Sáng 29-6: Bang Kok
Rời guest house lúc 5 :30 chúng tôi ra bến xe đáp minibus đi Bang Kok (60baht). Anh Claude phải đến đại sứ quán Ấn Độ để xin visa nên khi chúng tôi xuống xe ở khu trung tâm lúc 6 :30 tại một bùng binh có tượng đài Chiến Thắng (Victory Monument), chúng tôi lại phải leo lên trạm xe lửa trên cao, gọi là sky train đáp xe đi Asok. Khi tìm được phòng visa đại sứ quán thì hãy còn sớm, mới 7 :10 mà đến 8 :30 văn phòng mới mở cửa. Chúng tôi ngồi chờ ở hành lang.
Sau khi nạp application chúng tôi lại phải loay hoay tìm một công ty có thể lãnh giúp visa (sẽ được cấp trong 5 ngày tới – mà lúc ấy chúng tôi đang ở trong khóa thiền, và ngày mãn khóa lại là ngày chủ nhật – chúng tôi đã mua vé máy bay sang Ấn Độ vào tối hôm đó). Chúng tôi đáp xe tuk tuk đi đến đường Khao San là khu « Tây ba lô », nơi có rất đông khách du lịch « bụi » đến ở trọ.
Chúng tôi đến một quán chay ăn trưa. Sau đó tôi ngồi chờ Claude đi tìm công ty dịch vụ. Cuối cùng cũng gặp may. Có một văn phòng du lịch nhận đi lãnh visa giúp và sẽ mở cửa ngày chủ nhật để trao visa cho Claude. Chúng tôi tìm được một quán internet có máy lạnh để check mail và nghỉ ngơi. Ở đây người ta hỏi mình sử dụng máy bao nhiêu phút rồi báo cho mình biết phải bỏ vào khe nhận tiền bao nhiêu baht, hết giờ máy sẽ tự động tắt. Tôi báo 30 phút nhưng khi viết thư không nhìn đồng hồ nên giữa chừng máy tắt. Lại phải hỏi Claude xin tiền lẻ bỏ thêm vào. Cũng may là nó trở lại trang cũ.
Do cả hai chúng tôi đều đã ghé qua Bang Kok vài lần nên không đi tham quan thành phố này. Tuy nhiên cũng có ấn tượng về sự phát triển nhanh chóng và hiện đại các phương tiện giao thông ở đây như đường sá với nhiều làn xe, đường cao tốc nhiều tầng cho xe hơi, xe lửa, đặc biệt là hệ thống xe lửa trên cao gọi là sky train và xe lửa ngầm metro không người lái. Tôi cũng rất ngưỡng mộ người Thái ở chỗ khi khách bộ hành qua đường các xe hơi lớn nhỏ đều dừng lại, nhường đường. Ở thành phố Hồ Chí Minh và nhất là Hà Nội hiếm khi thấy loại « văn hóa » nhường nhịn như thế. Trong các thành phố ấy thường thấy khách bộ hành « yếu tim », « Tây » cũng như ta, đứng chờ rất lâu bên đường, không biết cách nào để đi qua. Ngoài ra người đi bộ ở Thái cũng có thể bấm nút ở ven đường để bật đèn đỏ buộc các xe ngừng lại. Họ cũng xây rất nhiều cầu vượt cho khách băng qua đường. Các trạm dừng xe buýt, xe taxi đều ở ngay chân cầu thang các cầu vượt cạn này.
Các trạm dừng xe buýt đều có chỗ eo sâu vào lề đường để khi xe dừng không cản trở dòng xe cộ đang lưu thông. Các bến xe khách ở các tỉnh của Thái được tổ chức rất hợp lý để khi khách mua vé xong thì thấy xe đậu cách phòng vé vài bước chân, không phải đi tìm. Từ sân bay bước ra khách có thể lựa chọn đi xe buýt hay xe lửa hay tàu điện ngầm hoặc taxi. Ở Tân Sơn Nhất hay Nội Bài, ngoài xe taxi, khách không có sự lựa chọn nào khác.
Xe khách liên tỉnh khi ngang qua mỗi tỉnh đều ghé vào bến xe của tỉnh cho hành khách nghỉ ngơi đi vệ sinh hoặc mua thức ăn hay gọi điện thoại ở các máy công cộng và mua các thứ cần thiết ở cửa hàng bách hóa. Các xe có máy lạnh hai tầng thì có toilet ở tầng dưới. Còn ở xứ ta khi khách cần đi vệ sinh phải kêu lên ơi ới (có khi phải kêu « không cho ngộ lái thì ngộ cứ lái ») xe mới ngừng và khách sẽ kiếm một chỗ vắng vẻ để giải quyết nhu cầu.
Khoảng 2 :00 chúng tôi lại ra công trường dân chủ tìm xe buýt đi đến bến xe phía bắc thành phố Bang Kok. Đến đó lại mua vé đi đến tỉnh Prachinburi theo một hướng dẫn từ trang web của trung tâm Kamala. Gần 5 :00 chiều chúng tôi mới đến được trung tâm thiền. Vào phòng tiếp tân chúng tôi điền mẫu đơn ghi danh. Sau đó được hướng dẫn tới phòng ở. Có một thanh niên Thái tình nguyện mang giúp ba lô cho tôi tới tận phòng.
Chiều 29-6: Trung Tâm Thiền Dhamma Kamala
Trung tâm được xây dựng ở một miền quê, thuộc tỉnh Prachinburi, cách Bangkok 3 giờ xe chạy về hướng đông bắc. Nhìn xa xa có núi đồi, trước mặt là cánh đồng lúa. Tôi không biết năm thành lập nhưng biết thầy Goenka đã đến đây năm 1998 nhân lễ khánh thành tháp thiền thất pagoda. Bên ngoài, phía bên phải có một tượng Phật, nhưng bên trong không thấy hình ảnh Phật. Phía bên trái có bia ghi tên Kamala Meditation Center.
Tượng Phật bên ngoài Trung Tâm Thiền Kamala
Trung tâm có ba dãy phòng ở cho thiền sinh nam. Phía bên kia sân có các dãy phòng cho thiền sinh nữ. Phòng ghi danh chính là phòng ăn và cũng được chia hai bên cho nam và nữ riêng biệt. Kiến trúc lớn nhất, gọi là pagoda là một ngôi tháp lớn, trên đỉnh là mái vòm truyền thống, bên trong là một thiền đường lớn, và mấy chục phòng thiền nhỏ hay thiền thất chia thành nhiều tầng dành cho các thiền sinh cũ .Thiền sư có nhà riêng, lối đi trong sân riêng và lối vào thiền đường riêng.
Pagoda: tháp có thiền đường và các thiền thất
Bên trong thiền đường
Hồ nước và rừng cây
Khu nhà ở dành cho thiền sinh nam
Bên ngoài khu nhà ở là cây rừng và hồ. Trong trung tâm thiền không có nhiều cây cảnh và không có cây ăn trái – có lẽ để tránh thu hút khách tham quan. Thiền đường là nơi để ngồi thiền và nghe giảng pháp, ngoài mục đích này không ai được vào dù đang có khóa tu hay không. Tới ngày 10, thiền sinh được phép nói chuyện để làm quen trở lại với cuộc sống bên ngoài nhưng tuyệt đối không nói chuyện ở bên trong cũng như hành lang ngoài thiền đường. Do đó, bầu không khí bên trong thiền đường rất khác với các chùa có đông người.
Rải rác trong sân có các bảng hướng dẫn như khu nhà cho thiền sinh, lối đi đến thiền đường, lối đi riêng dành cho thiền sư, nhà vệ sinh, v.v. và nhiều nhất là bảng đế « noble silence » là « im lặng thánh thiện » vì thiền sinh phải giữ im lặng trong suốt khóa tu, không nói chuyện điện thoại, không nghe nhạc, không đọc sách báo, không computer, internet, không ghi chép, viết lách, ghi âm, không tiếp xúc với nhau, không ra hiệu, tránh đụng chạm, thậm chí không nhìn nhau – chỉ nhìn vào bên trong tâm và thân mình. Thiền sinh chỉ được trao đổi với người quản lý khi cần chế độ ăn uống đặc biệt hay thuốc men chữa bệnh.
Mỗi thiền sinh có một phòng riêng có giường, bàn nhỏ, máy quạt bàn, một cây dù. Trong phòng có móc, dây phơi quần áo. Trong từng dãy nhà có nhiều phòng vệ sinh chung. Ngoài sân có bồn giặt, sân và dây, móc phơi quần áo. Gần các bồn rửa mặt có các bình nước uống. có nơi có ly hay vòi nước để thiền sinh có thể lấy nước vào chai riêng bất cứ lúc nào. Nói chung là các tiện nghi cơ bản cho thiền sư và thiền sinh đều có đầy đủ. Những người phục vụ như nấu nướng, dọn dẹp, quản lý đều là thiền sinh cũ, làm việc tình nguyện và ngồi thiền ít nhất 3 lần mỗi ngày vào thời thiền chung.
Sau khi rửa mặt, chúng tôi đến nhà ăn dùng bữa cơm chiều. Bữa ăn ở các trung tâm thiền Vipassana theo truyền thồng của ngài U Ba Khin khắp thế giới là hoàn toàn chay và chỉ ăn hai bữa, sáng và trưa. Chiều nay chưa bắt đầu khóa tu nên được ăn.
Thức ăn ở đây vừa bảo đảm dinh dưỡng vừa đáp ứng các thói quen ẩm thực của nhiều dân tộc : có cơm gạo lức, muối mè, có cơm trắng, thỉnh thoảng có cơm chiên, xôi, bún, đồ xào, đồ kho, có canh, có rau tươi như xà lách, dưa leo, ớt, chanh, mà cũng có bánh mì nâu (wholewheat bread), cheese, cereal, mứt dâu, mứt thơm cho khẩu vị người phương Tây. Có nước gừng, nước sả, nước trà, cà phê, nước sôi, nước đá, trái cây và đôi khi có cả chè. Mọi người tự lấy khay, muỗng, nĩa, chọn món ăn rồi bưng đến một bàn riêng. Ăn xong tự rửa lấy. Có nhiều bồn rửa với xà phòng, khăn lau, giá phơi để không ai phải chờ ai.
Nhà ăn
Chúng tôi cũng đem theo các tư trang như ví đựng tiền và giấy tờ, điện thoại, máy ảnh gửi cho ban quản lý cho tới ngày 10 mới nhận lại. Sau đó là dự buổi họp nghe hướng dẫn nội qui, thời khóa. Tới thiền đường, từng người được các phục vụ viên đưa vào chỗ ngồi được qui định.
Khởi đầu có nghi thức thiền sinh qui y tam bảo, tiếp nhận năm giới, thỉnh sư giảng dạy, tất cả bằng tiếng Pali do thiền sư đọc trước, thiền sinh lặp lại. Khóa tu chia làm hai phần, ba ngày rưỡi đầu học tập thiền anapana là thiền quan sát hơi thở và những ngày còn lại học tập thiền Vipassana, quan sát các cảm giác trong thân thể. Thời khóa này ở các trung tâm thiền Vipassana trên thế giới đều giống nhau. Bài giảng pháp và lời hướng dẫn thực tập do thiền sư Goenka dạy đều được thu âm, ghi vào băng đĩa. Có các đĩa thu âm đã được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng, như Thái, Việt, v.v. Thiền sư phụ tá chỉ việc bấm nút laptop.
Các thiền sư phụ tá (assistant teacher) có thể là tu sĩ hay cư sĩ, là nam hoặc nữ đến từ một nước nào đó. Nhiệm vụ của thiền sư phụ tá còn là kiểm tra việc thực tập của từng thiền sinh, khoảng hai ngày một lần, trả lời các câu hỏi của thiền sinh trong các giờ tham vấn riêng sau 12g trưa hay sau 9 giờ tối. Hướng dẫn khóa tu này là một thiền sư cư sĩ nữ người Thái.
Thiền sinh có thể là tu sĩ hay cư sĩ, đến từ nhiều nước trên thế giới, là người theo đạo Phật hay bất kỳ đạo nào, hay không theo tôn giáo nào. Quần áo chỉ cần kín đáo, rộng rãi, không qui định kiểu dáng hay màu sắc. Ngồi kiểu nào cũng được – kiết già hay bán già hay xếp bằng hay quì kiểu Nhật hay ngồi trên ghế, miễn là giữ lưng và đầu thẳng. Thiền đường có để sẵn gối ngồi, tọa cụ, bồ đoàn, gối lót tay, kê chân đủ kích cỡ, ai ưa dùng thứ gì thì tự lấy.
Dhamma Kamala là trung tâm thiền theo truyền thống của ngài U Ba Khin, người Miến Điện, hiện nay được giảng dạy bởi ngài Goenka, người Ấn Độ, hoặc các thiền sư phụ tá, người thuộc nhiều quốc tịch. Các trung tâm do các thiền sinh cũ tự lập và và cử ra một ban điều hành. Ban này sẽ tự lập kế hoạch rồi liên lạc và mời các thiền sư khắp thế giới. Tài chính của trung tâm cũng dựa vào các thiền sinh cũ. Khi tham dự khóa thiền, thiền sinh mới không đóng tiền mà sống như một người xuất gia : ăn ở đều nhờ vào sự bố thí hay cúng dường. Trung tâm không nhận tài trợ từ người không phải là thiền sinh.
T.N.B