Chúng tôi khởi hành lúc 6 :30. Xe chạy một đoạn khoảng 10km chúng tôi thấy phía tay trái có một dãy đồi cao chừng 60-70m chạy dài. Vị Lạtma cho dừng xe và dẫn chúng tôi lên đồi. Thì ra đây là đồi Dungheswari (Khổ Hạnh Lâm). Đây là nơi ẩn sĩ Gotama và các bạn tu khổ hạnh. Ngày xưa khi ngài chọn nơi đây làm nơi tu tập thì ngọn đồi này có rừng cây, nhưng bây giờ rừng đã bị đốn sạch chỉ trơ ra toàn đá. Con đường dốc đi lên đã được một nhóm Phật tử hình như ở bên Pháp lát bê tông.
Khổ Hạnh Lâm
Tuy đường đi không khó nhưng chúng tôi phải leo cho đến khi mồ hôi thấm ướt lưng áo mới lên tới nơi có cây cao bóng mát – đây là một tu viện Tây Tạng. Bước vào khoảnh sân nhỏ chúng tôi thấy vách núi có chỗ lõm vào. Đây là những hang động mà người ta tin rằng Đức Phật đã chọn để ngồi thiền. Trong một hang có một tượng Bồ Tát gầy gò, phô ra cả xương sườn. Chính Đức Phật tự mô tả thân hình của Ngài lúc đó (trong Trung Bộ Kinh) như sau :
“Vì ta ăn quá ít mỗi ngày, nên cơ thể ta trở nên hết sức gầy yếu. Tay chân ta như các lóng tre khô đầy khúc khuỷu. Hai bàn tọa của ta trở thành giống như móng trâu, xương sống với cột tủy lồi ra trông giống chuỗi hạt. Xương sườn ta lộ rõ như rui cột của ngôi nhà đổ nát. Ðồng tử của ta nằm sâu trong hố mắt thăm thẳm long lanh giống như ánh nước long lanh từ dưới giếng sâu. Da đầu ta khô héo nhăn nheo như trái mướp đắng được cắt đem phơi nắng khô héo nhăn nheo. Nếu ta muốn sờ da bụng thì ta đụng nhằm xương sống vì hai thứ đã dính sát vào nhau. Nếu ta muốn đi đại tiện hay tiểu tiện thì ta ngã úp mặt xuống đất. Nếu ta chà xát tay chân thì đám lông hư mục rụng xuống trong tay ta”.
Sau sáu năm sống ép xác như thế theo lời dạy của các vị đạo sĩ, của kinh điển từ ngàn xưa ở Ấn Độ, ngài nhận thức rằng đây là con đường cực đoan, không có kết quả. Ngài quyết định đi xuống sông Niranjara để tắm và thay đổi phương pháp tu hành. Khi từ sông đi lên ngài đã bị ngất xỉu và chính cô bé Sujata ở làng Bakraur lúc ấy đang mang đề hồ (một loại cháo sữa mà người Ấn gọi là kheer) vào rừng để dâng cúng cho thần rừng – đã dùng thức ăn ấy nhỏ vào miệng của ngài để làm Bồ Tát tỉnh lại.
Hang động rất nhỏ hẹp cho nên chúng tôi quì ngoài cửa động để lạy tượng ngài và rồi đi xuống. Khi gần tới đường chúng tôi thấy có một nhóm người chuẩn bị đi lên và có một số người đi bằng kiệu do người dân địa phương gánh. Cảnh này chúng tôi cũng thấy khi leo núi Linh Thứu.
Khách hành hương ở Khổ Hạnh Lâm
Xe chạy hơn 50km trên con đường rất vắng, hai bên đường hầu như không có nhà, chỉ thấy có cỏ cây hoang dại, lác đác có những cánh đồng và nhiều cây cọ mà trong miền Nam gọi là cây thốt nốt.
Rajgir hồi xưa gọi là Rajagraha tức là Vương Xá, là chỗ ở của vua, là kinh đô của vương quốc Magadha(Ma Kiệt Đà), một vương quốc lớn (thành lập từ thế kỷ thứ VI trước công nguyên và kéo dài tới thế kỷ thứ VI công nguyên ) . Nhà vua trị vì vương quốc này thời ấy là Bimbisara (Tần bà sa la) tình cờ gặp Đức Phật lúc ngài còn ẩn tu. Qua một cuộc trò chuyện, nhà vua đã rất khâm phục trí tuệ của vị ẩn sĩ nên đã thỉnh mời ngài ở lại đất nước này, lên ngôi báu để cùng cai quản, nhưng ngài từ chối để tiếp tục con đường tìm đạo. Đức vua thỉnh cầu ngài sau khi thành đạo thì quay lại để giáo huấn cho vua và dân chúng. Ngài chấp thuận và đã giữ lời hứa.
Đường đi Rajgir
Còn nhớ chuyện vua Bimbisala sau một thời ngồi thiền cùng với hoàng hậu Vaidehi, ngài hỏi hoàng hậu yêu ai nhất. Hoàng hậu trả lời là yêu chính mình nhất. Vua nói vừa rồi ta cũng phát hiện ra sự thật là như thế. Trong hôn nhân người ta thường nói yêu người phối ngẫu nhất trên đời, hóa ra là không phải (?).
Kinh thành là một thung lũng dài và hẹp, vây quanh bởi 7 ngọn núi nối tiếp nhau. Thành trì được xây trên đỉnh núi, và cổng thành phía bắc là cửa ngõ để đi ra khỏi thung lũng. Ngày xưa có tới 32 cổng thành lớn và 64 cổng nhỏ. Nhưng sau này, khi nước Magadha mở rộng thành đế quốc, chiếm gần hết đất đai của xứ Ấn ngày nay, vua Ajatashatru (A-xà-thế), con của vua Bimbisara đã dời đô về Pataliputra, tức là Patna ngày nay. Hiện nay vẫn còn một số đoạn thành xây bằng đá núi nguyên khối, ghép vào nhau, chiều dài mỗi tảng từ 1m đến 1,5m, chiều cao tường thành khoảng 3,5m, chiều dày khoảng 4m và toàn bộ tường thành trước kia dài tới 40 km. Kinh thành hoa lệ thuở xưa bây giờ chỉ còn khoảng hơn 50.000 dân sinh sống bằng nghề nông.
Di tích thành trì Rajgir
Chúng tôi ghé vào ăn sáng ở một quán ăn rất đông du khách – khoảng gần 10 g – giờ ăn sáng Ấn Độ. Vị Lạtma gọi món chay rất nhanh, rất thành thạo.Vị này nói tiếng Ấn, tiếng Anh đều ào ào như gió, luôn luôn cười đùa. Sau đó khi dẫn chúng tôi lên núi Gridhakuta (Linh Thứu), vị Lạt ma cũng bước đi ào ào như trên đất bằng.
Hồi nhỏ tôi thường nghe câu tụng « Nam mô Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát » mà không biết Linh Sơn nằm ở đâu. Bây giờ thì Linh Sơn hiện ra trước mắt. Vì sao gọi núi này là Linh Thứu ? Có lẽ đỉnh núi có hình dáng giống như chim kên kên hay kền kền mà cũng có thể đỉnh núi này là nơi chim kền kền làm tổ. Các vị Bồ Tát và các đại đệ tử đã hợp thành hội chúng để nghe Đức Phật thuyết pháp ở đây. Sau hơn hai ngàn năm trăm năm mình mới bước chân tới đây, thật là quá chậm.
Hình dáng đỉnh Linh Sơn
Đây là nơi Đức Phật giảng nhiều kinh, trong đó có các kinh Đại Thừa quan trọng hàng đầu đối với tông phái Tịnh Độ như Diệu Pháp Liên Hoa, Đại Quang Minh, Đại Tập Phương Đẳng. Tông phái Thiền Trung Hoa thì lại lưu truyền câu chuyện Niêm Hoa Vi Tiếu – lúc ấy Đức Phật đang núi Linh Thứu. Ngài cầm một hoa sen đưa lên. Chỉ có ngài Ca Diếp mỉm cười. Câu chuyện này dùng để giải thích cho truyền thống lấy tâm truyền tâm, không qua lời nói. Và ngài Ca Diếp được xem là tổ sư đầu tiên của Thiền Tông.
Trên đường đi lên chúng tôi thấy một số hang động và nền móng của một số công trình kiến trúc mà người ta giải thích là phòng của ngài Xá Lợi Phất hay của ngài A Nan, hay các đệ tử lớn của Đức Phật. Và người hành hương dùng giấy vàng dán vào tường rất nhiều. Còn con đường đi lên thì mang tên vua Bimbisara. Người ta nói chính vua đã xây con đường này để đi lên nghe Phật thuyết pháp.
Đường lên núi Thứu (Linh Sơn)
Đường Bimbisara đi lên đỉnh núi Thứu
Hang A Nan trên núi Thứu – người ta dán nhiều giấy vàng lên vách động
Ở Nhật có phái Nhật Liên Tông, chỉ tụng kinh Pháp Hoa. Phái này xin chính phủ Ấn Độ cho phép xây bảo tháp trên núi Linh Thứu nhưng Viện Khảo Cổ muốn bảo tồn di tích như nó hiện đang tồn tại. Cuối cùng, chính phủ cho phép phái này xây ngôi bảo tháp Hòa Bình (Shanti Stupa) trên núi bên cạnh. Ngôi tháp này có đường kính tại chân tháp là 100 m và chiều cao tới đỉnh tháp là 150 m. Hiện đã có cáp treo lên đó và khách du lịch lên núi ngắm cảnh bằng con đường đó rất đông.
Trên đỉnh núi người ta thấy có nền gạch của một ngôi nhà nhỏ mà họ cho đó là hương xá hay tịnh thất của Đức Phật. Khách hành hương dâng cúng đèn, nhang, hoa và tụng kinh. Anh Claude cũng loay hoay lấy trong ba lô ra mấy nén nhang kiểu Tây Tạng, đốt và cắm xuống bát nhang. Còn tôi thì sau khi lạy Phật phải đứng dậy bước sang bên nhường chỗ cho một doàn Phật tử Thái Lan làm lễ và tụng kinh dưới sự hướng dẫn của một vị sư.
Nền móng tịnh xá của Đức Phật trên đỉnh núi Thứu
Trước mặt tịnh xá của Đức Phật trên đỉnh núi có một chỗ đá lõm xuống –
người ta tạo hình bàn chân để kỷ niệm nơi Đức Phật đi qua
Lúc ấy là 12 giờ trưa, nắng chói chang. Nhìn xuống núi chỉ thấy một màu xanh của rừng, không thấy nhà cửa, có lẽ bị cây cối che khuất. Sau khi đứng trên núi khoảng 20 phút chúng tôi xuống núi và đi về hướng Đại học Nalanda. Chúng tôi không đi thăm Venuvana ( tịnh xá Trúc Lâm) mà vua Bimbisara dâng cúng cho Đức Phật , tịnh xá Jivaka (y sĩ, người hay đến chăm sóc sức khỏe cho giáo đoàn và cuối cùng cũng trở thành tỳ kheo ) nhưng biết rằng những di tích này đều đã được phát hiện và bảo vệ.
Chúng tôi cũng bỏ qua, không đi thăm di tích nhà tù giam giữ vua Bimbisara. Chính Thái Tử Ajatashatru do nôn nóng muốn lên ngôi vua nên đã giam đói người cha của mình.Vua Bimbisara, một người thường đi nghe Đức Phật thuyết pháp, sống những ngày cuối cùng một cách bình thản. Ông chỉ yêu cầu được giam ở phòng có cửa sổ nhìn ra núi Linh Thứu, hướng về phía Đức Phật. Trước kia ông cũng đã từng phạm một sai lầm lớn do nôn nóng. Hồi đó vua kết hôn đã lâu mà chưa có con. Vua bèn mời các vị đạo sĩ đến hỏi. Một vị cho biết rằng, có một vị ẩn sĩ khi chết sẽ đầu thai làm con vua. Vua bèn ra lệnh giết ngay vị ẩn sĩ đó cho sớm có con. Thái tử Ajatashatru sau khi lên ngôi cảm thấy lương tâm dằn vặt cho nên cuối cùng cũng đến sám hối với Đức Phật.
Cũng ở Rajgir, trên một ngọn đồi có tên là Saptparni, sau khi Đức Phật nhập diệt, đã diễn ra hội nghị kết tập kinh điển đầu tiên của 500 vị đệ tử đã chứng quả A –la- hán. Họ đọc tụng lại những kinh điển và giới luật mà Đức Phật đã thuyết giảng trong 45 năm. Ngài A Nan đã chứng tỏ một người có trí nhớ siêu phàm cho nên chúng ta thấy hầu hết các kinh đều bắt đầu bằng lời nói của ngài : « Tôi nghe như vậy, một dịp Đức Phật ở tại . . . cùng với . . . » Những lời ngài kể đều được mấy trăm vị tỳ kheo khác xác nhận là đúng. Chính vua Ajatashatru đã bảo trợ cho hội nghị này.
Du khách ngày nay có thể đến các suối nước nóng, nhất là trong mùa đông, để thưởng thức một ưu đãi của thiên nhiên dành cho Rajgir. Nhưng chúng tôi thì nhắm hướng di tích trường đại học Nalanda. Vùng Nalanda cũng là nơi Đức Phật thường ghé qua vì ở đây có tu viện Vườn xoài Ambavana, do bà Ambapali (mẹ của y sĩ Jivaka) dâng cúng. Ở đây cũng có bảo tháp do vua Ashoka lập để tưởng niệm ngài Sariputtra (Xá Lợi Phất) vì ngài sinh ra và nhập diệt ở đây. Nhưng Nalanda trở nên nổi tiếng hơn cả kể từ khi các tu viện trong vùng này trở thành một trường đại học mà sinh viên khắp xứ Ấn lẫn sinh viên, học giả từ nhiều xứ sở khác như Ba Tư, Hy Lạp, Trung Hoa, Cao Ly, Java, Sumatra đến đây học tập và nghiên cứu.
Một số tu sĩ Phật giáo thường tìm nơi yên tĩnh để thực hành thiền định, nhưng một số khác lại hăng hái hơn với việc tìm hiểu kinh điển, tranh luận và thuyết giảng, vì thế không lạ gì khi các tu viện phát triển thành trường đại học, nhất là khi được nhà cầm quyền hỗ trợ. Trong thời kỳ Phật giáo hưng thịnh, các trung tâm học thuật phát triển rất mạnh. Lịch sử Ấn Độ ghi nhận có 5 trường đại học danh tiếng là Nalanda, Vickramasila, Odantapuri, Jagadalala và Somapura.
Theo truyền thuyết, trường Nalanda được thành lập từ thế kỷ thứ II, với Nagarjuna hay Bồ tát Long Thọ, học viên sau trở thành Viện Trưởng. Nhưng theo các tài liệu có thể xác minh thì vua Kumara của triều đại Gupta ( 415-455) đã xây một tu viện ở Nalanda. Các vua đời sau như Buddha Gupta (455-467), Jatagatha Gupta (467-500) Baladitya (500-525) và Vijra (525) đều mở rộng khuôn viên – tới khoảng 15 hectares, và xây thêm tu viện, cư xá, giảng đường. Vua Baladitya đã xây một điện thờ cao hơn 90 m. Vua Harsha Siladitya đã xây tu viện thứ sáu và xây thành xung quanh trường cao tới 9m. Trường có 3 thư viện lớn trong đó có một thư viện cao 9 tầng.
Bảo tháp Sariputtra (Xá Lợi Phất) – đại học Nalanda
Những công trình trong khuôn viên đại học Nalanda
Lối đi giữa các tòa nhà
Sinh viên của trường Nalanda – nhập học trễ hơn 2500 năm
Sinh viên du học đi trễ đang ngơ ngác tìm đường đi
Theo Đại Đường Tây Vực Ký của ngài Huyến Trang (trong khoảng năm 685 – 732, dưới triều vua Harsha) khi ngài đến đây học tập thì trường đại học có tới 10.000 sinh viên và hơn 1.500 giảng sư, và Viện trưởng là ngài Silabhadra (Giới Hiền). Nhà vua ra lệnh dùng nguồn thu của năm ngôi làng xung quanh để hỗ trợ cho trung tâm tu học này. Trường không chỉ dạy về tư tưởng Phật giáo mà còn dạy các kinh điển Ấn Độ giáo và các môn học thế tục như y học, văn học, thiên văn học, mỹ thuật, v.v.
Trường đã sản sinh ra các học giả vĩ đại như, Aryadeva (Thánh Thiên), Silabhadra (Giới Hiền), Dignaga (Trần Na), Dharmakeerty (Pháp Xứng). Các tác phẩm của các ngài đã được dịch sang tiếng Tây Tạng, tiếng Hán và một số ngôn ngữ khác. Nguyên tác thì đã bị đốt khi quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự chỉ huy của Bhaktiar Khilji (1293) tràn đến tàn sát tất cả mọi người, từ giảng sư đến sinh viên. Nhiều tài liệu kể rằng quân xâm lược đã đốt hơn 3 tháng mới cháy hết sách vở ở thư viện trường. Các di chỉ khai quật được trong khuôn viên trường được lưu giữ trong nhà bảo tàng mà chúng tôi viếng thăm sau đó.
Khuôn dấu trường đại học Nalanda trong nhà Bảo Tàng
Tượng Bồ Tát Avalokiteshvara (Quán Tự Tại – Quan Âm) trong nhà Bảo Tàng
Biến cố hủy diệt trường đại học Nalanda được xem là cột mốc đánh dấu sự suy tàn của Phật giáo trên đất Ấn, kéo theo đó là sự suy tàn của nền giáo dục, của khoa học, thiên văn học, giải phẫu học, triết học, v.v. của Ấn Độ nói chung vì không chỉ Nalanda mà bốn trường đại học kia cũng cùng chung số phận. Thật khó mà phục hồi khi một nguồn tài nguyên con người và vật chất lớn lao như thế bị tiêu diệt. Ngày nay đất nước với số dân lớn thứ nhì thế giới cũng còn thiếu trường cho dân học (chỉ có khoảng 300 trường đại học trong khi dân số hơn 1,2 tỷ so với Trung Quốc có 2.236 trường đại học cho số dân là 1,3 tỷ).
Gần đây, một trung tâm tu học mang tên Nava Nalanda Viharaya đã đượcTổng Thống Ấn Độ là Rajendra Prasad khánh thành năm 1958 ở gần di tích trường Nalanda. Đức Đạt lai lạt ma cũng tặng xá lợi của ngài Huyền Trang cho tu viện này. Năm 2006 có một dự án nhằm hồi sinh đại học Nalanda mang tên Nalanda International University đã được công bố và được sự ủng hộ của các nước Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác. Dự án được xây dựng trên 443 hectares đất do chính phủ Ấn Độ cấp và dự kiến đi vào hoạt động năm 2013.
Trên đường về chúng tôi ghé qua ngôi làng Bakraur, nơi sinh sống của cô bé Sujata ngày xưa đã dâng cháo sữa cho Đức Phật. Ngôi làng bây giờ cũng được gọi là làng Sujata, rất nghèo nàn, nhưng người ta cũng đã xây một số nơi kỷ niệm, dựng tượng hoặc trồng cây bồ đề. Ở đây các tổ chức từ thiện đã lập ra một số cơ sở như bệnh xá, trường học, trại mồ côi. Người ta cũng khuyến cáo du khách đừng cho tiền những trẻ em hay người già ở đây, biến họ trở thành người ăn xin mà hãy thông qua các tổ chức từ thiện uy tín để trao tặng phẩm. Tôi cũng thấy tinh thần phấn chấn phần nào khi thấy hình ảnh một số em học sinh mặc đồng phục trông rất chững chạc đi đến trường học có tên là Sujata Academy.
Làng Sujata, nơi có nhiều cây thốt nốt
Tượng kỷ niệm sự tích cô bé Sujata dâng cháo sữa cho Bồ Tát đang tu khổ hạnh
T.N.B