Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Nếp sống đạo đức của người Phật tử Việt Nam

Nếp sống đạo đức của người Phật tử Việt Nam

165
0

Từ  lời nhận định trên, chúng ta có thể nói mỗi người dân Việt Nam để có thể thực thi nếp sống đạo đức của người Phật tử Việt Nam thì trước hết họ phải tu tập điều thiện, quy y Tam bảo, thọ thì giới. Đối với người tại gia, là giữ 5 giới và đối với người xuất gia là giữ 10 giới, 250. Tại gia hay xuất gia, 5 giới vẫn là căn bản là mức đạo đức tối thiểu cho một con người, dù là Phật tử hay không, sống xứng đáng là con người, là phải có nhân cách, có nhân phẩm. Đức Phật dạy: “Các người phải siêng năng tu tập các điều thiện, nhờ tu tập điều thiện mà được mạng sống lâu dài, nhan sắc thắm tươi, sống yên ổn, vui vẻ, của cải dồi dào, uy tín đầy đủ” (Trường A Hàm Kinh Chuyển luân vương tu hành).

Cũng từ ý nghĩa và giá trị nói trên của Thế Tôn mà nếp sống đạo đức Phật giáo của người Phật tử Việt Nam được hình thành và vận hành trong đời sống thực tiễn. Trước hết, từ những giáo lý cơ bản của Phật, được Đức Phật Thích Ca truyền giảng, sau ngày Phật thành đạo, và sau đó được kiết tập lại trong kinh điển; và thứ hai từ trong tiến trình hình thành lịch sử dựng nước, giữ nước, mở nước của dân tộc Việt Nam. Chính hai cội nguồn đó đã tạo ra và phát triển những nét chung và đặc thù của truyền thống sống theo đạo đức Phật giáo Việt Nam, là một bộ phận cấu thành quan trọng của truyền thống văn hóa Việt Nam. Từ hai cội nguồn này, chúng ta sẽ thấy những đặc trưng truyền thống của nếp sống đạo đức của người Phật tử Việt Nam trong tiến trình hội nhập và phát triển đạo Phật ở nước ta.

Thực tế cho thấy, Phật giáo đã du nhập và tồn tại ở Việt Nam đến nay đã gần ba nghìn năm. Một thời gian khá dài để cho dân tộc Việt Nam, từ thế hệ này sang thế hệ khác có thể chắt lọc từ trong giáo lý đạo Phật mọi yếu tố thích hợp nhất với điều kiện lịch sử – xã hội của dân tộc ta, đất nước ta, có khả năng giúp cho dân tộc ta khẳng định sự tồn tại và phát triển của mình trên mọi phương diện, lĩnh vực khác nhau từ kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, quốc phòng…trong tinh thần độc lập tự chủ, đúng như Nguyễn Trãi tuyên bố trong Bình Ngô đại cáo: “Như nước Đại Việt ta từ trước, Vốn xưng nền văn hóa đã lâu. Núi sông bờ cõi đã chia, Phong tục Bắc Nam cũng khác”.

Rõ ràng, dân tộc ta là một dân tộc, một đất nước độc lập với tất cả mọi bản sắc văn hóa thích hợp, phóng khoáng không bài ngoại và càng không lệ thuộc ngoại. Đất nước ta không lớn, dân ta không đông so với các nước như Trung Hoa khổng lồ, thực dân Pháp hùng mạnh, đế quốc Mỹ phồn thịnh văn minh. Do đó trong suốt lịch sử tồn tại và phát triển đất nước Việt Nam từ trước tới nay, nhân dân ta phải thường xuyên ý thức tinh thần tự chủ, độc lập cao để đối phó nguy cơ bị đô hộ và đồng hóa về mọi mặt bởi Trung Hoa trải qua 1000 năm phong kiến phương Bắc trị vì, 100 năm thực dân Pháp chủ trương Âu hóa, 30 năm đế quốc Mỹ xâm thực văn hóa ngoại lai, là một sự thật. Cuối cùng là làm thế nào gìn giữ nếp sống đạo đức truyền thống của người dân nước ta mang bản sắc Việt là điều đáng nói hơn cả.

Trong một bối cảnh lịch sử xã hội, với nguy cơ  chiến tranh xâm lược và đồng hóa văn hóa ngoại lại có thể xảy ra lúc nào thì triết lý sống của người dân Việt Nam, với 54 dân tộc anh em, tất cả cùng sinh ra từ cội rễ “con rồng cháu tiên” của “mẹ hiền Âu cơ, cha già Lạc Long Quân” trong ý niệm “đồng bào”, “đồng chí”, “đồng quê”, “Thương người như thể thương thân”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn” đã phát huy thành tinh thần yêu nước, sức mạnh nội tại cộng sinh, đoàn kết hơn bao giờ hết. Điểm đáng nói, chính những yếu tố đạo đức Phật giáo đề cao tính tự cường dân tộc, niềm tự tin vào chính mình và dân tộc mình, dù đó là một dân tộc nhỏ bé, tất nhiên dễ được nhân dân Việt Nam đồng tình, chấp nhận, biến thành cốt tủy và máu thịt của chính mình.

Nói theo cách nói của Mâu Tử được ghi trong Lý hoặc luận vào cuối thế kỷ thứ II sau Tây lịch, thực tế có một dân tộc Việt đã sống theo tinh thần độc lập, tự chủ, trong đó có các thuộc tính đạo lý nhà Phật. Cụ thể Phật giáo được xác định như một con đường: “…Cư gia khả dĩ sự thân, tể quốc khả dĩ trị dân, độc lập khả dĩ trị thân” (Ở nhà có thể dùng thờ cha mẹ, làm chủ nước có thể dùng trị dân, đứng một mình có thể dùng sữa thân)1. Như thế, Phật giáo thuở ban đầu đã nghiêm nhiêm trở thành một đạo Phật thể hiện một nếp sống đạo đức không chỉ giáo dục đối từng cá nhân, gia đình, xã hội mà còn có thể xem như triết lý sống cùng với tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc để chống lại sự đồng hóa xâm lược phương Bắc.

Rõ  ràng, những đặc trưng của nếp sống đạo đức Phật giáo ngay từ buổi đầu Phật giáo du nhập vào nước ta, đã đề cao tính tự cường dân tộc, niềm tự tin vào chính mình và dân tộc mình, đã  được nhân dân Việt Nam đồng tình, hiện thực hóa. Kết quả, sau chiến thắng Bạch Đằng lịch sử 938 do Ngô Quyền lãnh đạo, từ cột mốc lịch sử, đất nước ta chuyển sang một thời đại mới: Thời đại thống nhất đất nước, thống nhất cộng đồng, phục hưng mọi giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc sau hơn 1000 năm bị đô hộ.

Mở  đầu thời đại đó là thời Lý – Trần là sự hiện thực hóa nếp sống đạo đức Phật giáo mà người Phật tử Việt Nam thực thi vào trong đời sống thực tiễn. Người dân Việt không chỉ  sống theo đạo lý dân tộc mà còn thể nhập nếp sống đạo đức Phật giáo; cả hai hòa quyện vào nhau như thực thể như nước với sữa. Ta chẳng ngạc nhiên gì Lê Quát cũng như Trương Hán Siêu, Nho sĩ cuối đời Trần đã nói về sự thể nhập nếp sống đạo đức của đạo Phật vào trong đời sống thực tiễn quá lớn, dưới cái nhìn theo nhãn quan nhà Nho. Trong văn bia chùa Thiên Phúc (Bắc Giang cũ, nay là Hà Bắc), Lê Quát đã bộc lộ tất cả những quan điểm thiên kiến của mình:

“Họ Phật lấy điều họa phước làm động lòng người, sao mà sâu xa bền chắc đến như vậy. Trên từ vương công, dưới đến thứ dân, hễ làm cái gì thuộc về việc Phật, tuy đem hết cả gia tài cũng không tiếc. Nếu hôm nay đem tiền của để xây chùa, xây tháp thì hớn hở vui vẻ, như trong tay đã cầm được một cái biên lai để ngày mai đi nhận số tiền trả lại. Cho nên, trong từ kinh thành, ngoài đến châu phủ, đường cùng ngỏ hẻm, chẳng khiến mà theo, chẳng thề mà tin, hễ chỗ nào có nhà người ở là có chùa Phật. Bỏ đi thì làm lại, hư đi thì sửa lại. Lầu chuông đài trống cũng phân nữa nhà thiên hạ ở, xây cất rất dễ mà tôn sùng cũng lắm vậy. Ta từ lúc nhỏ đọc sách, chăm lo việc cổ kim, cũng rõ được ít nhiều đạo lý của Thánh hiền, để khai hóa thứ dân, mà chưa được người trong một làng tin ta. Ta thường đi du lãm sơn xuyên, cùng Nam cực Bắc, tìm những chỗ gọi là cung, gọi là miếu, thì rất ít thấy vì vậy ta rất hỗ thẹn với bọn Phật đồ cho nên mới viết ra bày này.”

Lời nhận định trên của Lê Quát, một Nho sĩ, một nhà sử học đã cung cấp cho chúng ta về  một tổng quan mức độ phổ cập tính đại chúng của đạo Phật dưới thời Lý – Trần, khi mà cả dân tộc Việt muốn từ bao đời muốn chung sống hòa bình, muốn hiện thực hóa “tâm bình là thế giới bình” mà Phật từng dạy, qua việc kiến lập thế giới Phật ngay trên bờ cõi Việt. Và sở dĩ như vậy là vì đạo Phật của người Việt Nam thực thi hành trì thật sự được lòng dân, thật sự giải đáp được những nhu cầu tâm linh và tình cảm của dân chúng đông đảo, hướng dẫn được đông đảo dân chúng sống theo đạo đức năm giới mười thiện, tránh điều ác, làm điều lành. Trong đó việc phát tâm xây dựng nhiều chùa là xây dựng nếp sống đạo đức truyền thống tâm linh, xây dựng đời sống an lạc cho dân chúng, xây dựng thành lũy bảo vệ giang sơn đất nước, bảo vệ nền văn hóa của dân tộc.

Thế  nên có ý kiến cho rằng “Bình minh lịch sử  dân tộc là lịch sử Phật giáo”, từ một nền Phật giáo quyền năng trong thời Phật giáo du nhập, đến thời Lý – Trần các nhà lãnh đạo Phật giáo đã nhất quán phối hợp với các Phật tử lãnh đạo quốc gia xiển dương một nền Phật giáo thế sự, tích cực nhập thế nhằm đáp ứng các nhu cầu lịch sử của một quốc gia độc lập tự chủ trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, kể cả tín ngưỡng tâm linh. Các thiền sư như Ngô Chân Lưu, Pháp Thuận, Vạn Hạnh, Mãn Giác…đã tùy duyên, tích cực đóng cho vương triều nhà Lý kiến thiết quốc gia, xây dựng kinh đô Thăng Long, tạo dựng chùa chiền, lập trường Quốc tử giám, tổ chức lễ hội cầu an, cầu siêu, lễ hội dân tộc với tầm vóc quốc gia, nhất là dùng chánh pháp để quản dân, an dân trong tinh thần nhậm vận, vô trú, vô trước. Kết quả, nhà Lý trở thành triều đại được mệnh danh là triều thuần từ, hiếu sinh, hiếu đạo, trên dưới từ vua quan cho đến thứ dân đều đồng tâm, đồng lòng sống theo nếp sống đạo Thiền.

Chính nếp sống đạo Thiền khiến cho mọi người tự tin vào khả năng ngộ đạo của chính mình, tin vào sức của mình, tin ở dân tộc và đất nước, tin ở luật nhân quả nghiệp báo để cuộc sống của toàn dân hướng đến chỗ chân, thiện, mỹ, đó là triết lý sống của người dân theo đạo Phật. Do đó ta chẳng ngạc nhiên gì, khi được vua Lê Đại Hành hỏi về vận nước, Thiền sư Pháp Thuận đã đáp bằng một bài kệ trong đó có câu: “Quốc tộ như đằng lạc, Nam thiên lý thái bình”. Nếu cả nước gắn bó, đoàn kết với nhau chặt chẽ như giây mây quấn (đằng lạc) thì nước Nam sẽ có thái bình. Triết lý đó thật là dễ hiểu. Dân ta tuy không đông nhưng nếu biết đoàn kết với nhau thành một khối, thì có thể tạo thành sức mạnh vô địch, mà kẻ xâm lược dù có hùng mạnh đến đâu và đông gấp hằng trăm lần cũng không làm gì nổi. Khối đoàn kết toàn dân, trước hết được xây dựng trên tình thương giữa đồng bào như là anh em ruột thịt một nhà. Tình thương đó được minh họa bằng các câu ca dao, mà chúng ta đều ai nấy tâm niệm thuộc lòng:“Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước hãy thương nhau cùng.” hay “Khôn ngoan đá đáp người ngoài, Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Khối đoàn kết đó cũng được xây dựng xung quanh một trung tâm vững chắc là một bộ phận lãnh đạo trung kiên, có đức độ, có tài năng, có lý tưởng.

Triều  đại nhà Lý với những ông vua Phật tử thuần thành đã thực thi nếp sống đạo đức Phật giáo biết  ưu đời mẫn thế. Lý Thái Tổ xuất thân từ trong nhà chùa, lớn lên trong chùa và đem đạo lý nhà Phật ra khỏi chùa phổ cập cho dân chúng sống theo hạnh nguyện nhà chùa báo đáp Tứ ân: Ân quốc gia, ân Tam bảo, ân thầy Tổ, ân cha mẹ. Dưới đời Lý Thần Tông, Quốc sư Viên Thông cũng đã khuyên vua nên thi hành đức hạnh hiếu sinh, thương yêu dân như cha mẹ thương yêu con, và cẩn thận lựa chọn người có tài, có đức ra làm quan, không được dùng bọn tiểu nhân. Quốc sư nói: “Thiên hạ cũng ví như đồ dùng, đặt vào chỗ yên thì được yên, đặt vào chỗ nguy thì tất bị nguy. Xin bệ hạ hãy thực hành đức hiếu sinh cho hợp lòng dân, thì dân sẽ kính yêu bệ hạ như cha mẹ, ngưỡng mộ bệ hạ như mặt trời. Ấy là đặt thiên hạ vào chỗ yên vậy.”. Lại nói: “Trị hay loạn là ở dân. Quan lại được lòng người thì trị, mà mất lòng người thì loạn. Thần trải xem các bậc đế vương đời trước, chưa từng có triều đại nào không dùng quân tử mà hưng thịnh, cũng không có triều đại nào không dùng tiểu nhân mà suy vong..” 2

Các sách chính sử, dù là do các nhà Nho thần không ưa gì đạo Phật biên soạn, đều phải công nhận rằng các ông vua Phật tử đời Lý đời Trần đều là những ông vua sống nếp sống giản dị, gần gũi với dân, thương yêu dân như cha mẹ thương con. Phan Huy Chú, trong Lịch triều Hiến chương loại chí ca ngợi ông vua Phật tử là Lý Thái Tông là ông vua “trị nước chuyên dùng nhân từ khoan thứ, là vị vua hiền nối được cơ nghiệp”. Sử chép, vua mang quân đánh Chiêm Thành, thắng to, giết chết quân địch nhiều vô kể. Vua ra lệnh cấm giết bậy người Chiêm Thành. “Kẻ nào giết bậy người Chiêm Thành, cũng sẽ bị giết không tha”. Nùng Trí Cao phạm tội phản nghịch, vua bắt được, không những tha tội chết còn phong tước và cho lại thái ấp cũ. Còn vua Lý Thánh Tông, một ông vua Phật tử khác, sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép. Một lần, mùa đông rét ngọt, vua bảo các quan tả hữu: “Trẫm ở trong cung cấm, nào lò sưởi, nào áo lông cầu mà còn rét thế này, huống hồ những người bị giam cầm trong ngục, gian ngay chưa rõ, lại phải khổ sở vì gông cùm, ăn không đủ no, áo không đủ ấm. Trẫm rất lấy làm thương xót. Vậy hạ lệnh cho hữu ty phát chăn chiếu và mỗi ngày cho ăn hai bữa đầy đủ.”. Hay một chuyện khác, có lần vua Lý Thánh Tông xử kiện, có con gái mình là công chúa Động Thiên đứng bên cạnh, vua chỉ vào công chúa mà phán bảo quan coi ngục rằng: “Ta yêu con ta cũng như những bậc cha mẹ trong thiên hạ yêu con cái họ. Trăm họ không biết nên tự phạm vào hình pháp, lòng ta rất thương. Cho nên từ nay về sau, không cứ tội nặng nhẹ,đều nhất luật khoan giảm.”3

Sang đời Trần, với sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm, đạo Phật lại càng có điều kiện thể nhập vào người dân hơn hết. Với quan điểm Phật tại tâm, chỉ cần lòng lặng mà biết “tâm tịch nhi tri, thị danh chân Phật” mà Trần Thái Tông đã viết trong Khóa hư lục đã khẳng định chân lý, mầm giác ngộ, cội nguồn của mọi sức mạnh chính nằm sâu trong nội tâm mỗi người, chứ không phải ở bên ngoài. Và như thế, bất cứ ai, thành phần nào trong xã hội nếu tu hành thì cũng có khả năng thành Phật ở đời “Mặc vấn đại ẩn tiểu ẩn, hưu biệt tại gia,xuất gia, bất câu tăng tục, chỉ yếu biện tâm, bản vô nam nữ, hà tu trước tướng…” (Không kể là đại ẩn hay tiểu ẩn, không có phân biệt xuất gia hay tại gia, không kể là tăng hay tục, chỉ có điều cốt yếu là biện tâm, vốn không nam nữ, sao lại vướng mắc vào tướng…) Ý tứ của câu nói của Trần Thái Tông, điều quan trọng nhất đối người tu đạo Phật là biện tâm, tức là tìm hiểu tâm, tu tập tâm, rèn luyện tâm, từ bỏ tâm mê mờ chuyển thành tâm sáng suốt, từ tâm bị thanh sắc chi phối chuyển thành tâm tự do tự tại, từ tâm tán loạn chuyển thành tâm định tỉnh, chuyên nhất. Cái tâm được chuyển hóa như vậy là một nguồn trí tuệ và sức mạnh vô song, giúp con người tạo nên những thành tích vĩ đại, như chúng ta đã thấy dưới đời Trần.

Niềm tự tin của vua Trần Thái Tông và của các Phật tử đời Trần tự nhận thấy mình là có khả năng thành Phật, do đó phải sống và hành động như Phật không khác. Chúng ta hãy nghĩ xem, nếu ở trong một nước, tất cả mọi người đều có niềm tin như vậy và hành động như vậy, thì đất nước sẽ biến thành cõi Phật, chứ cõi Phật đâu có ở một nơi xa nào khác…Cả Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông đều khẳng định những tư tưởng siêu việt như thế. Cho nên Trần Thái Tông nói “Phật thân tức ngã thân thị, vô hữu nhị tướng…” (Thân Phật tức là thân ta, không có hai tướng) (Khóa Hư Lục), Trần Nhân Tông cũng nói lên ý tứ đó trong bài Cư trần lạc đạo phú, nhưng với lời nôm na hơn:“Bụt ở trong nhà, Chẳng phải tìm xa, Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt, Đến mới hay chính Bụt là ta”.

Tự  tin ở mình, tin rằng Phật chính ở trong bản thân mình, nếu biến tu tập và gắng sức, thì sẽ có được sức mạnh phi thường lay trời chuyển đất. Đức tin đó là một trong những giá trị đạo đức quý báu nhất mà Phật đã đem lại cho người Việt Nam chúng ta. Điều đó cũng có nghĩa khi tự thân tự tin vào sức mình, tin ở dân tộc và đất nước, tin ở luật nhân quả nghiệp báo thì bất cứ ai là người dân Việt đều có khả năng đóng góp cho đạo pháp và dân tộc. Tại đây, ta cũng lý giải được vì sao vua Trần Thái Tông khi gặp quốc sư Viên Chứng trên núi Yên Tử, đã nghe lời khuyên vủa Quốc sư: “Phàm đã là bậc nhân quân thì phải lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình, ý muốn thiên hạ làm ý muốn của mình” (Thiền tông chỉ nam – Khóa hư lục). Nghĩa là nếu người đứng đầu của một quốc gia là một ông vua có hạnh vô ngã, cai trị dân không phải vì lợi ích của riêng mình, dòng họ mình mà vì lợi ích của đất nước, của toàn dân, thì khối đoàn kết mới được thật sự vững mạnh, trong nước mới hết nạn đao binh. Phật giáo, qua lời các Thiền sư, luôn luôn khuyến cáo vua chúa, quan lại phải sống cuộc đời mẫu mực, thương dân như con, và biết lấy lòng dân, ý dân làm lòng mình, ý mình.

Đến đời Hậu Lê, tuy đạo Phật không còn chiếm địa vị quốc giáo như dưới hai đời Lý – Trần thế nhưng một số các vua chúa vẫn còn tiếp thu được ảnh hưởng tốt lành của nếp sống đạo đức Phật giáo. Mỗi lần trong nước có thiên tai như hạn hán, lụt, vua đều tự xem như là mình có lỗi đối với dân, đối với Trời, và biết nghiêm túc xem lại đường lối chính sách trị dân của mình có gây oán thán trong dân hay không. Thí dụ, năm 1448, trong nước có hạn hán lớn. Vua Lê Nhân Tông xuống chiếu cho tất cả các quan văn võ đều ăn chay, giữ mình trong sạch đến chùa Báo Ân làm lễ cầu mưa. Để làm gương, Vua xuống chiếu tự phê bình mình như sau: “Từ năm trước đến nay, tai dị xảy ra luôn, như lụt, hạn, sâu, không năm nào không có. Hoặc là vì chính trị của Trẫm trên không thuận lòng Trời, dưới chưa thỏa chí dân mà sinh ra như thế chăng? Hoặc là các đại thần giúp đỡ không phải là người giỏi, điều hòa trái phép, xếp đặt trái lễ mà sinh ra như thế chăng? Nay các người, trên từ thần liêu trong ngoài, dưới đến các sĩ dân, có người nào vì Trẫm giám nói, chỉ ra những việc của Trẫm và các tể thần hại đến nhân dân chính sự chăng”. Vua và các quan đứng ra tự kiểm điểm trước dân chúng, mỗi lần xảy ra thiên tai nghiêm trọng. Phải nói đó là một biện pháp, một nghệ thuật an dân tốt đẹp. Một thành quả sáng tạo của Phật giáo, sau khi du nhập vào nước ta.

Tư  tưởng tự tin mình có khả năng thành Phật, tư tưởng đó đi vào dân gian, được nói lên băng những câu ngộ nghĩnh, nhưng vẫn chứa đựng nội dung triết lý sâu sắc: “Phật ở trong nhà, cầu Thích Ca ngoài đường”, “Thứ nhất là tu tại gia, Thứ hai tại chợ, thứ ba tại chùa”. Vì Phật chính là lòng mình, cho nên đối với người Việt Nam, Phật không phải là ông Thần, ông Trời ngồi cao thăm thẳm:“Gần chùa gọi Bụt bằng anh, Trông thấy Bụt hiền, bế Bụt đi chơi.”

Phật  đã gần người dân như vậy, thì chùa cũng không thể xa dân. Nếu ngôi đình biểu trưng cho ngôi thứ tôn ty trật tự của Nho giáo, thì ngôi chùa lại khẳng định tinh thần bình đẳng dân chủ  truyền thống của đạo Phật: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt.”. Chùa không phải của sư mà của dân làng. Sư là ông thầy hướng dẫn nếp sống đạo đức và tâm linh của dân chúng mà thôi. Chùa là trung tâm của các lễ hội tôn giáo, là trường học, là nhà thương, là nơi nghĩ tạm của khách qua đường, thậm chí còn là nơi trọ thường xuyên của những kẻ không nhà không cửa…“Mái chùa che chở hồn dân tộc, Nếp sống muôn đời của Tổ tông…”

Mái chùa là thành luỹ kiên cố nhất chống lại mọi xu hướng Trung Quốc hóa, Bắc hóa mà nhiều nho sĩ ta đã làm cái loa tuyên truyền có ý thức hay là vô ý thức. Cũng nên nhắc lại rằng, đời vua Trần Minh Tông, các Nho gia như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh nhiều lần đề nghị vua thay đổi pháp độ nhà nước theo Trung Hoa, nhưng vua Minh Tông không chịu. Nhưng do cơ chế khoa cử, số Nho sĩ ra làm quan ngày cành nhiều, và thông qua họ, từ nếp sống triều đình, hoàng gia, cho đến lễ nhạc, phẩm phục các quan cũng dần dần bị Bắc hóa. Mãi đến đời Trần Nghệ Tông vua mới tỉnh ngộ nói:“Triều trước dựng nước tự có pháp độ, không theo chế độ nhà Tống, là vì Nam Bắc đều làm chủ nước mình, không cần bắt chước theo nhau. Vào khoảng năm Đại Trị, kẻ học trò mặt trắng được dùng, không hiểu ý sâu xa của việc lập pháp, đem nếp cũ của tổ tông thay đổi theo tục của phương Bắc cả, như về lễ phục, nhạc chương không kể hết…”. Thậm chí nếp sống đạo đức của người Phật tử Việt Nam qua hình ảnh mái chùa cũng được phát huy thành sức mạnh chống phong trào phổ cập văn minh Âu hóa thời Pháp thuộc, văn minh phương Tây thực dụng ngoại lai thời chống Mỹ và ngay cả thời hội nhập toàn cầu.

Rõ  ràng, Phật giáo thật sự đóng vai trò đối trọng đáng tin cậy, đối với mọi xu hướng Bắc hóa, nhất là giữ gìn văn hóa, đạo đức truyền thống dân tộc. Trong đó, vai trò ngôi chùa có giá trị rất hữu hiệu và tích cực trong tâm thức người Việt. Nhiều thi sĩ Việt Nam cận và hiện đại đã nhận thức rõ vị trí đó của đạo Phật trong đời sống của người dân Việt: “…Vì vậy làng tôi sống thái bình, Sớm chiều gần gũi tiếng chuông linh, Tiếng chuông thức tĩnh lan xa mãi, An ủi dân lành mọi mái tranh”. Những vần thơ dân dã trên đây nói lên sự hiện diện của đạo Phật, của tiếng chuông, của mái chùa trong đời sống của nông thôn Việt Nam. Phải chăng người dân Việt Nam đã, đang và sẽ mãi gắn bó với đạo Phật như là với một cái gì thân thương gần gũi nhất trong cuộc sống tâm linh và tình cảm của họ, bên cạnh cuộc sống vất vả khó nhọc hàng ngày để có miếng cơm, manh áo mà tồn tại. Tất nhiên, vị trí của đạo Phật trong xã hội ta trước hết là tuỳ thuộc vào trình độ nhận thức, khả năng hành đạo và truyền đạo của đông đảo Tăng Ni Phật tử, tín đồ.

Sức mạnh của đạo Phật không phải chỉ ở chỗ  nó vũ trang cho con người niềm tin ở tự  thân và dân tộc, đất nước của mình, mà còn  ở chỗ nó thật sự giải đáp được những nhu cầu của đại chúng, của những tầng lớp nhân dân đông đảo. Nói cách khác, tính đại chúng quyết định sức mạnh của đạo Phật. Đạo Phật đi vào làng với những chùa làng. Hầu như làng Việt Nam nào cũng có chùa. Chùa nằm ở rìa làng, thậm chí tọa lạc ngay ở gần chợ và được gọi là chùa chợ. Ngoài ra còn có chùa núi, chùa hang là nơi đi hành hương, chiêm bái của đông đảo nhân dân của cả nước hay là một vùng. Trẩy hội chùa hằng năm là một nét sinh hoạt độc đáo và đẹp của dân tộc Việt Nam.“Trên đường cát mịn, một đôi cô, Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa, Gậy trúc dắt bà già tóc bạc, Lần lần tràng hạt niệm Nam mô” (Nguyễn Bính).

Và  là thời đại nào giá trị của nếp sống đạo đức Phật giáo bao giờ cũng được thể nhập, phát huy để góp phần xây dựng và phát triển đạo pháp và đóng góp cho việc kiến thiết quốc gia, xã hội. Thực tế, trong thời gian qua, đất nước ta đã phát triển theo xu hướng hội toàn cầu, Phật giáo Việt Nam cũng không ngừng phát triển. Kết quả mọi thành quả đã được đúc kết và phát huy qua việc tổ chức 6 kỳ Đại hội Phật giáo Toàn quốc, chuẩn bị hướng đến Đại hội Phật giáo Toàn quốc lần thứ 7 theo một định hướng phát triển và hội nhập hơn nữa. Giá trị ấy cũng nói lên tinh thần và đạo đức nếp sống đạo đức Phật giáo của người Phật tử Việt Nam, được vận hành trong đời sống. Từ bi kết hợp với trí tuệ, tình thương đi đôi với lẽ phải và lý trí, đó chính là nền tảng của nếp sống đạo đức của người Phật tử Việt Nam. Thực là một lý giải giản dị. Nhưng quán triệt được nó trong cuộc sống, không phải chỉ là cuộc sống của lớp trí thức lãnh đạo, mà là cả cuộc sống bình thường và hằng ngày của đông đảo những người dân nước Việt.

T.P.Đ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here