Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Hành trình về đất Phật – Tây Du Ký Sự 18 (...

Hành trình về đất Phật – Tây Du Ký Sự 18 ( kỳ cuối): Kushinagar (Kusinara, Câu-thi-na)

121
0

Còn nhớ tại đền Capala ở Vaishali Đức Phật tuyên bố sẽ nhập diệt trong vòng ba tháng nữa. Ngài nói:

“Này Ananda, bây giờ Như Lai đã kiệt sức, già yếu và gần đến ngày lìa trần. Như Lai đã tám mươi, không khác nào cỗ xe quá cũ kỹ phải cần có những sợi dây để cột lại các bộ phận cho khỏi rời ra. Thân của Như Lai cũng cần có các sợi dây tương tự.”

Thật không ngờ Đức Phật có thể mô tả về mình một cách hóm hỉnh như vậy.

A nan hỏi về người lãnh đạo giáo đoàn hay sangha. Đức Phật trả lời:

“Có người nghĩ rằng ‘Chính ta sẽ lãnh đạo Sangha. ‘ hay ‘Sangha sẽ tùy thuộc nơi ta.’ Hoặc Đức Phật sẽ dạy một điều gì đó liên quan đến Sangha.”

Này A Nan, Như Lai không nghĩ rằng có người nào phải lãnh đạo Sangha hay Sangha phải tùy thuộc nơi người nào. Tại sao Như Lai phải dạy một điều gì liên quan đến Sangha?

Tôi chợt nhớ một câu chuyện mà một vị tỳ kheo kể lại. Vị này người miền Nam. Trong một dịp ra Bắc gặp vị lãnh đạo cao nhất của Sangha, vị ấy sau khi hỏi thăm sức khỏe liền thỉnh cầu, « Thưa Pháp Chủ, xin ngài ban cho con vài lời pháp nhũ để con về Nam nương theo đó tu hành. » Vị Pháp Chủ nói, « Người ta đặt Tao ngồi đây thì Tao ngồi đây, chứ Tao mà là Pháp Chủ cái gì ? Thân Tao, Tao làm chủ còn chưa xong, huống hồ là làm chủ pháp ! »

Thật khó tin là một vị lãnh đạo Sangha mà lại nói như thế, nhưng nếu sự thật là như thế thì đó là những lời mộc mạc rất thật thà. 

Vậy thì người Phật tử phải nương tựa vào ai sau khi Đức Phật diệt độ? Đức Phật dạy:

“Này A Nan, hãy tự coi chính con là hải đảo của con, chính con là chỗ nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa bên ngoài. Hãy xem giáo pháp là nơi nương tựa của con, không nên tìm nương tựa ở bên ngoài. »

Nếu có một tu sĩ danh tiếng hoặc tu hành lâu năm, hoặc lãnh đạo một tập thể các tu sĩ tuyên bố rằng những gì vị ấy giảng dạy là giáo pháp của Đức Phật thì sao? Đức Phật dạy không nên chấp nhận ngay cũng không nên bác bỏ liền mà nên đối chiếu với kinh điển, với giới luật để suy xét và kết luận những điều vị ấy giảng là phù hợp hay không phù hợp với giáo pháp ngài đã dạy.

Ngài Anan còn hỏi về nghi lễ sau khi Đức Phật diệt độ. Ngài trả lời :

« Này Anan, con không nên bận tâm về việc làm vẻ vang nhục thể của Như Lai. Hãy chú tâm vào hạnh phúc chu toàn của chính con. Hãy nỗ lực tu tập để đạt được hạnh phúc chu toàn cho mình. »

« Có những người Sát-đế lợi (đẳng cấp Chiến-sĩ) sáng suốt, những vị Bà- la- môn và những cư sĩ trí tuệ tin tưởng vững chắc nơi Như Lai. Hãy để những người ấy bày tỏ lòng  tôn kính và làm vẻ vang nhục thể của Như Lai. »

Ngài lên đường đi về hướng Bắc, nhưng không cho biết là đi đâu, về đâu. Ngày nay có học giả bàn luận rằng ngài định đi về Kapilavastu, là quê hương, nơi ngài trải qua thời thơ ấu cho đến năm 29 tuổi hay đi về Lumbini là nơi ngài chào đời, nhưng đi không tới vì quá già yếu.

Kapilavastu hay Lumbini là quê hương của Thái Tử Siddhartha, còn quê hương Đức Phật thì các học giả làm sao biết được mà luận bàn ? Chỉ có điều, nhìn bản đồ, người ta thấy Kushinagar chiếm vị trí trung tâm của những thánh tích khác như:  Lumbini (Lâm-tỳ-ni thuộc nước Nepal, cách đấy khoảng 100km), Vaishali (Tỳ-xá-li, cách khoảng 150km ), Sarnath (Vườn Nai, khoảng 200km). Ngày nay có thể đi đến Kushinagar một cách dễ dàng nhờ quốc lộ số 28, đi từ thành phố Gorakhpur (cách 56km), nơi có ga xe lửa lớn và cả sân bay.

Rời Vaishali, ngài đi Bhandagama, Bhoganagara, Rajagaha, Nalanda và Pava.  Ở chặng cuối  khi Đức Phật đi từ Pava tới Kushinaga chỉ cách hơn 10km ngài đã phải dừng lại nghỉ 25 lần. Ở chỗ dừng cách rừng cây sala Upavattana  của bộ tộc Malla khoảng 400m ngài bảo Anan đi lấy nước cho ngài uống. Anan ngập ngừng vì có một đoàn xe bò đông hàng trăm chiếc đang băng qua dòng suối và nước chắc đang bị đục ngầu, e phải mất nửa ngày mới lắng lại. Đức Phật nói không sao đâu. Khi ngài A Nan vâng lời cầm bát xuống suối thì kỳ lạ thay – nước đã trong veo.

Khi Đức Phật bảo Anan trải y xuống cho ngài nằm nghỉ ở giữa hai cây sala trong rừng thì ngài A Nan đã kêu lên tại sao Thế tôn không nhập diệt ở một trong những đô thị phồn vinh, đông người, đông đệ tử như Vương Xá, hay Xá Vệ, hay Ca Tỳ La Vệ mà lại nhập diệt ở một nơi hiu quạnh như thế này.

Đức Phật trả lời trong một thuở xa xôi Câu Thi Na được gọi là Câu Thi Vương Thành, là một kinh thành hoa lệ của một vị Chuyển Luân Thánh Vương. Nhưng kinh thành hoa lệ hay tiện nghi xa hoa  là những thứ mà ngài đã từ bỏ khi đi tìm đạo cũng như khi đi truyền dạy giáo pháp thì cuối đời ngài cũng không màng đến là điều dễ hiểu. Còn Thiền sư Goenka thì nhận xét rằng lúc đản sinh, thành đạo và nhập diệt ngài đều chọn một nơi ở giữa đất trời cao rộng, giữa thiên nhiên – tất cả đều là nơi thanh vắng, tịch mịch.

Ngài bảo ông Anan đi vào thành Kushinagar để thông báo rằng Đức Phật sắp nhập diệt đêm nay. Dân chúng nghe báo liền vội vàng đi ra rừng để đảnh lễ Đức Thế Tôn lần cuối. Trước đó Đức Phật đã từng đến đây để dạy đạo giác ngộ cho người Malla nên họ rất quí trọng ngài.

Trong số người gấp rút đi gặp Phật có một đạo sĩ già tên là Subadda.  Ông đạo sĩ lễ Phật xong không chịu lui ra như những người khác mà hỏi ngài Anan xin gặp Đức Phật. Ngài A Nan không cho vì Đức Phật đang mệt, nhưng Đức Phật bảo A Nan cho ông đạo sĩ vào. Ông này nêu thắc mắc là không rõ các đạo sĩ danh tiếng đương thời như Purana Kassapa, Makhala Gosala, Nigantha Nataputta, v.v. đã chứng ngộ chân lý hay chưa. Đức Phật trả lời hãy gác chuyện các vị ấy sang một bên để ngài dạy cho ông ta phương pháp tu tập nhằm đi tới chỗ giác ngộ. Sau khi nghe Phật dạy ông xin xuất gia ngay tại đó, nỗ lực tu tập và cuối cùng trở thành một vị A la hán.

Trên thế giới chưa có một ông thầy nào tới phút gần từ giã cõi đời mà còn dạy học và có kết quả tuyệt vời như thế.

Trước khi Đức Phật nhập đại định, ngài còn hỏi lại  (đúng là một ông thầy !) là có đệ tử nào còn thắc mắc gì không, nếu ngại không hỏi thì nhờ người khác hỏi cũng được.  Ngài nói :

« Này các đệ tử, nếu các con có bất cứ một phân vân thắc mắc nào liên quan đến Phật, Pháp, Tăng, con đường, hay phương pháp tu tập, hãy đưa ra câu hỏi.»

Đức Phật hỏi tới lần thứ ba mà mọi người vẫn im lặng. Ngài Anan khen ngợi :

« Thật là kỳ diệu. . . Không có vị đệ tử nào còn bất cứ hoài nghi hay thắc mắc nào. »

Đức Phật nói :

« Này Anan, con nói điều ấy từ đức tin. Nhưng Như Lai biết rõ rằng trong chúng Tăng đây không còn ai hoài nghi hay thắc mắc về giáo pháp, về giáo đoàn, về con đường hay về phương pháp tu tập. Trong năm trăm đệ tử, người chậm chạp nhất cũng đã đạt quả vị Nhập Lưu, không còn phải trở lui nữa, và chắc chắn sẽ chứng ngộ. »

Quả thật trong lịch sử chưa có vị thầy nào dạy học trò đạt kết quả cao như thế, và biết rõ học trò tường tận như thế. Mà đây là những đệ tử từ các nơi về kịp giờ phút Đức Phật sắp nhập diệt. Ngài còn hàng ngàn đệ tử khác đạt quả vị thánh đang còn đi dạy đạo ở phương xa.

Đức Phật nhập Niết-bàn cũng vào ngày trăng tròn tháng Vesak, trùng với ngày đản sinh của ngài. Lúc ấy, theo một số học giả, là vào năm 487 hay 488 TCN, nhưng theo lịch của Sri Lanka và các nước Đông Nam Á thì đó là năm 544-543 TCN. Các nước dùng Phật lịch như Thái Lan tính theo năm thứ nhất là năm Đức Phật nhập diệt.

Kim thân của Ngài được trà tỳ (hỏa thiêu) theo nghi thức tang lễ của một vị Chuyển luân Thánh vương. Sau đó, xá lợi của ngài được ông Dona, một vị Bà-la-môn có uy tín, chia làm tám phần cho tám nước có cử đại diện đến mang về tôn trí vào bảo tháp để thờ phụng. Sau này vua Ashoka đã cho khai quật các bảo tháp ấy, lấy xá lợi Phật  và tôn trí vào trong 84.000 bảo tháp mà ông cho xây ở khắp nước Ấn Độ.

Bộ tộc Malla cũng xây một bảo tháp tại nơi lễ làm lễ trà tỳ, gọi là  Makutabandhana-ceti  hay Ramabhar Stupa.

Chúng tôi xuất hành sớm để thăm Chùa Niết bàn  (Mahaparinirvana temple). Đi bộ khoảng 100m chúng tôi đã thấy bên kia đường hai tòa kiến trúc lạ mắt. Bước qua đường để đi vào chúng tôi thấy một ngôi đền hình lăng trụ, có chiều dài gấp đôi đường kính hình trụ. Có bốn cửa sổ hình tròn gần trên mái trông ra bốn hướng. Tiền đường có 4 trụ lớn màu đỏ sẫm. Bước vào đền chúng tôi thấy ngay tượng Phật ở tư thế nằm trong chính điện. Gian phòng này hơi hẹp, chỉ vừa đủ chỗ cho hai hàng người, mỗi hàng khoảng 10 người ngồi xung quanh tượng Phật. 

Đền thờ và Bảo Tháp Niết bàn

 

Đền thờ Niết bàn

 Vào thế kỉ thứ VII, ngài Huyền Trang đến chiêm bái đã mô tả thánh tích như sau:

 “Chỗ này có bốn cây (Sa La) thật cao. Đây là nơi đức Như Lai đã nhập Niết-bàn. Có tinh xá bằng gạch rất lớn. Trong tinh xá này có một tượng đức Phật nhập Niết-bàn.  Ngài nằm quay đầu về hướng bắc như đang ngủ. Bên cạnh tinh xá này là bảo tháp do vua Asoka xây dựng, mặc dù đã hư sụp, nhưng cũng còn cao gần 60 mét. Phía trước tinh xá là một trụ đá ghi chép về sự Niết-bàn của đức Như Lai. »

Ngôi  đền đã bị đốt cháy và tượng bị đập phá vào thế kỉ  XIII bởi những đội quân Hồi giáo đến từ Trung Đông. Mãi đến năm 1861 Sir Cunningham đã xác định được vùng Kasia ngày nay chính là Kushinagar hồi xưa. Sau đó, năm 1876, nhà khảo cổ Carlleyle đã xác định nền móng của đền thờ Đại Niết Bàn và tìm ra thánh tượng bên dưới đống gạch đổ nát. Trong khoảng từ năm 1904 đến 1912 các nhà khảo cổ như  J.Ph Vogel và H Shastri đã tìm ra thêm nhiều nền móng của các tu viện và đặc biệt là một tấm bảng bằng đồng nguyên gắn vào ngôi bảo tháp, ghi rõ đây là nơi Đức Phật nhập niết bàn.

Các Phật tử Myanmar và đặc biệt là gia đình từ Rakhine  đã ủng hộ Thượng Tọa Mahawira  xây một tu viện  vào năm 1900 và trùng tu ngôi đền cũng như bảo tháp vào  năm 1927. Năm 1956  chính phủ Ấn Độ lại trùng tu một lần nữa.

Tượng Phật nhập Niết bàn được xem là một trong những kiệt tác về nghệ thuật tranh tượng Phật giáo vào thời đại Kumargupta (413-455). Nhà điêu khắc Haribhada đã tạc pho tượng này từ một khối đá lớn lấy từ vùng núi Chunar, gần thành phố Varanasi. Pho tượng có chiều dài khoảng 6 m, được đặt trên một bệ đá hình chữ nhật cao khoảng 0,5m. Tượng khắc họa Đức Phật nằm nghiêng bên phải, đầu hướng về phía bắc và gối lên tay phải, mặt quay về hướng nam, tay trái đặt xuôi trên hông, hai chân song song chồng lên nhau.

 

Tượng Phật nhập niết bàn

 

Bên trong ngôi đền Niết bàn

Khi khai quật tượng vào cuối thế kỷ XIX, tượng đã bị gãy làm ba đoạn. Các nhà khảo cổ đã cố gắng lắp ráp lại.

Sau lưng ngôi đền là Bảo Tháp Đại Niết Bàn (Mahanirvana Stupa) được vua Ashoka xây dựng vào thế kỷ thứ III TCN, và cũng được Phật tử Myanmar trùng tu vào năm những năm đầu thế kỷ XX và lần thứ hai vào năm 1972.

Tháp và ngôi đền được xây trên một nền gạch cao khoảng 2,7 m.  Tháp hình trụ, mái hình vòm, có đường kính chân khoảng 10m, chiều cao khoảng 45 m. Phía trên vòm tròn ấy có một khối hình trụ nhọn dần lên tận đỉnh, gồm ba tầng, cao khoảng 5,5 m.

Khi ngài Huyền Trang đến chiêm bái thánh tích này, ngài thấy có rất nhiều ngôi bảo tháp như: bảo tháp Niết bàn, tháp tưởng niệm vị đệ tử cuối cùng của Đức Phật, là ông Subhada, tháp tưởng niệm tiền thân của đức Phật trong một kiếp làm con chim trĩ và kiếp khác làm con nai, tháp tưởng niệm vị thần kim cang Vajrapani, người đã ngã xuống đất bất tỉnh, khi nghe đức Phật đã nhập Niết-bàn, v.v

Hiện nay xung quanh ngôi đền chỉ còn nền gạch của các công trình kiến trúc xưa. Phía trước người ta trồng lại mấy cây sala.

Chúng tôi tiếp tục đi trên con đường chính để đến tháp Trà tỳ. Tại khúc quanh uốn  về bên trái, cách đền Đại Niết bàn chừng 200m,  chúng tôi nhìn thấy một ngôi đền hình khối vuông nằm bên phải con đường. Hóa ra đây là đền Matha Kuar. Trong đền có một tượng Phật rất lớn bằng đá xanh, cao hơn 3m, nhưng do ngập nước, cửa ra vào duy nhất bị đóng chặt, chúng tôi chỉ nhìn bức tượng qua khe cửa lớn và cửa sổ. Tương truyền đây là nơi Đức Phật nghỉ chân lần cuối và uống nước từ một dòng suối gần đó trước khi đến rừng cây sala nơi ngài nhập diệt. 

Đền Matha Kuar

 

Tượng Phật trong đền Matha Kuar

Từ khúc quanh đi gần 1km nữa chúng tôi đến bảo tháp Ramabhar, nơi diễn ra lễ Trà tỳ kim thân của đức Thế Tôn. Để bảo vệ ngôi tháp người ta rào lại thành một khu vườn. Tháp Trà tỳ  có chiều cao hơn 8 mét, đường kính chân tháp khoảng 34 m. Theo sử liệu,  tháp được bộ tộc Malla xây ngay trên đống tro than trà tỳ, nên có màu vàng đen, và lâu ngày bị lún xuống, bị xói mòn cho nên hình dạng không còn tròn như ngày xưa.

Xung quanh bảo tháp Trà tỳ có nhiều tháp nhỏ và nền móng các tịnh xá, tu viện được xây dựng từ thế kỉ thứ I trở về sau. Toàn bộ khu vực này được trồng những thảm cỏ xanh và cây cọ.

Bảo Tháp Trà tỳ Ramabhar Stupa

Chúng tôi đi  nhiễu quanh tháp và ngồi thật lâu trên một ghế băng ở trong vườn để thưởng thức bầu không khí yên tĩnh ở  nơi đây.

Sau đó, chúng tôi cũng đi thăm Nhà Bảo tàng Kushinagar  để nhìn những cổ vật như  các tranh tượng Phật, Bồ-tát, các di chỉ khảo cổ bằng đất nung, đá, đồng,  v.v… có tuổi hơn 2000 năm. Trước sân của nhà Bảo tàng có một vườn Nhật Bản.

Theo một tài liệu ở một văn phòng hướng dẫn du lịch, chúng tôi cũng tìm tới cây cổ thụ nơi ông Dona chia xá lợi của Đức Phật. Cây cổ thụ này nằm trên con đường đất phía bên hông của chùa Thái Lan, nằm giữa một cánh đồng, vây quanh là cỏ dại mọc rất cao, không có biển báo hay khuôn viên bảo vệ. Chúng tôi ngồi ở gốc cây này chơi khá lâu, chỉ thấy hai em bé gái dắt dê đi ăn ghé qua rồi đi ngay khi thấy khách lạ.

Cây cổ thụ nơi phân chia xá lợi Phật cho đại diện của tám nước

Chúng tôi đi ngang chùa Thái Lan. Chùa này có khuôn viên rất lớn và có lẽ có qui mô xây dựng lớn nhất trong các  chùa quanh đây. Nghe nói chùa xây từ năm 1999, được sự bảo trợ của Hoàng Gia Thái Lan và khánh thành năm 2001. Chùa có chính điện, bảo tháp, tăng xá, thiền đường, và có phòng ăn, ở cho khách hành hương. Nhưng chùa cũng đang trùng tu nên đóng cửa. Chùa có xây một bệnh xá cho người nghèo, các bác sĩ, y tá đều là tình nguyện viên. 

Chùa Thái Lan

Chúng tôi đi trở lại chùa Tây Tạng. Trên đường về chúng tôi ghé qua chùa Myanmar là ngôi chùa đầu tiên xây tại khu vực thánh địa này để chiêm ngưỡng ngôi bảo tháp dát vàng rực rỡ. Xung quanh chùa có nhiều hàng quán bán hàng trang sức và quà lưu niệm.

Chùa Myanmar

Chúng tôi ghé thăm chùa Linh Sơn. Bây giờ tôi mới biết chùa này trước kia có tên là chùa Song Lâm do một Ni Sư người Hoa trụ trì. Sau khi Ni Sư viên tịch, chùa được hiến cúng cho Hòa Thượng Huyền Vi (lúc ấy là Viện chủ chùa Linh Sơn ở Pháp). Ngôi chùa được đổi tên là chùa Linh Sơn, và Hoà Thượng đã cử sư cô Trí Thuận về trụ trì. Chùa có diện tích khá rộng, và nét đặc sắc là có các mô hình về thánh tích Tứ Động Tâm thu nhỏ, xây dựng ngay trong khuôn viên chùa.

Chùa Linh Sơn cũng có xây một ngôi trường  bên cạnh chùa cho trẻ em địa phương. Chùa cũng xây một dãy phòng  lưu trú cho khách hành hương khá khang trang, sạch sẽ.

Chùa Linh Sơn

Chùa Nhật – Tích Lan (Japan-Sri Lanka) cũng là một trong những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo –  hình vòm – mô phỏng hình dạng của Đại Tháp Niết Bàn. Chùa được chính phủ Nhật tài trợ xây dựng, nhưng thường trú lại là các vị sư Tích Lan.

Chùa Nhật- Sri Lanka

Con đường duy nhất ở thánh địa này tuy không dài nhưng cũng có một khách sạn rất lớn có tên Imperial Kushinagar. Ngoài ra có khách sạn nhỏ mang tên Nhật là Lotus Nikko.

Sau khi lang thang suốt ngày, chúng tôi ghé vào nhà hàng trong khách sạn  Royal Residency vào lúc 4 giờ để ăn. Lúc đó hình như là giờ ăn trưa của xứ Ấn nên chúng tôi thấy khách rất đông. Sau đó một thực khách người Ấn ngồi cùng bàn cho hay ở đây đang có đám cưới và ông là chú của cô dâu. Chúng tôi vui vẻ chúc mừng.

Buổi tối chúng tôi ghé qua Văn phòng hướng dẫn du lịch uống trà và đàm đạo với vị chủ nhà. Vị này hóa ra cũng là một thiền sinh Vipassana.  Cuộc nói chuyện rất hào hứng và chúng biết thêm rằng ở Kushinagar có một lễ hội lớn hằng năm vào ngày trăng tròn tháng Vesak (khoảng tháng 5-tháng 6) do chùa Myanmar tổ chức. Lễ hội mang tên Buddha Jayanti  có một hoạt động độc đáo là đem nước đến tưới cây bồ đề ở chùa. Lễ hội được dân địa phương ủng hộ rất nhiệt tình. Vị chủ nhà còn cho biết có một dự án đúc một tượng Phật Di Lạc bằng đồng cao tới 152m sẽ được tiến hành ở đây thay vì ở Bodhgaya.

Ký sự Hành Trình về đất Phật hay gọi cho vui là Tây Du Ký Sự kết thúc ở đây tuy rằng chúng tôi còn phải đi ba ngày nữa mới về nhà. Sáng hôm sau chúng tôi lên đường trở lại Gorakhpur, từ đó đáp chuyến xe lửa dài nhất – 24 tiếng đồng hồ – đến Kolkata. Ngày hôm sau mới từ đó bay về Bangkok. Anh Claude ở lại Bangkok để đón một người bà con từ Canada sang Thái chơi. Chúng tôi chia tay nhau lúc sáng sớm ở khu Khao San trong im lặng.

Cuộc hành trình này kéo dài 5 tuần, có lẽ là chuyến đi xa dài nhất trong đời của tôi. Nhưng nhớ lại chuyến du hành của các ngài Pháp Hiển, Huyền Trang thì chuyến đi của mình không có nghĩa lý gì. Ngài Pháp Hiển khởi hành từ Trường An năm 399 lúc ngài đã 65 tuổi. Ngài đi mất 6 năm mới tới Thiên Trúc. Ngài du hành trong xứ Ấn 6 năm và trở về mất 3 năm. Ngài Huyền Trang khởi hành  cuộc Tây du vào năm 629, và mất trọn 17 năm mới về lại kinh đô Trường An vào năm 646. Các ngài trải qua rất nhiều hoàn cảnh gian lao, nguy hiểm, vượt qua những sa mạc nắng cháy, những đỉnh núi tuyết cheo leo và băng qua hàng chục nước, hàng trăm vùng đất lạ.  Các ngài là các vị xuất gia, đi sang Ấn để học tập, nghiên cứu, thỉnh kinh, dịch kinh, in sách làm lợi cho biết bao người. Ngài Pháp Hiển ghi lại Phật Quốc Ký, còn ngài Huyền Trang viết Đại Đường Tây Vực Ký. Sau này Ngô Thừa Ân viết truyện Tây Du Ký theo cảm hứng từ ký sự của ngài Huyền Trang.

Nhưng nghĩ lại, Đức Phật mới là nhà du hành vĩ đại nhất. Ngài ra đi từ lúc 29 hay 30 tuổi và cuộc lữ của ngài kéo dài 50 năm. Ngoài 6 năm khổ hạnh, những năm còn lại ngài đi khất thực, chỉ ăn mỗi ngày một bữa và có lẽ không ít lần nhịn đói. Ngài mang theo ba chiếc y vừa để mặc, vừa làm chăn đắp. Ngài thường ngủ dưới gốc cây. Chỉ vào mùa mưa ngài mới trú trong các tu viện tường đất, hay tường gạch, mái lá. Sau khi dùng bữa trưa ngài bắt đầu giảng pháp. Có khi buổi tối cũng còn giảng.Ngài đã đi bộ qua những xứ sở xa lạ, các vùng ngôn ngữ khác nhau, các nền văn hóa chưa hề biết đến đạo giác ngộ. Ngài đi qua nhiều con đường có lẽ chưa thành đường. Ngài băng rừng, vượt sông, vượt suối, gặp bao nhiêu thú dữ, rắn rít.

Đức Phật không viết ký sự du hành, cũng không viết sách. Nhưng những gì ngài thuyết giảng được những người đời sau ghi thành sách trong ba tạng kinh điển –  kinh, luật, luận – khi in ấn cũng tới hàng trăm ngàn trang.

Ký sự du lịch ngắn này chỉ mong chia sẻ với bằng hữu một ít hiểu biết trên đường đi, mong tạo ra một chút cảm hứng cho bạn bè để lên kế hoạch cho những cuộc hành hương về xứ Phật sắp tới. Và chuyến du lịch chỉ có ý nghĩa khi nó không đơn thuần là một chuyến đi để gặt hái vài cảm giác mới mẻ nhưng chóng phai. Mong rằng mọi người trong chúng ta từ chuyến du lịch bình thường có cảm hứng để làm một cuộc hành trình  đặc biệt về nội tâm mình, vì hiểu biết nội tâm là cơ sở để giải tỏa những khổ đau mà ai cũng gặp phải trên con đường đời.

(HẾT)

T.N.B

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here