Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Làng "đệ nhất lễ hội"

Làng "đệ nhất lễ hội"

136
0

Ở chốn Thần kinh xưa – Cố đô Huế, Hải Cát không thuộc hàng trù phú, đông đúc và tấp nập bậc nhất. Nhưng nếu cần tìm một ngôi làng ở miền Trung mà hằng năm có nhiều lễ hội lớn bậc nhất, hẳn Hải Cát sẽ chẳng hổ danh…

Trên đồi Vọng Cảnh trông xuống, làng Hải Cát, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà (Thừa Thiên Huế) nằm soãi trên một vùng đồi thấp, vắt mình bên dòng Hương Giang thơ mộng. Cách TP.Huế chỉ một khúc sông, nhưng hầu như sợi dây nối Hải Cát với chốn đô thành chỉ là những bó rau hay mớ hoa quả tròng trành xuôi thuyền xuống chợ Đông Ba. Chính bởi thế, cư dân nơi đây vẫn giữ được nhiều chất quê thuần khiết. Và thực tế, nếu cần sự tiếp nhận văn minh hiện đại, họ chẳng phải đi đâu xa. Bởi quanh năm, đã có khách thập phương về dự hội hè, tấp nập với nhiều lễ hội văn hoá, lịch sử, tâm linh… 

 Một góc làng Hải Cát vào mùa hội lễ lung linh trong khói hương huyền ảo.

Tương truyền nơi “núi Ngọc gặp sông Hương”

Theo biên niên sử làng, những họ tộc đầu tiên đến nơi này là họ Tống, họ Trần… và gây dựng đã hơn 10 đời nay. Lật từng trang trong cuốn gia phả cũ kỹ, trưởng làng Hải Cát Trần Văn Huynh (73 tuổi) dẫn dụ: Để có được quy mô làng với gần 140 hộ dân định cư trên khoảng 100ha như ngày nay là có cả một tích làng ở nơi “núi Ngọc gặp sông Hương” nhuốm màu huyền bí.

Tương truyền, xưa ấy có một dải núi nối từ đại ngàn Trường Sơn xuống thì bị hai nhánh nước ngoằn ngoèo túm lại, tạo thành một dòng Hương Giang êm đềm chặn đứng. Dải núi uất ức vồng lên cao thành một ngọn “vừa tròn, vừa đẹp như hình cái chén úp”, dân gian lấy đó mà gọi tên núi là Hòn Chén – vùng quần cư của người Hải Cát bao đời nay. Ở chính nơi sơn thủy gặp nhau ấy là một cái vực sâu, nước đen ngòm. Theo tục truyền, vực này không có đáy – là cung điện của Thủy thần. Xưa truyền vẫn hay xuất hiện một “con giải” (dân gian dùng để gọi con rùa khổng lồ) thân rộng bằng chiếc chiếu, quần thảo trong vực, tạo thành những luồng sóng mạnh cao ngất, đen biếc và làm nên nơi sâu nhất của dòng sông Hương cho đến bây giờ.

 Ông Huynh trong đình làng Hải Cát, nơi diễn ra nhiều lễ hội lớn hằng năm.

Nay, đất Hải Cát nằm bên bến phà Tuần, hai dòng hợp lưu chặn núi ấy là Tả Trạch và Hữu Trạch. Thuở khai canh, Hải Cát là đất của người Chămpa với điện thờ Thánh mẫu Ana, có tên Chăm là Pô-Nagar. Theo truyền thuyết là thần sáng tạo ra đất đai, lúa má, cây cối… Khi những cư dân đầu tiên đặt chân mở cõi Hải Cát (thuộc đất Thuận Hóa bấy giờ) thấy linh thiêng cũng thờ và tôn bà là Thành hoàng làng Thiên y Ana. Trông địa thế “cận giang”, đất đai màu mỡ, dân kéo đên lập làng càng đông đúc. Cuối thế kỷ XVI, tên làng đã có trong danh mục hàng xã của xứ Thuận Hóa. Đời nối đời, dân Hải Cát sống dựa chủ yếu vào cây lúa nước sinh sôi nhờ phù sa sông Hương bồi đắp. Trong tiềm thức người làng, dòng Hương Giang và Thiên y Ana mang lại cho họ cuộc sống ấm êm. “Hải Cát được xem là điểm cực Tây, là ngôi làng thuần Việt với nghề trồng lúa nước đầu tiên ở đất Thừa Thiên. Ruộng lúa ở đồng Cây Sung và đồng Đái Voi làm ra đủ gạo cho dân làng sống dư dả và mang xuống kinh đô trao đổi” – ông Huynh nói đầy tự hào. Dần dà, không chỉ Hải Cát mà hầu hết những ngôi làng dọc sông Hương cũng tôn Thánh mẫu để phù trợ sản xuất.

Đến thời triều Nguyễn, Hải Cát luôn được tôn vinh bằng nhiều sắc phong. Đất làng còn được nhiều vua quan chọn làm nơi yên nghỉ bởi cảnh phong thủy hữu tình và long mạch tốt. Trong chín đời vua Nguyễn, vua Đồng Khánh là tín đồ rất ngưỡng mộ Thánh mẫu. Năm 1886, ông cho tu sửa đền, ban hiệu là Huệ Nam Điện (Huệ Nam là ban ơn huệ cho nước Nam) và làm nhiều thơ văn ca tụng công đức của Thiên y. Ông còn chiếu dụ thành Quốc lễ vào dịp Xuân – Thu nhị kỳ hằng năm và tổ chức tế lễ ngưỡng vọng, chủ tế phải là vua hoặc một triều thần có vai vế. Đến các đời vua sau chỉ cử quan thần tới chủ tế một lần vào tháng Ba, còn tháng Bảy sẽ do làng Hải Cát tự tổ chức và coi sóc các miếu điện.

Làng “đệ nhất” lễ hội xứ Cố đô

“Nếu như Huế được xem là vùng đất tâm linh thì Hải Cát không hổ danh thuộc hàng tâm linh nhất. Hiếm nơi đâu mà hằng năm thu hút khách thập phương đến tham dự lễ hội, cầu nguyện nhiều đến thế” – ông Phan Thành Tâm, Chủ tịch UBND xã Hương Thọ bộc bạch.

Cũng nhờ truyền thống và truyền thuyết về vùng đất thánh, Hải Cát trở thành ngôi làng tổ chức nhiều lễ hội lớn bậc nhất ở Thừa Thiên Huế với cả chục lễ hội mỗi năm. Ông Huynh dẫn giải: “Số ngày dân tham gia hội hè có khi gấp đôi số ngày xuống ruộng. Lớn nhất là hội ở Điện Hòn Chén (nơi thờ Thánh mẫu) để tưởng nhớ công ơn Đức mẹ Ana và công lao các bậc sinh thành”. Theo tài liệu của nhiều nhà Huế học, thì: Lễ hội Điện Hòn Chén là lễ hội duy nhất còn kết hợp nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian, là lễ thờ mẹ đối với những người đạo hiếu”. Chính đó lý giải vì sao lễ hội lại thu hút đông đảo khách thập phương đến thế.

Ông Huynh kể: Đều đặn vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch, Hải Cát luôn nhộn nhịp trong không khí lễ hội. “Rộn ràng tháng 7 vía cha, tháng 3 vía mẹ”. Không riêng người Huế, mà đông đảo khách thập phương cũng về tham lễ. Khúc sông Hương từ ngã ba Tuần về Điện Hòn Chén tấp nập những chiếc thuyền kết đôi dong cờ phướn, hương án đủ sắc màu. Mỗi thuyền có một bàn thờ cùng với long kiệu. Trên long kiệu có hòm sắc của vua ban Thánh mẫu, kế đó là thuyền khác có bàn thờ, kiệu và hòm sắc của nhị vị Thượng ngàn và Thuỷ cung Thánh mẫu. Sau đó là những thuyền chở các tự khí, tàn tán cờ quạt. Long kiệu của Thánh mẫu là kiệu thêu, được các trinh nữ mặc trang phục sặc sỡ khiêng. Ngoài ra, còn các bà cũng quần áo với đủ màu sắc, chia nhau người bình hương, ống trầu, kẻ bình trà, khay tách chén, người mang tráp nhỏ đựng trang sức, hoặc cờ biển, tàn, lọng, quạt… Khi đoàn thuyền ghé bến, đám rước sẽ lên bộ và tới đình làng Hải Cát. Trong lúc đoàn thuyền đôi khởi hành từ bến trước Huệ Nam Điện, các “bà đồng” đã cùng nhau “lên đồng” hầu bóng ở thuyền có bàn thờ Thượng thiên Thánh mẫu và kéo dài tới khi đoàn hội vào bờ.

 Cứ đến mùa hội Điện Hòn Chén vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch hằng năm, du khách đến Hải Cát còn đông gấp mấy lần dân làng.

Khách dự hội theo đám rước trong hương khói tỏa bay, đèn đêm tỏa chiếu. Lòng tin tưởng ở sự linh thiêng của tam vị Thánh mẫu, nhất là của đức Thiên y Ana. Một không khí tôn giáo tín ngưỡng thiêng liêng cầu mong điều an bình cho chúng sinh. “Hội có khi kéo dài cả tuần, khách đông nghìn nghịt. Lên đến mấy vạn người. Làng không có chỗ để xe mà phải để sang tận làng khác” – một bô lão làng Hải Cát móm mém kể.

Một chương trình đặc sắc trong các kỳ Festival Huế là “Huyền thoại sông Hương” cũng lấy đình làng Hải Cát và đoạn sông này làm điểm nhấn. Tái hiện lại trên khúc sông dài là khung cảnh làng Việt xưa với nghề chài lưới, gieo cấy lúa nước như được sống bật dậy. Các bô lão chủ trì các lễ cúng mùa màng, cầu thần linh phù trợ sản xuất. Vua Nguyễn dâng hương tại điện Hòn Chén cầu Thánh mẫu phù hộ để quốc thái dân an.

Xen lẫn trong năm còn có các lễ hội như: Lễ Cầu yên mở cửa rừng, Lễ Xuống đồng, Lễ Cửu trùng… Vào kỳ lễ hội, khách thập phương luôn nhiều hơn dân làng, Hải Cát chìm trong không khí náo nhiệt. Dân làng có thể nghỉ một buổi ra đồng nhưng chẳng ai lại tách mình ra khỏi hội. Cứ như thế, dân làng thu nhập từ các dịch vụ từ các lễ hội nhiều hơn là những ruộng lúa, đồi chè, cây ăn quả… 

(Theo Trần Nguyên Phong-Sức khỏe & đời sống)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here