Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo trong nước Phật giáo Nghệ An: “Rằng thương nhau xin nhớ câu gừng cay...

Phật giáo Nghệ An: “Rằng thương nhau xin nhớ câu gừng cay muối mặn”

118
0

Dù đã có bốn lần về quê thăm quê nội ở Đô Lương, Nghệ An, nhưng đây là lần đầu tôi đến Vinh. Khi nghe tôi giới thiệu mình sinh ra ở quê mẹ Hưng Yên, xuất gia ở Hải Dương và “định cư” ở thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1992, có Phật tử nói vui: “Vậy là thầy – một chốn bốn quê rồi!”.

Với người xuất gia, nơi nào có hình bóng ngôi chùa thì nơi đó chính là quê hương tâm linh của mình vậy. Nghĩ đến đó, tôi chợt nảy ra ý định sẽ nói chuyện với Phật tử về đề tài “Đạo Phật và quê hương”, trong đó, tôi sẽ nhấn mạnh đến quê hương huyết thống và quê hương tâm linh. Tôi vẫn nhớ, lần đầu tiên trở về quê nội, lúc đó tôi đã không cầm lòng được khi đặt chân lên mảnh đất đã sinh ra cha tôi và được biết vì binh lửa chiến tranh, tổ tiên tôi đã trôi dạt khắp nơi, để tránh sự truy sát nên phải đổi từ họ Mạc sang họ Thái. Hiện nay, họ Thái, họ Phạm và một số họ khác trong tỉnh Nghệ An đều có gốc Mạc, và tôi được biết qua lịch sử, triều đại nhà Mạc đã ủng hộ Phật giáo rất mạnh mẽ, có thời kỳ nhà Mạc thanh bình đến nỗi có câu truyền rằng “Người dân đi ngủ không cần phải đóng cửa”. Điều đó càng tiếp thêm cho tôi niềm tin tưởng vào cội nguồn tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh của mình.

Tôi nghe một vị lãnh đạo chính quyền nói rằng, người dân Nghệ An biết nhiều đến đạo Chúa, với các vị linh mục đông đảo, có trình độ thuộc Giáo phận Vinh, còn thì đa phần những người theo cách mạng nhiều năm nay vẫn coi đạo Phật là mê tín, bởi thực tế, đạo Phật gần như bị xoá trắng ở đây qua những năm thực hiện bài trừ mê tín dị đoan, mà Nghệ An là một tỉnh dẫn đầu. Trước đây, tôi có đọc bài viết của Phan Ngọc Thiện (thầy Pháp Trí) về ngôi chùa Diệc (Diệc Cổ Tùng Lâm, Cổ Phật Thị Hiện) trên tạp chí Văn hoá Phật giáo, tôi đã lo lắng rất nhiều về Phật giáo Nghệ An. Sau đó, lại đọc được bài viết của cư sĩ Minh Thạnh viết về tình hình Phật giáo ở Nghệ An, nên tôi thử vào các công cụ tìm kiếm để tìm hiểu xem tôn giáo ở Nghệ An ra sao.

Tuy nhiên, không thấy có một thống kê tôn giáo nào ở Nghệ An, chỉ biết Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn thuộc vùng Bắc Trung Bộ, phía bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía tây giáp Lào, phía đông giáp biển Đông. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Vinh, nằm cách thủ đô Hà Nội 291 km về phía Nam. Danh xưng Nghệ An xuất hiện từ năm Thiện Thành thứ 3 đời Lý Thái Tông năm (1030) thay cho tên Hoan Châu đã có từ mấy trăm năm về trước. Cũng như nhiều vùng nông thôn Việt Nam, người xứ Nghệ có tính cộng đồng chặt chẽ, giàu lòng nhân ái, nặng nghĩa tình. Theo điều tra dân số ngày 01/04/2009, Nghệ An có 3.113.055 người, giảm so với thời kỳ điều tra đân số năm 2004 vì một bộ phận dân cư di cư vào các địa phương khác sinh sống mà chủ yếu là các tỉnh phía Nam.

Vốn biết bên Công giáo thường hay có những thống kê khá đầy đủ về giáo phận của mình, tôi vào trang nhà Giáo phận Vinh (gồm 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình) và thấy một số thông tin như sau (theo thống kê năm 2006): diện tích: 30.594,9 km2, dân số: 5.790.000, số giáo dân: 474.143, linh mục: 171, nữ tu: 426, đại chủng sinh: 57, chủng sinh dự bị: 24, giáo lý viên: 7.635, rửa tội: 10.222, hôn phối: 4.707.

Với thông kê tạm thời đến năm 2006 này, có thể biết rằng giáo dân của Giáo phận Vinh chiếm khoảng 8,5 đến 9% dân số. Nghệ An có thể là nơi tập trung đông giáo dân hơn, nên có thể dao động từ 12 đến 15% dân số. Sau bao nhiêu năm tồn tại, có số lượng tu sĩ và giáo lý viên đông đảo, nhưng giáo dân vẫn ở mức dưới dưới 9% dân số. Điều đó chứng tỏ, những người bên lương, người theo cách mạng vẫn chiếm đại đa số và không dễ dàng để cải đạo họ. Tuy nhiên, nhân sự Phật giáo nếu so với Công giáo thì quả là một sự chênh lệch rất lớn, cần được nhanh chóng bù đắp, không chỉ bằng cơ cấu, bằng giáo dục mà còn là sự tình nguyện dấn thân của các Tăng Ni có trình độ, phẩm chất đạo đức và lòng yêu đạo tha thiết từ những nơi khác tới.

Truyền thống văn hoá, tôn giáo của người Việt vốn uyển chuyển, không chuộng sự cực đoan, nên người bên lương ở Nghệ An vẫn có tình cảm tốt với đạo Phật và những tín ngưỡng dân gian thờ Thánh Mẫu khác. Và trong suy nghĩ của họ Phật là cao nhất sau đó tới Thánh. Những người có truyền thống gia đình cách mạng tuy không theo tôn giáo, nhưng do thờ cúng ông bà, nên có nhiều điểm gặp gỡ đối với Phật giáo, họ hoàn toàn có thể cư Cộng mộ Thích, như ông cha ta đã từng cư Nho mộ Thích. Ở Nghệ An, quan niệm chùa làng cũng có sự tương đồng với các tỉnh phía Bắc, có nghĩa rằng, chỉ cần biết làng mình từng có chùa, nay được khôi phục thì dân làng và những người từng sinh ra và lớn lên ở làng sẽ tuỳ theo điều kiện đóng góp tiền của, công sức để phục dựng, trùng tu chùa làng, đình làng, đền miếu. Vì vậy, nếu một người có uy tín quy y, phát tâm cúng dàng thì sự chuyển hoá trong gia đình sẽ rất tích cực.

Tôi nhận thấy, sau một ngày làm lễ kỳ siêu cho một Phật tử chưa đầy 5 năm tuổi đạo, nhưng có tới 60 năm tuổi đảng, gần như những người trong dòng họ ban đầu còn tỏ ra dè dặt, nhưng đã thân thiện, cởi mở và bắt đầu chia sẻ rất nhiều những suy nghĩ của họ về đạo Phật và sự hiếu kính ông bà, cha mẹ. Và tôi rất vui khi chỉ trong 3 ngày, gần như cả gia đình, họ hàng chung quanh đều đã có những chuyển hoá, mọi người đã biết chắp tay chào nhau và niệm A Di Đà Phật.

Tôi có một niềm tin rất mạnh về sự phát triển của Phật giáo Nghệ An. Quả đúng như vậy, chỉ qua mấy ngày ở tại chùa Phúc Lạc, được cùng Phật tử trong xã Nghi Thạch tụng kinh tối, công phu khuya, và mỗi khi đi lại trong xã, thấy có những em nhỏ đạp xe đi học, khi nhìn thấy tôi bèn chào “Con chào thầy!”, hay “A Di Đà Phật, con chào thầy!”, thỉnh thoảng có học sinh nói: “Sư kìa!”. Điều bất ngờ hơn cả đối với tôi là được tiếp xúc với một bác là nguyên chủ tịch xã Nghi Thạch. Sau khi về hưu, bác đã bỏ hết công sức trong vòng mấy năm trời để cầm đơn đi khắp các nơi xin phục dựng lại ngôi chùa Phúc Lạc, vốn chỉ còn hai cái tháp tổ đã đổ nát và một quả chuông duy nhất có ghi rõ tên tuổi của vị trụ trì và người tiến cúng.

Điều bất ngờ nữa là tôi được đến thăm niệm Phật đường Vi Đề Hy tại xóm Xuân Lạc, xã Nghi Thạch. Đây cũng là ngôi nhà nhỏ của o Loan, người đã hàng chục năm nay vất vả cùng với o Tư và Phật tử duy trì đạo tràng hộ niệm. Niệm Phật đường có khá nhiều kinh sách, băng đĩa thuyết giảng, trước kia hàng ngày có hàng vài chục, có khi cả hàng trăm người đến niệm Phật, xem băng thuyết giảng, chủ yếu là băng đia phát hành của chùa Hoằng Pháp, của thầy Chân Quang. Có thể nói, do không có các sư thuyết giảng, nên xem băng là hình thức phổ biến, hoặc tập trung một nơi, hoặc chuyền tay nhau để xem. Kể từ ngày có quyết định thành lập chùa Phúc Lạc, dân trong vùng và những người con xa quê thành đạt đã đóng góp gần 400 triệu để xây tạm một ngôi chùa nhỏ, từ đó đạo tràng niệm Phật đã chuyển ra sinh hoạt tại chùa.

Mùa nóng cũng như mùa lạnh, cứ 8 giờ tối hàng chục, hàng trăm Phật tử lại rủ nhau ra chùa tụng kinh, những ngày sám hối, ngày rằm có khi lên tới cả vài trăm. Điều đáng nói trong đó có rất nhiều nam nữ thanh niên, có nhiều em thuộc hết cả Đại bi, Bát nhã, theo các o đi hộ niệm và hát rất hay những ca khúc Phật giáo. Tôi không cầm được lòng minh khi nghe các em hát đón mừng tôi. Những cặp mắt trong veo ngấn lệ, rất mong Giáo hội cử các thầy về thuyết giảng. Thương cho Phật tử ở Nghệ An mình quá đỗi, không có thầy hướng dẫn, những ngày rét lạnh như vậy mà họ ngồi túm vào trên nền xi-măng để cùng nhau niệm Phật, trong khi bốn bề chung quanh trống trải. Đạo tình thắm thiết, cứ vắng chùa là nhớ, thấy bạn không đi chùa là hỏi thăm. Tôi hỏi có những ngày mùa đông rét buốt, Phật tử đến tụng kinh thì sẽ ra sao? Các o nói rằng, cứ ngồi sát vào nhau, niệm Phật một hồi người sẽ ấm lên.

Khi chưa tách tỉnh, Nghệ An, Hà Tĩnh là một. Nay chia tách tỉnh rồi, Phật tử bên này nhìn về bên kia khát khao, ước mong rằng, Nghệ An mình cũng có Ban Trị sự, cũng được Trung ương Giáo hội Phật giáo quan tâm nghĩ đến để ổn định các Phật sự tại địa phương như Hà Tĩnh. Nghệ An có hàng ngàn di tích lịch sử văn hóa, trong đó có gần 200 di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng. Tuy nhiên mới có khoảng vài chục chùa được công nhận thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hầu hết là chưa có sư trụ trì, còn lại rất nhiều nơi chưa được công nhận là chùa của Giáo hội do còn tồn tại nhiều vướng mắc, chủ yếu là do chưa có Ban Trị sự hoạt động để đại diện và phân bổ nhân sự một cách hợp lý. Thêm vào đó, do một thời gian dài vắng bóng các nhà sư, nên chùa được khôi phục mang tính tự phát, có nơi người tu hành cũng còn nhiều hạn chế về năng lực, trình độ nhận thức, cũng như về chính giáo lý và các mối quan hệ xã hội khác. Vì thế, Phật giáo ở Nghệ An đang có rất nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh.

Trên đường, ghé thăm chùa thăm chùa Thiên Linh (Đức Hậu) ở xã Nghi Đức, huyện Nghi Lộc, tôi có ghe qua chùa Diệc (đang bị xâm lấn dữ dội), chùa Cần Linh (di tích cấp Quốc gia). Người dân và Phật tử ở Nghi Đức cũng thuần phác và có tâm với Phật như ở ngôi chùa Phúc Lạc. Mấy năm trước có một vị thầy về chùa Thiên Linh hướng dẫn Phật tử sinh hoạt, nên chùa ngày càng khởi sắc, có những đêm có khoảng 500, đến 600 Phật tử về chùa tụng kinh, niệm Phật. Nhưng do chưa có kinh nghiệm trong quan hệ với chính quyền địa phương, từ việc cư trú, tổ chức sinh hoạt cho đến xây dựng cơ sở, nên đã xuất hiện hàng loạt các vấn đề liên quan đến pháp lý. Từ đó phát sinh mâu thuẫn, không thể tìm được tiếng nói chung, cuối cùng công trình bị cưỡng chế, thầy bị trục xuất khỏi chùa. Nay ngôi chùa gần như trở về với xuất phát điểm ban đầu, hoang vắng và tự phát. Tôi cảm thấy tiếc thay cho một ngôi chùa như chùa Thiên Linh với rất nhiều huyền thoại, từ sự linh thiêng của một vị thánh nữ, đến những câu chuyện ly kỳ về chiếc giếng cổ không bao giờ cạn nước, nước giếng như vị thuốc tiên…

Phật giáo Nghệ An là tỉnh đi sau, nên có những cơ hội và thách thức không nhỏ. Cơ hội là dựa trên những nhân tố mới, học hỏi kinh nghiệm từ những vùng khác mà có thể phát triển nhanh chóng, bài bản. Thách thức là luôn phải đối mặt với tình trạng “phép vua lệ làng” trong ứng xử, một điều vốn đang làm suy yếu đạo Phật từ bấy lâu nay, đó chính là tình trạng khép kín giới hạn trong tỉnh, hay chạy chọt thông qua con đường quen biết mà không có những tiêu chí, chuẩn mực cụ thể. Với tính chất “trong họ ngoài làng” trong các mối quan hệ thân sơ, Phật giáo ở đây rất dễ bị một số nhóm lợi ích sắp đặt phân chia, tạo thành bè cánh, không biết nghĩ đến lợi ích chung cho đông đảo người dân đang khát ngưỡng được sống theo tinh thần Phật giáo. Nhiếu lúc, chùa chiền là nơi cho một số vị sư giành giật để chiếm chỗ, dành cho người thân trong họ hàng, hay cho đệ tử sau này. Hiện tượng tiêu cực, nhuốm màu tham lam này, có thể ví như cụm từ “ốc đảo tôn giáo” mà cư sĩ Minh Thạnh đã sử dụng.

Do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan lịch sử, Phật giáo rất cần những nhân tố mới, có kiến thức am hiểu về văn hoá, lịch sử, phong tục để hoà nhập tích cực với sự phát triển chung của địa phương. Bởi kể từ khi có tin Giáo hội sẽ tiến hành thành lập Ban Trị sự, có một số vị thầy từ nơi khác về “chạy” bổ nhiệm trụ trì. Do chưa có những quy định cụ thể, nên rất cảm tính và tuỳ tiện, mạnh ai quen biết quan chức, hay lãnh đạo Giáo hội là tiến hành chạy chọt, dẫn đến một số vị chưa có những thông tư hướng dẫn cụ thể tiến hành xây cất chùa gây nên những mâu thuẫn giữa chính quyền và bà con Phật tử, làm đình trệ thêm những sinh hoạt Phật sự tại địa phương, tiền mất tật mang. Hay do sự đầu tư không đồng đều giữa các vùng, nên cơ sở tự viện và nhân sự tự phát, không được cơ cấu một cách hợp lý, không đảm bảo được những điều kiện thuận lợi để Phật giáo Nghệ An dần đi vào ổn định sinh hoạt.  

Việc đầu tiên cần làm trước khi thành lập Ban Trị sự, tôi cho rằng, Giáo hội cần cử một đoàn khảo sát (dài ngày) trên toàn tỉnh Nghệ An. Căn cứ trên những ngôi chùa đã được công nhận trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tìm hiểu những ngôi chùa chưa được công nhận để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân, tìm hiểu đặc tính tín ngưỡng, dân tộc tại những địa phương để đưa ra những phương pháp phù hợp, đề nghị chính quyền tạo điều kiện giúp đỡ.

Bằng khả năng, kinh nghiệm cũng như tình cảm đối với quê hương của mình, nếu được Giáo hội cho phép, tôi xin tình nguyện đi cùng đoàn khảo sát để ghi nhận, nắm bắt và thu thập tư liệu của các ngôi chùa trên toàn tỉnh. Nếu Giáo hội thấy cần thiết và không có gì nghi ngại đối với một tăng sĩ trẻ đang công tác trong Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội như tôi, tôi hoàn toàn có thể nhận công việc Trợ lý Thư ký cho các vị lãnh đạo trong tỉnh hội để giúp cho Phật giáo nơi đây phát triển. Song song với việc đào tạo nhân lực tại chỗ, rất cần áp dụng những mô hình Phật giáo đã thành công vào Nghệ An. Tôi tin tưởng vào mô hình của chùa Hoằng Pháp với pháp môn niệm Phật, nếu được phát huy tại đây. Và tôi cũng tin tưởng vào mô hình và phương pháp giáo dục của Thượng tọa Thích Thọ Lạc, người vừa mới về nhận chức trụ trì và tiến hành khởi công xây dựng chùa Đại Tuệ ở Nam Đàn.

Trước mắt, rất mong Thượng toạ Chân Tính giữ lời hứa với Phật tử chùa Phúc Lạc, tổ chức một đêm văn nghệ mừng Đức Phật đản sinh tại đây. Phật tử đang rất khao khát được thấy một Phật giáo bừng tỉnh trên mảnh đất Nghệ An, quê hương của Hồ Chủ Tịch, một bậc lãnh tụ mà trong con mắt người Phật tử Việt Nam, ngài cũng là Phật tử.

Ai đó từng nói rằng, Nghệ An là một “mảnh đất dữ”, nhưng những gì tôi thấy ở một chút chùa quê, với những ánh mắt thân thiện, đạo tình, với những tiếng niệm Phật hồn nhiên trong veo, với những di tích còn lại có khi chỉ là một quả chuông nhỏ, một tượng đá nhỏ, một cái giếng, một miếng khánh đá vỡ, một ngôi tháp đổ bỏ hoang… tất cả đều là những linh thiêng truyền đời vang vọng.

Trước khi về lại TP. Hồ Chí Minh, tôi đã có một buổi nói chuyện với các Phật tử chùa Phúc Lạc về “Đạo Phật và quê hương”. Rời Nghệ An mà lòng còn nhiều lưu luyến, bởi cái tình của người Phật tử nơi đây chi mà nặng. Vang vọng theo tôi là những câu niệm Phật, những ánh mắt nụ cười và câu hát “Vẫn còn đây một xứ Nghệ nên thơ… Rằng thương nhau thì nhớ câu gừng cay muối mặn…”.

Nam mô A Di Đà!

 

Một số hình ảnh về Niệm Phật đường Vi Đề Hy, chùa Thiên Linh và chùa Phúc Lạc do tác giả cung cấp:


 

(Theo Phattuvietnam.net)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here