Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Tập huấn-bồi dưỡng Trú trì 2011: Chuyên đề " Những nét cơ...

Tập huấn-bồi dưỡng Trú trì 2011: Chuyên đề " Những nét cơ bản về nghi lễ Phật giáo và hai thời công phu"

121
0

1. DẪN NHẬP

Trong sinh hoạt hiện nay, con người đang đứng trước một thực tế mà mọi nhu cầu về vật chất lẫn tinh thần đều đòi hỏi rất cao, điều kiện để tiếp nhận những thông tin cũng rất thuận tiện, vì thế bên cạnh việc tiếp thu những điều tốt, thì những điều không tốt cũng rất dễ dàng thâm nhập. Trước thực tế này, nếu không cẩn trọng thì tự mỗi người sẽ mất định hướng trong đời sống và sinh hoạt của mình.

Đối với người xuất gia học Phật, nhất là hàng Tăng Ni trẻ tuổi, chúng ta phải đặc biệt cẩn trọng trong sinh hoạt của chính bản thân mình, đừng để hao mòn, đừng để mất đi trách nhiệm cao cả và hoài bão lớn lao đó là: ‘ Thừa Như Lai Sứ, Hành Như Lai Sự’.

Trong chương trình của khóa tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trú trì do Ban Trị Sự GHPG TT Huế tổ chức. Chúng con được giao trách nhiệm trình bày nội dung Những nét cơ bản về Nghi Lễ Phật giáo và 2 Thời Công Phu.

Có thể nói, đây là một trong những nội dung thực tế, nhằm đáp ứng thích đáng những nhu cầu của các vị Tăng Ni trẻ khi có điều kiện để đi làm Phật sự. Thế nên bản thân chúng con vô cùng hoan hỷ, được nêu lên một vài ý kiến thô thiển của mình trong khuôn khổ và thời lượng của đề tài.

2. NỘI DUNG

2.1  Những nét cơ bản về Nghi lễ Phật giáo:

Nghi Lễ Phật Giáo đã có một lịch sử dài, hiện diện và phát triển trên đất nước Việt Nam. Nếu nhìn từ góc độ văn hoá, thì Nghi Lễ chính là một trong những tố phần cơ bản tạo nên nét đặc trưng minh biệt của Phật Giáo Việt Nam, một Phật Giáo gắn liền với truyền thống văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do chủ quan cũng như khách quan, thành tố văn hoá Phật Giáo này đã chưa được lưu tâm, nếu không muốn nói là bị lãng quên. Có lẽ đây là lý do vì sao trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam, có quá ít sử liệu đề cập và bàn thảo về vấn đề Nghi Lễ Phật giáo, tương xứng với tầm vóc của nó.

Nghi Lễ Phật Giáo không sinh ra từ chân không mà khởi nguyên từ trong lòng văn hoá Ấn Độ, nơi có quan niệm rằng âm nhạc là phương tiện ngôn ngữ  khả dĩ duy nhất để diễn bày sự sâu thẳm của chân lý. Do vậy, ý nghĩa về âm nhạc nơi xứ Phật thường được biểu hiện ở ba nội dung sau:

– Âm nhạc là hiện thân của suối nguồn tâm linh.
– Âm nhạc là phương tiện để khơi mạch nguồn tâm linh.
– Âm nhạc là linh ngữ của tế tự, phụng bái Thần Linh, Phạm Thiên.

Âm nhạc khi được dùng trong tế tự, cúng bái gọi là lễ nhạc. Trong Phật Giáo, ý nghĩa lễ nhạc, như được mô tả trong nhiều đoạn kinh văn thuộc văn hệ Phật Giáo Nguyên Thủy, cũng như văn hệ Phật giáo phát triển – Đại Thừa, được thể hiện dưới những hình thái như: Chư Thiên rãi hoa trỗi nhạc cúng dường đức Phật, ngâm tán Thi, ngợi ca chân lý nhiệm mầu… Lễ nhạc trong trường hợp này có thể gọi là Pháp Lễ hay Pháp Nhạc. 

Vào thời Đức Phật, sự hiến tế sinh vật rất thịnh hành, và công việc tế lễ Thượng đế Thần linh là đặc quyền của giai cấp tu sĩ Bà La Môn. Đức Phật, nhà đại cách mạng xã hội, Ngài đã hoàn toàn phản đối những cuộc hiến tế như thế, Ngài chủ xướng học thuyết Duyên sinh – Vô ngã, bác bỏ niềm tin vào Thượng đế quyền năng tối thượng. Chính vì những lý do này mà Lễ nhạc Phật giáo, khi Đức Phật còn tại thế, vẫn chỉ dừng trong phạm vi Pháp lễ hay Pháp nhạc mà thôi.

Tuy nhiên, khoảng 100 năm sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn, Phật pháp bấy giờ đã được truyền bá rộng rãi đến nhiều miền khác nhau dọc theo vành đai Trung Ấn, và giới Tăng Sĩ  Phật giáo đã chuyển dần từ ‘Khuynh hướng Tu viện’ sang ‘Khuynh hướng xã hội’. Công cuộc chuyển mình này theo thời gian lại được đẩy cao và xa hơn khi đạo Phật vượt qua biên giới Ấn, truyền đến các nước dọc theo con đường tơ lụa, Trung Á, Trung Hoa, và các nước thuộc khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương.

"Thực hành hai thời công phu là một pháp môn tu tâm dưỡng tánh, huân tập vào tâm thức mình các hạt giống tốt của từ bi, trí tuệ, an vui, thanh tịnh và giải thoát. Thực hiện hai thời công phu cũng là hạnh nguyện trang trãi tình thương bao la và hồi hướng công đức lành đến với tất cả chúng sanh…"

Cùng với bước chân hoằng dương Phật pháp của chư Tổ đức, các truyền thống Nghi lễ Phật giáo từ Ấn Độ, Trung Hoa, và các nước Đông Nam Á – Thái Bình Dương đã du nhập vào mảnh đất Việt Nam, một mảnh đất xưa từng được mệnh danh là “ngã tư đường giao lưu văn hoá Đông – Tây”. Trãi qua quá trình lịch sử dài dung hoá và phát triển, các truyền thống lễ nhạc Phật giáo đã được Việt Nam hoá để trở thành một phần tố đặc thù của văn hoá Việt Nam, và của đạo Phật Việt Nam.

Nhằm thích nghi với phong tục tập quán, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng, và để tồn tại, phát triển ở những vùng miền văn hoá rất khác nhau, Pháp lễ và Pháp nhạc đã được chư Tổ nâng lên thành một Pháp môn phương tiện với sự chuẩn hoá cao về mặt Thẩm mỹ và Nghệ thuật, mà thường được biết dưới danh ngữ Pháp môn Nghi lễ Thiền gia.

Khi gọi là Pháp môn, Nghi lễ bấy giờ rõ ràng không chỉ dừng lại ở ý nghĩa phương tiện đưa người vào Đạo, mà còn là một pháp môn tu tập đưa đến sự thể nhập chân như bằng sự rung cảm tâm linh. Đúng vậy, vì Nghi lễ được định tính bởi sự rung cảm, nên Nghi lễ chính là một trong hai con đường đưa đến giải thoát, đó là bằng tư duy để ngộ nhập chân lý,  và bằng rung cảm là phương  tiện  để  dọn đường cho sự ngộ nhập chân lý.

Nghiêm là cốt của Lễ.  Hoà là lỏi của Nhạc. Để Lễ được nghiêm thì Lễ phải có nghi, và để Nhạc được hoà thì Nhạc phải có điệu. Nghi nghiêm, Nhạc hoà là hai yếu tính cơ bản định danh nên Pháp môn Nghi lễ Thiền gia. Để “nghi nghiêm” và “nhạc hoà”, hay để “danh” song hành với “thực”, ở đây, Nghi lễ Phật giáo đòi hỏi người thực hành Nghi lễ, đối tượng Nghi lễ và nội dung Nghi lễ một số phẩm chất nhất định.

Người hành nghi lễ có thể gồm những người thực hành Nghi lễ, người truyền bá Nghi lễ, và người vừa thực hành vừa truyền bá Nghi lễ. Người hành Nghi lễ cần hội đủ ít nhất ba phẩm chất sau đây:

– Có Thanh Văn tướng trang nghiêm,
– Có chiều sâu nhất định về tu tập tâm linh,
– Có hiểu biết căn bản về Nghi lễ.

Trong 3 phẩm chất trên, thì 2 phẩm chất đầu là điều kiện Cần, và phẩm chất sau là điều kiện Đủ của một người hành Nghi lễ.

Đối tượng Nghi lễ ở đây chính là những đối tượng mà Nghi lễ phục vụ, hay nói khác đi, là những giới, những người có nhu cầu về Nghi lễ, do vậy, đối tượng Nghi lễ hàm một diện rộng trong xã hội, bao gồm cả giới xuất gia, tại gia, Phật tử và không phải Phật tử. Tuy nhiên điều quan trọng là đối tượng Nghi lễ nhất thiết phải có ‘Thành’, có ‘Tín’, và có ‘Lễ’. Có thành tâm, tin tưởng và phép tắc, thì Nghi lễ mới thật sự có ý nghĩa giá trị và hiệu quả tác dụng.

Tạo dựng được ba phẩm tố này nơi đối tượng Nghi lễ, là vai trò và trách nhiệm của người thực hành – truyền bá Nghi lễ. Đây là vấn đề căn cốt mà người thực hiện Nghi lễ nên lưu ý và thực hiện bằng được.

Cuối cùng là nội dung Nghi lễ, gồm có 2, đó là Nghi thức và Nhạc lễ. Nghi thức tức là văn bản hay văn chương về Nghi lễ, hay còn có thể gọi là ‘lễ văn’; nhạc lễ tức là âm nhạc biệt dụng cho tế lễ, hay còn được gọi là ‘lễ nhạc’. Vì nội dung Nghi lễ là biểu hiện cụ thể của ‘thẩm mỹ Phật giáo’, thẩm mỹ giải thoát, nên nghi thức cần phải nghiêm chỉnh, lễ văn cần phải hoàn bị, và lễ nhạc cần phải hài hoà, thiền vị. Đây là ba yếu tố quyết định của một nội dung Nghi lễ Phật giáo vậy.

Tóm lại, Pháp Môn Nghi lễ Thiền Gia gồm ba thành phần: Người hành nghi lễ, Đối tượng nghi lễ, và Nội dung nghi lễ. Tuy mỗi thành phần xác định những phẩm chất riêng biệt, nhưng mối quan hệ giữa chúng là mối quan hệ hữu cơ. Một thành phần bị khiếm khuyết sẽ ảnh hưởng đến sự hoàn thiện của toàn thể.

Nhận thức được tầm vóc giá trị đó của Nghi lễ, nên trong chương trình của khóa tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trú trì do Ban Trị Sự GHPG TT Huế tổ chức, đã đưa vào nội dung: Những nét cơ bản về Nghi lễ Phật giáo và 2 Thời Công Phu. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên Nghi lễ vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc đào tạo lớp người kế thừa có đủ phẩm chất của một chủ thể Nghi lễ, để giáo dục đối tượng Nghi lễ, và nhất là hoàn thiện và thống nhất nội dung Nghi lễ.   

Nhìn chung, thực trạng Nghi Lễ, trên cơ sở những sinh hoạt thường ngày ở Tỉnh nhà Thừa Thiên – Huế nói riêng, Nghi lễ Phật giáo Việt Nam nói chung, người thực hiện Nghi lễ cần phải khắc phục rất nhiều, mới có thể đem lại kết quả khả quan.

2.2  Hai thời công phu:

Trong các thời khóa tụng niệm hằng ngày, hiện tại một số ít chùa đang gần như xem nhẹ hai thời công phu. Ở đây chỉ xin nói đến những người học Phật trẻ tuổi, Chúng ta không phải là người có thượng căn lợi trí, không thể chỉ lắng nghe, học tập và hành trì trong một thời gian mà có thể thành tựu. Muốn đạt được ích lợi, đạt được mục đích, thì chỉ có một phương pháp duy nhất là phát nguyện hành trì lâu bền. Chúng ta cách Phật quá lâu xa, vì thế ‘chướng sâu nghiệp nặng’ là điều tất nhiên. Nếu không hành trì các thời khóa tụng niệm căn bản mà nhất là Hai thời công phu để tiêu trừ nghiệp chướng, thì trên lộ trình tu học của chính mình chắc chắn sẽ khó thành tựu.

Hơn thế nữa, chí nguyện của người xuất gia trẻ tuổi là đi đến các nơi xa để làm Phật sự. Vì thế, nên xác định giá trị của Hai thời công phu và nghiêm túc thực hiện, bỡi đây chính là truyền thống vô cùng tốt đẹp và hữu ích cho cá nhân, cho trú xứ của mình tu học, đem lại lợi ích và có ảnh hưởng rất mạnh đến sự phát tâm tu học Phật pháp của người xuất gia, cũng như hàng Phật tử tại gia.

Trong quyển ‘Hai thời Công phu’ do Trí Quang Thượng Nhân dịch giải, NXB Thành Phố HCM, năm 1994. ở phần: Mục đích và Nội dung Hai thời công phu, đã ghi: Đây là công hạnh của người xuất gia. Nội dung Hai thời công phu có tính nhất quán về mục đích. Mục đích ấy là chí nguyện mà ta thường gọi là phát bồ đề tâm. Phát bồ đề tâm có nhiều nghĩa, từ giai đoạn sơ tâm cho đến giai đoạn kết quả của sự tu hành:

– Phát hiện tuệ giác vô thượng bồ đề của Phật là bản giác của tâm chúng ta.
– Phát khởi chí nguyện cầu đạt cho được tuệ giác ấy.
– Phát huy dần dần tuệ giác ấy.
– Phát hiện hoàn toàn tuệ giác ấy.

Trong 4 giai đoạn trên đây, nội dung Hai thời công phu đã có đầy đủ, nhưng có đủ nhất là giai đoạn 2 đó chính là: Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh. Trên thì cầu tuệ giác vô thượng, bằng cách dưới thì giáo hóa chúng sinh.

Lại nữa, mục đích 2 thời công phu chính là  " vì tuệ giác bồ đề mà cầu sanh

Cực lạc", có 2 ý.

– Một là cầu vãng sanh Cực lạc quốc của đức Phật A Di Đà, sau đó đầy đủ khả năng để trở lại ngũ trược ác thế mà giáo hóa.
– Hai là cầu thực hiện Cực lạc quốc ngay trong ngũ trược ác thế với thần lực của đức Bổn tôn.

Trong Hai thời công phu, lời nguyện của ngài A nan mở đầu công phu sáng, biểu thị đủ cả 2 mặt của chí nguyện "vì tuệ giác bồ đề mà cầu sinh Cực lạc". Rồi từ đó, mọi sự trì tụng suốt Hai thời công phu, cũng như mọi sinh hoạt suốt 24 giờ sau đó, toàn là lặp lại và thực thi chí nguyện này.

2.2.1 Công phu khuya:

Chí nguyện "vì tuệ giác bồ đề mà cầu sanh Cực lạc" là yếu ách của Hai thời công phu. Công phu sáng là mỗi sáng sớm lặp lại chí nguyện ấy để rồi sau đó làm theo cả ngày. Nhưng phải biết rằng trở ngại của chí nguyện ấy là dục vọng, là bao nhiêu ma chướng, thiếu thốn, tật bịnh, tai nạn, khổ báo … Vì vậy mà phải trì chú Lăng nghiêm và các phẩm thần chú khác. Sau phần trì chú là phần hồi hướng, niệm Phật, phát nguyện theo hạnh nguyện Phổ hiền tức nguyện sanh Cực lạc, và tự qui y Tam bảo, tất cả là để bảo vệ và tăng trưởng cho chí nguyện "vì tuệ giác bồ đề mà cầu sanh Cực lạc".

Thời khóa Công phu khuya căn bản gồm có: (thỉnh đại hồng chung … khai bảng – câu bảng – nhập đại hồng chung – hồi bảng – câu chung trống – hồi trống – câu chuông mõ – hồi chuông mõ).

"Trong các thời khóa tụng niệm hằng ngày, hiện tại một số ít chùa đang gần như xem nhẹ hai thời công phu. Ở đây chỉ xin nói đến những người học Phật trẻ tuổi, Chúng ta không phải là người có thượng căn lợi trí, không thể chỉ lắng nghe, học tập và hành trì trong một thời gian mà có thể thành tựu. Muốn đạt được ích lợi, đạt được mục đích, thì chỉ có một phương pháp duy nhất là phát nguyện hành trì lâu bền…"

– Tán Hương
– Ngũ Đệ Lăng Nghiêm Thần Chú. (có nơi gọi ngũ Hội)
– Ðại Bi Thần Chú
– Như Ý Bảo Luân Vương Đà La Ni
– Tiêu Tai Cát Tường Thần Chú
– Công Ðức Bảo Sơn Thần Chú
– Phật Mẫu Chuẩn Ðề Thần Chú
– Thánh Vô Lượng Thọ Quyết Định Quang Minh Vương Đà La Ni
– Dược Sư Quán Ðỉnh Chơn Ngôn
– Quan Âm Linh Cảm Chơn Ngôn
– Thất Phật Diệt Tội Chơn Ngôn
– Vãng Sanh Tịnh Độ Thần Chú
– Thiện Nữ Thiên Chú (Ðại Cát Tường Thiên Nữ)
– Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm kinh
– Tán Phật
– Kinh hành Niệm Phật và Thánh chúng
– Đảnh lễ Chư Phật, Thánh chúng, Thiện Thần
– Sám (Quy mạng)
– Tán lễ Phật
– Tự Quy y Tam bảo
– Hồi hướng

2.2.2 Công phu chiều:

Công phu chiều, đem tất cả việc làm cả ngày hồi hướng cầu sanh Cực lạc. Tụng Kinh Di đà để biết về thế giới, nơi mà mình cầu sanh. Sám Hồng danh để tịnh trừ nghiệp chướng. Mông sơn Thí thực để làm tịnh thí pháp thực cho Quỉ thần. Tiếp đến là kinh hành niệm Phật, nguyện sanh Cực lạc, tự qui y Tam bảo, hồi hướng tất cả thời công phu, cùng với hết thảy việc làm trong ngày vào mục đích "vì tuệ giác bồ đề mà cầu sanh Cực lạc".

Thời khóa công phu chiều căn bản gồm có:
(khai chung – hồi chung – câu bảng trống – hồi trống – câu chuông mõ – hồi chuông mõ).
– Tán Hương
– Đại Bi Thần chú
– Kinh A Di Đà
– Vãng Sanh Tịnh Độ Thần Chú
– Sám Hồng Danh
– Mông Sơn Thí Thực
– Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm kinh
– Kinh hành Niệm Phật
– Đảnh lễ Chư Phật, Thánh chúng, Thiện Thần
– Sám (Nhất Tâm Quy mạng)
– Nguyện sanh Cực lạc
– Tán lễ Phật
– Cảnh sách
– Tự Quy y Tam bảo
– Hồi hướng

3. LỜI KẾT

Trên đây, đã trình bày rất sơ lược về vài nét cơ bản của Nghi lễ Phật giáo và Hai thời công phu. Có thể khẳng định rằng: “ Nghi lễ chính là đội quân tiên phong của Phật giáo”. Nghi lễ, mà chư Tổ truyền thừa là một phương tiện tối ưu và có hiệu quả cao nhất, nếu chúng ta thực hiện đúng như chính tên gọi: Nghi Lễ.

Thực hiện hai thời công phu là một pháp môn tu tâm dưỡng tánh, huân tập vào tâm thức mình các hạt giống tốt của từ bi, trí tuệ, an vui, thanh tịnh và giải thoát. Thực hiện hai thời công phu cũng là hạnh nguyện trang trãi tình thương bao la và hồi hướng công đức lành đến với tất cả chúng sanh.

Thực hiện Hai thời công phu hướng cho chúng ta một lòng thành kính, đối trước Tam Bảo, sám hối tất cả các nghiệp xấu, ăn năn các lỗi đã qua, phát nguyện làm các việc thiện, để hoàn thiện đời sống đạo đức của bản thân, đem lại lợi lạc cho mình và người. Chính sự áp dụng lời Phật dạy, sau quá trình tư duy và thể nghiệm, giúp người thực hiện gặt hái được những điều mong muốn trong cuộc sống, đó chính là sự an lạc và hạnh phúc.

Có thể nói, Hai thời công phu là một tập hợp độc đáo những phương pháp hành trì tu tập mà cuộc đời người xuất gia, từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc, nếu tinh tấn hành trì trọn vẹn, thì đã quá tuyệt vời! 

                                         ĐĐ. T.N.M
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here