Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Ðưa tiễn Nhất Linh (Ðoạn hồi ký trích từ "Phượng trên trời,...

Ðưa tiễn Nhất Linh (Ðoạn hồi ký trích từ "Phượng trên trời, Hải đường dưới đất")

121
0

Tháng bảy trời nóng sôi trên các nẻo đường ở Huế. Hoa phượng say nắng ngất lịm trên cành. Tiếng ve âm vang mê mải trong các vườn cây thúc giục mọi người hãy kéo nhau vể bãi Thuận An hay lên Ngự Bình tìm nơi mát mẻ – nhà Huế nhà nào cũng có vườn hay sân trong bóng rợp, mấy chú ve thường kéo đến trong các tùm cây nhãn, cây vải, cây chôm chôm suốt ngày ca hát đàn đúm hầu như không biết mệt, ra rả sáng trưa chiều trong khoảng không gian khật khừ của thành phố mọi năm tháng bảy vắng hoe bóng học trò. Nhưng năm ấy thành phố rộn rực khác thường với những đoàn xe đạp hàng loạt lên chùa, bến xe đò ở chợ Ðông Ba tấp nập sinh viên lên xuống Ðông Ba Từ Ðàm, Ðông Ba Diệu Ðế. Tiểu thương chợ Ðông Ba, nỗi tiếng là hậu cần trung thành và đắc lực trong phong trào đòi bình đẳng Phật giáo tại Huế – vì họ toàn là đệ tử của các ôn trên núi, nên luôn luôn sẵn lòng bỏ hết của cải ủng hộ chùa mà họ cho đó là làm việc thiện để tích đức cho công việc doanh thương. – cũng hăng hái không kém sinh viên, trên bến xe họ gửi gắm hoa quả, thực phẩm, hương đèn lên cúng chùa, một người làm là mười người làm theo, rồi hai ba bốn chục người… đến nỗi xe đò lắm khi đầy nhóc lương thực cúng chùa, bác lơ xe và anh tài không la rầy mà lại cuời toe bấm còi inh ỏi. Mỗi lần xuống chợ Kha, Ðông, Tùng, Bính, Côn, Hiệp bao giờ cũng thấy vui hơn Tết, vì không cần mở miệng là đã được ký gửi tới tấp các phẩm vật của các chị các o lăng xăng bỏ hết thứ này thứ nọ nào bún nào đường, nào gạo nào mì trong lúc các mệ cười ngỏn nghoẻn sau quầy hàng ủng hộ, và dĩ nhiên là bánh trái đủ thứ được giúi vào túi đãy với những nụ cười rất xinh. Sau này anh em hay tình nguyện xuống chợ là vì thế và lắm khi phải rút thăm để xem ai được đi trước. Và bến xe Ðông ba bỗng nhiên náo nhiệt hơn hẳn một thời.

Tháng bảy năm ấy chúng tôi không ai bảo ai mà chẳng có đứa nào nghĩ đến chuyện đi nghỉ hè, chỉ có một vài người bố mẹ bắt lánh mặt nên được vé máy bay đi vào Sài Gòn, Nha Trang, Ðà Lạt. Bửu Tôn, Ðoàn Duy vào Sài Gòn sau khi chùa Từ Ðàm được giải phong tỏa (11. 06. 63), nhưng „chạy trời không khỏi nắng“, vào Sài Gòn chỗ tới lui vẫn là các chùa Xá Lợi, Ấn Quang, lại gia nhập vào Ðoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn đi biểu tình, tuyệt thực. Riêng đoàn sinh viên Phật tử Huế lại càng bận rộn sau khi bản thông cáo chung được ký kết giữa Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật giáo và Ủy ban Liên Bộ của chính phủ (ngày 14. 06. 63). Cuộc thương lượng được kết thúc nhanh chóng không ngờ, không nói ai cũng biết "ngọn lửa Thích Quảng Ðức“ đã tác động mạnh mẽ dường nào lên phía chính quyền từ đầu "nay lần mai lữa" chỉ hứa hẹn suông. Sau hai tuần bản thông cáo chung được công bố, Phật tử kiên nhẫn chờ đợi chính quyền thực thi những lời cam kết, nhưng mọi người dần dần thất vọng và nghi ngờ thiện chí của chính quyền. Khắp nơi nổi lên những hiện tượng giả phản hồi cuộc vận động Phật giáo được các cấp chính quyền khuyến khích mạo danh tổ chức, nhóm Cổ Sơn Môn được ông Nhu khuyến khích lên tiếng bôi nhọ Ủy Ban Liên Phái Phật giáo để gây chia rẽ, phụ nữ liên đới thanh niên thanh nữ cộng hòa đến các chùa tìm cách nhục mạ quí Thầy. Bà Nhu tuyên bố ngài Quảng Ðức tự thiêu là "thầy tu tự nướng" và tuyên bố tiếp sẽ "cho xăng mà nướng thêm" và sẽ "vỗ tay mà cười"… đến nỗi thân phụ bà ông đại sứ Trần Văn Chương… phải lên tiếng từ con.

Chúng tôi được giao phó cho công việc đối nội và đối ngoại từ sau buổi cầu siêu Hòa Thượng Thích Quảng Ðức tại chùa Từ Ðàm ngày 2.7.1963, cũng là ngày của cuộc vận động Phật giáo bước sang đợt 2: Ðòi thực thi bản thông cáo chung. Chúng tôi có bổn phận giải thích bản thông cáo cho các tầng lớp Phật tử và phải tiếp các phóng viên báo ngoại quốc đến Huế. báo chí khắp nơi, BBC, đài VOA, đài Úc, báo chí Pháp Le Monde v.v… càng lúc càng chú ý đến phong trào Phật giáo tại miền Nam và họ đã chứng kiến những „cuộc biểu tình huyền diệu“ của học sinh, sinh viên Phật tử. Không khí Huế sục sôi với những cuộc biểu tình, tuyệt thực bất bạo động bất cứ nơi nào, trước chợ, nơi bến xe, trước tỉnh đường, trên dốc Nam Giao, trước văn phòng Viện Trưởng viện Ðại học do Linh mục Cao Văn Luận làm viện trưởng. Phong trào sinh viên học sinh càng ngày càng sôi nổi với những buổi hội thảo phân tích bản thông cáo và phê bình thái độ khinh thị bản thông cáo của chính quyền.

Chính trong bầu không khí ấy, tin Nhất Linh tự vẫn đã đến với tôi khi vừa dựng xe sau nhà bếp chùa Từ Ðàm để vào phòng họp Ðoàn. Hôm ấy là ngày 7.7.1963. Người báo tin cho tôi là anh Vĩnh Kha đang ngồi trên xe Vespa chạy trờ tới. Anh Vĩnh Kha nói giọng thất thanh: "Này, Kim Lan, Nhất Linh tự vẫn sáng nay rồi!" Nghe giọng anh như lạc đi một chút trong cơn nghẹn. Tôi hỏi lại bằng câu cố hữu kiểu Huế của tôi: "Thiệt không?". Anh Kha lần này không bắt bẻ câu hỏi ngớ ngẩn như mọi lần mà chỉ lắc đầu, hình như anh rất xúc động – anh Kha không thuộc vào một đảng phái nào từ trước đến giờ nhưng tin Nhất Linh tự vẫn làm anh xúc động đến lặng người khác hẳn ngày thường khi gặp tôi anh hay nói huyên thuyên – tôi lếch thếch đi theo anh vào phòng họp. Từ bếp chùa lên đến phòng họp Ðoàn SVPT bên phía sân trái của chùa không dài, tiếng guốc của tôi khua lóc cóc trên nền xi măng đơn độc, tôi chưa thể định hình một cảm giác nào rõ rệt, mơ hồ nghe trong âm vang tiếng guốc giọng học bài năm nào thoáng lên lởn vởn:

"Thằng Bò, cái Nhớn cái Bé… không, anh phải sống“ [1]

Hồi còn trung học chúng tôi đã học Nhất Linh trong giờ "văn chương". Trích đoạn truyện ngắn này đã nằm sâu trong ký ức khó mà gột rửa, nhưng cũng khó mà gợi nhớ, nếu chúng không tự bật ra. Trong giờ phút nghe tin nhà văn Nhất Linh mất, bỗng nhiên "Anh phải sống" lại hiện về. Một dẫn chứng phi lý trong giờ phút nghe Nhất Linh mất, nhưng hãy để nó phi lý như thế trong đầu óc bé nhỏ của tôi.

Anh em đã đến đông đủ trong phòng họp. Anh G. đoàn trưởng của chúng tôi đã đến từ sáng sớm, anh cầm viết trong tay hí hoáy thảo mấy giòng trên giấy, ngẩng đầu lên anh bảo: "Nhất Linh tự vẫn!" Anh em im lặng một giây như để mặc niệm hay để ý thức rõ cái chết của một nhà văn Việt Nam lừng lẫy quen thuộc nhất thời ấy. Sau đó chúng tôi thảo luận và đồng ý với nhau: "Chúng ta nên gợi ý tổ chức lễ truy điệu nhà văn Nhất Linh tại chùa Từ Ðàm, đề nghị mời khoáng đại, nhất là trong giáo giới, sinh viên, học sinh, trí thức, giới đại học. Ai muốn đến tụng kinh thì đến. Chúng ta thường trực suốt ngày ở chánh điện Từ Ðàm. Phật tử chỉ truy điệu văn hào Nhất Linh mà thôi!“

Ðến lúc đó chúng tôi chưa được đọc di chúc của Nhất Linh, mãi đến chiều, chúng tôi mới được đọc nguyên văn:

„Ðời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập là một tội nặng, sẽ làm mất nước vào tay cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình như Hòa thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do.
Ngày 7-7-63, Nguyễn Tường Tam.“

Tin Nhất Linh tự vẫn đã làm chấn động không ít toàn thể giới trí thức và văn nghệ sĩ miền Nam. Tôi không muốn nhắc đến vai trò chính trị của ông. Có phải tôi là người duy nhất không nghĩ đến vai trò của Nguyễn Tường Tam trong Quốc Dân Ðảng? Phải nói dạo ấy tôi mù mờ về các chính đảng là như thế, bù vào sự mù mờ này là trực giác về việc phải làm trong giây phút hiện tại. Tôi đã sững sờ nghe tin Thích Quảng Ðức tự thiêu, hôm nay lại bàng hoàng nghe Nhất Linh tự vẫn trong lòng cuộc vận động Phật giáo cho công bằng. Hình như những tin đó làm cho tôi không còn nghĩ đến sợ hãi và suy tính nào khác hơn là… tham dự, là trong cuộc với mọi người. Cho nên đi đưa đám Nhất Linh tôi đã đi đưa với tâm trạng của một kẻ đọc và học văn Nhất Linh và nhóm Tự Lực Văn Ðoàn từ những thập niên 51/63, khi tôi bắt đầu mê say đọc tiểu thuyết. Cuộc vận động Phật giáo và phong trào 63 là thế, mọi việc hình như đến từ trái tim…

Ðám tang đưa tiễn Nhất Linh ở Huế thật lớn. Các giới trí thức đều đi đưa tiễn, họ không ngại ngần bị chụp mũ theo Quốc Dân Ðảng chống chính quyền nữa. Cái chết của Thích Quảng Ðức và của Nhất Linh đã phá vỡ tất cả những e ngại thường có trong giới trí thức đắn đo. Ở trong phong trào cuộc vận động, tôi cảm nhận được sự rúng động của ngày 7.7.63 này đã lan đến tầng lớp trí thức như thế nào. Sự bất bình của mọi tầng lớp, lần này không những của Phật tử mà còn các giới trí thức già và trẻ đối với chính quyền đến thời điểm ấy đã lên cao độ. Ngày đưa tiễn Nhất Linh cùng một lúc với đám tang của Nhất Linh ở Sài Gòn.

Chúng tôi tuần hành trong im lặng qua các đường phố, ban đầu một nhóm khoảng chừng trăm người, nhưng càng đi, bỗng thấy từ đâu, một số người đi xe đạp xuống xe cùng bước, bộ hành đang đi bỗng xen vào hàng ngũ, khách bàng quan lảng vảng bên ngoài cũng cất bước theo và cứ thế chúng tôi đi qua các đường phố từ chùa Diệu Ðế qua phố chợ Trần Hưng Ðạo, qua cầu Trường Tiền, người đi càng lúc càng đông, học sinh, giáo chức, sinh viên, thanh niên, nghệ sĩ bỗng như được một phép mầu thúc đẩy từ mọi ngả tụ về. Qua chợ Ðông Ba, đã thấy những vòng hoa đột nhiên trong tay những người đi trước, hương, đèn tự nhiên không chân mà đến nằm trong tay của mỗi người. Chúng tôi truy điệu Nhất Linh bằng những hương hoa của các nhà hảo tâm vô danh, bằng tiếng chuông chùa Từ Ðàm của những người tự nguyện gióng lên và bằng lời cầu nguyện thành tâm của đoàn người diễn hành vừa đi vừa niệm „Nam mô thiếp dẫn đạo sư A di đà Phật“ vang vọng trên khắp các nẻo đường, bằng những bước đi lang thang bất định, vu vơ góp nhặt từng tình cảm mà người qua đường – khi nghe tuần hành tiễn nhà văn Nhất Linh – đã dừng lại và gửi theo, như một cuộc „nhặt lá bàng“ trong một đêm lộng gió – chỉ khác cuộc tuần hành hôm ấy nóng cháy cơn lửa hạ nồng. Chúng tôi đi như thế, chân bước như không muốn dừng lại nữa.

Riêng tôi, trên đường đi tôi cảm nhận hơn một lần, hình như đưa tiễn Nhất Linh tôi đang đưa tôi, đang đưa một chặng đường văn học của quãng đời thanh xuân của mình. Trong tất cả những phê bình nhóm Tự Lực Văn Đoàn vào những thập niên sau của nhóm tả khuynh, một điều đã không được nêu ra hay nếu có nêu ra thì cũng xen lẫn với một nụ cười hoài nghi hay bẽn lẽn không chịu thừa nhận: trong giai đoạn văn chương chuyển tiếp chính Tự Lực Văn Đoàn đã cho thế hệ 40/50/60 và có lẽ nửa thập niên 70 thấm nhuần một văn phong nhẹ nhàng, trong sáng, chững chạc và chuẩn mực của ngôn ngữ Việt đang dần dà chấn hưng, một công trình hiếm có trên văn đàn Việt ngữ. Lướt qua những khía cạnh tư tưởng nhuốm màu tiểu tư sản và lắm khi có chút vọng ngoại thời thượng (mà có lẽ ngày hôm nay lại được xem như là một mốt „trở về“ lắm khi còn kệch cỡm hơn) văn học Nhất Linh và Tự Lực Văn Đoàn đã đưa người đọc „trở về“ với thiên nhiên Việt Nam, đánh động sự nhạy cảm sáng tạo qua từng cảm xúc với thiên nhiên và thế giới bên ngoài. Hình như tôi nhớ không lầm, những đêm trăng ở Huế, những buổi sáng mai trong khu vườn cây xanh, giọt mưa đầu mùa, hoa cau thơm trong vưòn, hoa bưởi về khuya, hoa khế lấp lánh trong nắng, màu quả na xanh như ngọc… tất cả những ấn tượng này tôi đã thâm nhập không ít thì nhiều qua Nhất Linh. Phần nhiều chỉ là những ngón tay chỉ tín hiệu đường đi trong những năm tập viết… Có nhiều đoạn văn của nhóm TLVÐ tôi đã thuộc nằm lòng:

„Duy nhìn lên, giàn đậu ván in lên nền trời xanh những chiếc lá xanh lục, những bông hoa màu tím nhạt…bỗng nhiên cả một quãng đời thơ ấu hiện ra, đầy ý tưởng trong sạch và đầy ý muốn làm việc thiện“ (Hoàng Ðạo, Con đường sáng).

Chừng đó cũng đủ gợi cho tâm thức một thứ ánh sáng thúc giục lên đường… để tự giác ngộ. Rất nhiều góp nhặt thu lượm vô thức trong lúc mê mải ngấu nghiến món ăn tinh thần hầu như duy nhất của thời xa, với thành tâm trong văn chương và không chút ngụy tín trong ngôn ngữ, hình như đó là con người Nhất Linh: “Ðối với tôi, những cơn gió tôi chờ đón đã nổi lên, khiến tôi đêm qua lạnh cả tâm hồn, nhưng lá bàng nhặt được không là bao. Lại không biết có ấm được lòng ai ở xa không?“ (Nhất Linh, Ðôi bạn)

Tôi đã đưa tiễn Nhất Linh trên đường lên chùa Từ Ðàm với một chút „lòng sao lạnh“ xen lẫn tri ân…

T.K.L

[1]„Anh phải sống“, truyện ngắn, Nhất Linh-Khái Hưng

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here