Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Hoằng dương tư tưởng cao đẹp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Hoằng dương tư tưởng cao đẹp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông

125
0

PV: Thưa ông Ngô Văn Quán, tại sao Trung tâm Unesco Nghiên cứu và Ứng dụng Phật học Việt Nam lại dâng bức tượng Trần Nhân Tông chứ không phải một ông vua hay một đạo sư nào khác của Việt Nam?

Ông Ngô Văn Quán: Trần Nhân Tông là một ông vua hiển Phật, một nhân vật lịch sử vĩ đại, anh hùng dân tộc, nhà chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa kiệt xuất. Mới 20 tuổi, Ngài đã lên ngôi vua và hai lần đánh bại đại quân tàn bạo Nguyên Mông xâm lược Đại Việt. Nhưng chỉ tới năm 36 tuổi, Ngài đã truyền ngôi cho con để lên chùa sống đời cư sĩ. Năm 41 tuổi, Ngài chính thức vào núi Yên Tử, tu hạnh Đầu Đà và được giới phật tử tôn xưng là sư tổ của phái Trúc Lâm.

Đặc biệt, Ngài là một nhà tư tưởng lớn, vượt qua thời đại mình. Nhiều giá trị sâu sắc, đầy tính nhân văn của ngài ở tầm nhân loại, cho đến nay dường như vẫn chưa được phân định, nhận thức và tôn vinh một cách rõ ràng và đúng mức. Chính vì vậy, chúng tôi muốn tìm lại, phát triển và đưa tư tưởng của Ngài hoằng dương ra toàn thế giới.

PV: Ông nói Trần Nhân Tông để lại những tư tưởng ở tầm nhân loại, xin ông cho biết cụ thể tư tưởng đó là gì?

Ông Ngô Văn Quán: Hạt nhân tư tưởng Trần Nhân Tông là: Phật không phải ở đâu xa, không bí ẩn, diệu kỳ mà chính ở trong tâm, tâm thanh tịnh, tâm trong sáng, chính là chân Phật. Ngài giáo hoá cho nhân dân tu tại tâm, rèn đức, phát trí tuệ để thành người có ích cho xã hội, Phật là Đời, mà Đời là nghĩ và làm tốt cho hạnh phúc của mọi người, cho sự nghiệp cao cả bảo vệ, xây dựng mái nhà chung là Tổ Quốc.

Tư tưởng của Ngài được chưng cất đơn giản trong bài phú "Cư trần lạc đạo" nổi tiếng:

"Ở đời vui đạo, hãy tùy duyên,

Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền.

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,

Đối cảnh vô tâm, hỏi chi Thiền."

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông

PV: Ông nói về việc hoằng dương tư tưởng đó của Ngài, Trung tâm đã làm những gì để hiện thực hóa ước mơ đó?

Ông Ngô Văn Quán: Một cách thành thực, hơn 10 năm qua, Trung tâm đã nỗ lực không mệt mỏi cho công cuộc này. Chúng tôi đã xây dựng mới chùa Vân Tiêu ở Yên Tử, thành lập và đưa vào hoạt động hệ thống các Câu lạc bộ Trần Nhân Tông và Hội thiền Trần Nhân Tông ở cả trong nước và quốc tế, dâng tượng Trần Nhân Tông và hoằng dương tư tưởng của Người ra nhiều nước trên thế giới. Chúng tôi đã xuất bản gần 20 đầu sách, với hàng vạn cuốn, trong đó tập "Những điều dạy về Phật của Trần Nhân Tông", đã tái bản và tập Thơ "Vua Phật Trần Nhân Tông". Sự nghiệp này sẽ còn được tiếp tục phát triển rộng khắp và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Trước mắt, nhân dịp kỉ niệm 703 năm ngày Phật hoàng viên tịch, Trung tâm sẽ cùng lúc tổ chức hai hoạt động quan trọng: Hội thảo khoa học "Trần Nhân Tông và Con đường Chính pháp" và lễ giỗ Người tại Hà Nội vào cuối tháng 11 năm 2011.

PV: Cụ thể việc đưa Ngài ra thế giới, Trung tâm đã tiến hành những hoạt động gì, thưa ông?

Ông Ngô Văn Quán: Trung tâm chúng tôi đã đưa tư tưởng và hình ảnh vị Vua Phật Việt Nam đến các nước qua sách, tạp chí và các sản phẩm văn hóa nói về Ngài; đồng thời hỗ trợ cho các hiền giả Minh triết tại các nước thành lập các Trung tâm, các Hội Thiền mang tên Trần Nhân Tông tại các nước. Đến nay, Hội Thiền Trần Nhân Tông Hà Lan, Na Uy, Úc châu đã được chính quyền địa phương cho phép sinh hoạt. Tượng thờ Trần Nhân Tông đã được kiều bào ta tại các nước cung thỉnh về Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch. Hàng năm, nhân dịp kỷ niệm ngày mất của Trần Nhân Tông, các Hiền giả minh triết tại các nước Pháp, Mỹ,Cộng hòa Séc, Slovakia, Úc châu, Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy… đều tổ chức tưởng niệm Ngài. Tháng 3 năm 2010, các Hội viên của Trung tâm đã cùng gần 300 hiền giả minh triết dự cuộc gặp gỡ và giao lưu toàn cầu, đặc biệt đã tặng tượng Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông cho Trung tâm Phật giáo Quốc tế Thái Lan và chùa Việt Nam thuộc hệ phái đại thừa tại Thái Lan. Tại cuộc gặp gỡ giao lưu này, con dân đất Việt từ mọi miền Tổ quốc và thế giới hướng về Đức Điều Ngự Giác Hoàng, với sự cung kính, tôn nghiêm, khắc ghi trong tâm khảm về trí tuệ, đạo đức, hành trạng của Ngài, cùng nhân dân ta tôn vinh Ngài là biểu tượng của Trí tuệ Phật Việt Nam, là viên ngọc vô giá không chỉ của người Việt Nam mà còn của cả loài người.

Ông Ngô Văn Quán – Giám đốc Trung tâm Unesco Nghiên cứu và Ứng dụng Phật học Việt Nam

PV: Tại sao lần này Trung tâm lại đưa bức tượng dâng tậng tới Open Minds Foundation và Harvard, thưa ông?

Ông Ngô Văn Quán: Đây cũng là một cơ duyên, chúng tôi trân trọng lý tưởng cao quý của  Open Minds Foundation , do Giáo sư đáng kính Thomas Patterson, Đại học Harvard  làm Chủ tịch  và cảm thấy đồng cảm với ý tưởng Ngày Hòa giải Yêu Thương mồng 9 tháng 9. Hòa giải yêu thương cũng là tư tưởng cơ bản của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Chúng tôi cùng bàn bạc với nhau và quyết định dâng tượng Ngài cho Open Minds Foundation và Trường Harvard để thể hiện sự trân trọng đối với trung tâm tri thức của thế giới, đồng thời cũng mong muốn đưa hình ảnh và tư tưởng của Trần Nhân Tông tới được trung tâm văn hoá, khoa học lớn của thế giới .

PV: Có điểm gì đặc biệt ở bức tượng dâng tặng Open Minds Foundation và trường Harvard, thưa ông?

Ông Ngô Văn Quán: Bức tượng tặng Open Minds Foundation và trường Harvard cũng rất đặc biệt, được làm từ loại gỗ mít hơn 100 tuổi và sơn son thếp vàng bên ngoài. Gỗ mít từ ngàn đời nay đã được coi là thứ cây linh thiêng thường được ông cha ta sử dụng để làm tượng Phật. Để làm bức tượng này, chúng tôi phải nhờ tới nghệ nhân Hồng Ánh ở Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội. Chúng tôi có mẫu tượng theo phiên bản ở chùa Siêu Loại, Gia Lâm nhưng bản thân nghệ nhân làm tượng khi tạc diện cho Trần Nhân Tông phải ăn chay và thiền quán để có thể hình dung ra Đức Phật Hoàng với tình yêu nước và yêu thương con người vô bờ bến. Đó là những tư tưởng tưởng như đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc mà Đức Phật Hoàng đã dùng cả cuộc đời mình để làm tấm gương cho hậu thế noi theo.

Theo TuanVietNam.net

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here