Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Lời nguyện cho Công chúa Quy Đức

Lời nguyện cho Công chúa Quy Đức

130
0

Bức song ảnh kỳ lạ

Theo Đại Nam liệt truyện và Nguyễn Phúc Tộc thế phả, Công chúa Quy Đức tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh, tự là Trọng Khanh, hiệu Nguyệt Đình, là hoàng nữ thứ 18 của Vua Minh Mạng, đồng thời là chị cả trong ba cô em gái của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (hai cô em kia là Mai Am và Huệ Phố). Bà sinh ngày 25 tháng 5 Giáp Thân (21.6.1824). Thuở bé bà ở trong cung. Đến năm 1849, bà cùng hai em gái Mai Am và Huệ Phố theo mẹ là Thục tân Nguyễn Thị Bửu ra ở Tiêu Viên trong phủ của anh trai Miên Thẩm. Vốn tư chất thông minh, ham đọc sách, lại được ông anh Miên Thẩm chỉ bảo nên bà Nguyệt Đình sớm thông làu kinh truyện.

Cung phủ Công chúa Quy Đức đang hoang tàn, xuống cấp và có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào
Cung phủ Công chúa Quy Đức đang hoang tàn, xuống cấp và có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào

Bà nổi tiếng bởi tài làm thơ rất hay. Trước tác bà để lại có tập “Nguyệt Đình thi thảo”, được người cùng thời đánh giá là “văn chương trác tuyệt” và “giàu thi tính”. Anh bà là Tuy Lý Vương Miên Trinh đề tự khen ngợi: “Xưa, phần nước Vệ ở biển trong Kinh thi, bài Tái Trì là thơ của phu nhân Hứa Mục công, bài Hà Quảng là thơ của phu nhân Tống Hoàn công, thảy thảy phát ra từ tình cảm mà dừng lại ở lễ nghĩa, cho nên quốc sử khen ngợi và học giả tôn sùng. Nay việc làm của em, nhất nhất đều ngay chính. Như thế dù không có thơ cũng đủ để lưu truyền rồi, huống chi còn có thơ nữa, thì những người thu thập về sau mà ta biết thế nào cũng có, ắt chẳng đáng chép để in lại vài lần sao!”. Nhưng đáng tiếc là Nguyệt Đình thi tập chưa được in ấn và hiện nay đã bị thất lạc.

Năm 25 tuổi, bà Nguyệt Đình kết hôn với ông Phạm Đăng Thuật – con trai thứ 18 của ông Phạm Đăng Hưng, người Nam Bộ, là bố vợ của Vua Thiệu Trị. Hai vợ chồng bà sống quấn quýt bên nhau, tâm đầu ý hợp. Trong “Đại Nam liệt truyện” có chép: “Chúa (Nguyệt Đình) thác sinh ở nhà vua, lấy chồng người họ quý thích, mà khiêm tốn giữ gìn, không ưa xa xỉ, duy chỉ thích sách vở mà thôi”. Mới đây trong một cuộc hội thảo về văn hoá Huế, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm còn kể thêm nhiều chuyện rất thú vị về vợ chồng bà Nguyệt Đình: “Khu vườn (của bà Nguyệt Đình và chồng) được đặt tên là Túc Ung viên, nghĩa là khu vườn của sự kính trọng và hoà thuận, ít nhiều nói lên tình nghĩa vợ chồng cao quý của họ. Vườn trồng 36 cây vải, tức cây lệ chi. Theo bản thảo Hán tự, cây lệ chi còn có tên là “thập bát nương” (cô nàng 18). Về thứ thế trong gia đình, bà Nguyệt Đình thứ 18 và ông Thuật cũng 18, sự trùng hợp kỳ lạ đó nhắc người ta trồng 36 cây vải để vợ chồng mãi mãi gắn bó bên nhau”.

Năm 1861, giặc Pháp xâm chiếm Nam Bộ, ông Thuật được triều đình Huế bí mật cử vào Nam để thám sát tình hình. Vừa đến nơi thì ông hi sinh, để lại vợ và một cô con gái tên Uyển La. Bà Nguyệt Đình xin triều đình cho đưa xác ông về an táng tại Huế. Từ đó bà đóng cửa, thờ chồng, nuôi con, dạy học và làm thơ. Con gái Uyển La của bà sau đó cũng không may mất sớm. Năm Tự Đức thứ 20 (1876), bà được phong Quy Đức Công chúa. Bà mất năm 68 tuổi trong ngôi vườn lặng lẽ.

Hiện trên bàn thờ trong ngôi từ đường, cũng là cung phủ ngày xưa của Công chúa Quy Đức ở đường Lê Ngô Cát, thành phố Huế, có một bức song ảnh (ảnh hai người) rất lạ. Đó là hai cái bóng người tô mực đen theo lối nhìn nghiêng đối diện nhau, chính là bóng của hai ông bà tự ngày xưa. Ngày đó chưa có nhiếp ảnh, dựa vào ánh đèn, hai ông bà đã cho in hình mình lên tường để lưu giữ hình ảnh vợ chồng. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khẳng định: “Tôi xem bức song ảnh này có vẻ đã được khôi phục lại, nhưng câu chuyện về bức song ảnh là hoàn toàn chân thực, đã làm ta xúc động tận đáy lòng về tình yêu của họ ngày nào”.

Hậu thế lãng quên

Sống đẹp như thế, nhưng khi mất đi, hậu nhân lại đối xử với bà Quy Đức “bạc” đến rơi nước mắt. Mới đây, chúng tôi lần tìm đến cung phủ của bà ở đường Lê Ngô Cát và đã không tin vào những gì mắt mình nhìn thấy. Nếu không có bức hoành cổ khắc nổi sáu chữ “Quy Đức Công chúa từ đường” được sơn son thếp vàng còn treo ở gian chính giữa và bức song ảnh trên bàn thờ theo như lời kể của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, thì khó mà tin rằng đây từng là cung phủ và là từ đường của một bà công chúa lẫy lừng như Quy Đức.

Khu cung phủ một gian hai mái với hơn 20 cột gỗ lim, kiển… đã bị xuống cấp gần như hoang phế và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Hiện gian chính giữa, đòn tay, xà, rui… đã bị mối mọt ăn thủng. Hai bức đối liễn cổ treo ở gian giữa hiện cũng chỉ còn một bức. Phần sau lợp ngói âm dương bị sụt lở gần như hoàn toàn và đã được thay thế bằng những tấm tôn để chống dột tạm thời. Tường nhà vốn xây bằng đá gan gà, mạch trát đất cũng đang bị sụp dần từng mảng. Đặc biệt khám thờ có bài vị của công chúa Quy Đức và ông Phạm Đăng Thuật, mối mọt đã “moi” thủng ruột nhìn rất thê thảm… Hiện ngôi từ đường do ông Phạm Ngọc Công – một người bà con bên dòng ông Phạm Đăng Thuật, trông coi thờ tự. Nhưng do từ đường đã bị hư hại quá lớn nên ông cũng không biết làm gì khác, ngoài “đứng nhìn thở dài” và “trông chờ vào một phép màu nào đó”.

Bức song ảnh độc đáo trên bàn thờ trong phủ
Bức song ảnh độc đáo trên bàn thờ trong phủ

“Phép màu” mà ông Phạm Ngọc Công trông chờ, theo gợi ý của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, là: “Tôi thiết nghĩ chúng ta nên giữ gìn ngôi cung phủ này đúng như những gì đã từng có trong lịch sử để tự nói lên khát vọng hoà bình và hạnh phúc của con người Huế”. Nhà nghiên cứu văn hoá Hồ Tấn Phan đưa ra những ý tưởng thiết thực hơn: “Không chỉ giữ gìn, tôn tạo lại ngôi cung phủ mà chúng ta còn có thể phát huy nó như một địa chỉ du lịch nằm trong tuyến tham quan lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh. Tôi tin rằng, bản thân Công chúa Quy Đức và chuyện tình của bà, bức song ảnh… sẽ gây được sự tò mò và sức hút đối với hậu thế”.

Chuyện về cung phủ của Công chúa Quy Đức có thể coi là một điển hình cho việc thiếu một cái nhìn và chính sách toàn diện trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của tiền nhân để lại. Xin được kết thúc lời nguyện cho Công chúa Quy Đức bằng một câu hỏi nhức nhối của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Văn hoá và những con người Huế trong lịch sử đã làm cho chúng ta rất nhiều điều, mà chúng ta đã làm được gì để biết ơn và níu giữ họ lại?”

(Theo Lao Động)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here