Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo trong nước GHPGVN – 30 năm thành lập, phát triển và đồng hành cùng...

GHPGVN – 30 năm thành lập, phát triển và đồng hành cùng dân tộc (1)

133
0

 

  

 

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
30 NĂM THÀNH LẬP, PHÁT TRIỂN VÀ ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC
 

 Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

 
I. BỐI CẢNH CHUNG:
 
Trong quá trình tồn tại và phát triển gần 2.000 năm trên đất nước Việt Nam thân yêu, Phật giáo Việt Nam đã sớm hài hòa, gắn bó với dân tộc xuyên suốt dòng lịch sử truyền bá tư tưởng giáo lý của đạo Phật. Đặc biệt, trong những giai đoạn thăng trầm của dân tộc, Phật giáo Việt Nam đều tích cực đóng góp công sức, chống lại các thế lực của ngoại bang để đem lại an lạc, hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam.
 
Trong từng thời kỳ lịch sử dân tộc, danh xưng của Giáo hội dù có khác nhau, nhưng sự nghiệp chủ yếu của Phật giáo Việt Nam vẫn là hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh. Vì thế, trong những thập niên trước năm 1975, Phật giáo Việt Nam tuy đã có tổ chức và thực hiện các cuộc vận động thống nhất Phật giáo, nhưng nhìn chung chưa có cuộc vận động nào mang được trọn vẹn ý nghĩa của nó trước khi ra đời như Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay. Một phần do âm mưu chia để trị của chính quyền Thực dân cũ và mới trước kia trong mọi lĩnh vực, một phần do hoàn cảnh khách quan của đất nước còn bị chia cắt, một phần do những dị đồng chưa thể hóa giải để các đệ tử Phật cùng chung chăm lo Phật sự.
 
Vì vậy, các tổ chức Phật giáo trước đây tại Việt Nam chưa hội đủ các yếu tố để hợp thành một khối thống nhất đúng ý nghĩa, kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết hòa hợp, yêu nước của toàn thể Tăng Ni, Phật tử Việt Nam.
 
Sau ngày 30/04/1975, hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, giang san nối liền một cõi, Bắc Nam sum họp một nhà. Đất nước thống nhất là yếu tố hết sức mãnh liệt và là bối cảnh vô cùng thuận lợi, là động lực để chư Tôn Giáo phẩm, Tăng Ni, Phật tử các tổ chức Giáo hội, Hệ phái thực hiện nguyện vọng, tâm huyết thống nhất Phật giáo mà các thế hệ Tiền bối đã dày công tạo dựng. Đây chính là duyên khởi của sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
 
II. CƠ SỞ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN GHPGVN
 
Để thực hiện nguyện vọng, tâm huyết thống nhất Phật giáo của chư Tôn Giáo phẩm, Tăng Ni, Phật tử các tổ chức Giáo hội, Hệ phái cả nước, Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam đã được tổ chức từ ngày 04 đến ngày 07/11/1981 tại chùa Quán Sứ – Thủ đô Hà Nội. Đại hội quy tụ 09 tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo trong cả nước:
 
1.      Hội thống nhất Phật giáo Việt Nam.
2.      Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
3.      Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.
4.      Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Tp. Hồ Chí Minh.
5.      Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam.
6.      Giáo hội Phật giáo Thiên Thai Giáo Quán.
7.      Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam.
8.      Hội Sư sãi Yêu nước miền Tây Nam bộ.
9.      Hội Phật học Nam Việt.   
 
Kể từ đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước để thực hiện mọi hoạt động Phật sự theo hướng đi lên của thời đại, đến nay đã tròn 30 năm, trải qua 06 nhiệm kỳ.
 
+ Nhiệm kỳ I là thời kỳ xây dựng và củng cố cơ sở với 50 thành viên HĐCM, 50 thành viên Hội đồng Trị sự, thành lập 28 Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh, Thành hội, 06 Ban Ngành hoạt động.
 
+ Nhiệm kỳ II là giai đoạn phát triển các mặt hoạt động theo chương trình nội dung 6 điểm của Giáo hội trong thời kỳ đổi mới của xã hội và đất nước, với 60 thành viên HĐCM, 60 thành viên Hội đồng Trị sự, thành lập được 33 đơn vị Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh, Thành hội và 08 Ban Ngành hoạt động.
 
+ Nhiệm kỳ III là giai đoạn tiếp tục phát triển một cách toàn diện và hoàn chỉnh các mặt hoạt động của 10 Ban Ngành, Viện từ Trung ương đến địa phương trong thời kỳ tiếp tục đổi mới và mở cửa của đất nước, tiến tới mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, thành lập 41 đơn vị Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh, Thành hội, với 75 thành viên HĐCM, 70 thành viên Hội đồng Trị sự.
 
+ Nhiệm kỳ IV thành lập 45 đơn vị Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo, với 65 thành viên HĐCM, 95 thành viên HĐTS. Đây là nhiệm kỳ tổng kết những thành quả của Giáo hội trong những năm cuối của thế kỷ 20 để vững vàng bước sang thế kỷ 21.
 
+ Nhiệm kỳ V là nhiệm kỳ đầu của thế kỷ 21, với 52 đơn vị Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo, 85 thành viên Hội đồng Chứng minh, 95 thành viên Hội đồng Trị sự chính thức và 24 thành viên Hội đồng Trị sự dự khuyết.
 
+ Nhiệm kỳ VI, kiện toàn cơ chế tổ chức, triển khai nội dung hạt động theo tinh thần Hiến chương đã tu chỉnh, gồm 03 cấp hành chánh Giáo hội, với 57 đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo, 97 thành viên HĐCM, 147 thành viên HĐTS chính thức và 48 thành viên dự khuyết HĐTS. Trong nhiệm kỳ này, Giáo hội đã công nhận 06 Hội Phật tử Việt Nam tại các nước Châu Âu như: Cộng hòa Liên Bang Nga, Đức, Séc, Hungary, Ba Lan và Ucraina.
 
Qua 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bằng những thuận lợi khách quan và chủ quan, qua các Nghị định 267, 26 của Chính phủ, nhất là Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo đã được Thường vụ Quốc hội thông qua, Chủ tịch nước ký sắc lệnh công bố ngày 29.6.2004, Nghị định số 22/2005/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01.3.2005 đã làm cơ sở cho hoạt động tôn giáo nói chung thêm thuận lợi và đạt kết quả hữu hiệu.
 
Qua đó, từng thành viên của Ban thường trực, Hội đồng Trị sự, các Ban, Viện Trung ương Giáo hội, các Tỉnh, Thành hội Phật giáo, Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước tích cực hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của mình, đạt được những thành quả khả quan từ phạm vi xây dựng và củng cố cơ sở Trung ương, địa phương cho đến hoạt động chuyên ngành như Tăng sự, Giáo dục Tăng Ni, Hướng dẫn Phật tử, Hoằng pháp, Nghi lễ, Văn hóa, Kinh tế Tài chính, Phật giáo quốc tế, Từ thiện xã hội, Nghiên cứu Phật học, làm cơ sở tổng kết công tác hoạt động Phật sự 30 năm qua của Giáo hội một cách phong phú và khởi sắc.
 
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vẫn còn những khó khăn, hạn chế và tồn đọng không sao tránh khỏi mà trong phần nhận xét đánh giá của bản báo cáo sẽ trình bày. 
 
III. CÁC HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ VÀ THÀNH QUẢ ĐẠT ĐƯỢC CỦA GHPGVN

A. VỀ MẶT TỔ CHỨC:
 
– Thực hiện Nghị quyết các kỳ Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Nghị quyết Hội nghị Thường niên Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trung ương Giáo hội đã ban hành các Thông tư, Thông bạch và các văn kiện có liên quan như tổ chức Đại lễ Phật đản, An cư Kiết hạ, tổ chức Hội thảo chuyên ngành các Ban, Viện Trung ương Giáo hội; thông tư hướng dẫn tổ chức Đại hội Đại biểu Phật giáo cấp Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc tỉnh và Đại hội Đại biểu Phật giáo cấp Tỉnh, Thành; Thông bạch tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam; tổ chức Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; Đại lễ Kỷ niệm 700 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn; Lễ kỷ niệm 1000 năm Quốc sư Khuông Việt viên tịch; thông bạch cúng dường công đức phí, thông cáo tổ chức Đại lễ tưởng niệm kỳ siêu anh linh anh hùng liệt sĩ và đồng bào tử nạn trong các thời kỳ chiến tranh; Thông bạch kêu gọi Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước cảnh giác trước âm mưu chia rẽ của những thế lực thù địch; cùng nhiều văn bản có liên quan khác.
 
– Công tác khắc dấu tròn cho Ban Đại diện Phật giáo và cơ sở, đến nay đã khắc xong 280 khuôn dấu tròn cho Ban Đại diện Phật giáo cấp Quận, Huyện, Thị, Thành phố thuộc tỉnh; và 4.531 con dấu tròn cho các Tự Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường trong cả nước.
 
– Công tác xây dựng Trụ sở Văn phòng 1 Trung ương Giáo hội – Chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội đã được xây dựng khang trang; Trụ sở Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội – Thiền viện Quảng Đức, Tp. Hồ Chí Minh đang thi công dãy nhà Tây Lang hạng mục C của công trình, đến nay đã đạt được 70%, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong dịp Hội nghị thường niên kỳ V khóa VI cuối năm 2011.
 
– Trụ sở Văn phòng Tỉnh, Thành hội Phật giáo hầu hết đều được trùng tu, xây dựng khang trang, với trang thiết bị tiện nghi; một số Tỉnh hội đang tiến hành trùng tu, xây dựng mới.
 
– Công tác xây dựng và củng cố cơ sở các cấp Giáo hội tại địa phương:
 
Giáo hội đã có 57/63 Tỉnh, Thành hội Phật giáo được thành lập và hoạt động ổn định, đạt nhiều thành quả to lớn. Thành viên Ban Trị sự là đại diện của các Hệ phái Phật giáo, có phẩm chất đạo đức và năng lực để điều hành Phật sự.
 
– Công tác Phật giáo Nam tông Khmer:
+ Trung ương Giáo hội đã tổ chức 04 Hội nghị Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer tại Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu và Kiên Giang.
+ Đã in 80 đầu Kinh sách Phật giáo bằng chữ Khmer, tổng cộng 385.388 cuốn  và trao tặng cho 14 Tỉnh, Thành hội có Phật giáo Nam tông Khmer sinh hoạt.  
+ Được sự hỗ trợ của Cơ quan chức năng các tỉnh, thành hỗ trợ kinh phí vận chuyển, chư Tôn đức đại diện Phật giáo Nam tông Khmer tại 14 đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã sang Vương quốc Campuchia thỉnh Đại Tạng Kinh nguyên bản bằng tiếng Khmer, để phân phối cho các chùa Phật giáo Nam tông Khmer có nhu cầu đọc tụng.  
+ Được sự hỗ trợ kinh phí từ Ban Tôn giáo Chính phủ, Trung ương Giáo hội đã tổ chức 02 lần (năm 2005, 2010) cho 43 đại biểu là cấp cao của Phật giáo Nam tông Khmer tham quan thủ đô Hà Nội.  
 
– Ban Truyền thông:
Ban Truyền thông trực thuộc Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa được thành lập theo Quyết định số 320 ngày 23/8/2011. Ban Truyền thông ra đời là một sự kiện để kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hướng đến Đại hội VII GHPGVN và Đại hội Đại biểu Tỉnh, Thành hội Phật giáo nhiệm kỳ 2012 – 2017; là điều kiện cần và đủ để chuẩn bị cho công tác quảng bá hình ảnh của Giáo hội đến với Tăng Ni, Phật tử, quần chúng qua phương thức truyền thông đa phương tiện, đặc biệt là chuẩn bị cho sự ra đời của các kênh truyền thanh, truyền hình về Phật giáo Việt Nam.
 
B. HOẠT ĐỘNG CHUYÊN NGÀNH:
 
1. Về Tăng sự:
 
Theo báo cáo sơ khởi của Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh, Thành hội Phật, số lượng Tăng Ni và cơ sở Tự viện trong cả nước được tóm tắt như sau:
 
– Về Tăng Ni, có 46.495 vị
 
– Về Tự viện có 14.778 cơ sở Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường.
 
– Về công tác cấp giấy Chứng nhận Tăng Ni, Ban Tăng sự Trung ương đã duyệt cấp 21.515 CNTN, đổi 2.871 CNTN, 8.431 Chứng nhận Tu sĩ.
 
– Về truyền giới cho Tăng Ni, các Tỉnh Thành hội Phật giáo đã tổ chức 258 Đại Giới đàn, truyền giới cho 37.040 giới tử; đã duyệt cấp 36.218 chứng điệp thọ giới.
 
– Tổ chức An cư Kiết hạ:
Mỗi năm, trung bình có khoảng 25.000 Tăng Ni an cư tập trung và gần 3000 Tăng Ni an cư tại chỗ; Có trên 8000 Chư Tăng Nam tông an cư theo truyền thống Hệ phái. Trung ương Giáo hội đã duyệt cấp 11.864 sổ Chứng điệp An cư Kiết hạ cho Tăng Ni An cư lần đầu.
 
– Tổ chức khóa Bồi dưỡng Trụ trì và tập huấn Hành chánh:
+ Tại Văn phòng Trung ương Giáo hội tổ chức 02 khóa Bồi dưỡng Hành chánh Giáo hội cho Tăng Ni, Cư sĩ Ban Viện Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội, Ban Đại diện Phật giáo v.v….
+ Tại Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã tổ chức thành công 70 Khóa Bồi dưỡng nghiệp vụ Trụ trì và tập huấn Hành chánh Giáo hội cho Tăng Ni, Cư sĩ thành viên Ban Trị sự, Ban Đại diện, Tăng Ni Trụ trì các cơ sở Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường, có 19.701 lượt Tăng Ni, Cư sĩ tham dự.
 
– Bổ nhiệm trụ trì, chuyển vùng tu học và sinh hoạt Phật sự:
 
Để điều hành sinh hoạt cơ sở tín ngưỡng đơn vị của Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo các Tỉnh, Thành đã bổ nhiệm gần 10 ngàn Tăng Ni trụ trì cơ sở và hợp thức hóa, công nhận hàng ngàn Tăng Ni là trụ trì cơ sở của Giáo hội, đồng thời đã chấp thuận cho hàng trăm cơ sở Tự viện được gia nhập và sinh hoạt hợp pháp trong Giáo hội.
 
Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã giới thiệu, thuyên chuyển hàng trăm Tăng Ni từ miền Nam ra miền Bắc và các Tỉnh, Thành hội Phật giáo phía Nam để tu học, sinh hoạt Phật sự và hướng dẫn Phật tử tu học tại cơ sở tự viện của Giáo hội tại địa phương.
 
– Phân ban đặc trách Ni giới thuộc Ban Tăng sự Trung ương:
 
Kể từ sau Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, Phân ban đặc trách Ni giới thuộc Ban Tăng Sự Trung ương GHPGVN nhiệm kỳ VI (2007 – 2012) được thành lập vào tháng 11 năm 2008, đến nay các hoạt động của Phân ban Đặc trách Ni giới đều ổn định, có 33 Tỉnh, Thành hội Phật giáo thành lập Phân ban đặc trách Ni giới. Theo thống kê, số lượng Ni chúng là 20.571 vị; cơ sở 8.101 cơ sở Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường do chư Ni quản lý và tham gia vào các Phật sự chung của Giáo hội như giảng dạy các Trường Phật học, Khóa An cư kiết hạ, thực hiện công tác từ thiện xã hội, đạt kết quả khả quan.
 
2. Công tác Giáo dục Tăng Ni:
 
Giáo dục và đào tạo Tăng Ni có trình độ Phật học căn bản và nâng cao là một trong những Phật sự trọng tâm của Giáo hội. Vì thế, từ khi GHPGVN được thành lập, công tác Giáo dục luôn được lãnh đạo các cấp Giáo hội quan tâm, chú trọng và tạo điều kiện để Giáo dục Phật giáo luôn được phát triển.
 
– Hội thảo giáo dục:
 
+Tổ chức thành công nhiều Hội nghị chuyên đề Giáo dục Phật giáo và Hội nghị của 04 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội để thống nhất chương trình Giáo dục tại các Học viện, các Trường Phật học, biên soạn lại Giáo trình giảng dạy của các cấp học, nhất là việc lập đề án trình và xin phép mở Hậu Đại học.
 
+ Tổ chức Hội thảo Giáo dục Phật giáo toàn quốc tại Hà Nội.
 
– Các cơ sở Giáo dục Phật giáo:
 
+ Học viện: Có 04 Học viện, gồm Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Huế, Tp. Hồ Chí Minh và Học viện Phật giáo Việt Nam Nam tông Khmer tại Tp. Cần Thơ. Đã đào tạo 4.826 Tăng Ni sinh tốt nghiệp Cử nhân Phật học; đang đào tạo trên 2000 Tăng Ni sinh. Hệ đào tạo từ xa của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh có 400 Học viên đăng ký theo học.
 
+ Cao đẳng Phật học: Có 08 Lớp Cao đẳng Phật học. Đã đào tạo 1.506 Tăng Ni sinh tốt nghiệp; đang đào tạo 690 Tăng Ni sinh.
 
+ Trung cấp Phật học: Có 31 Trường Trung cấp Phật học: Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Phú Thọ, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Gia Lai. Đã đào tạo 7.315 Tăng Ni sinh tốt nghiệp Trung cấp Phật học; đang đào tạo 2.611 Tăng Ni sinh.
 
+ Sơ cấp Phật học:
Có khoảng 50 Lớp Sơ cấp Phật học, có gần 1.500 Tăng Ni sinh đang theo học chương trình Sơ cấp Phật học.
 
– Các Trường lớp của Phật giáo Nam tông:
 
+ Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Tp. Cần Thơ, có 58 Tăng sinh tốt nghiệp Cử nhân Phật học khóa I; đang tiếp tục đào tạo Khóa II (2011 – 2015).
 
+ Về các Lớp Trung cấp Phật học, có 19 lớp, 1.534 Tăng sinh theo học; 26 Tăng sinh tốt nghiệp Trung cấp bổ túc văn hóa Pali Nam bộ; Có 36 Lớp Sơ cấp, 2.777 Tăng sinh theo học; có 785 Lớp Pali, Khmer ngữ tiểu học, 25.155 chư Tăng và con em dân tộc theo học, góp phần hoàn thiện chương trình giáo dục Phật học, phổ thông cho chư Tăng và con em đồng bào dân tộc theo Phật giáo Nam tông trong hệ thống giáo dục của Phật giáo Việt Nam.
 
+ Du học:
 
Được sự giúp đỡ của Chính phủ và các cơ quan chính quyền lãnh đạo địa phương, Giáo hội đã giới thiệu 376 Tăng Ni du học tại các nước: Ấn Độ, Nhật Bản, Srilanka, Trung Quốc, Pháp, Thái Lan, Tích Lan, Myanma, Mỹ, Úc, Đài Loan….. Đã có gần 100 Tăng Ni tốt nghiệp Tiến sĩ, Thạc sĩ chuyên ngành Phật học và các chuyên ngành khác như tâm lý học, triết học, xã hội học đã về nước, hiện đang tham gia các công tác của Ban Viện Trung ương Giáo hội, các Tỉnh, Thành hội Phật giáo, nhất là tham gia công tác giảng dạy tại các Học viện Phật giáo Việt Nam, các Lớp Cao đẳng Phật học và các Trường Trung cấp Phật học.
 
3. Công tác Hoằng pháp:
 
Được sự hỗ trợ của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự và các ngành chứng năng có liên quan, Ban Hoằng pháp Trung ương và địa phương đã tuần tự thực hiện có hiệu quả một số công tác trọng tâm như:
 
– Tổ chức thành công 04 khóa Hội thảo Hoằng pháp tại Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội; 03 khóa Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc tại Đà Nẵng, Kiên Giang, Bình Dương; 05 khóa Hội thảo Hoằng pháp tại các tỉnh phía Bắc; 01 khóa Hội thảo Hoằng pháp tại các tỉnh khu vực miền Trung và Tây nguyên.
 
– Công tác đào tạo Giảng sư: Đã đạo tạo thành công 4 khóa Cao cấp và Trung cấp Giảng sư, có 681 Tăng Ni Giảng sinh tốt nghiệp; khóa V (2009 – 2012), có 140 Tăng Ni giảng sinh Lớp Cao cấp giảng sư và 40 Tăng Ni giảng sinh Trung cấp giảng sư đang được đào tạo.
 
– Thăm viếng và thuyết giảng: Nhân mùa An cư Kiết hạ hằng năm, Ban Hoằng pháp Trung ương đều tổ chức thăm viếng, cúng dường, thuyết giảng tại Trường hạ các Tỉnh, Thành hội Phật giáo miền Tây, miền Đông, miền Trung, Tây nguyên và một số Tỉnh, Thành hội Phật giáo phía Bắc.
 
– Sinh hoạt tại các đạo tràng: Chương trình thuyết giảng, sinh hoạt giáo lý tại hơn 100 đơn vị đạo tràng như: Đạo tràng Pháp Hoa, Dược Sư, tu Bát Quan trai, tu Thiền, niệm Phật, Phật thất, khóa tu một an lạc v.v… được các thành viên Ban Hoằng pháp Trung ương, Ban Hoằng pháp các Tỉnh, Thành hội Phật giáo, Giảng sư đoàn Trung ương, Giảng sư đoàn cấp Tỉnh, Thành nỗ lực tham gia trong công đưa Phật pháp đến với đồng bào Phật tử các giới, nhất là đồng bào dân tộc các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo. Mỗi điểm giảng tại các giảng đường lớn, đạo tràng lớn có khoảng từ 200, 300 đến trên 1000, 1500 đồng bào Phật tử các giới tham dự.    
 
– Hội thi giáo lý dành cho cư sĩ, Phật tử: Để tạo điều kiện cho Phật tử tìm hiểu giáo lý, Ban Hoằng pháp Trung ương và các Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã tổ chức nhiều Hội thi giáo lý cho Phật tử tại Trung ương và một số Tỉnh, Thành. Nổi bật nhất là Hội thi giáo lý dành cho Phật tử tại khu vực Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây, khu vực các tỉnh Tây nguyên và miền Trung, khu vực các tỉnh, thành phía Bắc đã được tổ chức thành công rực rỡ. Mỗi hội thi có trên 1000 đến vài ngàn đồng bào Phật tử tham dự, gồm đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần, và có những người ngoại quốc yêu đạo Phật đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam cũng đăng ký tham dự Hội thi giáo lý.
 
Các thành quả hoạt động của công tác Hoằng pháp đã góp phần truyền bá giáo pháp Đức Phật đến mọi tầng lớp đồng bào Phật tử, tăng trưởng đạo tâm, phát huy chánh tín, tạo nguồn an lạc, giải thoát, ổn định trong cuộc sống và sự tu tập theo Chánh pháp của người Phật tử tại gia.
 
4. Công tác Hướng dẫn Phật tử:
 
Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương có 02 Phân ban Cư sĩ và Phân ban Gia đình Phật tử hoạt động đã triển khai các hoạt động Phật sự có kết quả theo chương trình đã đề ra như:
 
– Ban Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương thường xuyên thăm viếng và trao đổi thông tin Phật sự với Ban Hướng dẫn Phật tử các Tỉnh, Thành hội Phật giáo. 
 
– Tổ chức Hội nghị góp ý sửa đổi Nội quy hoạt động của Ban và Phân ban.
 
– Theo số lượng thống kê của Phân ban Gia đình Phật tử, hiện có 1003 đơn vị Gia đình Phật tử sinh hoạt trong Giáo hội; 8.560 Huynh trưởng và 65.650 Đoàn sinh.
 
– Về các Đạo tràng, hiện có 907 đạo tràng Tu Bát Quan trai, 81 đạo tràng Tu thiền, 487 đạo tràng Pháp hoa, 91 đạo tràng Đại Bi, Dược Sư, Niệm Phật, 10 đơn vị tổ chức khóa tu một ngày an lạc, và hàng trăm lớp giáo lý.  
 
– Tổ chức thành công 02 cuộc Hội thảo Hướng dẫn Phật tử toàn quốc; 11 lần hội nghị Huynh trưởng toàn quốc; hằng năm đều tổ chức Hội nghị thường niên để tổng kết công tác hoạt động của Phân Ban Cư sĩ và Phân ban Gia đình Phật tử.
 
– Tổ chức các khóa Huấn luyện Kiên, Trì, Định, Lực; các trại huấn luyện Anoma, Ni Liên, Tuyết Sơn, Lộc Uyển, A Dục, trại Vạn Hạnh…; và hàng trăm Hội trại, Trại hè, với sự tham dự của các Huynh trưởng và đoàn sinh.
 
– Tổ chức cho 969 Huynh trưởng Thọ cấp Tấn, cấp Tập và cấp Tín.
 
– Tổ chức 04 Đại lễ Quy y cho đồng bào dân tộc tại tỉnh Kon Tum (4000 người), Đak lak (700 người), Cần Thơ (700 người), Bình Phước (5.311 người) và nhiều Lễ Quy y cho đồng bào Phật tử tại các cơ sở Tự Viện của Giáo hội, đã cấp gần 10.000 thẻ tín đồ Phật tử. 
 
– Tổ chức Lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập Gia đình Phật tử Việt Nam (1951 – 2011) quy mô và trọng thể; Lễ tưởng niệm Chư Tôn đức tiền bối hữu công, Cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám và các Huynh trưởng có công với Đạo pháp đã tạ thế.
 
– Tiểu ban Thanh Thiếu nhi Phật tử Trung ương phối hợp với Báo Giác Ngộ tổ chức 06 Hội trại tuổi trẻ Phật giáo. Có hàng chục ngàn lượt trại sinh từ 14 đến 30 tuổi tham dự.
 
Các sinh hoạt tín ngưỡng của các giới Nam Nữ Phật tử Trung, Lão niên như nghe pháp, tụng Kinh, Thọ Bát Quan trai, học hỏi Giáo Lý hàng tuần, hàng tháng, Tu thiền, Tu tịnh, Hội quy v.v….cũng được tổ chức ổn định và nhân rộng tại các cơ sở Tự Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường trong toàn quốc.
 
Ngoài ra, tại các khóa Hội thảo, Hội nghị, hay tổ chức Đại lễ Quy y cho đồng bào Phật tử, nhất là Phật tử các vùng dân tộc, tây nguyên, Ban Hướng dẫn Phật tử đều kết hợp với Ban Hoằng pháp để thuyết giảng Phật pháp và Ban Từ thiện Xã hội để thực hiện các công tác từ thiện, thực hiện trọn vẹn tinh thần và bổn phận của người Phật tử tại gia đối với Đạo pháp và Xã hội.
 
5. Hoạt động Nghi lễ:
 
Trong quá trình du nhập, tồn tại và phát triển suốt chiều dài 2.000 lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nghi lễ Phật giáo luôn là một trong những nhân tố tạo thành tính đặc trưng của văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung. Nghi lễ luôn được xem là một trong những chính nhân để Phật pháp được xương minh, lợi lạc chúng hữu tình. Vì vậy, trong suốt chặng đường 30 năm, kể từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Ban Nghi lễ Trung ương đã hết sức cố gắng hoàn thành trách nhiệm về nghi lễ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam như sau:
 
– Đại Lễ Phật Đản: 
 
Hằng năm, Trung ương Giáo hội đều có thông bạch hướng dẫn tổ chức Đại lễ Phật đản một cách trang nghiêm trọng thể từ Trung ương đến địa phương, các cơ sở Tự viện, với nhiều chương trình hoạt động phong phú như diễu hành xe hoa, thuyền hoa, rước kiệu hoa, phóng sanh đăng, thắp nến cầu nguyện hòa bình, chương trình văn nghệ, thuyết giảng ý nghĩa Phật đản sanh, lễ hội ẩm thực chay v.v… tất cả được tổ chức rất chu đáo, trật tự và đạt kết quả tốt đẹp.
 
Đại lễ Phật đản được Trung ương Giáo hội phối hợp với Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Tp. Hà Nội, tổ chức trọng thể tại Cung Văn hóa Thủ đô Hà Nội. Cùng với Thủ đô Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và các Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong cả nước đồng loạt cử hành Đại lễ Phật đản vào lúc 06 giờ ngày Rằm tháng tư âm lịch như Trung ương Giáo hội đã hướng dẫn. Đại lễ Phật đản tại Thủ đô Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, ngoài sự tham dự của chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo cấp cao của Giáo hội còn có sự tham dự của các vị Tổng lãnh sự, Lãnh sự quán các nước có trụ sở tại thành phố; các cơ quan nhà nước, Bộ, ngành, sở Trung ương và địa phươngtham dự. Tại các đơn vị Tỉnh, Thành khác tại Lễ đài tập trung đều có sự tham dự của Lãnh đạo chính quyền cấp tỉnh thành phố và các Sở, Ban Ngành đoàn thể đã cùng hàng ngàn Tăng Ni, đồng bào Phật tử tham dự.
 
– Đại lễ Vu Lan – Báo Hiếu:
 
Trên tình thần tri ân, báo ân của người con Phật gắn cùng với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, các Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong cả nước đã hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tổ chức Đại lễ Vu Lan báo hiếu báo ân được trang nghiêm, long trọng, đầy đủ ý nghĩa và ổn định trong tinh thần đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã khuất và những người còn sống bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực như thăm và tặng quà cho các chiến sĩ biên phòng, hải đảo, giúp đỡ gia đình có công với Cách mạng, gia đình Liệt sĩ, các bà Mẹ Việt Nam anh hùng, người nghèo khó, tàn tật, trại trẻ mồ côi, nhà dưỡng lão, trại tâm thần, trại phong v.v…
 
Nhân kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, ngoài việc đặt vòng hoa tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sĩ, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thông bạch số 160 ngày 02/5/2011 hướng dẫn các cơ sở Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường trong toàn quốc của Giáo hội đồng loạt gióng lên 09 hồi chuông u minh vào lúc 06giờ ngày 27/7/2011 và hằng năm. Việc cử 09 hồi đại hồng chung vào ngày Thương binh Liệt sĩ là nghĩa cử cao đẹp về truyền thống tri ân, báo ân của dân tộc và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tiếng đại hồng chung được gióng lên vào một thời khắc nhất định trong ngày Thương binh Liệt sĩ đã nói lên ý nghĩa tình người của dân tộc và Phật giáo Việt Nam.
 
– Lễ Tưởng niệm, Lễ tang:
 
Với lòng thành kính vô biên và tinh thần tri ân, báo ân của người con Phật, tại Văn phòng Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội và các cơ sở Tự viện liên hệ đã tổ chức những buổi lễ tưởng niệm rất trang nghiêm trọng thể như Lễ Kỷ niệm Bồ tát Quảng Đức và chư vị Thánh tử đạo, Đại lễ Kỷ niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt, Lễ Kỷ niệm 1000 năm Quốc sư Khuông Việt viên tịch, Lễ kỷ niệm Chư Sơn Thiền đức Hội đồng Trưởng lão của các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ, Chư Tôn đức Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã viên tịch; đồng thời tổ chức Tang lễ chư Tôn đức giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, chư Tôn đức giáo phẩm lãnh đạo các cấp Giáo hội trang nghiêm và trọng thể.    
 
Qua tổng kết, trong 30 năm qua, Giáo hội đã tổ chức Lễ tang, Lễ tưởng niệm cho  238 Chư Tôn đức thành viên Hội đồng Chứng minh, 158 vị trong Hội đồng Trị sự viên tịch.
 
– Lễ hội Phật giáo :
 
Trong cuộc sống, ngoài nhu cầu vật chất, nhu cầu về đời sống tâm linh cũng không thể thiếu. Vì thế, Nghi lễ tôn giáo luôn được xem là một trong những giá trị văn hóa đạo đức quan trọng để xương minh Phật pháp, bảo tồn và phát huy văn hóa Phật giáo trong lòng dân tộc. Để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người Phật tử, ngoài các nghi lễ cầu an đầu xuân – tết Nguyên đán, lễ cúng Rằm tháng Giêng, Đại lễ Phật đản, Vu Lan Báo Hiếu ngày Rằm tháng Bảy – ngày xá tội vong nhân, ngày đền ơn đáp nghĩa, Lễ Phật xuất gia, Thành đạo, nhập Niết bàn, Lễ vía Bồ tát Quán Thế Âm, Lễ vía Đức Phật A Di Đà và các lễ hội truyền thống khác cũng được tổ chức theo từng địa phương tại các Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường đều mang đậm nét tinh thần Phật giáo hòa quyện với dân tộc. Để đạt được những điều này, Ban Nghi lễ Trung ương và Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ, hướng dẫn các Tự viện tổ chức các ngày lễ lớn của Phật giáo.
 
– Thực hiện Nghi lễ Quy Y Tam bảo cho  4000 tín đồ Phật giáo là người dân tộc tại tỉnh Kon Tum, Đak lak 700 người, Cần Thơ 700 người và 5311 đồng bào dân tộc tại tỉnh Bình Phước; Quy y cho hàng vạn tín đồ Phật tử tại các cơ sở Tự viện của Giáo hội.
 
– Với cuộc hành trình vòng quanh thế giới, mục đích nguyện cầu cho thế giới hoà bình, chúng sinh an lạc, tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới cao 3,2m, nặng 4,6 tấn đã được cung nghinh đến Tp. Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp và đưa về tỉnh Bắc Ninh để đồng bào và Phật tử chiêm bái. Trong suốt thời gian tượng Phật ngọc trụ tại Việt Nam, Ban Nghi lễ Trung ương và Ban Nghi lễ các Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã kết hợp chặt chẽ với Ban Trị sự để tổ chức Đại lễ cung nghinh Phật ngọc thật trang nghiêm và trọng thể. 
Đại Lễ cung nghinh 06 viên Xá lợi Phật và Xá lợi của các bậc Thánh Tăng từ chùa Giác Quang, quận 8, Tp. Hồ Chí Minh về tôn thờ vĩnh viễn tại Trụ sở Trung ương GHPGVN – chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội và tại chùa Bái Đính – Ninh Bình, đã được Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Ninh Bình và Chư Tăng Phật giáo Nam tông Kinh phối hợp tổ chức dưới sự tài trợ của Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường – Hà Nội, sự ủng hộ của Tăng Ni, Phật tử. Ban Nghi Lễ Trung ương và Ban Nghi Lễ Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hà Nội, Ninh Bình đã tham gia Đại lễ cung nghinh Xá lợi Phật và Xá lợi Thánh tăng diễn ra vô cùng trang nghiêm và trọng thể với sự chứng minh, tham dự của Chư Tôn Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo; Quý vị lãnh đạo cấp cao Nhà nước tại Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, tỉnh Ninh Bình cùng sự tham dự của hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử. Đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc trong việc chiêm bái, tu tập của người Phật tử, nhằm tôn vinh giá trị văn hóa và sự trong sáng của giáo lý Đạo Phật trong cuộc sống nhân gian, xiển dương Phật pháp sâu rộng trong đời sống tu học của Tăng Ni, Phật tử.
 
Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày Đức Vua Trần Nhân Tông – Phật Hoàng Điều Ngự Giác Hoàng nhập Niết bàn, được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; Ủy ban Nhân dân Tỉnh Quảng Ninh và Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Quảng Ninh long trọng tổ chức Đại lễ Tưởng niệm và Hội thảo khoa học tại Yên Tử Sơn phúc địa hùng vĩ. Ban Nghi lễ đã tham gia công tác nghi lễ tại buổi Đại lễ tưởng niệm nói trên thành tựu viên mãn;
 
Đại lễ kỷ niệm 701 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt, Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong toàn quốc đồng loạt cử hành Lễ tưởng niệm tại Trụ sở Văn phòng Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo với sự tham dự của đông đảo Tăng Ni và Phật tử. Ban Nghi lễ Trung ương và các Tỉnh, Thành đã thực hiện phần nghi thức cử hành Lễ tưởng niệm  theo đúng nghi thức truyền thống của dân tộc và của Phật giáo. Đặc biệt, tại Chùa Trình, khu di tích Yên Tử, Quảng Ninh đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trên núi An Kỳ Sinh khu di tích danh thắng Yên Tử.
 
Ngoài ra, Ban Nghi lễ Trung ương đã kết hợp nhuần nhuyễn với Ban Nghi lễ địa phương trong việc thực hiện nghi thức khai mạc, bế mạc Đại giới đàn do các Tỉnh, Thành hội Phật giáo tổ chức trang nghiêm trọng thể, đúng luật và đúng pháp. Ước tính, Ban Nghi lễ đã tham gia thực hiện phần Nghi lễ Phật giáo cho trên 250 Đại Giới đàn; 02 Đại lễ Quy Y cho đồng bào dân tộc tại các tỉnh Tây nguyên, tổ chức tại Kon Tum và đồng bào dân tộc tại tỉnh Bình Phước; cùng nhiều Lễ Quy y, lễ cầu thọ, lễ cầu an, cầu siêu cho tín đồ Phật tử.
 
Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong cả nước đã tổ chức nhiều Đại lễ Tưởng niệm cầu siêu anh linh anh hùng liệt sĩ và đồng bào tử nạn trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc như: 03 lần tổ chức Đại lễ cầu siêu và an táng hài cốt của các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; Đại Lễ cầu siêu và khánh thành 02 ngôi chùa trên đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa, Đại lễ cầu siêu tại đường 9 – Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình; Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn tỉnh Quảng Trị; nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh Lạng Sơn, Điện Biên Phủ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Côn Đảo – Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bình Dương, Đak Lak, Lâm Đồng, Đak Nông v.v…, Đại lễ tưởng niệm các bậc tiền nhân có công trong việc mở mang bờ cõi Việt Nam đã thể hiện  đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam và tinh thần tri ân, báo ân của Đạo Phật, là một truyền thống văn hóa nhân văn tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
 
– Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc:
 
Được sự cho phép của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban Tôn giáo Chính phủ và UBND Tỉnh Khánh Hòa cũng như được sự hỗ trợ tích cực của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hòa, Ban Nghi lễ Trung ương tiến hành tổ chức 02 Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc tại Nha Trang vào ngày 12 – 13.5.2004 và ngày 16 – 17/11/2010, với sự chứng minh của chư Tôn giáo phẩm Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, sự tham dự của lãnh đạo Chính quyền tỉnh Khánh Hòa, Tp. Nha Trang và chư Tôn dức, cư sĩ đại diện Ban Nghi lễ Tỉnh, Thành hội Phật giáo cả nước, cùng đông đảo Phật tử tham dự Lễ Khai mạc Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc. Ngoài chương trình Hội thảo chính về chủ đề “Nghi lễ trong đời sống văn hóa tâm linh”, tại cuộc Hội thảo còn tổ chức triển lãm, văn nghệ, tặng quà từ thiện cho đồng bào nghèo. Hội nghị Nghi lễ Phật giáo toàn quốc đã thành công tốt đẹp.
 
(Xem tiếp phần 2)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here