Dharamsala là một thành phố miền núi thuộc tiểu bang Himachal Pradesh, miền Bắc Ấn Độ, nằm dựa vào núi Dhauladhar thuộc dãy Hy Mã Lạp sơn hùng vĩ với nhiều dóc núi chọc trời và tuyết phủ trắng xóa. Vùng đất này được chia thành hai khu vực Thượng và Hạ. Khu Kotwali Bazar cùng những vùng lân cận ở mạn thung lũng với độ cao trung bình 1250 mét so với mực nước biển, được gọi là Hạ Dharamsala; khu thành phố Mcleod Ganj và những vùng phụ cận với độ cao chừng 1800 mét được gọi là Thượng Dharamsala. Đứng trên khu đồi Thượng chúng ta có thể quan sát thấy toàn bộ cảnh vật hiện ra trong tầm mắt một cách rõ ràng. Nhiều dãy nhà tầng và nhà nhỏ lợp bằng ngói đá được thiết trí ven sườn đồi trong đẹp tuyệt vời như một bức tranh hoàn mỹ. Trong khi phần lớn khu vực Hạ Dharamsala cư dân chính là người Ấn, thì hầu hết khu Thượng Dharamsala dành cho người Tây Tạng lưu vong.
Trước đây, khi những người Tây Tạng chưa đến, Dharamsala là một vùng đất hẻo lánh, ít người biết đến. Và người ta cũng khó biết được rằng vùng đất này đã một thời Phật giáo tồn tại và phát triển, mà trong Đại Đường Tây Vực Ký ngài Huyền Trang đã có đề cập rằng, tại đây đã có đến 50 tự viện và khoảng hai ngàn Tăng sĩ tu tập. Nhưng sau đó khoảng chừng một thế kỷ, Phật giáo đã suy tàn, Bà la môn phát triển mạnh trở lại. Rồi vùng đất này cũng đã bị vùi lấp theo dòng lịch sử của nó trong suốt nhiều thế kỷ, mãi cho đến thế kỷ thứ 19 khi người Anh cai trị Ấn Độ, đây chính là khu căn cứ quân sự, có cả sân bay… sẵn sàng chi phối cho những khu vực khác trên lãnh thổ Ấn Độ.
Sau này khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đến cư ngụ tại đây, Dharamsala đã trở nên xứ sở nổi tiếng là địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn với nhiều người. Nhiều tu viện, thiền viện của người Tây Tạng được xây dựng tại đây đã trở nên vùng đất huyền bí mà nhiều người từ khắp mọi nơi trên thế giới đến đây tham dự các khóa tu thiền hoặc chiêm bái. Hơn nữa bởi địa hình cao, khí hậu mát mẽ, đây cũng là nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời cho du khánh đến thăm Dharamsala vào mùa hè oi bức của xứ Ấn.
Năm 1960, vùng đất Dharamsala đã được Thủ tướng Jawaharlal Nehru tặng cho đức Đạt Lai Lạt Ma. Và từ đó, Dharamsala đã trở thành trụ sở chính của chính quyền Tây Tạng lưu vong, nên được mệnh danh là “Tiểu Lhasa”. Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa là vị lãnh đạo của Phật giáo, cũng vừa là vị Lãnh tụ tối cao của chính quyền Tây Tạng, nên Ngài được bố trí ở trong một dinh phủ luôn có lực lượng cảnh sát của Tây Tạng cũng như Ấn Độ bảo vệ nghiêm ngặt. Dinh phủ của Ngài tọa lạc trên một ngọn đồi, xung quanh là tu viện Namgyal và chùa Thekchen Choeling Tsunglakhang. Nói là dinh phủ nhưng thực chất nó như một tu viện khép kính, bên trong là từng dãy nhà được bài trí ngăn nắp và dường nha ngôi nhà nào cũng có thờ Phật, nhiều bức tượng Phật bằng đồng được sắp xếp trong tủ kính tứ phía chồng lên nhau làm cho người tham quan như đang bước vào thế giới của Chư Phật đang ngự tọa. Một gian phòng kế bên dành để thờ nhục thân của ngài Je Tsong kha pa sau khi viên tịch để lại.
Bên dưỡi là thị trấn Mcleof Ganj tấp nập người và xe cộ qua lại, phía xa là tu viện Dip Tse Choling ẫn khuất trong dãy núi với phong cảnh hữu tình và thơ mọng xen kẻ trong những tán cây tùng già cổ thụ đứng sừng sững oai nghiêm như thách thức cùng mưa nắng. Từ đây, chúng ta tiếp tục lộ trình bằng xe hơi khoảng chừng 6 km là tới một khu vực thanh bình, tĩnh lặng đó là học viện Norbulingka mà người ta quen gọi là cung điện của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nơi đây tập trung rất nhiều chùa chiền và tu viện Mật giáo như tu viện Namgyal của đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, tu viện Thượng Mật Gyuto, tu viện Tashichong, tu viện Sakya, Ni viện Geden Choeling, Ni viện Drolmaling…và trường Biện chứng IBD và Sarah. Ngoài ra, tại đây còn là trung tâm văn hóa chính trị của người Tây tạng lưu vong, với viện nghiên cứu y học &Thiên văn học Men Tsee Khang, Viện biểu diễn nghệ thuật, Thư viện Bảo tàng văn hóa Phật giáo của người Tây Tạng. Các trung tâm từ thiện của người Tây tạng cũng được xây dựng rất nhiều, trong đó phải nói đến trung tâm dạy Anh ngữ, luyện đủ bốn kỷ năng nghe, nói, đọc và viết được giảng dạy từ thứ hai cho đến thứ 6 hàng tuần với lực lượng giáo viên người nước ngoài đến từ Anh, Pháp, Mỹ, Đức… phát tâm dạy từ thiện.
Sau khi thăm viếng hết các tu viện và chùa chiền tại đây, chúng ta có thể dành trọn một ngày để leo núi Tryum và thác nước Hymalaya. Chúng ta cũng có thể bộ hành theo các con phố để có thể lựa chọn mua cho mình một vài đồ kỷ niệm của người Tây Tạng bày bán, trong đó chủ yếu là pháp khí, tranh, tượng, hạt chuỗi của Phật giáo là thuần túy.
Hiện có khoảng tám ngàn người Tây Tạng lưu vong đang cư trú tại đây. Họ sống chủ yếu dựa vào kinh doanh buôn bán, xây dựng khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng và các trung tâm tu luyện Yoga để phục vụ khách du lịch.
Cuộc sống nơi đây thật bình yên nhưng cũng không kém phần sung túc. Dường như tất cả người dân Tây Tạng đang lưu vong cũng như người Ấn đang sinh sống tại đây họ như đang được an hưỡng phước lành che chỡ từ oai lực của Đức Đạt Lai Lạt Ma – vị Phật sống của người Tây Tạng cũng như của tất cả mọi người con Phật trên thế giới.
Ra về mà trong tôi vẫn thấy chạnh lòng, hẹn một ngày trở lại Dharamsala nơi vùng đất thiêng đang cưu mang một Bậc thầy vĩ đại của Phật giáo thế giới. Quả đúng rằng, nơi nào có thánh nhân xuất hiện vùng đất đó an lành, Dharamsala quá an lành cho tất cả mọi người dù ai chỉ một lần đến và khi về vẫn còn mang âm hưỡng pháp lành cho tận mãi ngút ngàn xa.
T.Đ