Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Áp dụng tam vô lậu học để phát triển giáo dục Phật...

Áp dụng tam vô lậu học để phát triển giáo dục Phật giáo

121
0

Vì thế, mục tiêu nóng bỏng mà nhân loại đang hướng đến để giải quyết các vấn đề khủng hoảng về đạo đức, xã hội với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, khoa học, kỷ thuật trong nền công nghệ hiện đại đó là giáo dục nhân cách con người. Người viết thiết nghĩ với kho tàng giáo lý Phật giáo có thể đóng góp cho những nhà đạo đức và giáo dục những giải pháp thích hợp cho vấn đề giáo dục con người, xã hội.

Đức Phật đã dạy chỉ có con người mới có đủ niệm lực và tuệ lực, người tuệ tri được khổ đau để vượt qua khổ đau, muốn như vậy thì bất cứ một pháp môn nào trong kho tàng Phật pháp cũng lấy quá trình huấn luyện tâm lý theo con đường Giới- Định -Tuệ để loại trừ hết thảy những nhân tố khổ đau. Bởi vì đạo đức con người là thước đo nhân cách, vấn đề tu tập giới là tất yếu, và muốn mang lại an lạc hạnh phúc cho mình và người thì chỉ tu tập thiền định và cuối cùng là trí tuệ, sáng tạo tuy nhiên có những đóng góp rất tích cực trong công cuộc xây dựng xã hội thanh bình, thịnh vượng. Đây cũng là lý do vì sao người viết tâm đắc phát môn tu tập Tam vô lậu học để áp dụng trong sự phát triển của giáo dục Phật giáo.

Có mặt trên đời không ai mà không mong cầu một chân trời hạnh phúc, một cuộc sống hoàn thiện, bởi vì khi con người hoàn hảo thì cũng là lúc đạt tới Phật tánh, một nhân cách siêu phàm một con người giải thoát.

Thế thì giáo dục là gì? Theo từ điển Từ Hải giáo dục được tách ra để cắt nghĩa “giáo thượng sở thi, hạ sở hiệu giả. Dục dưỡng tử sử tác thiện giả”. Nghĩa là giáo người trên đặt ra người dưới bắt chước làm theo, dục nuôi con khiến con làm điều thiện.

Một định nghĩa khác “Giáo dục là tập hợp tất cả các quá trình, nhờ đó con người có thể phát triển các khả năng thái độ và hình thức khác của thái độ,  mang thái độ nhân cách đối với xã hội mà người ấy đang sống.”

Từ các định nghĩa trên của các tư tưởng gia đều đã hàm ẩn mục tiêu giáo dục, mục tiêu ấy không ngoài vấn đề đem lại an lạc hạnh phúc cho con người. Như Aristote vừa là nhà tư tưởng, nhà khoa học, luân lý ông lập ra những nguyên lý tư duy “mục đích trực tiếp của cuộc đời không phải là cái hay, cái đẹp mà chính là hạnh phúc. Hạnh phúc là sự phát triển hoàn toàn đầy đủ đức tính của con người.” Hay Spinoza thì phát biểu đạo đức con người như sau: “hạnh phúc là mục đích của mọi hành động, hạnh phúc là sự có mặt của các cảm giác, là sự vắng mặt của các cảm giác khổ đau, khoái lạc và khổ đau là nguyên nhân của lòng ham muốn, chúng ta là kết quả của lòng ham muốn.”

Tại đây chúng ta thấy điểm gặp nhau giữa giáo lý Phật giáo và các nhà tư tưởng lớn trên thế giới là đề cao vấn đề hạnh phúc hay đoạn tận khổ đau, hạnh phúc ở đây được hiểu là đạo đức. Môi trường và điều kiện của giáo dục không nằm ngoài mục đích cải tạo con người trở thành hoàn thiện về mặt đạo đức và trí tuệ. Giáo dục học đường ngoài việc truyền trao kiến thức khoa học, lịch sử, văn hóa…cho con người còn đảm trách công việc đào tạo cho mỗi thành viên trong xã hội, mỗi người có tư cách đạo đức tốt. Giáo dục Phật giáo cũng vậy, đứng về lãnh vực tôn giáo, triết học thì lại phải quan tâm hơn về vấn đề nhân cách đạo đức làm người. Hơn bao giờ hết, mỗi một chúng ta phải trang nghiêm bản thân bằng phương pháp tu tập Giới- Định- Tuệ, là giềng mối tất yếu cho việc hoàn thiện nhân cách và trí tuệ.

Giới học: mỗi cá nhân xác định việc rèn luyện nhân cách cho mình thì phải thực hiện như lời đức Phật dạy: “không làm các việc ác, chỉ làm các việc lành và giữ gìn tâm ý trong sạch” ba mục tiêu này của đức Phật được thể hiện rõ qua ba chi phần của Bát chánh đạo đó là chánh ngữ , chánh nghiệp, chánh mạng, vì thế, trong tiến trình tu tập hướng đến giác ngộ, giới là nền tảng căn bản không riêng gì cho người học Phật mà đối với xã hội cũng có thể áp dụng để thành lập trật tự an lành hạnh phúc.

Định học: là sự tập trung sự nhất tâm chuyên chú vào một vấn đề. Bản thể của định là sự vắng lặng nhất như. Mỗi một cá nhân nếu biết áp dụng thiền định vào trong cuộc sống thì tâm mới bình an không chao đảo, không bị lôi kéo bởi những xu hướng xấu. Trong lãnh vực giáo dục, thì định là điều kiện tối cần thiết vì nhờ đó mà sự tập trung tiếp thu lãnh hội kiến thức rất cao, đó là về khía cạnh ở học đường, ở xã hội thì tập trung chuyên chú vào một công việc nhất định thì kết quả công việc sẽ cao, về môi trường cộng đồng con người trong xã hội do tâm mình bình tỉnh, làm chủ chính mình không bị kẻ xấu lôi kéo và những hành vi đạo đức tránh được tội lỗi. Đạo pháp gắn liền với dân tộc và chủ nghĩa xã hội, do đó trong giáo dục Phật giáo cần phát triển tinh thần tu tập thiền định thật rộng rãi, để mỗi một cá nhân tự ý thức lấy mình làm cho xã hội ngày càng tươi đẹp hạnh phúc.

Tuệ học: là trí tuệ là sự phân biệt sự lý, nhận thức đúng đắn các pháp là khả năng khai sáng của tâm trí. Trí tuệ trong đạo Phật khác với trí thức các triết gia thường dùng. Phật giáo quan niệm nghĩa của chữ Wisdom, prãnnã đó là khả năng biết được thực tướng, thực tánh của các pháp để có hướng tu tập đúng đắn chứ không phải là vốn kiến thức nhất định có trong mỗi một con người. Có thể một nhà bác học phát minh, sáng tạo khoa học giúp cho nền khoa học phát triển, nhưng đối với Phật giáo chưa hẳn thực sự có trí tuệ. Còn tuệ của đạo Phật quan niệm phải có trí sáng suốt nhận rõ các pháp là thường, khổ, vô ngã. Trí tuệ muốn đưa đến cho từng con người là trí tuệ vượt lên trên mọi sự sanh tử đâm thẳng màn vô minh tiến thẳng đến giải thoát niết bàn. Do vậy mà Phật giáo chủ trương là phải làm sao đem trí tuệ cho nhân loại, để giúp chúng sanh vượt ra khỏi những mê lầm tăm tối. Chính vì vậy mà đức Phật đã từng tuyên bố “ Ta ra đời vì một đại sự nhân duyên là khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật.”  Pháp môn tu tập Giới- Định-Tuệ là phương pháp căn bản nhất trên lộ trình tu tập giải thoát và đây cũng là pháp môn nên áp dụng vào mục tiêu phương hướng của nền giáo dục Phật giáo.

Mặt khác, chúng ta thấy nền đạo đức của nhân loại ngày càng bị suy thoái bởi những tư duy hữu ngã dẫn đến sự khủng hoảng về tư duy, tình cảm con người đang quay cuồng trông điên đảo, cuộc sống hầu như lạnh nhạt, điều thiết thực và cần làm ngay trong xã hội hiện đại tạo một chuyển biến tốt đẹp ngay trong tự tâm của mỗi người, cộng với sự tu tập thân, khẩu, ý nghiệp, hay chiến thắng duy nhất đem lại hòa bình an lạc cho chính mình và nhân loại là chiến thắng tự tâm. Giáo dục Phật giáo phải làm sao để mỗi một con người phải loại bỏ dập tắt những nhân tố bất thiện do tư duy hữu ngã phát sinh, để thiết lập một cuộc sống hòa bình hạnh phúc. Hơn bao giờ hết, đó là đưa pháp môn tu tập Giới- Định- Tuệ vào quá trình giáo dục, để nhằm đưa chúng ta trở về sống với con người chân thật của mình bằng cách hành thiền định, đồng thời kết hợp thân hành điều thiện, ý nghĩ điều thiện thì sẽ sáng suốt nhận rõ mọi vấn đề và đây là cuộc sống của con người đạo đức hướng thượng, hướng thiện.

Là những Tăng Ni trẻ đang bước đi trên lộ trình tìm về bản sở, thiết nghĩ chúng ta nên xây dựng cho mình một nền tảng đạo đức, một lối sống hạnh phúc bằng cách khoác lên mình một chiếc áo “Giới-Định-Tuệ” để làm vũ khí ngăn chặn mọi sai lầm làm sắc phục tô điểm cho pháp thân. Giáo dục Phật giáo nhằm xây dựng niềm tin cho con người dựa trên cơ sở thực tế của nhân quả, phát huy những tiềm năng bắt nguồn từ đức tính từ bi và trí tuệ vốn có của con người, tránh xa những điều tội lỗi bằng cách tu tập Giới-Định-Tuệ nhằm gặt hái những kết quả tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai. Đây là phương phát giáo dục về đạo đức cần thiết cho mọi dân tộc, mọi thời đại nhất là thời đại mà nền văn minh vật chất đang ngự trị toàn bộ con tim và khối óc con người.

 T.M

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here