không thể làm chín việc sau đây: vị đó không thể (1) cố ý tước đoạt sanh mạng của loài hữu tình; (2) lấy của không cho, tức là ăn trộm; (3) hành dâm; (4) nói láo; (5) cất chứa tiền của để hưởng thọ dục lạc, như khi còn tại gia; (6) hành động vì tham; (7) hành động vì sân; (8) hành động vì si; (9) hành động vì sợ hãi. Đây là 9 việc mà một vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, đã diệt tận các lậu hoặc, không thể làm chín việc như vậy…” 

      Digha Nikaya 29.26 (Pasadika Sutta) 

“Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể có ý  đoạt mạng sống của loài hữu tình; không có thể lấy của không cho được gọi là ăn trộm; Tỷ không có thể hành dâm dục; không có thể biết mà nói láo; không có thể hưởng thọ các dục do các đồ cất chứa đem lại, như trước còn làm gia chủ… vì đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể đi đến dục, … vì  đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể đi đến sân, … vì đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể đi đến si, … vì đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể đi đến sợ hãi”. 

“Trước kia và cả nay nữa, Ta nói như sau: “Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu viên mãn, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, mục đích đã đạt được, hữu kiết sử đã đoạn tận, chơn chánh giải thoát; vị ấy không có thể vi phạm chín sự”. 

      Anguttara Nikaya IX.7 (Sutava Sutta)

A-la-hán không thể thiếu Bát Chánh Đạo

“Trong bất cứ Pháp và Giới luật không có Bát Thánh đạo, thời ở đây không có bậc thánh khất sĩ bậc nhất, bậc hai, bậc ba, và bậc bốn. Nhưng ở đây có thể tìm thấy bậc thánh khất sĩ có bậc nhất, bậc hai, bậc ba, và bậc bốn trong Pháp và Giới luật mà ở đó có Bát Thánh Đạo. Này Subhadda, chính trong Pháp và Giới luật này có Bát Thánh Ðạo thì ở đó cũgn tìm thấy có bậc thánh khất sĩ bậc nhất, bậc hai, bậc ba, và bậc bốn. Những hệ thống ngoại đạo khác đều không có những bậc thánh khất sĩ như vậy, nếu những vị Tỷ-kheo này sống chơn chánh, thời đời này không vắng những vị A-la-hán. 

            Ta vào năm hai mươi chín tuổi,
            Xuất gia đi tìm chân thiện  đạo.
            Bây giờ hơn năm mươi lăm năm
            Từ ngày đầu tiên mới xuất gia
            Đi khắp nơi cầu đạo trí huệ
            Ngoài lãnh vực không bậc thánh
            Bậc nhất, bậc hai, ba và  bốn
            Các hàng ngoại đạo đều không có
            Chỉ có đây Tỉ  kheo chân chánh
            Thì đời không thiếu A-la-hán. 

            Digha Nikaya 16:5.23-5.27 (Mahaparinibbana Sutta)

Tiêu chuẩn về lời dạy của  Đức Phật

“Ví như có một vị Tỉ kheo nói: ‘Này các thiện hữu, tôi tự thân nghe từ miệng Thế Tôn, tự thân lãnh thọ, như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Ðạo Sư’, này các Tỷ-kheo, … mỗi chữ, mỗi câu cần phải được dò hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu rõ rang với Luật. Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật thời các Ngươi có thể kết luận: ‘Chắc chắn những lời này không phải là lời Thế Tôn, và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm. Và này các Tỷ kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật và nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: ‘Chắc chắn những lời này phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh’.” 

      Digha Nikaya 16:4.8 (Mahaparinibbana Sutta)

Điều kiện để sinh lên cõi trời

“Ở  đây có một vị Tỉ kheo an trú biến mãn một phương với tâm từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư; như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân… Đây là con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên.”

“Lại nữa, có một vị Tỷ-kheo an trú biến mãn một phương với tâm bi … với tâm hỷ… với tâm xã, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị  ấy an trú biến mãn với tâm xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. … . Đây là con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên.”

       Majjhima Nikaya – Subha Sutta (99:24-27)

Tấm gương Pháp: Tiêu chuẩn cho sự nhập lưu

“… Này Ananda, vì vậy Ta sẽ giảng về Chiếc Gương Chánh Pháp, để Thánh đệ tử, sau khi chứng đạt pháp nghĩa này, nếu muốn, sẽ tự tuyên bố về mình như sau: “Ta đã phá vỡ  địa ngục, cõi bàng sanh, ngạ quỷ, đọa xứ, ác thú. Ta đã chứng quả Dự Lưu, không còn đọa vào ác đạo, chắc chắn đạt được Niết-bàn”.

“Và này Ananda, Pháp kính ấy là gì mà Thánh đệ tử có thể biết? Ở đây, này Ananda,   một vị Thánh đệ tử có chánh tín đối với đức Phật, … có chánh tín đối với Chánh Pháp, … có chánh tín với Tăng, … và người ấy có giới hạnh đầy đủ được bậc Thánh mến chuộng, được viên mãn không sứt mẻ, được vẹn toàn không tì vết, không sai sót, không mâu thuẩn, những giới hạnh đưa đến giải thoát, không thối đoạ, và đưa đến  thiền định. Này Ananda, đây là Gương Chánh Pháp, đối với các vị Thánh đệ tử … có thể tuyên bố cho chính mình: “Ta đã phá vỡ địa ngục … Ta đã chứng Dự Lưu … chắc chắn đạt đến Niết-bàn”. 

    Digha Nikaya 16:2.8-2.9 (Mahaparinibbana Sutta)

Niết-bàn

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đang giáo giới, đang thức tỉnh, khuyên bảo, và đem an lạc cho các vị  Tỉ kheo với bài thuyết Pháp liên quan đến Niết-bàn, và những vị Tỉ kheo đó cũng đang lãnh hội, chú tâm và quán sát cặn kẽ, … Đức Thế Tôn dạy lần này một cách khẩn thiết:

– Này các Tỉ kheo, có sự không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi. Này các Tỷ-kheo, nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, thì ở đây không thể  trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị  làm, hữu vi. Vì rằng, có cái không sanh, khônghiện hữu, không bị làm, không hữu vi, nên có trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi.” 

 Udana VIII.3 (Patali Village) 8.3
 

(Con tiếp)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here