Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Ngày xuân nói chuyện tâm linh và huyết thống gia đình

Ngày xuân nói chuyện tâm linh và huyết thống gia đình

122
0

Dân tộc Việt Nam ta yêu chuộng nếp sống gia đình, ai cũng có một gia đình để sống, để yêu thương và cũng để mà chia sẻ niềm vui nỗi buồn. Tình yêu thương là một nhu cầu, một niềm hạnh phúc thật vô cùng giản dị và cũng thật vô cùng cao quý mà mỗi người đều có cơ hội được hưởng. Đặc biệt trong ngày xuân, ngày Tết thì ý nghĩa về tình yêu thương gia đình càng thêm giá trị hơn khi tình yêu thương được ấp ủ, vun đắp và chia sẻ trong không khí của sự sum vầy hội tụ đầy đủ các thành viên trong gia đình sau một năm cặm cụi làm ăn. Giá trị nhân văn của mùa xuân ngày Tết được biểu hiện trong gia đình qua nhiều yếu tố, điển hình và nổi trội hơn hết đó là nền tảng của tâm linh và huyết thống.

Yếu tố huyết thống là sự đoàn viên sum họp của "đại gia đình". Nguồn mạch huyết thống cũng có nghĩa là căn bản cội rễ của một gia đình đoàn viên, bởi nó có thể chỉ ra cho chúng ta biết tổ tiên, ông bà, cha mẹ của chúng ta. Biểu hiện nguồn mạch huyết thống càng đậm đà hơn khi trong mùa xuân ngày Tết được dân tộc ta nâng lên thành yếu tố tâm linh. Sự tưởng niệm cúng bái trong ba ngày Tết nó có giá trị nhân văn cao cả là biết kính trọng quá khứ. Trước bàn thờ của ông bà tổ tiên những mân ngủ quả, những đòn bánh tét cùng với hương trầm ngào ngạt thiêng liêng gợi cho tất cả các thành viên trong gia đình ai nấy cùng chung một tâm niệm là liên nghĩ đến quá khứ ông bà tổ tiên, hiện tại cha mẹ anh em ruộc thịt và tương lai con cháu, để mong cầu cho cả một năm, một đời tâm hồn luôn được sáng trong, thanh thản.

Yếu tố huyết thống và tâm linh trong gia đình chính là nguồn mạch để mọi người sống tốt với nhau, biết thương yêu đùm bọc lấy nhau…Hai yết tố tâm linh và huyết thống được minh chứng qua sự "Đoàn Tụ Gia Đình", chính yếu tố nầy mới có chiều 30 Tết, nếu ai chưa kịp về nhà thì lòng cảm thấy nao nao, bồi hồi. Cho nên những ngày Tết người ta không ai nỡ bỏ rơi nhau mà ngược lại, trong gia đình, các cá nhân quây quần sống chan hòa và yêu thương nhau rất đầm ấm. Bởi đó là “máu với thịt”, là “ từng khúc ruột”. Mùa xuân, ngày Tết tinh thần đoàn viên, đoàn tụ và sự hiện diện của mỗi người trong gia đình nói lên những mối tương quan tình cảm chặt chẽ, toàn vẹn, các khúc ruột được nối lại với nhau cùng nhau lưu thông một huyết mạch.

Dẫu cho mỗi người một cảnh, mỗi nghề mỗi nghiệp, ai ai cũng có những mối lo riêng mà cả năm cặm cụi làm ăn tất bật, người làm nông thì chân lấm tay bùn, quanh năm đối mặt với thiên tai bão lụt, mùa màng thất bát, người kinh doanh thì chạy đôn chạy đáo với kinh tế thị trường thời hội nhập…ngày đơm tháng kỵ tổ tiên, ông bà, cha mẹ đôi khi chỉ diễn ra một cách chống vánh, hoặc với nhiều lý do gia đình khác nhau mà có người nầy thì thiếu người kia, tổ tiên, ông bà đôi khi vì thế mà cũng cảm thông cho con, cho cháu. Nhưng mùa Xuân, ngày Tết thì dẫu có bận chi đi nữa thì giờ Giao thừa cũng phải sắm sửa một vài lễ vật, thắp một nén nhang đứng giữa trời đất mà van vái trước cúng cho sơn hà xã tắc, sau mời tổ tiên ông bà về cùng "Đại Gia Đình" ăn một cái Tết thảnh thơi, ấm cúng.

Ngày còn nhỏ, mỗi lần đến giờ Giao thừa tôi thường hay đứng bên cạnh ba tôi để nhìn ba mình cúng, mỗi lần cúng ba tôi thành tâm lắm, cứ khấn niệm rầm rì rồi thít thà liên tục. Có năm tôi tò mò hỏi: ba cúng và nói nhỏ với ai giữa trời rứa. Ba tôi nói với tôi rằng: tất cả sự nghiệp mà hôm nay ba mạ và các con có được đều là nhờ vào tình thương yêu của trời đất, của tổ tiên, ông bà, dù có mọi nỗ lực tối đa chúng ta cũng không thể trả nổi, chỉ có sự thành tâm và hướng sự cầu nguyện như rứa để cầu mong trời đất, tổ tiên ông bà phò hộ cho chúng ta ngày mỗi sức khoẻ…Tôi không biết sự linh ứng sẽ như thế nào, nhưng hằng năm gia đình tôi rất bình an, mọi người ít đau ít ốm, ba tôi mừng lắm và mãi cho đến bây giờ mỗi khi Tết đến là ba tôi lại cúng.

Chính yếu tố tâm linh và huyết thống gia đình nòi giống đã làm cho cuộc sống gia đình mỗi khi Tết đến xuân về dẫu có lỗi lầm gì mọi người cũng tha thứ và biết sống yêu thương, đùm bọc và cảm thông với nhau hơn. Những việc làm tuy đơn sơ nhưng thành kính của ba mạ tôi trong những ngày Tết đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng thật khó quên, và tôi luôn luôn nhớ lời dạy của ba tôi là biết ơn trời đất đã cho ta môi trường sống hiền lành tốt đẹp như nước Việt Nam mình, và tôi luôn luôn nhớ ơn tổ tiên, ông bà dòng họ tôi đã sinh ra ba mạ tôi, sinh ra tôi mà mỗi ngày mỗi sửa mình sống tốt hơn. Đó là những gì mà ba mạ tôi đã cho tôi nhiều nhất trong mỗi năm Tết đến xuân về. Tôi thường lấy đó mà suy nghĩ về tâm linh và về huyết thống cũng như về nòi giống Việt Nam. Để đôi lúc có lỡ lầm làm một việc gì sai trái mà biết tự hỏi, tự vấn lương tâm mình mà biết tủi nhục, biết tàm quý và cố gắng vươn lên tìm một con đường, một cách sống tốt hơn.

Nhân ngày Tết nói về tâm linh huyết thống dân tộc là để mà tri ân và báo ân. Bởi dân tộc ta là một dân tộc "Thờ Tự". Nhà nào cũng đã có ông bà tổ tiên qua đời, nhà nào cũng trang trọng thiết những ban thờ, tủ thờ ngay chính nơi trang nghiêm nhất trong ngôi nhà của mình để quanh năm hương khói. Trong thời đại hội nhập với nền kinh tế thị trường tấp nập này, có đôi lúc hàng ngày chúng ta mãi lo miếng cơm manh áo của cõi người hiện đại mà đôi khi hờ hững, lạnh nhạt quên đi phần hương khói. Ngày Tết đến đốt nén hương thơm dâng lên thành hương nguyện trang nghiêm nhìn vào đó, lòng sẽ thấy ấm áp vô cùng.

T.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here