Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Hành trình về đất Phật – Tây du ký sự kỳ 10:...

Hành trình về đất Phật – Tây du ký sự kỳ 10: Delhi – Lucknow

132
0

Indian Gate trông giống như l’Arc de Triomph ở Paris. Đây là một công trình cũng do kiến trúc sư Lutyens thiết kế để tưởng niệm các chiến sĩ Ấn Độ đã hy sinh trong cuộc Chiến Tranh Thế Giới lần thứ I và Chiến Tranh Anh – Afghanistan (các chiến sĩ này đi lính cho mẫu quốc Anh – giống như bia tưởng niệm chiến sĩ trận vong  trước mặt trường Quốc Học Huế). Trên tường của Indian Gate có khắc tên của khoảng 70.000 hay 80.000 chiến sĩ.  Sau khi giành được độc lập (1947) nơi đây trở thành đài kỷ niệm Chiến Sĩ Vô Danh. Người ta xây thêm bên dưới một đài nhỏ và đặt một ngọn lửa vĩnh cửu. Indian Gate làm bằng đá granite và đá sa thạch màu đỏ, cao 42m, xung quanh có  bãi cỏ và công viên cho trẻ em. 

Tòa nhà Quốc Hội, tiếng Ấn gọi là Sansad Bhawan nằm cuối con đường Sansad Marg (Parliament Street) , về phía bắc của đường Rajpath. Đó là một tòa nhà hình vành khăn, khánh thành năm 1927. Tòa nhà được gọi là Circular House vì dạng vòng cung của nó. Từ xa đã thấy hàng trăm cột trụ (247) tạo thành một bức bình phong thưa đỡ lấy mái biểu hiện phong cách  Mô-gôn. Trên đỉnh tòa nhà có mái vòm ở trung tâm có tượng bốn con sư tử, là quốc huy của nước Ấn Độ. Biểu tượng này lấy từ tượng trên đỉnh các cột đá của vua Ashoka, dùng để  đánh dấu những nơi xảy ra sự kiện nào đó quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật, chẳng hạn nơi Đức Phật sinh ra, thuyết pháp lần đầu tiên hay nhập diệt. Bốn con sư tử tượng trưng cho pháp âm, là tiếng nói của Phật pháp, như tiếng gầm của sư tử vang khắp bốn phương. Xe chạy nhanh không chụp ảnh kịp cho nên tôi nhủ thầm sẽ tìm ảnh trên internet sau.

Tòa nhà Quốc Hội

 

Quốc huy Ấn Độ

 

 Ở đây cũng có quốc kỳ của Ấn Độ tung bay. Trên lá cờ cũng có bánh xe pháp luân mà có người gọi là bánh xe luân hồi. Bánh xe tượng trưng cho sư di chuyển, sự truyền bá Phật pháp. Bánh xe này do bốn sư tử đội trên đầu. Hình bánh xe cũng được khắc ở bệ đá ngay dưới chân sư tử. Một trong những tượng sư tử còn nguyên vẹn được đặt trong nhà bảo tàng Sarnath. Các  cột đá của vua Ashoka được các nhà khảo cổ phương Tây và Ấn Độ tìm thấy  ở nhiều nơi – bây giờ đã tìm được 16 hay 19 cột.

Có một điều kỳ lạ là những người theo Ấn giáo lại xem Đức Phật là một trong những hiện thân của Thượng Đế cho nên họ vẫn đi hành hương, chiêm bái các thắng tích Phật giáo. Nhưng theo đạo Phật thì những người thuộc đẳng câp cao lại không chịu vì như vậy họ phải đối xử với những người đẳng cấp thấp một cách bình đẳng. Và như cố Thủ Tướng Nehru đã nói, đạo Phật được tôn trọng nhưng không tồn tại ở Ấn Độ vì lý do chính là không chấp nhận hệ thống đẳng cấp.

Tuy nhiên Phật giáo cũng có dấu hiệu hồi sinh kể từ thập niên 1950 khi những người Dalit, là những người thuộc đẳng cấp thấp, đòi quyền dân sinh là dấy lên phong trào cải đạo sang Phật giáo do Tiến sĩ Ambedkar khởi xướng. Sau đó là sự kiện Trung Hoa chiếm đóng Tây Tạng (1959), khiến hàng trăm ngàn người Tây Tạng lánh nạn sang Ấn Độ mà đây là một cộng đồng theo đạo Phật thuần thành. Đức Đạt Lai Lạt Ma, người lãnh đạo cộng đồng này lại có mức sức thu hút rất lớn đối với người nước  ngoài, kể cả người Phương Tây cho nên du khách sang Ấn Độ để dự các khóa tu hay pháp hội do ngài hướng dẫn ngày càng động.

Việc mở các phân khoa Phật học tại các trường đại học lớn như Delhi, Patna, Calcuta, cấp văn bằng từ cử nhân đến tiến sĩ, cũng thu hút giới trí thức Ấn Độ nghiên cứu trở lại di sản của mình. Tu sĩ và cư sĩ Phật  giáo các nước cũng kéo đến đây học. Rồi giáo hội Phật giáo từ các nước  như Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan, Miến Điện, Thái Lan, Malaysia, Sri Lanka đến đây xây dựng chùa tháp, tu viện, thiền viện. Lác đác cũng có các chùa người Việt do các sư từ Việt Nam cũng như từ châu Âu sang xây dựng, cung cấp chỗ ở cho các đoàn hành hương. Có thể thấy các chùa, tu viện của nhiều nước tại tất cả các thánh tích Phật giáo.

Bên cạnh đó có một xu hướng khác là các trung tâm thiền giảng dạy thiền như một kỹ thuật làm chủ tâm, thanh lọc tâm hay thư giãn, thu nhận thiền sinh không phân biệt tôn giáo và không cải đạo họ theo Phật giáo. Các trung tâm thiền Vipassana theo truyền thống của ngài U Ba Khin (Miến Điện) do ngài Goenka và các thiền sư phụ tá hướng dẫn (phát triển từ năm 1967, hiện nay có hơn 70 trung tâm ở Ấn Độ), là một trong những trung tâm đi theo xu hướng này.

Chúng tôi được đưa trở về Coffee Home khoảng 5 giờ chiều. Chúng tôi đi về hướng Connaught Place và vào quán chay Saravana Bhavan. Chúng tôi muốn ăn cơm nhưng ở đây không có. Cơm trắng hay cơm chiên cũng không. Không có soup hay mì sợi hay đậu hủ gì cả. Xem qua thực đơn, anh Claude, ra vẻ thành thạo, gọi món dosai, còn tôi cũng gọi « may rủi » món Pesarattu. Món của anh Claude trông giống như một bánh tráng khoai nhưng ép mỏng và giòn, có nhân là rau bên trong.Còn món tôi gọi thì hình dáng như bánh khoái, có điều là làm bằng bột đậu lăng (lentil) không cần lên men và không có nhân bên trong. Cả hai món đều có nước chấm.  Cả hai dường như chưa no, nhưng mà chỉ dám gọi thêm nước uống. Tôi chọn món rẻ nhất là nước chanh – vốn có rất nhiều ở xứ sở này, còn Claude chọn nước táo là một món hiếm hoi. 

Món dosa hay dosai

 

Thật ra ở Ấn Độ loại trái cây được bày bán khắp nơi là xoài, tiếp đến là chuối. Nhưng dường như họ ít đầu tư lai tạo giống cho nên đa số xoài bày bán đều nhỏ trái và nhiều xơ. Chuối thì nhiều nhất là chuối cau, cũng không ngon. Trong ba nước thì Thái Lan là nước có nhiều chủng loại trái cây nhất và phẩm chất cũng cao nhất.

Chúng tôi trở về nhà khách tắm rửa (mặc dù đã trả phòng) và lấy ba lô ra ga.Xe lửa khởi hành từ New Delhi lúc 9 giờ tối đi thành phố Lucknow, cách đó khoảng  414 km, mất hơn 10 tiếng đồng hồ : 7 giờ sáng hôm sau mới tới.
 

Ngày 13-7: Lucknow

Chúng tôi mua vé giường nằm, tầng 3, sát với trần tàu, có máy lạnh. Khổ đường sắt ở Ấn Độ là 1,4 m cho nên buồng trên tàu rộng hơn tàu ở xứ Đại Cồ Việt (khổ 0,8m). Cũng vì thế mỗi khoang (apartment) họ xếp  tới 9 giường : ngoài 2 dãy 3  tầng như thông thường, họ còn có 1 dãy 3 tầng giường nằm sát và dọc theo cửa sổ. Lối đi rất hẹp ở giữa. Tuy nhiên, còn một chỗ giống nhau là  khoảng cách giữa giường và trần tàu khá ngắn cho nên khách không thể ngồi thẳng lưng được : đã mua vé nằm là phải nằm luôn suốt cuộc hành trình. Vì hành lý phải để ngay trên giường cho nên khi nằm cũng không có chỗ để duỗi thẳng chân được

Toilet trên tàu chỉ là một lỗ thông xuống đường tàu cho nên đường tàu và cả nhà ga cũng chẳng khác gì toilet. Và cái mùi muôn thuở vẫn thoang thoảng khắp toa xe cho nên hành khách được dịp rèn luyện đức tính kham nhẫn, rất cần trong cuộc sống, nhất là tại xứ Ấn.

Lucknow là thủ phủ của bang Uttar Pradesh. Đây là một thành phố đa văn hóa, nổi tiếng về thi ca bằng tiếng Hindi và tiếng Urdu, nhiều trường phái ca múa cổ, hàng thêu gọi là chikan.

Nhà ga Lucknow, tiếng Ấn gọi là ga Charbagh,  xây năm 1914 theo kiến trúc pha trộn giữa phong cách Ba Tư (các tháp tròn như bát úp) và Mông Cổ (hành lang trang trí bằng các cột, nối với nhau bằng các vòng cung có chạm trổ). Đây là một nhà ga lớn, là điểm trung chuyển giữa miền Bắc,  Tây Bắc với miền Đông, Đông Bắc. Từ đây có tàu đi tới 14 thành phố khác và là điểm đến của 12 chuyến tàu, đó là không kể có 29 tàu từ các nơi ghé ngang qua.

Khi từ ga đi ra chúng tôi không có cơ hội thưởng thức kiến trúc của nhà ga vì phải cẩn thận để khỏi va vấp với đám đông người ngồi, kẻ nằm và hàng vạn lữ khách đi lại dọc ngang đông như nêm cối. Lúc quay lại đây để mua vé chúng tôi mới ngắm nhìn một chút vẻ đẹp do người ngày xưa tạo ra và người ngày nay làm hoen ố.

Từ Sách hướng dẫn Claude có một địa chỉ phòng trọ gần ga xe lửa, nhưng không biết gần là bao xa nên Claude gọi một  xe lôi, tiếng Anh là rickshaw, là xe đạp kéo theo một ghế ngồi trên hai bánh xe. Đây là lần đầu tiên đi xe rickshaw và trong những ngày kế tiếp còn đi nhiều lần do đây là phương tiện di chuyển rẻ tiền nhất.

Luật đi đường ở đây giống Thái Lan là đi bên tay trái theo kiểu của người Anh. Nhưng đường phố rất hỗn độn với đủ loại xe cộ chen chúc nhau. Xe lôi, rồi là xe lam ba bánh, gọi là xe autorickshaw, rồi xe bus, xe tải và dĩ nhiên là người đi bộ. Tất cả  bóp còi, la hét inh ỏi, bụi bốc lên chỗ này chỗ kia. Người ta ít khi nhường nhau – trừ khi thấy xe của đối phương to lớn hơn hay mặt mày bặm trợn hơn.

Xe lôi ba bánh hay rickshaw

Xe lôi rickshaw

 

Xe autorickshaw, giống xe lam ba bánh

Trên đường Claude cứ nhắc giữ chặt hành lý phía sau kẻo bị giựt mất. Đến địa chỉ này rồi anh thanh niên lái xe « taxi đạp » nhanh nhẹn nhảy xuống, xách bổng hai túi nặng nhất và leo lên bậc thang. Một điều lạ là nhiều guest house đặt phòng tiếp tân trên lầu. Có lẽ khi đi lên vất vả khách không muốn quay ra. Claude đi trước đến quầy gặp nhân viên và đi xem phòng, tôi trả tiền cho anh đạp xe lôi và cho tiền tip do xách đồ giùm.

Khi Claude quay xuống, mặt mày sa sầm, bảo tôi quay ra ngay. Xuống lầu rồi anh ta mới nói phòng dơ quá, và trên các bậc thang đều có phân . . . người ! Anh đạp xe vẫn còn chờ. Một số xe lôi khác đang chờ bên ngoài lên tiếng mời khách nên anh đạp xe giục giã chúng tôi lên xe, lên xe. Anh chở chúng tôi đi một nơi khác có vẻ sạch sẽ hơn, nhưng lại hết chỗ. Chúng tôi mở cẩm nang ra tìm địa chỉ và gọi điện thoại. Chủ nhà nói cứ tới. Đó là Lucknow Homestay

Anh đạp xe có vẻ không biết nơi ấy nhưng cứ bảo chúng tôi lên xe. Anh ta đạp một đoạn rồi ngừng lại hỏi hết người này đến người kia. Cứ như vậy khoảng hơn nửa giờ mới tới. Những lần sau khi trở lại ga xe lửa chúng tôi lại tìm được đường đi ngắn hơn nhiều.

Đây là loại nhà khách mà khách ở lại ăn cơm với chủ nhà, trò chuyện để biết rõ hơn đời sống ở địa phương.

Chúng tôi được mời đến một phòng khá rộng rãi, có tủ áo và phòng toilet sạch sẽ, cũng rộng nhưng dùng chung với phòng kế bên cho nên khi vào phòng phải chốt cửa hai nơi. Sau đó thì phải nhớ mở chốt cho khách ở phòng kia có thể vào.

Nhận phòng, tắm  rửa xong chúng tôi ra bến xe hỏi đường đi Sravati, nhưng khi đó là 10 giờ rồi – quá trễ để đi về trong ngày cho nên đành chờ đến mai.

Khi xem thông tin trên một brochure du lịch chúng tôi thấy có một trung tâm ghi là Bauddha World Center, có cả dining house, cho nên quyết định tới nơi này, vừa để thăm vừa ăn trưa. Chúng tôi đáp xe ba bánh (ở đây gọi là autorickshaw, giống xe tuk tuk ở Thái Lan) ra bến xe buýt (gần ga xe lửa). Từ đó đi bộ đến Trung Tâm Phật Giáo Thế Giới. Nhìn bản đồ thấy gần nhưng hóa ra đường đi rất xa (sau này mới biết cách nhà ga xe lửa tới 10km). Đi mỏi quá, chúng tôi lại phải đón một xe rickshaw khác. Nhìn thấy hàng rào của trung tâm này rồi, nhưng chạy dọc theo hàng rào cả cây số mới thấy cổng. Ở đây có thiền đường, thư viện, phòng hội nghị, nhà ăn, v.v. Khi vào cổng chúng tôi được báo cho biết trung tâm đang trùng tu, không đón khách, cho nên chỉ chụp một tấm hình rồi đi ra. 

Đi băng qua đường chúng tôi thấy có vài tiệm tạp hóa. May quá, chúng tôi thấy có bán bánh mì để làm món sandwich. Tôi có mang theo hộp bơ đậu phụng – peanut butter – và một ít rong biển. Thế là ngồi ven đường ăn trưa. Ăn xong chúng tôi quay lại tiệm đó để mua thêm nước.Mặc dầu luôn luôn mang theo mỗi người ít nhất nửa lít, vẫn không đủ. Không thấy nước đóng chai nên chúng tôi mua  nước sprite ướp lạnh, mặc dù anh Claude nói cái thứ này uống vô càng khát. Tôi đưa chai không đựng nước ra hỏi anh chủ quán nước uống. Anh chàng vào trong lấy ra một bình rót vào chai cho tôi và nói không tính tiền. Anh hỏi chúng tôi định đi đâu và chỉ đường để về lại nhà trọ.

Khi chúng tôi rời quán một đoạn, anh này chạy xe máy theo sau, gọi chúng tôi ra hiệu lên xe để anh chở giúp một đoạn. Chúng tôi nói nhờ anh đưa đến khu chợ gần đó thôi. Đến nơi thì khu chợ hoàn toàn vắng vẻ, cửa hàng đóng cửa. Tôi thấy một cửa hàng chất đầy cam, xếp thành hàng chồng lên nhau trông có vẻ mỹ thuật và có máy xay sinh tố. Tôi đề nghị Claude dừng lại uống. Lại thấy có nhiều trái lựu nên tôi nói anh bán hàng trộn cam và lựu. Khi anh chàng này xay, rồi dùng bàn tay đẩy hạt lựu vào máy tôi mới thấy mình sai lầm biết bao: các móng tay anh ta đầy cáu ghét đen thui!. Nhưng đã trót gọi thì sao? Tôi bước một bước vào bên trong thì lại choáng váng vì hàng ngàn con ruồi thấy động bay lên mù mịt. Tôi bước ra ngay. Claude còn đứng ngoài. Tôi nói anh ta không cần vào, cứ đứng ngoài đường uống cũng được. Thôi thì cứ bình tĩnh uống. Không lo nghĩ gì nữa và sau đó cũng không thấy có cảm giác gì lạ.

Chúng tôi cuốc bộ đi về nhà trọ khoảng 4 giờ. Vì đã báo cho chủ nhà sẽ ăn tối cho nên chúng tôi sang phòng ăn lúc 5 :30. Nhưng phải đến 8 giờ tối mới thấy dọn cơm. Chúng tôi ăn cùng với chủ nhà và 4 người khách phương Tây đến từ Pháp và Đức. Bây giờ mới thấy cơm trắng – chỉ có một tô chung cho tất cả. Mỗi người có một khay nhôm có khoảng 5 cái bánh mì không men Pesarattu, một chén đựng nước sốt (sauce) màu vàng sẫm, một chén khác đựng nước màu trắng đục, sau khi thử mới biết là yaourt chua lè lè. Tôi thấy ông chủ nhà đổ cơm vào khay, đổ yaourt vào và đưa tay bốc. Còn bánh Pesarattu thì xé bằng một tay và chấm vào chén kia. Nhưng trên bàn có một ống đựng muỗng, nĩa cho ai không ăn bốc. Tôi thì phải dùng hai tay mới xé được bánh mì Pesarattu, và dùng muỗng múc nước chan vào. Còn cơm thì đổ vào khay và ăn với nước sốt và dùng muỗng múc ăn chứ không bốc được.

T.N.B

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here