Bởi thế trước sự thử thách trước và sau ngày 30-4-1975, nhiều tổ chức của tuổi trẻ Phật giáo như Sinh viên, Học sinh, Hướng đạo, Thanh niên Phật tử .v.v.đều không còn phiên hiệu, riêng Gia đình Phật tử ẩn đi rồi hiện lại một cách vững vàng; Hai là: danh xưng Gia đình Phật tử gắn với tên tuổi những người thầy, những anh chị, những bạn bè có nhân cách, có đạo đức, có văn hóa, có ý thức về quốc gia dân tộc tiêu biểu có ảnh hưởng lớn đến thế hệ trước, trong và sau tôi ở Huế. Sở dĩ Gia đình Phật tử tồn tại và phát triển tốt, theo tôi là nhờ quý vị có trách nhiệm lãnh đạo Gia đình Phật tử vận dụng tốt giáo lý “khế cơ, khế lý” của Đức Phật. Những huynh trưởng Gia đình Phật tử, những đoàn sinh Gia đình Phật tử đã dựng lên lịch sử Gia đình Phật tử đồng thời cũng là những bậc tu hành lớn của Việt Nam (Cư sĩ Lê Đình Thám, Cư sĩ Đinh Văn Nam/Hòa thượng Thích Minh Châu.v.v.), những nhà văn nhà báo yêu nước tên tuổi (Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm, Minh Chi Đinh Văn Vinh.v.v.), những nhà hoạt động văn hóa, nhà giáo tiêu biểu (Hoàng Thị Cúc, Văn Đình Hy, Châu Tăng, Phan Văn Gái, Vương Thúy Nga.v.v.), những người đã hy sinh thân mình trong công cuộc đấu tranh cho Đạo pháp và hòa bình dân tộc (Trần thị Phước Trị, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Đại Thức.v.v)., đã giúp cho lịch sử của tổ chức Gia đình Phật tử gắn liền với lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử Huế nói riêng. Quá khứ đã làm nên lịch sử. Bài tham luận nầy không viết thêm về chuyện cũ nữa. Điều tôi quan tâm, vào thế kỷ XXI nầy, đất nước đã hội nhập quốc tế, làm thế nào để tổ chức Gia đình Phật tử vẫn phát triển tốt, vẫn đào tạo được những con người mẫu mực về đạo đức, nhân cách, có trách nhiệm với xã hội, đất nước.
I. Tìm hiểu về người sinh viên Đại học thời đất nước đi vào kinh tế thị trường hội nhập quốc tế hiện nay
Sáu mươi năm qua, đối tượng Gia đình Phật tử nhắm đến là các em tuổi Oanh Vũ (7 đến 12 tuổi), Thiếu niên (13 dên 17 tuổi) và nam nữ Thanh niên (từ 18 tuổi trở lên). Phân chia theo lứa tuổi như thế không còn hợp lý cho nên từ năm 1963, đã xuất hiện thêm nhiều tổ chức theo tính chất, nghề nghiệp và trình độ học vấn khác nhau như thanh niên Phật tử (phần lớn là người lao động), học sinh Phật tử, Sinh viên Phật tử và Hướng đạo Phật tử.v.v. Nổi bật nhất là Đoàn Sinh viên Phật tử. Sau năm 1975, do hoàn cảnh lịch sử tất cả những đoàn thể tuổi trẻ Phật tử nêu trên đều không còn chỗ đứng. Vì thế, từ đó Gia đình Phật tử trở lại với vai trò vận động toàn thể các giới trẻ Phật giáo trong xã hội. Đây là một giải pháp tình thế chứ không phải yêu cầu của thực tế đời sống. Gom hết các thành phần có trình độ khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, ý hướng thăng tiến khác nhau vào trong một tổ chức nó tạo được tinh thần hòa hợp nhưng ngược lại nó cũng giữ chân nhau khiến cho tổ chức không tiến lên được. Đối với xã hội và ở khắp mọi nơi, xưa cũng như nay, sinh viên Đại học luôn là thành phần ưu tú nhất của xã hội, có ảnh hưởng lớn trong tương lai của đất nước nói chung và tôn giáo nói riêng. Vì giới hạn thời gian của hội thảo không cho phép viết dài, nói dài cho nên trong tham luận nầy tôi xin đề cập đến thành phần sinh viên mà thôi.
1.1.Chọn nghiệp: Trong cuộc sống theo kinh tế thị trường ngày nay, lý tưởng của tuổi trẻ là làm sao có được một mảnh bằng Đại học. Sau đó bằng mọi cách tìm cho được một chỗ làm việc ổn định. Bằng Đại học VN hiện nay quá nhiều mà người có chuyên môn giỏi, có tay nghề cao thì ít, nên muốn có được một chỗ làm việc ổn định, có chỉ số lương cao không phải dễ. Vì thế mới sinh ra chuyện học giả, bằng thiệt, học giả bằng giả, hối lộ, thậm chí có nơi còn xảy ra chuyện “gạ tình” nữ sinh mới có bằng Đại học, mới có được một chỗ làm việc. Một sinh viên có tay nghề cao, thông thạo Anh ngữ, được một Công-ty nước ngoài tuyển dụng là hình ảnh lý tưởng nhất của tuổi trẻ trong Đại học ngày nay;
1.2.Đời sống vật chất. Vừa đua đòi không thua chị, kém em vừa là phương tiện sinh hoạt, phương tiện học tập, chưa làm ra tiền nhưng hầu hết sinh viên Đại học luôn phấn đấu để có xe Honda, có điện thoại cầm tay, có Laptop, có đủ tiền mua xăng và tiền mua Thẻ điện thoại trả trước. Bởi thế, trong các Đại học xảy ra chuyện mất cắp, chuyện tiêu cực trong một số nữ sinh viên;
1.3. Khủng hoảng tinh thần: Tuổi trẻ luôn tôn thờ một thần tượng nào đó. Nhưng trong xã hội Việt Nam ngày nay thiếu vắng các “thần tượng”, như thần tượng văn học, thần tượng âm nhạc, người có nhân cách lớn, thiếu lý tưởng cao cả. Đất nước đã thống nhất, hòa bình, độc lập, hội nhập, đã có nhà nước lo làm giàu cho nước, lo giữ nước, không có gì để sinh viên phải ưu tư cả. Chưa bao giờ tuổi trẻ Đại học lai căng như bây giờ. Từ cách ăn mặc, kiểu tóc, đi đứng, nhảy nhót, hát hỏng, Nếu đề cập thêm về chuyện ăn nhậu, trai gái, hút xách… nữa thì còn bi đát hơn nhiều.
1.4. Thiếu ý thức công dân, chấp hành luật lệ giao thông, vệ sinh môi trường rất kém, không quan tâm đến người già và phụ nữ mang thai.
Trên đây là tình hình chung như thế. Trong thực tế có thể có nhiều sinh viên gương mẫu tử tế và ngược lại cũng có nhiều sinh viên còn tệ mạt hơn so với tình hình chung nêu trên.
Và, có thể nói người sinh viên Đại học ngày nay khác xa thế hệ sinh viên chúng tôi cách đây bốn năm mươi năm (cả ở miền Nam và miền Bắc).
Liệu chúng ta có thể thu hút được nhiều Sinh viên Đại học ngày nay vào Gia đình Phật tử không ?
II. Sinh viên Đại học vào Gia đình Phật tử để đạt được mục đích gì?
2.1. Qua trình bày trên, ta thấy sinh viên đang thiếu về vật chất và thiếu về đạo đức văn hóa tâm linh. Thiếu về vật chất gia đình, xã hội và bản thân sinh viên phấn đấu có thể khắc phục được. Nhiều người cũng đã tự giải quyết được. Nhưng thiếu về đạo đức văn hóa tâm linh thì chỉ có niềm tin đạo đức tôn giáo mới giải quyết được.
Những thứ thiếu về đạo đức văn hóa tâm linh của tuổi trẻ Đại học theo tôi gồm có:
2.1.1. Thiếu về hình thức: Qua báo chí, Internet tuổi trẻ trong Đại học đã hình thành một khuynh hướng mới trong cuộc sống: Mới, lạ, hấp dẫn, nhanh, gọn, giản dị, dễ hiểu, càng hòa đồng với tuổi trẻ thế giới càng tốt. Nhưng xã hội, nhất là miền Trung, vùng cao chưa đáp ứng được;
2.1.2. Thiếu về đạo đức văn hóa tâm linh như Thiếu thần tượng các loại (đặc biệt là thần tượng về trí thức), thiếu những gương mẫu (về đạo đức, văn hóa, nếp sống, lời nói đi đôi với việc làm), thiếu niềm tin cao cả (tình hình đất nước, con người, tâm linh), thiếu chỗ dựa tinh thần khi gặp phải những thử thách của cuộc đời.v.v.
(Chỉ nêu một số ví dụ khái quát).
Tuổi trẻ Đại học vào Gia đình Phật tử là để “tu”, để được bổ sung những gì sinh viên đang “thiếu”. Liệu tổ chức Gia đình Phật tử hiện nay có thể thu hút được tuổi trẻ Đại học để giúp họ được phấn nào không?
2.2. Điều luật truyền thống của Gia đình Phật tử (đối với tuổi trẻ từ 17 tuổi trở lên tức là tuổi chuẩn bị vào Đại học cho đến người có bằng Đại học) qui định: Đoàn sinh đã quy y Tam Bảo, vào Gia đình Phật tử để tu tập mở rộng tình thương, tôn trọng sự sống, trau giồi trí tuệ, tôn trọng sự thật, hỷ xả. sống trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.
Nội dung các điều luật của Gia đình Phật tử hết sức lý tưởng. Những đoàn sinh phấn đấu tu tập đạt được những nội dung ấy được xem như những người có đạo đức mẫu mực nhất của xã hội trước đây. Tuy nhiên, nội quy có những điều luật của Gia đình Phật tử ra đời trong một hoàn cảnh khác, do đó có nhiều điều không còn phù hợp với thực tế cuộc sống hiên nay. Đối với tuôi trẻ Đại hoc, Nội quy – Điều luật của Gia đình Phật tử có hai nội dung không phù hợp với tuổi trẻ Đại học sau đây:
2.2.1. Tổ chức sinh hoạt của đoàn sinh gắn liền với một khuôn hội, một Niệm Phât đường, một ngôi chùa, cùng với nhiều thành phần xã hội khác nhau, trong lúc Sinh viên Đại học sinh hoạt trong khuôn khổ Đại học với cùng một thành phần là sinh viên Đại hoc;
2.2.2. Các bậc cấp của tổ chức Gia đình Phật tử từ cơ sở trở lên là các bậc Trí, Định, Lực, các cấp Tập, Tín, Tấn, Dũng, sau khi đã trúng cách các Trại A Dục, Huyền Trang, Vạn Hạnh.v.v. Trong lúc Sinh viên Đại học thăng tiến từ các cuộc thi với các bằng Trung học, Đại học và trên Đại học.
Trước tình hình tổ chức Gia đình Phật tử và tuổi trẻ Đại học có những khác biệt như vậy, chúng ta phải làm gì để Gia đình Phật tử có thể thu hút được tuổi trẻ Đại học – một yêu cầu không thể thiếu trong sự nghiệp hoằng dương Đạo pháp ngày nay?
III. Phương tiện, biện pháp, hình thức sinh hoạt của Gia đình Phật tử của thế kỷ mới.
Những gì chúng ta sẽ thực hiện không phải thể theo ý muốn của chúng ta mà thực tế ta chỉ có thể làm được những gì ta có thể, được hoàn cảnh thực tế cho phép. Ta không thể sửa Nội quy – Điều luật Gia đình Phật tử hiện hành, không thể tổ chức riêng một gia đình Phật tử cho sinh viên Đại học. Vì thế muốn vận động được tuổi trẻ Đại học ta phải vận dụng Nội quy – Điều luật Gia đình Phật tử một cách linh hoạt:
3.1. Về tổ chức: Trong các Đại học, trong các làng xã, phường hội từ sau 30-4-1975 đã có tổ chức Đoàn Thanh niên CS HCM. Đoàn được tổ chức rất chặt chẽ, Đoàn viên Đoàn Thanh niên hoạt động nặng về chính trị nên đoàn viên Đoàn Thanh niên có được sự tín nhiệm của tổ chức xã hội xã hội chủ nghĩa. Sinh hoạt của Gia đình Phật tử phải tránh ý hướng cạnh tranh với Đoàn Thanh niên. Để được ủng hộ ta phải huấn luyện một Đoàn viên Thanh niên có sinh hoạt với Gia đình Phật tử thì họ sẽ hoạt động với Đoàn Thanh niên tốt hơn. Ta không tể tổ chức một gia đình Phật tử riêng cho Sinh viên, nên chăng những gia đình Phật tử ở các chùa trung tâm (như chùa Từ Đàm, chùa Thiên Mụ, chùa Báo Quốc, chùa Vạn Phước, chùa Linh Quang.v.v.) ta có thể có một bộ phận Gia đình Phật tử dành riêng cho Sinh viên?
3.2. Về nhân sự: Giáo hội nên vận động các Phật tử có bằng cấp, là các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, các thầy cô giáo có địa vị, có uy tín trong xã hội vào vào sinh hoạt Gia đình Phật tử, huấn luyện và đặc cách cho họ về cấp, bậc để họ làm huynh trưởng các Gia đình Phật tử mà đoàn sinh là Sinh vên Đại hoc. Đồng thời thường xuyên mời các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ (đặc biệt là các nhà văn hóa, nhạc sĩ, họa sĩ) về sinh hoạt với sinh viên trong các Gia đình Phật tử. Về lâu dài cần có một học viện đào tạo đoàn sinh và Huynh trưởng Gia đình Phật tử để phát triển lực lượng thanh niên trí thức cho Phật giáo.
3.3. Nội dung tu dưỡng học tập giáo lý, Phật pháp:
Theo Nội quy Gia đình Phật tử, đoàn viên Gia đình Phật tử là người đã quy y Tam Bảo. Trong cuộc sống tuổi trẻ Đại học ngày nay điều kiện này khó thực hiện. Theo tôi quan niệm để cho tuổi trẻ Đại học “tu” qua con đường vào tổ chức Gia đình Phật tử nên chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn làm quen (dự bị) và giai đoạn chính thức.
3.3.1. Giai đoạn làm quen: Giáo hội cho phép tạo môi trường sinh hoạt Gia đình Phật tử vừa chơi vừa học tập. Chơi là các sinh hoạt văn hóa văn nghệ (thơ, nhạc, họa, kịch, thuyết trình, đàm thoại một vấn đề văn hóa văn nghệ, cắm trại, làm từ thiện, làm vệ sinh môi trường.v.v.). Học, Gia đình Phật tử mời cư sĩ dạy sinh viên sử dụng máy vi tính, dạy Anh văn cơ bản, dạy đàn, dạy hát, giúp đỡ và tạo điều kiện cho Sinh viên làm luận văn, luận án. Trong môi trường sinh hoạt đề cao ái ngữ, thân thiện, sạch, đẹp, không rượu chè, không cờ bạc, không trộm cắp, không nói láo, không quan hệ nam nữ bất chính. Các đoàn viên trong gia đình Phật tử nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau. Khi người sinh viên nhận thức được đây là lối sông tiên tiến, đạo đức, tạo được sự an lạc trong lòng, họ sẽ giới thiệu nhau vào Gia đình Phật tử và họ sẽ tự nguyện quy y Tam Bảo.
3.3.2. Giai đoạn chính thức: Khi người sinh viên đã tự nguyện quy y tam bảo, được làm đoàn sinh chính thức, lúc ấy mới mặc đồng phục Gia đình Phật tử. Về nội dung giáo lý phải được trình bày khoa học, với kiến thức sâu rộng, liên hệ với thực tế và cập nhật. Ví dụ:
– Điều luật “mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống” trong nội quy được soạn thành giáo án, không được trình bày tùy tiện. Mở rộng lòng thương không chỉ thương người mà còn phải thương cả loài vật. Mở rộng lòng thương nên biết sự sống là quý nhất, không giết chóc, tức là không sát sanh. Liên quan đến việc vì sao tu theo Đạo Phật thì phải ăn chay. Ăn chay để tránh sát sanh và cũng để tránh bệnh tật. Thế giới đang có xu hướng ăn chay, hạn chế ăn thịt động vật. Mở rộng, liên hệ với việc bảo vệ môi trường. Quan niệm của Phật giáo về chiến tranh và hòa bình.
– Điều luật “Phật tử phải trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật”. Phật giáo đề cao trí tuệ. Phật giáo không phải là khoa học nhưng không mâu thuẫn với khoa học. Không có trí tuệ không hiểu được triết lý Phật giáo. Khi một Phật tử, một đoàn sinh Gia đình Phật tử có trí tuệ thì người ấy làm khoa học, làm việc xã hội sẽ dễ dàng hơn. Mà muốn làm khoa học thì phải tôn trọng sự thật. Tôn trọng sự thật không chỉ là vấn đề đạo dức mà còn là một yếu tố quan trọng hàng đầu trong mọi hoạt đông của sự sống, trong các công trình khoa học.
– Điều luật “Đoàn sinh phấn đấu trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm” và Điều luật “Sống hỷ xả để dũng tiến trên đường đạo” cũng phải triển khai liên hệ với đời sống như hai điều luật trên. [Theo tôi, mỗi điều luật trong Nội quy Gia đình Phật tử nên được nghiên cứu trình bày trong Hội thảo nầy như một tham luận riêng để lấy ý kiến của các bậc tôn túc, các tiền bối Gia đình Phật tử].
Một người đoàn sinh thực hiện được ngũ giới là quý lắm rồi. Chuyện cao xa hơn dành cho giới cư sĩ thực thụ và tăng sĩ.
Kết luận.
Những sinh viên là đoàn sinh Gia đình Phật tử, sau khi tốt nghiệp Đại học họ sẽ về quê hoặc đi xin việc ở một địa phương, một tỉnh khác họ sẽ trở thành những hạt giống tổ chức Gia đình Phật tử ở những nơi ấy. Những người ở lai Thừa Thiên Huế sẽ hình thành một lớp cư sĩ Phật giáo mới kế tục sự nhiệp hoằng dương đạo pháp của lớp cư sĩ hiện có. Và cũng có thể nhiều Đoàn sinh Gia đình Phật tử sẽ xuất gia rồi không bao lâu sau họ sẽ trở thành các bậc tăng sĩ đao cao, đức trọng. Trước mắt họ góp phần tươi trẻ trí thức trong quần chúng Phật tử hiện nay.
Tôi là một người chưa hề nghiên cứu về Gia đình Phật tử, chưa hề sinh hoạt trong môi trường Gia đình Phật tử. Tôi viết tham luận nầy từ sự nhiệt tình mà Đoàn Sinh viên Phật tử trước đây đã un đúc nên tôi. Những hiểu biết của tôi về tuổi trẻ Đại học hiện nay qua tiếp xúc với các sinh viên thường đến tham khảo tư liệu văn hóa lịch sử ở nhà tôi, qua các con tôi và bạn bè của chúng. Những hiểu biết ít ỏi về tổ chức Gia đình Phật tử tôi thu nhặt được từ ông anh cả (NĐL) và chú em kế (NĐT)- hai huynh trưởng Gia đình Phật tử, trong gia đình tôi. Vì thế bài tham luận nầy không tránh được sự ngây ngô viết nên những gì đã có và quá thông thường, ước mong những điều không tưởng và ngôn từ ít thông dụng trong môi trường sinh hoạt của Gia đình Phật tử. Kính mong được cảm thông và bổ khuyết cho những chỗ bất cập. Xin chân thành cám ơn hội thảo.
T.H-N.Đ.X
Tài liệu tham khảo:
Nội quy Gia đình Phật tử thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.