Những “cánh én” cô đơn
Con đường làng nhỏ ghập nghềnh với cái nắng nóng khô và bụi mù của miền Trung dẫn chúng tôi đến gia đình anh Phạm Văn Lộc, chị Mai Thị Trường, xóm Bắc, thôn La Hà, xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảnh Bình. Ngôi nhà nhỏ xíu nằm lọt thỏm giữa xóm, vật dụng trong nhà ngoài chiếc giường cũ, tủ để bàn thờ cũ, vài tấm rèm rách thì chẳng có gì đáng giá hơn, duy có những đồ nghề làm nón và những chiếc nón vừa làm xong là nhiều nhất.
Vợ chồng anh Lộc sinh được 8 người con thì 4 em bị mù bẩm sinh là em: Phạm Thị Thường (chị cả, sinh năm 1988), em Phạm Văn Thắng (1993, hiện đang học ở Mái ấm Huynh đệ Như Nghĩa Hồ Chí Minh), em Phạm Thị Hiếu (1995), và em Phạm Tân Thành (con thứ 7, sinh năm 2004). Kinh tế chỉ dựa vào nghề làm nón thủ công và tiền công chăn trâu, lo đủ bữa cho cả nhà đã vắt kiệt sức của họ. “Nhìn con không được bằng bạn bằng bè, nhiều khi thương lắm mà chẳng làm sao được”. Chị Trường ôm bé Thành tâm sự mà nước mắt lăn dài trên má.
Hiện tại, gia đình anh Lộc cũng đang được xã trợ cấp cho 4 em mỗi em 180 nghìn đồng/1 tháng. Nhưng số tiền ít ỏi ấy thật khó để chi trả cho những khoản phí hàng ngày chứ chưa nói đến thuốc men cho các em. 4 em may mắn không bị mù thì việc học cũng chật vật, vì anh chị không đủ tiền lo học phí.
Tâm sự với chúng tôi, cô bé Thường – chỉ cả của 7 đứa em chỉ mong học được một nghề gì đó để giúp đỡ bố mẹ nuôi các em. Đã 23 tuổi nhưng trông Thường chẳng khác một em bé tuổi 16, nhỏ nhắn, gầy gò. Thường thương nhất là Thành, cậu bé rất ngoan, nhưng rất nhút nhát và hay khóc nhè. Mặc dù Thành đã đến tuổi đi học, nhưng nếu học ở Quảng Bình thì chỉ có 1 khóa học xóa mù chữ 3 tháng, sau em đó lại ở nhà. Nên Thường mong muốn em Thành được theo học văn hóa và học nghề lâu dài và phát triển niềm đam mê về âm nhạc để sau này có thể phát triển tương lai.
Và hành trình tìm khoảng trời sang
Những mong ước tưởng chừng nhỏ bé ấy, lại quá khó khăn để thực hiện với gia đình em. “Em ước ao điều này từ rất lâu rồi, mãi bây giờ mới có dịp để chia sẻ, liệu em có thể thực hiện được không? Có nơi nào nhận chúng em mà không lấy tiền không?” Những câu hỏi luôn quẩn quanh trong đầu Thường nay có dịp thổ lộ. Có lẽ cô bé đang thử thách chúng tôi, những người sắp mang đến cho em cơ hội ấy. Tôi nghĩ vậy.
Nhưng điều may mắn cho chúng tôi, đó là gia đình và các em đã biết đến Hội sự nghiệp từ thiện Minh Đức trong lần Hội về khám bệnh, phát thuốc cho dân nghèo của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình năm 2008. “Ngày nhận quà của Hội, tôi đã nghĩ đến việc nhờ Hội giúp đỡ các con của mình. Nhưng sợ bị từ chối nên lại thôi. Vừa rồi, thấy các cháu khổ quá, lại cứ đòi đi học chẳng biết làm sao đành liều liên lạc với Hội. Không nghĩ là thầy và các bác ấy lại nhiệt tình giúp đỡ. Gia đình tôi cảm ơn nhiều lắm.” Những tâm sự rất thật lòng của anh Lộc làm chúng tôi vừa vui, vừa cảm động.
Hôm đi đón các em, Đại đức Thích Giải Hiền cùng các đệ tử đã xuống tận nhà thăm hỏi và nói chuyện về cơ hội học tập cho các em ở Lâm Đồng. Nhìn thấy những việc làm của Hội, tin tưởng Hội, vợ chồng anh đã gửi gắm Thường và Thành cho chúng tôi.
Ngày chia tay gia đình, cậu bé Thành cứ ôm ghì lấy mẹ nhất định không chịu đi. Nhưng sau một hồi bố mẹ, các chị và các thành viên của Hội dỗ dành, động viên, cậu bé mới chịu rời áo mẹ. Cũng dễ hiểu thôi, vì từ trước đến giờ em chưa rời mẹ nửa bước, chỉ quanh quẩn trong nhà. Lần đầu tiên đi học, cậu bé không khỏi sợ sệt và nhút nhát. Suốt chặng đường từ Quảng Bình vào Lâm Đồng, Thành nhanh chóng quên cảm giác xa nhà, ngủ dậy là trò chuyện vui vẻ. Một số thiện nguyện viên của hội đã phát tâm đóng góp tiền để làm lộ phí cho các em từ Quảng Bình vào Lâm Đồng, số tiền còn lại để các em sinh hoạt thêm.
Sáng 18/05, Trung tâm Hội người mù tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức tiếp nhận 2 em, sắp xếp chỗ nghỉ ngơi và học tập. Đến buổi chiều 2 em được tiếp xúc với môi trường mới và bắt đầu việc học tập tại đây. Hiện tại em Thành đang theo học lớp văn hóa, em Thường thì học lớp vi tính và học nghề (tẩm quất, đan chổi).
Mới đây, theo nguyện vọng của gia đình, Hội cũng đã đưa em Hiếu vào Lâm Đồng cùng với Thường và Thành. Ba chị em đã được Trung tâm hội người mù tỉnh Lâm Đồng nhận nuôi dạy miễn phí.
Niềm vui nhân ba trong ngày đoàn tụ, Thường dặn dò hai em phải ngoan và nghe lời các bác, các cô chú trong trung tâm. Cuộc sống mới của 3 chị em hẳn sẽ có những khó khăn bước đầu để thích nghi với môi trường và sinh hoạt ở đây. Nhưng chắc chắn rằng các em sẽ luôn nhận được sự chia sẻ của những con người đồng cảnh ngộ, niềm hy vọng của bố mẹ, sự chăm sóc của cán bộ trung tâm và sự giúp đỡ của Hội sự nghiệp từ thiện Minh Đức
Lúc này, tôi lại nhớ đến giai điệu của bài hát “Cánh én tuổi thơ”. Giờ đây cánh én nhỏ sẽ không còn “lạc bầy, cô đơn giữa mùa đông” nữa nó đã tìm được nơi mà ở đó các cánh én “kết bên nhau yêu thương chan chứa tình thân. Hòa bình vui cho bao cánh chim tung trời. Dệt mùa xuân với muôn ngàn tia nắng mới…”
L.H