Và chuyện chàng được cô gái miền Tây “phải lòng” thì chẳng có gì ngạc nhiên, bàn luận cả. Phải chăng cô gái rất đổi thật thà, hiền lành, đôn hậu ấy đã làm chàng trai đất Bắc quyến luyến đem lòng thầm yêu? Tuy nhiên, chuyện tình thế gian không phải mối duyên nào cũng dễ kết thành quả ngọt! Do chàng trai hết hạn kỳ công tác ở phương Nam thì phải chuyển về lại quê hương kinh Bắc mà thôi. Bấy giờ, đường đi lại giữa Bắc và Nam thật là gian nan, cách trở, trập trùng xa xôi… Chàng và nàng bặt tin nhau! Có thể chàng vẫn còn vương lời hẹn ước nhưng đã đến tuổi phải có thê tử nối nghiệp tông đường rồi nên chàng cũng yên bề gia thất, con cháu đủ đầy.
Còn cô gái miền Tây vẫn âm thầm chiếc bóng, lấy việc phụng dưỡng song thân làm lẽ sống, không hề nghĩ đến việc lên xe hoa về nhà chồng như bạn bè cùng lứa. Nhà ở gần chùa, khi rảnh rổi lại thích về chùa lạy Phật, làm công quả. Cho đến lúc em trai khôn lớn, có gia đình và đủ sức đảm đương việc chăm sóc cha mẹ thì nàng xin phép vào chùa xuất gia học Phật. Từ ngày gửi thân vào chốn già-lam nàng cảm thấy tâm hồn thật bình an, thanh thản không còn một tơ vương nào ngoài thế tục nên đã nghiêm trì giới luật, thọ giới tì kheo ni mà “an bần lạc đạo”. Nhiều năm trôi qua thật nhẹ nhàng, thanh thoát đối với một người chí thành mến đạo, không nhuốm bụi trần!
Bỗng dưng năm ấy, chàng trai đất Bắc lại có dịp về thăm nơi công tác thời trai trẻ. Chàng mới hay tin cô gái mình từng yêu thương nay đã trở thành tu sĩ. Đối với một người chưa hiểu về đạo Phật, chàng tự cho mình là người có lỗi khiến nàng phải quên tuổi thanh xuân trong chốn chùa chiền buồn tẻ. Chàng đã tìm gặp sư phụ nàng để giải bày nỗi niềm mong vơi bớt băn khoăn, trăn trở trong lòng. May nhờ sư phụ giải thích rõ ràng tâm nguyện của nàng, không phải vì buồn tình khiến nàng đi tu mà do căn cơ, duyên lành đời trước đã đưa nàng vào đạo mà thôi. Nàng nay đã là một sư cô đạo hạnh, sống an lạc và vẫn đôn hậu như ngày nào nên chàng rất yên tâm. Trước đây, do tập quán quê hương, môi trường sinh hoạt và hoàn cảnh công tác chàng chưa hề hay biết gì về tôn chỉ cao đẹp của đạo Từ bi – Giải thoát cả, nay chàng cũng tập đi vào đạo rồi yêu mến cửa Phật và tự nguyện làm một người Phật tử hiền hòa. Nhất là nhìn người thương năm xưa trong sắc phục bình dị của người tu, chàng đã chuyển tình yêu trần tục thành nghĩa huynh muội mong giữ lại kỷ niệm đẹp trong đời. Do đó, khi mẹ nàng qua đời, chàng đã có mặt với vai trò người anh để cùng lo tang lễ mẹ tận tình chu đáo. Dù là người tu chân thật nhưng nhiều lúc người nữ tu hình như cũng chao lòng, bối rối trước tấm chân tình ấy. May có sư phụ và huynh đệ sẻ chia để nàng tiếp tục sống an lạc theo lý tưởng cao đẹp đã chọn lựa và nàng đã chiến thắng mình để cảm nhận sự ấm áp của đạo vị cùng ân tình của người anh kết nghĩa!
Hình như người tu thì phải bị khảo để thử thách ý chí cho nên trong chuyến hành hương đất Bắc của sư phụ, nàng đã là một sư cô nhiều tuổi đạo rồi, được phép tháp tùng đoàn và người anh kết nghĩa cũng được biết tin để tiếp đón. Anh chàng xứ Bắc năm xưa nay đã lão thành đi vào ngũ tuần rồi nhưng vẫn còn phong độ với bộ vét lịch sự và nhất là vẫn cách ăn nói hoạt bát, dẻo miệng dể lôi cuốn người khác. Anh vào vai người hướng dẫn tham quan danh lam thắng cảnh của quê nhà với đoàn hành hương nhưng vẫn không quên quan tâm đặc biệt với “cô em kết nghĩa”. Còn nàng thì đã mấy mươi năm chỉ biết vui trong câu kinh, tiếng kệ: thấm mùi tương chao, khép mình trong thanh qui ở ngôi chùa nhỏ bé tại quê nhà nên càng mộc mạc, đôn hậu hơn và nhất là rất chậm chạp trong sinh hoạt, lão hóa theo tuổi đời khiến anh chàng bật lời phàn nàn: “Cô Tám nay đổi khác nhiều quá…”. Hình như có chút gì thất vọng trong lòng nhưng chàng vẫn không đành tâm bỏ mặc nàng. Cho nên suốt cuộc hành trình anh chàng cũng tranh thủ vài khoảnh khắc đi sóng đôi hỏi han, giảng giải và chăm sóc thật ân cần, chu đáo như muốn đền bù lỗi xưa. Chàng mua nào áo lạnh, khăn len và cả quà cáp cho người thân ở nhà của nàng, rồi nhỏ nhẹ căn dặn: “Khi trời se lạnh cô Tám nhớ dùng nhá. Anh mua những quà này cô Tám có bằng long không?” Sư phụ nhắc khéo là không nên xưng hô với người tu như với người đời vậy nữa. Anh chàng không dấu được bẽn lẽn, xin thông cảm. Cho nên thỉnh thoảng sư phụ lại đưa mắt nghiêm nghị về phía đệ tử như thầm nhắc về đạo hạnh của người tu. Nàng không biểu lộ cảm xúc nào ngoài sự im lặng và ít nói cười hưởng ứng với mọi vật chung quanh. Tôi vẫn luôn kè kè bên sư cô như một hộ pháp vừa cảm thong chia sẽ vừa để bảo vệ và chợt có giả sử rằng: nếu cuộc tình duyên này mà thành chưa chắc họ đã sống hạnh phúc bên nhau và càng không thể giữ vẹn ân tình đến ngày nay và tính cách quá tương phản giừa họ. Thật là may mắn cho số phận cả hai người vậy!
Theo lý nhân duyên mà nghĩ thì biết đâu vì duyên tình không thuận lợi lại là cái nhân lành khiến cô nàng có duyên với đạo mà thoát vòng tục lụy dễ dàng hơn? Do không vướng duyên trần nàng đã sống vô tư, an lạc bao nhiêu năm giữa cuộc trần lằm ưu phiền này. Qui luật muôn đời của kiếp người là trai khôn phải lấy vợ, gái lớn phải gả chồng sinh con đẻ cái truyền thừa nòi giống. Thế mà có biết bao người khi đã yên bề gia thất, con cháu đề huề rồi, nhìn lại quảng đời đã qua vẫn giật mình tiếc nuối là không có duyên với đạo sớm hơn, để bớt đi nhiều nghiệp chướng, oái ăm của cảnh vợ chồng, con cháu ràng buộc nhau, làm khổ cho nhau đủ cách? Tuy nàng không nói gì với chàng cả nhưng đôi khi ánh mắt vẫn lộ buồn man mác và nét mặt lại thẩn thờ nhất là những lúc chàng sánh đôi chăm sóc một cách ưu ái, đặc biệt. Bắt gặp cảm xúc ấy, tôi bỗng dưng thảng thốt về nghiệp “tham ái” của con người và nhận thấy tuổi tác hay hoàn cảnh sống vẫn chưa hẳn làm giảm bớt bản năng “tham ái” được. Nó là cội nguồn của nhiều khổ đau trong cõi Ta Bà. Nếu không giữ được chánh niệm thì con ma ái vẫn tung hoành làm khổ lụy cả người đức hạnh!
May thay, đã đến lúc chia tay rồi. Chàng biết chắp tay cung kính chào và giữ một khoảng cách đủ khẳng định giới hạn tình cảm. Họ chia tay trong đạo vị với ánh mắt thân thương của tình huynh đệ. Tôi thật sự vui mừng, nhẹ lòng vì thấy nàng đã vững vàng giữ tâm thanh tịnh, lấy lại được chánh niệm và không còn bị ngoại cảnh tác động nữa. Nhớ nhà thơ Hồ Dzếnh đã từng nhủ lòng rằng:
“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề”
Còn tôi tư khi được học đạo đã thấm thía chữ “Ái” là một trong những nghiệp chướng, báo chướng của đời người. Nếu không quăng được chữ “ái” kia xuống đất thì bước chân của cả người tu cũng không thể nào thênh thang, an lạc. Tôi khởi tâm mong cầu cho những cuộc tình duyên dù dang dở hay trọn vẹn đều có được đoạn kết êm đềm, dễ thương như chuyện của chàng và nàng. Đồng thời cũng tha thiết nguyện xin cho các bậc tu hành đã đại hùng – đại lực – đại từ bi mà phát tâm Bồ Đề rồi thì mãi mãi giữ được than tâm thanh tịnh trên bước đường giải thoát để tự độ mới độ tha và không bị nữa đường gãy gánh hoặc là mang hình tướng thanh tịnh mà vẫn chưa dứt được nợ trần ai tục lụy thì thật vô cùng khổ đau vậy.
T.Q