Nghiệp là động lực khiến cho dòng chảy tâm – sinh – vật lý nơi con người luôn luôn diễn tiến đổi thay. Vậy cho nên, muốn vơi khổ, chuyển hóa khổ, mà cao hơn nữa là thoát khổ, điều tiên quyết là mỗi chúng ta phải ý thức được Nghiệp, hiểu rõ giáo lý Nghiệp và bắt đầu tu tập chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau nơi đây.
Danh từ Nghiệp vốn đã có từ trước thời Đức Phật. Dưới cái nhìn của nhiều bộ phái – quan điểm về Nghiệp có nhiều chỗ bất đồng. Có thuyết chủ trương đời sống con người gồm thân tâm và sự hoạt động của nó toàn là do ngẫu nhiên, không do một ai hay một đấng nào tạo ra. Con người do ngẫu nhiên được sinh ra. Sống ở đời khổ – vui, thành đạt – thất bại, giàu – nghèo, sang – hèn… toàn do may rủi; và khi sống thì phải tận hưởng khoái lạc kẻo một mai chết rồi là hết cơ hội. Cũng có thuyết cho rằng con người và cuộc sống của họ toàn là do một đấng thần linh – Thượng Đế an bài, khổ vui là do Thượng Đế. Sống thì phải lắng nghe những lời mặc khải của Ngài, cung phụng Ngài, tùy thuận Ngài, khổ vui trong kiếp sống do Ngài định đoạt. Khi khổ thì cầu cạnh Ngài, xin Ngài xá tội ban vui.
Còn nhiều thuyết khác nữa mà tựu trung thuyết nào cũng toàn là phủ nhận khả năng của tự thân (không mang tính nhân bản). Đức Phật ra đời, Ngài cũng dạy thuyết Nghiệp báo. Danh từ Nghiệp vẫn được Ngài sử dụng để dạy người đời. Song giáo lý ấy đã được Ngài chiết tính dựa trên nền tảng của Nhân – quả. Giáo lý Nghiệp chính là giáo lý dạy về dòng nhân quả Tâm linh. Ngài dạy Nghiệp trên tinh thần chủ động của tự thân, phủ nhận tha lực của Thượng Đế, của Thần quyền. Nghiệp mà Đức Phật dạy không phải là Nghiệp dĩ hay Định mệnh an bài. Ngài đã từng dạy rằng: “Nếu Nghiệp mà là Nghiệp dĩ hay Định mạng thì trên đời này không thể xuất hiện được một vị Phật hay Thánh nhơn nào”.
Nghiệp trong giáo lý Ngài là pháp Duyên sinh – vô tự tánh. Nghiệp luôn vận hành biến chuyển trên nền tảng Nhân quả, và mọi pháp tu Ngài dạy cho Nhân thừa, Thiên thừa dựa vào giáo lý này cả. Việc tu, điểm căn bản không gì khác hơn ngoài việc “chuyển Nghiệp”. (Tu là chuyển Nghiệp)
Vậy Nghiệp là gì?
Đại đức Narada Thera trong cuốn Đức Phật và Phật pháp dã trích dẫn từ kinh A hàm rằng: “Tác ý là Nghiệp”. Vậy Nghiệp là hành vi, hành động tạo tác có tác ý thông qua ba chỗ là thân, miệng và ý. Hành vi, hành động nơi thân gọi là Thân Nghiệp; lời nói, ngữ ngôn nơi miệng gọi là Khẩu Nghiệp; tạo tác, suy tư, phán đoán , phân biệt nơi ý gọi là Ý Nghiệp. Nói khác hơn thì những gì thân làm miệng nói ý nghĩ mà có tác ý thì tạo nên Nghiệp. Tác ý này Duy thức gọi là Tư tâm sở; kinh Thập thiện Nghiệp đạo dạy là “Tâm tư tưởng”; trong giáo lý Thập nhị Nhân duyên thì tác ý thuộc chi Hành; với thuyết Ngũ uẩn thì gọi là Hành uẩn.
Do vậy, có thể thấy rằng tác ý là động cơ tác thành Nghiệp. Một hành động không có tác ý thì không tạo Nghiệp và được gọi là hành động duy tác. Chẳng hạn như hành động của chư Phật và chư vị A la hán. Hành động duy tác là hành động mà kết quả của nó không đưa đến sanh y hoặc bản chất của hành động đó không còn sự manh nha của ý niệm phân biệt thiện- ác, vượt thoát mọi khái niệm tư duy- ngôn ngữ. Đồng thời, trong hành động đó gồm đủ hai yếu tố Đại Bi và Đại Trí.
Như trên đã nói, tác ý là một tên gọi khác của “Tâm tư tưởng” (theo kinh Thập thiện). Nhấn mạnh về tầm quan trọng của Tâm, trong kinh Pháp cú Đức Phật dạy:
“Tâm dẫn đầu các pháp,
Tâm làm chủ tạo tác.
Nếu với tâm ô nhiễm,
Nói năng hay hành động,
Khổ não kéo theo sau,
Như bánh xe lăn theo chân con vật kéo”.
“Tâm dẫn đầu các pháp,
Tâm làm chủ tạo tác.
Nếu với tâm thanh tịnh,
Nói năng hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng không rời hình”.
(HT. Thích Thiện Siêu dịch)
Qua lời dạy này, ta thấy được Tâm là yếu tố hết sức quan trọng trong quá trình tạo Nghiệp. Đời sống có hạnh phúc hay bị khổ đau đều do Tâm làm chủ. Tâm mà còn phiền não nhiễm ô, tham ái- chấp thủ tức khiến thân miệng ý tạo tác ác Nghiệp, do vậy mà khổ não kéo theo sau như bánh xe lăn theo chân con vật kéo. Cũng Tâm ấy mà mọi cấu nhiễm phiền não được loại bỏ, tham ái- chấp thủ không còn (tức Tâm thanh tịnh) khiến thân khẩu ý thanh tịnh- tạo được Nghiệp lành, do vậy mà an lạc bước theo sau như bóng không rời hình. Dòng vận hành của luật Nhân quả là vậy, thiện nhân- thiện quả; ác giả- ác báo.
Vậy tâm là gì? Và bản chất của nó ra sao?
Kinh Thập thiện dạy: “nhi tâm vô sắc bất khả kiến thủ, đản thị hư vọng chư pháp tập khởi, tất cánh vô chủ, vô ngã – ngã sở”. Nghĩa là “Tâm thì không có hình sắc, không có thể thấy hay nắm bắt, nó chỉ do các pháp hư vọng, luống dối hợp lại mà sanh khởi, rốt ráo không có chủ tể , không ngã hay ngã sở”. trong pháp duyên khởi Đức Phật dạy “ Do vô minh duyên hành, do hành duyên thức…”. vậy tâm đó là một dòng chảy tâm lý, do lục căn tiếp xúc lục trần mà không thấu rõ chư pháp vốn là mộng mị hư ảo, rồi sanh tham ái- chấp thủ. Nói khác hơn thì vì vô minh nhận lầm các pháp thật có rồi từ đó tham ái, chấp thủ ngã liền sanh và biểu hiện của nó là tạo nên dòng vận hành của Tâm (Tâm Hành). Một khi Tâm đã vận hành, tức sẽ tạo Nghiệp thông qua ba đường thân- miệng- ý.
Đức Thế tôn dạy con đường tu tập chuyển hóa Nghiệp là dựa trên đặc điểm này của Tâm. Đó là do Tâm không thật có nên Nghiệp cũng không thật. Tâm hay Nghiệp toàn là do nhân duyên hợp thành. Đã do nhân duyên hợp thành thì Tâm và Nghiệp đó đều có thể chuyển. Nghiệp không phải là một cái gì đó cố định bất di bất dịch mà là một pháp bất định. Nghiệp do tâm tạo mà dòng vận hành của tâm lại bị vô minh chi phối. do vậy Đức Thế tôn dạy để tu tập chuyển Nghiệp phải phát khởi, phát huy chánh kiến, mà cụ thể ở đây là chánh kiến về Nghiệp.
Từ những chánh kiến về Nghiệp, Đức Thế tôn lại dạy tiếp về con đường tu tập chuyển hóa Nghiệp và đoạn tận Nghiệp. nói khác hơn từ giáo lý Nghiệp, Ngài dạy cho mọi loài phương pháp tu tập để đạt được an vui hạnh phúc. Phương pháp đó được xếp vào hai phạm trù: tu tập để có niềm an vui hạnh phúc tương đối trong phạm vi Luân hồi; và tu để có được sự vắng lặng tịch diệt giải thoát ngoài phạm vi Luân hồi. Pháp tu thứ nhất là pháp tu chuyển Nghiệp, pháp tu thứ hai là pháp tu Giải thoát.
Về pháp tu chuyển Nghiệp. Đức Thế tôn thường dạy cho Nhân thừa và Thiên thừa. Ngài dạy trong ba Nghiệp thì ý Nghiệp dẫn đầu. Ý có suy tư tạo tác từ đó thân mới làm, miệng mới nói. Do ý còn ô nhiễm, còn bị chi phối bởi tham sân si, do vậy nó khiến cho thân sát hại, trộm cắp, tà hạnh; và khiến miệng nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói thô ác. Đối với Nhân thừa, Đức Thế tôn dạy phải hành trì Ngũ giới (gồm: không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối và không uống rượu). Như vậy, để duy trì được thân người và để đạt được nhân cách của loài người, Đức Thế tôn dạy phải chuyển Thân Nghiệp và Khẩu Nghiệp. Đối với Thiên thừa, Ngài dạy phải giữ trọn mười chi của ba Nghiệp (nơi ý có ba, thân có ba, và miệng có bốn). tùy theo khả năng hành trì mười thiện pháp đó thô hay tế mà chúng ta được sanh lên các tầng trời cao hay thấp.
Đó là khái quát đường tu chuyển Nghiệp. khi đi vào hành trì, mỗi chúng ta đều phải vận dụng khả năng của ý. Ý bị tham sân si chi phối, song mặt khác ý cũng có khả năng suy luận, phán xét, quán sát, ghi nhận…Chúng ta phải lợi dụng khả năng thứ hai này của ý để trang bị cho nó những chánh kiến về giáo lý, cụ thể là về Nghiệp. một khi ý có chánh kiến thì ý sẽ suy tư vận hành đúng, nó sẽ luôn hướng về nẻo thiện, xa lìa chốn ác. Ý đã dần hướng thiện thì thân và miệng cũng dần quy về nẻo lành. Có đôi khi vì tập quán thân làm ác, miệng nói ác chúng ta vẫn sử dụng được ý để dò xét quán sát mà sửa đổi. Cả ba Nghiệp một khi đã nghĩ thiện, làm lành, nói tốt, thì hạnh phúc an vui có mặt. Nó sẽ hiện hữu ngay trong đời sống này và là nhân tố chính để lam người, làm trời trong tương lai.
Về pháp tu Giải thoát, Đức Thế tôn dạy phải hành Thiền định. Chỉ có Thiền định tâm mới lắng. Nhờ tâm tĩnh lặng Trí tuệ mới phát sinh và có công năng đoạn trừ mọi cấu nhiễm phiền não lậu hoặc móng khởi trong tâm thức. Tâm bị Vô minh chi phối nên phải ngay nơi tâm mà đốt lên ngọn đèn Trí tuệ để phá đi màn vô minh hắc ám đó. Khi Vô minh không còn thì Hành không do đâu sanh khởi, mọi tham ái chấp thủ đều được loại trừ. Mọi hành động của thân miệng ý lúc này trở nên hành động duy tác, có làm mà không đưa đến sanh y, và vị ấy sẽ tựu thành quả vị A-la-hán, Bích chi hoặc Phật.
Như vậy qua giáo lý Nghiệp mà Đúc Thế tôn dạy, Ngài đã khẳng định rằng Nghiệp chỉ là pháp Duyên khởi. Nó luôn vận hành và có thể chuyển hóa được tùy theo ý chí (tức Tâm). Cuộc sống của mỗi chúng ta là hiện thân của Nghiệp. Cuộc sống ấy mà khổ đau toàn là do Nghiệp xấu ác đã gây tạo. Vậy muốn có được niềm hạnh phúc an vui, chúng ta phải vận dụng ngay ý chí của mình mà chuyển những nhân xấu ác đó. Cuộc sống chẳng phải ngẫu nhiên, may rủi hay do Thần linh Thượng đế an bài mà toàn nằm trọn trong bàn tay của mình. Nghiên cứu, học hỏi, và hiểu biết đúng đắn về giáo lý Nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích và những bài học kinh nghiệm trong cuộc đời.
HT