Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Hành trình về đất Phật – Tây du ký sự kỳ 12:...

Hành trình về đất Phật – Tây du ký sự kỳ 12: Varansasi

125
0

Chúng tôi lại tìm phòng thông tin du lịch để được tư vấn. Ở đây lại có cả restaurant. Vẫn giữ nguyên tắc không ăn ở một quán bán đồ ăn mặn, Claude chỉ ngồi uống nước. Còn tôi gọi món soup bắp và gọi hú họa món không ghi trong thực đơn là cơm và salad. Phép lạ xảy ra : họ dọn cho một tô cơm trắng và một dĩa cà chua xắt lát, dưa leo, và hành tây. Nhìn cũng đủ thấy mát ruột. Những món này ở quê nhà rất bình thường nhưng ở  đây trở thành « cao lương mỹ vị ».  Chỉ cần gạt món hành tây sang một bên là xong. Và bữa ăn thật là ngon ngoài sức tưởng tượng.

Chúng tôi không dừng chân ở Allahabad mà đáp xe đò đi Varanasi. Thành phố Varansasi bên dòng sông Hằng này là nơi diễn ra các nghi thức chào mặt trời mỗi buổi sáng, nơi người chết được nhúng xuống nước để tẩy sạch tội lỗi trước khi hỏa thiêu, nơi diễn ra nhiều lễ hội Ấn giáo, một điểm hành hương thiêng liêng. Thời Đức Phật thành phố mang tên Benares (Ba-la-nại), kinh đô của vương quốc Kashi.  Thành phố được thành lập cách đây mấy ngàn năm mà người Ấn tin là do chính thần Shiva lập ra. Đây là quê hương của rất nhiều nhà thơ, nhà văn, triết gia vĩ đại nhất của Ấn Độ. Đức Phật đã nhiều lần thuyết pháp cho dân chúng và vua quan ở đây.

Khoảng 4 giờ chiều, trên đường đi, xe dừng lại khoảng 5 phút, và bên đường có một quán ăn giống như rất nhiều quán khác ở xứ sở này bán đồ ăn hoặc là nướng hoặc chiên  – bánh bột chiên và các thứ tương tự. Có một món giống như cao lầu (bột mì cán thành lá mỏng, cuốn một loại nhân gì đó bên trong và chiên dầu). Anh Claude chợt nói nhỏ : chiên thì các vi trùng bị tiêu diệt hết rồi. Mới nói xong câu anh liền nhảy xuống xe mua 4 vắt. Tôi nhìn con đường xe cộ chạy ào ào, bụi bặm bốc lên mù mịt mà « phát hoảng ». Tôi biết đó là « cái bụng » anh Claude nói, chứ không phải « cái đầu ». Nhưng tôi nghĩ đồng hành thì phải chia sẻ vui buồn  – nếu anh đau bụng thì mình cũng đau một chút  đâu có sao. Nhưng tôi chỉ chia sẻ một vắt thôi. Anh Claude « thanh toán» luôn ba vắt. Sau đó không nhớ là bao lâu anh mua tiếp và một mình « xử » thêm 2 vắt nữa. Và thế là tối hôm đó anh vừa đi ra nước ngoài vừa đi ngoài ra nước !

Thánh tích Vườn Nai (Lộc Uyển), nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên để độ năm người bạn đồng tu đứng đầu là Kondanna (Kiều Trần Như), và từ đó có đầy đủ Tam Bảo – Phật, Pháp,Tăng, nằm cách Varanasi 13km về hướng đông bắc. Địa danh Sarnath bắt nguồn từ chữ Saranganath, có nghĩa là « nai chúa » . Theo một câu chuyện tiền thân thì một trong một kiếp nọ Bồ Tát là một con nai đầu đàn. Một hôm ông vua một xứ ấy đi săn thì thấy một con nai cái rất to, vua dương cung bắn thì có một con nai khác nhảy ra đứng che cho con nai ấy. Đó là con nai chúa của đàn nai. Vua cảm động, bỏ cung tên xuống và ra lệnh cho dân không được săn nai ở đó nữa. Và  ngày nay nai vẫn còn tung tăng trong khu vườn.

Năm người bạn là Kondanna, Vappa, Bhaddiya, Assaji và Mahanama.Cả năm người trước đó cùng tu học cùng với ngài mà thầy là đạo sĩ Uddaka. Sau này khi ngài đã đạt tới định phi tưởng phi phi tưởng xứ thì đạo sĩ không còn gì để dạy cho ngài nữa. Kondanna cũng đạt được định ấy. Ngài từ giã đạo sĩ Uddaka đi về vùng núi Dungsiri, gần làng Uruvela. Sau mấy tháng thì Kondanna cũng rủ mấy người bạn ra đi. Họ gặp nhau và cùng tu khổ hạnh. Sau một thời gian khá dài ngài mới nhận ra rằng hành hạ thân xác thì tâm mình cũng không hề sáng suốt hơn. Ngài đã nhận sữa cúng dường từ cô bé Sujata và từ bỏ con đường khổ hạnh. Năm người bạn kia nghĩ rằng ngài không chịu nỗi gian khổ cho nên họ bỏ ngài đi về Vườn Nai ở Sarnath mà thuở ấy gọi là Isipatana.

Sau khi giác ngộ ở dưới gốc cây bồ đề bên dòng sông Niranjara (Ni-liên-thuyền), ngài đi tìm những người bạn này vì ngài biết mảnh đất tâm của họ đã được cày vỡ, tâm của họ đã lắng, chỉ cần gieo hạt giống sự thật là bừng nở cây trí tuệ. Quả thật sau khi nghe ngài giảng bài kinh Dhammacakkappavattana Sutta (Chuyển Pháp Luân) nói về bốn sự thật thánh thiện (tứ diệu đế) và bát chánh đạo, cả năm người đều đạt quả vị « nhập lưu » hay « vào dòng thánh » là quả vị thánh đầu tiên. Sau một thời gian ngắn Kondanna đã đạt quả vị cao nhất trong bốn quả vị là Arahant hay A-la-hán. Và cuối cùng các bạn kia, bây giờ là đệ tử  của ngài, đều đắc quả A-la-hán –  mà kinh điển thường mô tả là « gánh nặng đã được đặt xuống, những gì cần làm đã làm xong » .

Người kế tiếp gia nhập giáo đoàn là một thanh niên con nhà giàu ăn chơi phóng đãng tên là Yasa. Khi ra về từ một bữa tiệc với đầy đủ mọi lạc thú mà con người từng biết, Yasa gặp được Đức Phật. Yasa trò chuyện với ngài  và nhận ra có một lối sống khác đẹp  hơn. Yasa xin được xuất gia. Các bạn bè cũ của Yasa nghe tin kéo tới hỏi thăm rất đông và nhiều người trong số đó phát tâm xuất gia. Giáo đoàn tăng lên nhanh chóng thành 60 người. Đức Phật giáo cho phép năm người đệ tử lớn phân công nhau dạy dỗ những người mới và sau đó tự làm lễ xuất gia cho người khác. Cả 60 người sau này đều trở thành những bậc thánh.

Đức Phật cũng khuyên mọi người sau khi tu học đều rời nơi đây, mỗi người một hướng khác nhau, đi hoằng pháp cứu giúp đời. Và rồi ngài nêu gương bằng cách từ giã giáo đoàn để đi về Uruvela. Sau 45 năm luôn luôn di chuyển đây đó để phục vụ chúng sinh, ngài còn nói ta không phụ thuộc vào giáo đoàn này và giáo đoàn này không phụ thuộc vào ta. Mọi người tới đây để nhận hạt giống giáo pháp và tự tu tập để giải thoát. Sangha hay tăng già hay giáo đoàn là những người tu tập, là người xuất gia lẫn cư sĩ tại gia, không phải là một tổ chức, một giáo hội với các cấp bậc, chức vụ – và bận đi họp – như bây giờ.

Chúng tôi lên xe đò ở Allahabad lúc 3 giờ và tới Varanasi lúc 6 giờ. Trời gần tối nhưng chúng tôi quyết định thuê xe autorickshaw đi ngay tới Sarnath nơi có Vườn Nai. Gần 8 giờ chúng tôi mới tới ngôi làng nhỏ bé này. Các cửa hàng và nhà riêng đều đã đóng cửa. Chúng tôi đi bộ một quãng thì thấy có một tu viện. Khi vào mới biết đó là một chùa Nhật Bản, nhưng một vị sư cho biết không có chỗ trọ. Chúng tôi đi ra và tiếp tục đi rảo quanh. Thấy một chùa Tây Tạng, chúng tôi ghé vào và quả là có duyên, chúng tôi được đón vào và cho một phòng 2 giường. Nhà vệ sinh và nhà tắm ở phía bên kia sân. Quí sư chẳng ai hỏi han lý lịch, chẳng coi giấy tờ. 

Cổng chùa Tây Tạng

 

Chùa Tây Tạng

Chúng tôi bắt đầu xuất hành từ 6 giờ sáng theo bản đồ nhắm hướng Vườn Nai. Thấy bên đường một ngôi chùa lớn, chúng tôi liền rẽ vào. Thì ra đó là Mulagandhakuti, chùa xứ Sri Lanka, do sư Angarika Dharmapla lập năm 1931. Vị sư này là người đi đầu trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở cả Sri Lanka lẫn Ấn Độ vào cuối thể kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ngài lập ra Hội Mahabodhi  ở Colombo năm 1891, và sau đó dời trụ sở sang Calcuta. Hội có mục đích khơi dậy ý thức của hai dân tộc Sri Lanka và Ấn Độ và các nước khác về một di sản tinh thần quí giá của nhân loại, bảo tồn các di tích của Phật. Hội sau này cũng lập ra hàng trăm trường học và cơ sở từ thiện như nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già neo đơn, cung cấp dịch vụ xe cứu thương, v.v. thế cho nên khi chính phủ phát hiện ra xá lợi Phật ở Nagarjuni Konda, chính phủ đã cúng dường cho chùa Mulagandhakuti này. Hằng năm vào ngày kỷ niệm thành lập chùa, dân chúng ở Sarnath tổ chức lễ rước xá lợi Phật quanh  ngôi làng.

Tượng Phật ở Mulagandhakuti Vihar

 

đầu tượng Phật

 

Tranh tường trong điện Phật mô tả cảnh Phật đản sinh

 

tranh tường mô tả cảnh Đức Phật giảng pháp lần đầu tiên

Ngày 16-4-2011

Vẫn còn sớm mà đã thấy hàng chục người đi vào chùa lễ Phật. Tượng Phật ở đây rất đẹp và trên tường có vẽ nhiều tranh, nhưng không đủ ánh sáng để chụp ảnh cho nên tôi tự nhủ sẽ tìm tài liệu này sau. Bên cạnh chùa cũng có một chùa khác của Thái Lan. Trước sân có tượng Phật rất lớn. 

 

Chùa Thái Lan

 

Tượng Phật trước sân chùa Thái Lan

Chúng tôi đi vòng ra sau chùa cho tới cuối sân thì đụng một hàng rào. Đang đứng nhìn thì có người chỉ đi sang trái để ra ngoài đường, rẽ phải đến cổng mua vé để vào vườn. Chúng tôi đi ra thì gặp trụ sở Hội Mahabodhi (Đại Bồ đề), tượng của ngài Angarika Dharmapala, sau đó mới ra tới đường. 

 Tượng ngài Dhamapala

 

Trụ sở Hội Mahabodhi

Vào vườn thì chúng tôi thấy ngay đàng xa Dhamekh Stupa. Bảo tháp Dhamekh được các nhà khảo cổ xác định xây dựng vào năm 300 trước Tây lịch, khoảng triều đại vua Ashoka. Chiều cao của tháp hiện tại là 31,1 mét; với đường kính chân tháp là 28,3 mét. Tháp nguyên thủy có lẽ  không lớn như vậy nhưng các thế hệ sau đã đắp thêm. Tháp dùng để tôn trí xá lợi của Phật. Xung quanh ngôi tháp, cách mặt đất khoảng 10 m có tám khám lớn xây lõm vào tường, chắc chắn là để tôn trí tượng Phật nhưng tất cả đã bị mất. 

Quân đội Hồi giáo Thổ Nhĩ kỳ đã kéo sang đây trong thế kỷ XII, cướp bóc, tàn phá không biết bao nhiêu công trình kiến trúc, các kho tàng quí giá.Theo sử sách thì khi chiếm được kinh thành Varanasi thì đội quân xâm lược đã giết hết tất cả đàn ông, con trai và vứt xác xuống sông Hằng, còn phụ nữ và con gái thì bắt làm nô lệ.  

Còn nhớ khi ngài Huyền Trang, tức là Đường Tam Tạng sang thỉnh kinh vào thế kỷ thứ VII và chiêm bái Phật tích thì vườn Nai rất đẹp. Đại Đường Tây Vực Ký của ngài còn ghi ở đây có đại tháp nguy nga, nhiều tăng xá, chánh điện, giảng đường,  tàng kinh các, các bảo tháp kỷ niệm 500 vị Bích Chi Phật nhập Niết-bàn v.v..Lúc ấy tại Vườn Nai có tới 1.500 vị sư đang tu học. Thời huy hoàng của Vườn Nai kéo dài cho đến bị quân Thổ tàn phá.

Chúng tôi đi nhiễu quanh tháp bảy vòng rồi ngồi xuống trên một ghế dài và ngắm nhìn vườn cây một cách thảnh thơi. Gió mát thổi hiu hiu. Tôi chợt giật mình vì nghe tiếng kêu giống tiếng gà nhưng âm thanh vang rền khắp khu vườn. Anh Claude chỉ kia kìa, đó là tiếng kêu của một con chim công trống đứng trên nóc nhà thờ đạo Jain (Kỳ-na giáo). Anh nói trong sách hướng dẫn du lịch có đề cập đến mấy con công ở Vườn Nai. Và ô kìa đàng xa có nai. Chúng tôi đứng dậy và rảo bước để ngắm nhìn nai. Người ta phải vây lưới để bảo vệ đàn nai và lại xây những trụ bằng gạch để bảo vệ cây khỏi bị nai ăn  lá.

Vườn Nai

 

Vườn Nai

 

Cảnh trong Vườn Nai

Chúng tôi cũng thấy các trụ cổng còn đứng chơ vơ, nền của các giảng đường, các bảo tháp nhỏ có lẽ để tưởng niệm các vị Bích Chi Phật. Trong số các di tích còn có trụ đá của vua Ashoka đánh dấu nơi Đức Phật giảng bài pháp đầu tiên. Trụ đá đã bị phá thành nhiều mảnh, và đầu trụ đá là tượng bốn sư tử bị rơi xuống. Nhờ những dòng chữ ghi trên trụ đá bằng ký tự Brahmi, ngôn ngữ xứ Magheda mà Sir Cunningham biết chắc đây là thánh tích Vườn Nai. Ông đã khai quật được trụ đá và tượng sư tử bị vùi lấp nhưng còn nguyên vẹn. Trụ đá cao 15,25 mét, thân trụ tròn thon và thẳng tắp, đường kính phần chân trụ là 71 cm, đường kính phần trên trụ là 56 cm. Trụ và tượng làm bằng một loại sa thạch màu xám và được mài bóng láng. Bây giờ người ta xây một hàng rào để bảo vệ các mảnh trụ còn lại.

Các bảo tháp nhỏ

 

Trụ cổng

 

Nền và móng trụ giảng đường

 

Trụ đá Ashoka

 

Tượng sư tử trên đầu trụ Ashoka

Tượng sư tử được cất giữ như một bảo vật quốc gia tại nhà Bảo Tàng Sarnath mà chúng tôi đi thăm chiều hôm ấy. Dưới chân của bốn con sư tử là một bệ đá có hình cái trống có chạm khắc  hình bốn con vật: sư tử, voi, bò và ngựa; giữa bốn con thú ở bốn hướng có chạm hình bánh xe pháp luân. Nhưng trong quốc huy của Ấn Độ còn ghi thêm dòng chữ « Chỉ có chân lý chiến thắng » là câu trích trong kinh Vệ Đà. Nhà bảo tàng lưu giữ nhiều hiện vật khai quật ở Vườn Nai, trong đó có rất nhiều tượng Phật, các tác phẩm điêu khắc bằng đá, bằng đất nung (terracotta), bằng gốm.

Chúng tôi còn đi thăm  Chaukhandi Stupa (Tháp Chaukhandi) . Đây là tháp kỷ niệm sự kiện thành lập sangha. Theo các nhà khảo cổ, tháp Chaukhandi được xây dựng vào thời đại của vương triều Gupta (thế kỉ thứ IV đến thế kỉ thứ VI sau Tây lịch). Tháp xây bằng gạch trên một khu đồi rất cao. Về sau, vào năm 1588, Govardhan, con trai của Raja Todarmal (một vị vương công ở Ấn Độ) phát tâm trùng kiến ngôi bảo tháp này để kỷ niệm chuyến viếng thăm thánh tích này của hoàng đế Mông Cổ Humayun (1508-1556). Vì vậy, ngôi bảo tháp có hình bát giác theo kiến trúc của người Mông. Ngày nay ngôi bảo tháp đang được trùng tu lại và khuôn viên được trồng thêm thảm cỏ.

Bảo tháp Chaukhandi

Sáng 17-7

Sáng nay anh Claude vẫn còn « tất bật » ra vào nhà vệ sinh. Tuy nhiên anh vẫn nhắc tôi còn một di tích nữa mà chúng tôi chưa ghé thăm, đó là cây bồ đề do sư Angarika Dharmapala chiết nhánh từ cây bồ đề ở Sri Lanka – hậu duệ của cây bồ đề ở Bảo Tháp Mahabodhi –  nằm trong khuôn viên chùa Mulagandhakuti .Trước cây Bồ-đề này có tượng đức Phật đang thuyết pháp  và năm anh em Kiều-trần-như ngồi xung quanh.

Tượng Đức Phật và năm đệ tử đầu tiên

 

Cây bồ đề và tượng Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên cho năm anh em Kondanna

Ngoài  chùa Mulagandhakuti, xung quanh thánh tích Vườn Nai còn có rất nhiều ngôi chùa khác như chùa và tu viện của Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Miến Điện, v.v. Nhưng chúng tôi không có thời gian đi thăm. Chúng tôi nhảy lên xe autorickshaw lúc 7 :30 để đi về Varanasi và đến nơi lúc 8 giờ.

Chúng tôi ra ga Varanasi mua vé xe lửa về Gaya. Tàu khởi lúc 11 giờ, gần 3 giờ tới Gaya. Từ đây chúng tôi lại đáp xe lam ba bánh đi Bodhgaya hay Bồ-đề đạo tràng cách thành phố Gaya khoảng 16km. Gần 4 giờ, xe dừng ngay trước cổng Đạo tràng mà chúng tôi không hề hay biết. Chúng tôi đã nghe tiếng về Việt Nam Phật Quốc Tự do thầy Huyền Diệu xây để đón khách hành hương cho nên thuê ngay một chếc xe autorickshaw khác để đi.

Anh lái xe nói có 3 Vietnam temple. Chúng tôi nói cứ đi, thế là anh chở ngay đến Trung Tâm Viên Giác, chỉ cách 100m. Chúng tôi lắc đầu nói không phải. Anh này lại chở đến chùa Linh Sơn. Tôi bước xuống xe hỏi thì gặp một người Ấn. Ông này nói không có sư nào người Việt ở đây hết. Hóa ra đây là chùa do thầy Huyền Vi bên Pháp lập và thuê người coi sóc. Chúng tôi được chở đến ngôi chùa thứ ba thì thấy đề Việt Nam Phật Quốc Tự. Chúng tôi thở phào. Nhưng khi vào cổng chúng tôi phải dừng lại chờ một bảo vệ người Ấn vào báo.Trong khi chờ đợi chúng tôi ra đứng ngắm dòng sông, cách cổng chùa chừng 100 m. Sau này mới biết đó chính là sông Ni-liên-thuyền.  Một lát sau có một thầy nói giọng miền Nam đi ra tiếp, nhưng nói là thầy Huyền Diệu hiện ở bên Lâm Tỳ Ni, chùa đang trùng tu nên không thể cho khách hành hương lưu trú, chúng tôi đành quay ra.

Chúng tôi đi bộ trở lại chùa Viên Giác. Lại gặp một người gác cổng Ấn Độ. Lại chờ báo và lại có một thầy miền Nam ra tiếp. Nhưng lần này gặp may. Thật ra hiệu mời vào trong và chỉ ngay cho một phòng ở đẹp như mơ – đẹp chưa từng thấy ở xứ Ấn (dĩ nhiên ngoại trừ những khách sạn 4, 5 sao). Chúng tôi đi tắm trong một phòng vệ sinh sạch sẽ quá sức tưởng tượng. Sau đó được mời ăn cơm. Lại được nhìn thấy cơm, thấy canh, món xào đậu bắp – mừng như gặp cố nhân.

Một duyên may khác là ở bàn ăn còn có một vị khách nữ và một thầy Tây Tạng. Chúng tôi ăn trong im lặng. Sau đó thầy Việt Nam nói to lại đây làm quen với thầy Tây Tạng. Ngày mai thầy ấy đi Rajgir, xin đi theo luôn nghe. Tôi chưa kịp hiểu là đi đâu cũng vội gật đầu. Thầy Tây Tạng nói sáng mai khởi hành 6 giờ nhé. Tôi quay sang nói chuyện với vị khách nữ rất giống người Việt Nam hóa ra là người Đài Loan.

Thầy khuyên sau 7 giờ hãy đi qua Bồ-đề đạo tràng vì lúc đó đã vắng người. Từ chùa đi tới ngôi chính điện chỉ có 200m. Chúng tôi được yêu cầu cởi giày dép và xếp vào kệ. Chúng tôi phải bước qua một cổng kiểm tra an ninh như ở sân bay rồi mới được bước vào khuôn viên đạo tràng.

Chính điện rất hẹp. Ngoài tượng Phật gian phòng chỉ có không gian cho Phật tử chiêm bái khoảng 4 x 4m. Nhưng khi mới ngồi xuống tôi chợt thấy một cơn chấn động giống như một con sóng biển phủ qua người. Sau đó người giống như đang ngồi trên sóng dập dềnh. Khoảng năm phút sau cơn chấn động mới qua đi. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao người ta gọi bốn thánh tích này là « tứ động tâm».

T.N.B

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here