Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Cải đạo, một biến tướng của sự cuồng tín tôn giáo

Cải đạo, một biến tướng của sự cuồng tín tôn giáo

140
0

Người viết xin được mở đầu câu chuyện trong tuần kỳ này bằng câu thành ngữ “Cáo mượn oai hùm” thường ngụ ý để chỉ cho những người ưa lòe bịp, hù dọa mọi người bằng quyền uy của người khác để tự tung tự tác. Chuyện kể, có một con hùm đói bụng đang tìm cách săn mồi thì gặp ngay một con cáo. Cáo thấy nguy bèn nói: “Này anh hùm, anh đừng có ý định ăn thịt tôi. Trời đã giao cho tôi làm chúa tể muôn loài. Anh mà ăn tôi là làm trái ý của trời! Không tin, tôi đi đằng trước, anh đi đằng sau, thử hỏi có con vật nào trông thấy tôi mà không sợ?”. Quả nhiên, khi cả hai cùng bước đi, mọi vật nhìn thấy đều chạy tán loạn. Con cáo lấy uy của trời để lừa hùm, rồi lại mượn hình ảnh của hùm để dương dương tự đắc với những loài vật khác.

wwwt (2).jpg

Trong kinh Trường Bộ thuộc tạng Pali cũng ghi lại câu chuyện giữa Đức Phật và hiền giả Pàtikaputta về đề tài thú vị này. Đức Phật nói: “Này Hiền giả Pàtikaputta, có con chó rừng già kiêu ngạo và mạnh mẽ, thường sống bằng đồ ăn thừa của con sư tử, vua các loài thú. Con chó rừng ấy suy nghĩ: “Ta là ai, và con sư tử – vua các loài thú là ai? Ta hãy y cứ vào một khu rừng để xây dựng sào huyệt. Sau khi xây dựng sào huyệt, vào buổi chiều ta sẽ ra khỏi sào huyệt, duỗi chân cho khỏe, rồi nhìn khắp bốn phương và ba lần rống tiếng rống con sư tử. Sau khi rống tiếng rống con sư tử, ta sẽ đi đến chỗ các thú qua lại, tìm giết những con thú tốt đẹp nhất, ăn các loại thịt mềm mại, rồi lại trở về sào huyệt”.

“Này Hiền giả, con chó rừng kia y cứ vào một khu rừng để xây dựng sào huyệt, duỗi chân cho khỏe, rồi nhìn khắp bốn phương và định ba lần rống tiếng rống con sư tử. Nhưng nó chỉ kêu lên tiếng loại chó rừng, tiếng sủa loại chó rừng. Ai có thể so sánh tiếng sủa con chó rừng ấy với tiếng rống của con sư tử?”.

Cả hai câu chuyện trên đều nhắm đến chuyện ảo tưởng mình là chủ sở hữu, mượn uy danh người khác để “làm giả ăn thật”. Người viết tạm dẫn ra hai câu chuyện trên để đi thẳng vào vấn đề có thực, đang diễn ra trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo tại Việt Nam.

Trong những ngày gần đây, một số diễn đàn sinh hoạt Phật giáo bỗng “nóng” lên bởi “Tuyên ngôn thuộc linh” của một nhóm Tin lành. Tuyên ngôn này xuất hiện vào mùa Giáng sinh năm 2009 tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, thủ đô Hà Nội, với sự chứng kiến của hàng chục ngàn người. Một phần nội dung của “tuyên ngôn” đó như sau: “Dân tộc Việt Nam chắc chắn thuộc về Đức Chúa Trời. Mọi xiềng xích tội lỗi và rủa sả của các thế hệ trước đã bị tuyên bố cắt đứt, hình ảnh con rồng, tức con rắn xưa là ma quỷ kể từ nay không còn tiếp tục được ảnh hưởng trên dân tộc Việt Nam. Việt Nam thuộc về Đức Chúa Trời, từ nay dân tộc Việt Nam sẽ được phước, Hội thánh Việt Nam sẽ bước vào một cơn phấn hưng chưa từng có và trong một tinh thần hiệp một khắn khít trước mặt Đức Chúa Trời...”. Điều đáng nói, tuyên ngôn trên được viết bởi cơn phấn hưng “Nếu Phải Chết Thì Sẽ Chết!”.

wwwt.JPG

Ảnh: Hoithanh.com

Ai cũng rõ một điều, đất nước nào cũng có người quản trị, có luật pháp để duy trì sự công bằng. Văn hóa là phần hồn, là tinh anh, là nền tảng cho mọi phát triển khác. Mọi giá trị tạo nên hình ảnh của một dân tộc đều thấm đẫm mồ hôi, công sức, máu và nước mắt của biết bao thế hệ. Văn minh đến từ khối óc sáng tạo và bàn tay lao động. Giá trị của lao động chính là việc khẳng định lao động tạo ra giá trị, phẩm tính cho con người của dân tộc ấy. Chẳng có kẻ nào ngồi không ăn sẵn mà được tôn vinh, và không ai có thể dâng những thứ không thuộc, hay chưa thuộc về mình cho người khác, trừ phi những người sống bằng thói quen của loài cáo như câu chuyện kể trên.

Tôn giáo luôn khích lệ con người sống để hoàn thiện ứng xử cho bản thân mình với cộng đồng và không hề chủ trương sự chia rẽ bạo tàn. Một đất nước từng chịu nhiều cuộc chiến tranh xâm lược như Việt Nam luôn luôn nhạy cảm với danh xưng phản bội Tổ quốc, triệt tiêu và hủy diệt văn hóa, dù là vì ai và vì mục đích gì, dù có văn tự hay không có văn tự. Bởi cái gì nô lệ thì thường hướng đến sự ngoại thuộc, và ngược lại cái gì ngoại thuộc thì đem đến thái độ nô lệ, dù đó là nô lệ thế quyền hay thần quyền. Cái đầu nô lệ trước rồi đến cánh tay, con mắt và cái chân, vì vậy họ “muốn chết”, “quyết chết” cũng chỉ vì cái đầu đã đánh mất tự chủ. Một người đánh mất tự chủ thì vong thân, nô lệ cho niềm tin mù quáng. Một người đã trở thành nô lệ thì chẳng có tài sản gì khác để bán, ngoài việc ‘bán mạng” hay phải bám vào một cơ thể khác để sống. Vậy nên, giá trị mà họ tạo ra cho cộng đồng thấp hơn nhiều những ảo tưởng đang ngự trong đầu óc của họ. Kiếm lời bằng vật chất thì họ không đủ dũng mãnh như loài sư tử, nhưng dọn dẹp những thức ăn dư thừa mà loài sư tử để lại thì họ có thế mạnh.

Quyết tâm cho một “mùa gặt” năng suất là việc làm chính đáng. Nhưng “mùa gặt” chỉ tới khi trước đó người ta biết chăm chỉ gieo trồng và lao động một cách chân chính. Đất chẳng bao giờ phụ người có công, nhưng người lương thiện thì không bao giờ gặt trên cánh đồng mà mình không bỏ sức ra gieo trồng hay bảo vệ. Thái độ ăn mót nhưng ngạo mạn như loài cáo trong câu chuyện kia, nếu chẳng phải là sang chấn tâm lý của bản chất yếu đuối nhưng ảo tưởng vĩ cuồng thì cũng là biểu hiện sự phi nghĩa núp dưới đức tin tôn giáo.

Sự đổi thay trong nhận thức, tư tưởng của con người khi thì bình lặng, khi thì ồn ào, đó là điều tự nhiên giữa những người theo đuổi niềm tin tôn giáo, tư tưởng khác nhau. Tuy nhiên, trong quá trình cải đạo, rất nhiều máu và nước mắt của con người đã đổ xuống mà vẫn chưa có bài học nhân văn nào được rút ra. Hiện nay, thế giới vẫn xếp xung đột tôn giáo, sắc tộc vào những xung đột hàng đầu, gây bất ổn lớn đối với loài người. Thực tế hiển nhiên này khác xa với quan niệm tôn giáo là thánh thiện, phần còn lại của thế giới thuộc về tội lỗi.

wwwt (1).JPG

Ảnh: Hoithanh.com

Một mặt họ cho rằng mỗi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, mặt khác họ lại tìm đủ mọi cách như dụ dỗ tiền bạc, hay dùng hôn nhân để cưỡng bức, ép buộc để “cải đạo” người khác, thậm chí cuồng tín như “tuyên ngôn” trên dù phải chết. Do đó, việc cải đạo thường gây nên những diễn biến phức tạp trong đời sống xã hội.

Một niềm tin tôn giáo thuần khiết thì chẳng bao giờ ồn ào với những ngôn ngữ đầy tính kích động, gây hấn thù hằn dân tộc như vậy cả. Truyền thống Ki-tô giáo là sự khiêm cung và tìm đạo là một quá trình khổ luyện để đạt đến tình thương vô bờ bến đối với tha nhân. Với “tuyên ngôn” kia, người viết chỉ xem nó nhuốm màu sắc chính trị mà còn thể hiện một sự lạc đường trong nhận thức, khi cả thế giới đang cổ vũ cho những giá trị hòa hợp và hòa giải.

Mỗi người đều có quyền cổ xúy cho tư tưởng, niềm tin tôn giáo mà mình đang theo, và việc mỗi người tự nguyện hướng đến một niềm tin chân chính để tìm an vui thực sự cho chính mình và tha nhân cũng là điều đáng tôn trọng, khuyến khích, giống như mỗi người thích ăn một vị khác nhau. Nhưng mỗi khi đứng trước một lựa chọn và quyết tâm theo đuổi con đường ấy, thật không dễ dàng gì để họ có ngay được sự bình an, vững chãi. Vì thế, các cuộc cách mạng tư tưởng của nhân loại đều không gì khác hơn là phô bày sự ưu việt trong cách lý giải, tiếp cận cuộc sống của mình, từ đó xây dựng những nhân cách tôn giáo mà giá trị yêu thương, hòa giải luôn đứng ở vị trí hàng đầu. Nói đến đạo đức Ki-tô là lòng bác ái, nói đến đạo đức Phật giáo là tâm từ – bi – hỷ – xả. Nội chỉ theo đuổi với những suy nghĩ, lời nói và hành động như vậy đối với một người theo tôn giáo đã là điều không phải một sớm một chiều có thể thực hiện được.

“Tuyên ngôn thuộc linh” với nội dung trích dẫn trên, theo người viết, đã vượt tầm so với nhận thức của một tín đồ bình thường, chỉ ra sự vọng động cuồng si hơn là đạo đức của đức tin (theo nghĩa bình thường nhất là tôn trọng niềm tin tôn giáo của người khác). Tôn trọng niềm tin tôn giáo của người khác chính là tôn trọng mình. Ai đem sự tôn trọng đi thì nhận lại sự tôn trọng. Đó là định luật nhân quả.

“Chiến thắng chính mình là chiến công oanh liệt nhất” là niềm tin của người Phật tử, và nếu một ngày nào đó người ta không còn phải đau khổ vì tranh đấu, gây oán chuốc hờn thì nhân gian chính là Tịnh độ. Đối với người Phật tử, hợp đồng xã hội được hình thành trên cơ sở tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng mọi khác biệt và hướng đến sự hài hòa. Và điều tối thiểu mà một công dân bình thường phải hiểu là niềm tin tôn giáo không thể đặt ngoài đạo đức xã hội, hay thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Người viết xin dừng lời bằng câu trả lời trên Tuần báo Le Point (Pháp) của Đức Đạt lai Lạt ma về vấn đề cải đạo, hiện tượng không chỉ có ở Việt Nam: “Như thế thật không hợp lý: thế giới phải ngày càng cởi mở hơn. Quý vị thi hành việc cải đạo, đấy là một hình thức chiến tranh chống lại các dân tộc khác và các nền văn hóa khác không giống với dân tộc và văn hóa của quý vị. Như thế không đúng với thông điệp của Đức Chúa Trời!”.

Theo Báo Giác Ngộ

——————

(*) Trang bìa của cuốn “Peoples of the Buddhist World: A Christian Prayer Guide" [Các dân tộc của thế giới Phật giáo: Một cẩm nang cho Người cầu kinh Thiên Chúa giáo] do Paul Hattaway viết. Cuốn sách dày 416 trang ruột với trên 150 hình màu tuyệt đẹp nầy là một công cụ truyền đạo của các nhóm Tin Lành trong nỗ lực cải đạo người Á châu, đặc biệt người Á châu theo đạo Phật. (xem thêm: Nguyễn Kha, http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-136_4-9178_5-50_6-1_17-25_14-2_15-2/)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here