Chữ tôi lúc đó rất xấu, thực ra gọi là “vẽ chữ” thì đúng hơn, nhưng ông già vẫn đem về treo cẩn thận. Sau này nhìn thấy ông viết rất ngay ngắn và đẹp, tôi mới biết câu đối đó là cái ông muốn dạy mình. Đến nay, tôi vẫn thường nghĩ về ý nghĩa của câu đối đó và thấy không dễ gì thực hiện.
Người ta hay tìm đến sự bình an ở đạo Phật. Lên chùa vãng cảnh, tụng kinh, giúp đỡ người khác, bố thí, tránh chỗ ồn ào, thị phi… nhưng nếu đọc kỹ tư tưởng của Phật, những cái đó chỉ là biện pháp của người bình thường, coi Phật như thần linh. Giác ngộ mới là cái cần làm, trong đó trước tiên là hiểu mình, đến hiểu bản chất của cuộc sống vạn vật, rồi quay lại với cuộc sống sôi động. Cái tâm con người như tấm gương soi mặt hồ, nó không nổi sóng thì hình ảnh phản chiếu mới rõ nét, còn đi tu, ở ẩn chẳng qua là phương tiện. Do vậy mà góc bình an lớn nhất vẫn là sự hiểu biết thấu triệt, đến mức có thể thực hành tâm linh trong chính bản thân, nghĩa là mình nghĩ rằng vui, thì lập tức sẽ vui, sống giữa địa ngục mà như ở trên Niết bàn vậy, và ngay cả vui hay buồn cũng không còn là vấn đề nữa.
Về lý thuyết ai cũng có thể biết như vậy, nhưng hầu hết con người trên đời đều không vượt qua được vòng xoáy của sự mưu sinh, cơm áo gạo tiền, công việc, gia đình, đời sống tình cảm cá nhân… không dễ gì đã khoác vào lại cởi ra cho được. Do vậy mà tu giữa chợ, thiền ở bất cứ đâu, tìm niềm vui trong sự vất vả hàng ngày mới là cách thức mà con người của xã hội thông tin và công nghiệp lựa chọn. Cái góc nhỏ bình yên không nhất thiết là ở đâu đó, nó có thể dịch chuyển theo mình, tuỳ theo hoàn cảnh. Ngồi trong góc tàu, đọc vài trang tiểu thuyết cũng là sự bình yên trên con đường đến công sở – một hình ảnh thường thấy ở người công chức hiện tại.
Phan Cẩm Thượng (Sgtt)