Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Dù vò chín khúc, không chau đôi mày

Dù vò chín khúc, không chau đôi mày

125
0

Khi tựa gối, khi cúi đầu (*) của GS Cao Huy Thuần là một tập tản văn đầy hào hứng và uyên thâm như thế. Tôi không hiểu được bằng cách nào anh lại diễn đạt những vấn đề khô khan và huyền bí của khoa học, chính trị, lịch sử, tôn giáo… một cách cuốn hút và nên thơ đến thế, với đôi mắt cười hơi nheo của một kẻ tiêu dao. Anh hay đặt những cặp phạm trù mâu thuẫn, đối nghịch bên cạnh nhau, như Giữa trời và đất, Hoàng đế và thi sĩ… để thao thức hoài với nội tâm, để mọi điều bỗng nhẹ như khói, tan vào trong sương. Là một giáo sư chính trị học uyên thâm, những chủ kiến độc lập vượt qua mọi rào cản của anh về người trí thức là một sự “dung thông” giữa nhiều nền triết học, để suy nghĩ sâu hơn, ráo riết hơn về người trí thức dấn thân, về những vấn đề nóng bỏng của đất nước hôm nay. Anh viết những lời như máu thịt từ tâm can: “Trong đời sống bình thường và nhiệm mầu trong chính bình thường, hãy mở lòng để cho họ sống với những sự thật tương đối, điều kiện tất yếu của sáng tạo, của tiến bộ. Vẫn hai chân trên đất, đầu ngước nhìn trời, họ sẽ cống hiến phần tốt đẹp nhất của họ như thế. Và cũng như thế, hãy mở lòng chấp nhận cho người trí thức được “quá đặc biệt để làm cách mạng”. Có thể người trí thức sinh ra để làm phiền, để nói trái lại. Nhưng không có người nói trái thì làm gì có tranh luận, và không có tranh luận, làm sao trưởng thành? Mâu thuẫn là bệnh dằn vặt của người trí thức. “Quá dễ để chết vì mâu thuẫn hơn là sống với mâu thuẫn”.

Trong cuộc đời tuổi trẻ của mình, ai chẳng một lần rơi nước mắt khi đọc Victor Hugo, ai chẳng một lần ngưỡng mộ Napoléon, với mối tình Josephine đã được người đời khoác lên những bức màn huyền thoại. Nhưng hãy đọc Hoàng đế và thi sĩ của Cao Huy Thuần, để thấm thía hơn sức mạnh của thơ ca, để hiểu về sức sống của Victor Hugo, người tiếp tục viết lịch sử của ngày mai, lịch sử của tự do, khi mà Napoléon đã chết. Trên tất cả là tự do, trước hết là tự do: “Lý trí trong triết lý. Hứng khởi trong nghệ thuật. Công lý trong chính trị”. Trở lại với định nghĩa của Victor Hugo về tự do, cũng là để hiểu rằng “hoá ra lưỡi gươm chẳng thấm vào đâu so với lời nói và chữ viết”.

Bàn về chiến tranh, bàn về tự do, bàn về hạnh phúc là những chủ đề bàng bạc, xuyên suốt trong các tản văn đầy chất thi ca của Cao Huy Thuần. Tôi nhớ bức thư của Manouchian để lại cho vợ trước khi bị bắn trong Một con đường, một thung lũng: “Melinee yêu dấu, em mồ côi yêu dấu của anh”… Tôi nhớ hai lỗ máu giữa lũng xanh trong bài thơ của Rimbaud, nhớ những chữ “đừng” trong các ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn. “Tôi bỗng giật mình trước chữ đừng. Hình như suốt đời Trịnh Công Sơn đã làm người nghệ sĩ hát chữ đừng: đừng, trước hận thù; đừng, trước chém giết; đừng, trước xung đột; đừng, trước giả dối…”

Dường như sau mỗi dòng chữ của anh, ta lại có thể mỉm cười, để củng cố lại một niềm tin đã từng bị xô đổ, từng bị lung lay. Bằng một cách nào đó rất trực cảm, khiêm cung, anh chuyển từ đời sang đạo, từ đạo sang đời một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, gần gũi, khiến cho mỗi chúng ta lại được trở thành trẻ thơ, với “tất cả tài sản mà các em đang có… là lòng thành, trong sáng, tinh khôi, lòng thành và chỉ lòng thành mà thôi, như hoa sen chỉ thoảng một hương thơm buổi sáng”…

Khi tựa gối, khi cúi đầu là món quà vô giá, như hoa sen thoảng hương buổi sáng, để con người tìm thấy mình trong đó, “để không còn gì phải sợ nữa, kể cả vô thường”.

Hương Xuân, tranh: Hoàng Tường

(*) NXB Văn Học – công ty văn hoá và truyền thông Nhã Nam xuất bản tháng 8.2011.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here