Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Chốn quê xưa

Chốn quê xưa

135
0

Bà ngoại có mướn một bà vú để trông coi má, bà vú này đặc biệt chỉ có một câu ru, mỗi lần đến bên cái võng, bà ngâm nga: "Bạn mới xê ra cho bạn cũ xích vô, kẻo tình xưa nghĩa cũ (chớ) bữa mô tới chừ". Trăm lần như một, cứ hễ đưa em là bà đọc câu "… bạn mới xê ra bạn cũ xích vô…". Cả nhà ai cũng cười, chắc đó là điều đặc biệt để cho má tôi nhớ mà đọc lại cho tôi nghe. Tôi cũng biết có nhiều bà mẹ, vốn ca dao ít oi tới nỗi chỉ biết có một câu ru con:

Ví dầu ví dẫu ví dâu

Ví qua ví lại ví trâu vô chuồng.

Bà có thể ví con trâu vô chuồng trong suốt tuổi nằm nôi của con, điều đó không hề hấn gì. Khi lớn lên, nhớ lại câu ru ấy, kể lại câu ru ấy với tâm tình cảm xúc, như má tôi chẳng hạn. Ðôi lúc bà đọc cho tôi nghe với một giọng đặc sệt Quảng Nam, không kể gì là tôi chưa hề biết quê ngoại: "Bên ni Hàn ngó qua bên tê Hà Thanh thấy nước xanh như tàu lá. Bên tê Hà Thanh ngó bên ni Hàn thấy phố xá nghinh ngang. Kể từ ngày ông Tây lại xứ Hàn. Ðào sông Câu Nhí bòn vàng Bông Miêu. Dặn tấm lòng ai dỗ đừng xiêu. Ở rứa mà nuôi cha mẹ sớm với chiều có ta". Ông Tây lại xứ Hàn, và sau đó là những cơ khổ linh đinh, má tôi đã thiên di trong những ngày giặc giã. Lời dặn đinh ninh có ai còn giữ được.

Tôi hiểu, bà kể những chuyện quê nhà, như một hoài vọng ước ao. Ngày bà ngoại tôi mất, bà không về thăm được vì đường giao thông không yên, và vì tôi còn quá nhỏ. Ðó là một nỗi niềm mà mỗi khi nhắc lại, bà cứ ân hận. Quê xưa dần xa, nước lũ, bom đạn và ngăn cách, không thể về bên con sông Hàn để ngó qua.

Tâm tình xa quê, ai có đi mới biết. Một lần lên đường, thêm một nỗi nhớ và thêm bụi thời gian khỏa lấp. Ði xa mà còn nhớ ngày về thì còn đỡ khổ, đi mà quên quê hương nơi chốn thì thật tội nghiệp. Tôi mường tượng hình ảnh chàng cùng tử đứng lấp ló trước cửa ngôi nhà sang trọng của cha. Ðó, ra đi là như vậy, như một thi sĩ nào thốt lên:

Ta đã ra đi tự triều nước động

Dòng cuốn phăng thiên lý ngợp ba đào.

Má tôi chỉ nhớ quê, mà còn đau đáu, kể đi kể lại chuyện hồi nhỏ được bà ngoại thương yêu như thế nào. Còn biết bao người xa quê, cũng xa từ vô lượng kiếp, không biết cha già hằng mong.

Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng

Mắt theo hình sắc, mũi theo hương

Lang thang làm khách phong trần mãi

Ngày hết quê xa vạn dặm trường.

(Trần Thái Tông)

Có một bà mẹ, trong cuộc sinh tử của mình, đã đi quá xa, trôi luôn vào địa ngục. Ở đó đâu có ai mà kể chuyện hàn ôn, chỉ có lạnh lùng sắt đá. Bà biết kêu vào đâu, chung quanh cũng là những nỗi khổ, không ai thương ai hơn.

Có một người con, đã lên ngôi vị Thánh, đã được trở về nhà, nhớ mẹ mà tìm khắp trong lục đạo. Trong 1250 vị Thánh đệ tử của Phật, sao chỉ có mình Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ? Ðó chỉ là biểu trưng cho tâm hiếu chung của người xuất gia. Ngài Mục Liên cứu độ mẹ mình, không phải chỉ riêng một bà mẹ này, mà cũng là hóa độ những bà mẹ quá khứ, tương lai. Các bậc giải thoát không chỉ là khô khan như tro tàn, các Ngài chấm dứt sự tham ái ràng buộc chứ không phải cắt đứt tất cả nhân tình, chư Thánh chúng thọ trai ngày Vu lan, đâu phải chỉ chú nguyện riêng một mẫu thân Thanh Ðề. Các Ngài hướng tâm đến mẫu thân của tất cả chúng sanh, đang lạc nẽo quê nhà, đang lang thang trôi nổi trong khắp chốn.

Có một trường hợp con cứu mẹ, mà thật sự là mẹ cứu con. Vị thầy có bà mẹ già chịu tội trong địa ngục, song quỷ sứ nể thầy tu đức độ cao dày nên chỉ tạm giam bà mà không đánh đập tra khảo. Bà cũng tạm yên thân. Thời gian sau, thầy bỗng biếng nhác tu hành bê trễ. Ở trần gian chưa ai khám phá nhưng ở âm phủ, quỷ sứ đã không còn nể nang, hành hạ bà khổ sở. Bà phải báo mộng với thầy: "Con ơi! Trước kia con tu giỏi nên mẹ tuy ở chốn địa ngục cũng được ảnh hưởng, ít bị đòn roi. Bây giờ con sanh tâm dể duôi, tu lơ là sao đó mà mẹ bị đòn đánh chịu tội muôn bề. Con phải chấn chỉnh lại để mẹ bớt khổ".

Thầy giật mình, từ đó không dám xao lãng, dù chỉ trong tâm niệm. Cũng may, vì tình thương mẹ, thầy đã dừng kịp bước lang thang.

Về đi thôi, nhân loại mến yêu

Hãy dừng lại chớ nên tiến bước.

(HT. Thanh Từ – Về quê)

Ai cũng có một cõi quê nhà, nơi đó tình thương đầy ắp, mọi người rũ gánh phong sương. Ðó là một cõi quê đích thực.

N.Đ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here