Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Hành trình về đất Phật – Tây du ký sự kỳ 14:...

Hành trình về đất Phật – Tây du ký sự kỳ 14: Bodhgaya

123
0

Đến cổng kiểm tra an ninh chúng tôi bỏ giày dép vào kệ và bước chân đi xuống những bậc cấp, để đi vào ngôi chính điện. Hóa ra nền tháp lại thấp hơn mặt đường khoảng 6m.

Đại Tháp Mahabodhi là một quần thể bao gồm một tháp ở giữa, có  nền móng hình vuông, mỗi cạnh chừng 15m, vươn cao khoảng 52m, càng cao tháp càng nhỏ dần. Bốn góc có các tháp nhọn và nhỏ hơn nhiều.Nhưng nhìn toàn cục thì các tháp rất cân đối Bên trong tháp là một ngôi chính điện có tượng Phật bằng đá. Đằng sau tháp là cây bồ đề nơi Đức Phật tu thiền định và chứng ngộ. Xung quanh là một số công trình kiến trúc khác.

Tháp Đại Giác – Mahabodhi Temple

Theo sử sách thì vua Ashoka đến chiêm bái thánh tích này vào khỏang 250 năm sau khi Đức Phật thành đạo, và đó là vào năm thứ 10 sau khi ông làm lễ đăng quang.

Đây là vị hoàng đế sáng chói nhất trong lịch sử Ấn Độ. Ông lên ngôi năm 274 TCN và tiếp nối sự nghiệp của ông nội là Chandragupta, người bắt đầu chinh phục các vương quốc nhỏ để thành lập đế quốc Mauryan (324 TCN), và Ashoka đã mở rộng lãnh thổ tới mức chưa từng có trước đây. Lúc ấy đế quốc bao gồm các phần đất thuộc Pakistan, Afghanistan, cho tới Bangladesh và gần trọn tiểu lục địa Ấn ngày nay, ngoại trừ một phần nhỏ ở cực nam .

 Nhưng sau trận chiến tranh để đánh bại nước Kalinga ở phương Nam (260 TCN), ông kinh hoàng khi nhận ra tham vọng mở rộng lãnh thổ đã đưa đến quá nhiều chết chóc, đau khổ và thù hận. Ông tìm tới với đạo Phật và quyết định từ bấy giờ mang lại sự hàn gắn vết thương và đoàn kết lòng dân dựa trên tâm từ, dựa trên sự tôn trọng sự sống của muôn loài.

Trước kia ông khét tiếng là một người độc đoán, tàn bạo, nhưng kể từ khi học hành theo giáo pháp, ông tích cực giáo dục dân chúng chấp hành pháp luật, trước hết là ahimsa, là bất hại. Sau này, Gandhi trong cuộc đấu tranh giành độc lập cũng lấy đó làm nguyên tắc mà tiếng Anh thì gọi là non-violence (bất bạo động) – đây chính là giới thứ nhất trong năm giới của người Phật tử.

Với nguyên tắc bất hại, ông ngưng mọi cuộc chinh phạt các nước khác và trong nước khoan dung với phạm nhân. Ông ra lệnh cấm giết các loài vật để cúng tế thần linh, cấm săn bắn và hạn chế tối đa việc giết loài vật để ăn thịt.Ông ra chỉ dụ bảo vệ các loài thú, loài chim. Cho tới nay đa số người Ấn đều ăn chay.

Nguyên tắc và luật pháp thứ hai là bao dung mọi khuynh hướng tư tưởng, tôn giáo, không coi tôn giáo của mình là chính đạo duy nhất, mà ngược lại, ông khuyên các tôn giáo nên học tập lẫn nhau. Ông là một Phật tử nhưng ông vẫn giúp đỡ và khuyến khích dân chúng kính trọng giới tăng lữ Bà-la-môn.

Còn nhớ khi Đức Phật đến xứ Kesaputta của bộ tộc Kalama. Họ nói với ngài rằng các đạo sĩ cũng thường đến đấy thuyết giảng và ai cũng cho là mình đúng và bài bác mọi người khác. Dân chúng đâm ra bối rối không biết phải nghe ai. Đức Phật dạy họ đừng vội tin ai cho dù đó là một bậc thầy được nhiều người tin tưởng, đừng vội tin một điều được ghi trong kinh điển. Chỉ nên tin khi dùng lý trí mình để  phân tích thấy hợp lý và khi đem những điều ấy ra áp dụng  thấy kết quả tốt đẹp cho cuộc sống của mình và của mọi người. Đó là sự phóng khoáng về tư tưởng của Đức Phật mà vua Ashoka đã học được.

Chỉ cần lấy hai nguyên tắc trị nước này để đối chiếu với các nhà lãnh đạo trong lịch sử nhân lọai thì cũng thấy khó có ai, từ đông sang tây, từ cổ tới kim, có tầm vóc tư tưởng và hành động bằng vua Ashoka. Đa số các nhà cầm quyền, nếu không tìm cách mở rộng lãnh thổ, bóc lột tài nguyên nước khác thì cũng áp bức, nhũng nhiễu người dân hay biển thủ công quỹ nước mình.  Và đặc điểm chung của các nhà cầm quyền là không khoan dung với những ai khác tư tưởng với mình.

Vua Ashoka đi thăm viếng các thánh tích của Phật và ở mỗi nơi ông trồng một trụ đá ghi rõ là để đánh dâu sự kiện nào trong cuộc đời Đức Phật. Các trụ đá còn ghi các chỉ dụ của vua – mà bây giờ người ta tìm thấy ở Pakistan, Afghanistan, Nepal, Ấn Độ.  Các văn bản ấy là dấu tích của trí tuệ, của chính sách trị nước dựa trên giá trị đạo đức và tinh thần của vị hoàng đế vĩ đại này.

Chính vì tôn trọng di sản đó của vua Ashoka mà chính phủ Ấn Độ đã lấy tượng sư tử trên trụ đá của vua Ashoka làm quốc huy, đưa bánh xe giáo pháp vào quốc kỳ. Màu vàng nghệ trên lá cờ cũng là màu áo của các tu sĩ Phật giáo, tượng trưng cho sự từ bỏ lòng tham lam và sân hận, màu trắng tượng trưng cho sự thật, và màu xanh lục tượng trưng cho sự bất hại.

Tại Bodhgaya , vua Ashoka đã trồng một trụ đá để đánh dấu nơi Đức Phật chứng đạo. Tại vị trí mà Đức Phật ngồi thiền dưới gốc cây pipal ông đặt một phiến đá gọi là tòa Kim Cương (diamond throne), có lọng che. Từ đó loài cây này cũng mang tên là cây bodhi hay cây giác ngộ (Ficus religiosa ).Trước mặt phiến đá đó, tức là về hướng đông của cây này ông xây một bảo tháp và tu viện.

Cây bồ đề nơi Phật tham thiền và chứng đạo

 

Dấu chân Đức Phật ở bên ngoài rào chắn gần cây bồ đề (dưới tấm bảng màu xanh ở hình trên)

 

Tòa Kim Cương đánh dấu nơi Đức Phật ngồi thiền dưới gốc bồ đề

Cây bồ đề lẫn ngôi bảo tháp đều trải qua nhiều thay đổi. Tương truyền, Hoàng Hậu Tissarakkha do ghen tức do vua dùng nhiều thời gian để coi sóc việc xây dựng ngôi bảo tháp nên cho người chặt phá cây bồ đề. Nhưng sau đó nhà vua đã cho người phục hồi trở lại. Thật ra cây bồ đề là loài cây rất dễ sống dù môi trường sống có khắc nghiệt đến đâu. Và mỗi cây có thể sinh ra hàng triệu hạt giống cho nên việc trồng lại cây bồ đề không khó. Cây bồ đề ngày nay có thể không phải là cây bồ đề nguyên thủy nhưng thông điệp của cây bồ đề thì chỉ có một, đó là ai ai cũng có hạt giống trí tuệ và chỉ cần tự mình tu tập theo giáo pháp của Phật là có thể giải thoát.

Ngôi bảo tháp cũng được những người đời sau kiến tạo thêm. Theo những ghi chép của ngài Pháp Hiển về Bồ Đề Đạo Tràng lúc ngài đến đó chiêm bái (vào khoảng năm 400 ), ngài thấy có nhiều tượng Phật và những công trình đánh dấu những nơi Đức Phật đã ngồi tọa thiền hay đi thiền hành, và có một số tu viện, nhưng ngài lại không đề cập gì đến ngôi Đại Tháp. Chỉ  trong truyện ký của ngài Huyền Trang lúc ngài đến chiêm bái (vào khoảng năm 635) mới có các miêu tả khá cụ thể về tháp Đại Giác. Những miêu tả này  khá giống với ngôi tháp hiện nay cho nên chỉ có thể suy đoán rằng ngôi tháp Đại Giác đã được xây dựng trước thế kỷ thứ VII.

Sau cuộc xâm lăng của quân Thổ vào thế kỷ XIII, ngôi tháp này cũng chìm vào quên lãng. Năm  1883, Cunningham cùng với J. D. Beglar và Dr. Rajendralal Miitra đã khai quật di tích này.

Sự quản lý ngôi đền cũng  trải nhiều đổi thay. Năm 1590 có một vị đạo sĩ Ấn Giáo, theo phái Saivite- thờ thần Shiva – là  Mahant Ghamandi Giri ghé qua và lấy ngôi tháp này làm nơi thờ phụng và truyền lại cho các vị gọi là Mahant khác. Năm 1885, Sir Edwin Arnold, tác giả của cuốn The Light of Asia (Ánh Sáng Châu Á),  đề nghị nhà cầm quyền Anh trao quyển quản lý ngôi đền tháp cho những người Phật tử. Ngài Angarika Dharmapala cũng đề nghị  tòa án giải quyết, nhưng không có kết quả. Mãi đến năm 1949, chính phủ  bang Bihar mới ra luật  thành lập Hội Đồng Quản Trị Đền Mahabodhi, bao gồm 9 người Ấn, trong đó có chủ tịch là người đứng đầu chính quyền địa phương, 4 người theo Ấn giáo phái Saivite và 4 người theo Phật giáo.

Vào năm 1953, chính quyền Ấn Độ đã chính thức thành lập Ban quản lý Khu thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng gọi là Bodhgaya Temple Management Committee. Nhiệm vụ chính của Ban quản lý này là giữ gìn và tu sửa khu thánh tích,  bảo vệ an toàn cho khách hành hương, và tổ chức các nghi lễ thờ phụng thích hợp.

Trong tháp có tượng Đức Phật ngồi trong tư thế kiết già, cao hơn 2 mét,  với một bàn tay chạm đất, gọi là kiết ấn bhumisparsha mudra, tạc từ một tảng đá đen. Thoạt đầu chắc chắn trong bảo tháp  không có tượng. Trong thời Đức Phật và nhiều trăm năm sau, Phật tử – có lẽ do ngài dặn dò – không vẽ tranh hay đúc tượng ngài. Người ta chỉ tưởng nhớ ngài qua các biểu tượng như cây bồ đề, hay dấu chân, bảo tháp,v.v. Tượng Phật có thể được tạc trong thế kỷ thứ II. Sau này người ta thếp vàng và rồi người ta mặc áo cho tượng. Chúng tôi chứng kiến một đoàn Phật tử Thái Lan vào dâng y cho Đức Phật. Có một thầy đứng lên lấy một chiếc y màu vàng nghệ khoác lên tượng Phật, phủ lên chiếc y màu nâu có sẵn. Nhưng hôm sau đã thấy tượng có một bộ y màu khác. Trước đây tôi cũng đã có đọc trên báo tin về một đoàn các sư ở Việt Nam sang đây dâng y cho Phật và sau đó đem về làm bảo vật quốc gia.

Tượng Đức Phật trong chánh điện và bệ thờ

Những phần mà người đời sau thêm vào các công trình nguyên thủy  có thể thấy được là: thứ nhất người ta đã xây dựng hai lan can bằng đá, lan can thứ nhất rào quanh cây bồ đề và tòa kim cang bằng sa thạch cao khoảng 3m, có niên đại vào khoảng 150 TCN  và lan can thứ hai làm thành một vòng rào rộng hơn bên ngoài xây bằng đá granite, có niên đại từ năm 400 tới 600. Các vòng rào này  bảo vệ cây bồ đề khỏi bị voi hay bò xâm hại.  Cả hai đều có giá trị mỹ thuật độc đáo.

Cây bồ đề với hai lớp lan can rào chắn bằng đá

Bên cạnh ngôi tháp, ở hướng Bắc người ta xây một bệ bằng đá dài, trên đó đắp nổi 18 hoa sen. Người ta gọi đây làChankramana ( jewel walk) hay con đường thiền hành của Đức Phật mà có lẽ thầy Nhất Hạnh cũng lấy cảm hứng từ đây để mô tả những bước chân thiền hành  là “từng bước gió mát dậy, từng bước nở hoa sen”.

Con đường thiền hành – jewel walk

Cách ngôi đại tháp chừng 50m về phía tây bắc, người ta xây một ngôi tháp nhỏ có tên là Animesha Lochana, có nghĩa là nhìn không nháy mắt. Người ta giải thích rằng sau khi giác ngộ Đức Phật đã ngồi đây nhìn lại cây bồ đề suốt bảy ngày không nháy mắt, có lẽ trong niềm biết ơn cây đã giúp mình bóng mát và không khí trong lành để hành thiền.

Đền Animesha Lochana

Phía đông bắc của ngôi đại tháp có một ngôi đền nhỏ không có mái che, gọi là đền Ratanaghara. Người ta giải thích ở đây Đức Phật đã trải qua 7 ngày của tuần thứ tư để quán chiếu về lý Duyên Sinh. Và chính trong lúc thiền quán, thân của Đức Phật đã tỏa ra những tia sáng màu xanh, vàng, đỏ, trắng, da cam và màu thứ sáu kết hợp bởi 5 màu trên. Sáu màu sắc này là sáu màu trên lá cờ Phật giáo quốc tế.

Nằm trước mặt ngôi Đại Tháp , ngay trên lối đi vào từ cổng phía Đông có một tấm biển đề cây Ajapàla Nigrodha, nhưng cây ấy thì không còn nữa. Biển ghi rằng Đức Phật đã thiền định suốt tuần thứ năm ở dưới gốc cây này.

Phía Đông Nam của ngôi Đại tháp là cây Rajàyatana, cùng chịu chung số phận như cây Ajapàla Nigrodha, nay chỉ còn lại một tấm biển ghi lại dấu tích mà thôi. Dưới gốc cây này Đức Phật đã tọa thiền suốt tuần thứ bảy sau khi Ngài chứng đạo.

Phía Nam của ngôi Đại tháp có một cổng đi vào hồ Muchalinda. Biển hướng dẫn cho biết Đức Phật đã ngồi thiền suốt tuần thứ sáu bên cạnh cái hồ này. Trong lúc Đức Phật đang tọa thiền thì bỗng mưa bão, sấm sét nổi lên vang trời. Con rắn chúa trong hồ tên là Muchalinda đã rời nơi trú ngụ, dùng thân mình quấn lấy cơ thể Đức Phật nhiều vòng và dùng phần trên của thân che trùm lên đầu của Phật.

Hồ Muchalinda

Trên lối đi dẫn vào hồ Muchalinda còn có một trụ đá của vua Ashoka. Trụ đá này đã bị gãy mất phần đầu, nhưng toàn thân thì vẫn còn nguyên vẹn.

Trụ đá vua Ashoka

Gần hồ Muchalinda còn có một công viên được gọi là Meditation Park. Trong công viên có nhiều  cây cảnh, những thảm cỏ xanh, những mái đình, và thất nhỏ để ngồi thiền. Ở đây có một hòn non bộ trông rất quen thuộc với người Việt Nam. Sau này tôi mới biết, san hô lấy từ Việt Nam, nhưng công trình là do các Phật tử người Việt bên Mỹ thực hiện.

Vườn Thiền

Hòn non bộ Việt Nam trong Vườn Thiền

Vào ngày 27 tháng 6 năm 2002, Ủy ban văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Bồ Đề Đạo Tràng là một di sản của thế giới.

Khách hành hương bắt đầu đông. Chúng tôi thấy hàng đoàn những người hành hương Ấn Độ giáo. Họ mặc áo quần màu da cam. Vào điện Phật họ cũng mua những đĩa đựng những cánh hoa xếp lên bệ tượng rồi đứng vào cúi đầu chạm trán vào bệ thờ chừng một phút. Sau đó cúng dường bằng cách ném các đồng xu leng keng lên bệ đá.

Trở về Trung tâm Viên Giác, chúng tôi ăn sáng và sau đó có một ngày thong dong đi chơi loanh quanh Bodhgaya. Đi ngang bãi đỗ xe chúng tôi gặp anh lái xe người Ấn, người đã chở chúng tôi đi các nơi hôm qua. Anh này vui vẻ nhập bọn. Tôi hỏi hôm nay không đi làm hay sao. Anh cười đáp khi nào tu viện cần họ sẽ gọi điện thoại di động.

Chúng tôi đi thăm các chùa Nhật Bản, tượng Phật lớn do người Nhật xây dựng, ghé nhà bảo tàng, rồi đi mua vé xe ở văn phòng hướng dẫn du lịch. Nhờ anh này tôi và Claude mới có một bức ảnh chụp chung. Chúng tôi đi ngang qua các chùa Trung Hoa, Thái Lan, Miến Điện, Tây Tạng, Bhutan, Sri Lanka.  Mỗi chùa  đều có phong cách kiến trúc riêng, đóng góp vào sự đa dạng văn hóa của vùng đất thiêng này.

Tu viện Tây Tạng

Chùa Nhật Bản – khách hành hương và anh lái xe người Ấn

 

Tháp ở Việt Nam Phật Quốc Tự

 

Tượng Phật do Nhật Bản xây ở Bồ Đề Đạo Tràng

 

Tháp Hòa Bình – Shanti Stupa do Nhật Bản xây

Cuối ngày chúng tôi trở về Viên Giác ăn tối. Sau 7 giờ tối chúng tôi lại qua ngôi Đại Tháp ngồi thiền và đi dạo bên trong thánh tích. Khi ra ngoài chúng tôi la cà quanh các hàng quán bán đồ lưu niệm, hàng sách và kề cà một chút ở một quán dịch vụ intenet. Đến gần 10 giờ chúng tôi mới rảo bước trở về. Mới ở hai ngày mà ngôi chùa yên tĩnh này đã trở thành một mái nhà thân thuộc. Quả thật, khi nhìn lại chuyến đi trên khắp nước Ấn Độ , Viên Giác là nơi ở trọ tuyệt vời nhất.

Chùa Viên Giác

T.N.B

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here