Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo thế giới Pakistan: Di sản văn hóa Gandhara bị bỏ rơi

Pakistan: Di sản văn hóa Gandhara bị bỏ rơi

142
0

Một viên chức của Bảo tàng Swat ở Saidu Sharif  cho biết: Các binh lính Taliban đã tàn phá tượng Phật, tu viện và các hình ảnh khắc tạc trên đá. Ngày 08-10-2007, phiến quân của Fazlullah đã phá bỏ tượng Phật thiền tọa cao gần 7 mét, được khắc tạc trên đá ở một đỉnh núi thuộc làng Jehandabad từ thế kỷ thứ VII. Đây là bức tranh nghệ thuật quý hiếm nhất sau khi các pho tượng Phật ở Bamiyan, Afghanistan bị phiến quân Taliban bắn phá hồi tháng 3 năm 2001.

Tuy nhiên, không chỉ có người Taliban phá hoại các kho báu cổ học mà chính cư dân địa phương cũng từng tham gia vào; họ đào bới, đập phá để lấy gạch, đá về xây nhà. Ở một số khu vực,  kẻ săn lùng kho báu cướp bóc nhiều địa điểm với hi vọng tìm thấy cổ vật quý giá hoặc của cải.

Nằm trong khung cảnh yên bình của thung lũng Jambil và con suối Marghazar, bảo tháp Batkara là một trong những trung tâm văn hóa Phật giáo quan trọng nhất và lâu đời nhất. Theo Bộ Khảo cổ và Bảo tàng viện Pakistan, nó từng là tu viện Ta-Lo, được các nhà hành hương Phật giáo Trung Quốc đến chiêm bái vào thế kỷ thứ V và thứ VII. Bảo tháp nằm ở phía đông, giáp với thủ phủ Udyana xưa, ngày nay là Mingora. Bảo tháp lớn nằm chính giữa, quanh nó có nhiều tháp, tu viện, và trụ đá. Về phía bắc có một tòa nhà cao lớn, xa hơn nữa và về phía tây là khu vực dân cư. Bảo tháp đã trải qua năm lần trùng tu…

Trong triều đại vua A Dục, Phật giáo rất hưng thịnh ở thung lũng Swat, sau đó truyền đến Trung Á và Trung Quốc từ thế kỷ thứ I trước TL đến thế kỷ thứ IV sau TL. Phật giáo để lại nhiều dấu tích dưới những hình thức như bảo tháp, tu viện, nghệ thuật, tiền xu, gốm sứ và nhiều loại hình nghệ thuật khác.

Đáng buồn thay, khu vực này, một thời là điểm đến du lịch quan trọng, đặc biệt dành cho Phật tử khắp nơi trên thế giới và đất nước cũng kiếm được khoản doanh thu lớn, nay đã trở thành hoang phế từ khi bạo lực nổi lên ở thung lũng này từ năm 2006.

Sanaullah, người phụ trách bảo tháp và cũng là nhà khảo cổ cho biết: “Trước đó, ở đây có một gò đất, nông dân từng đến đó đập lúa trong mùa thu hoạch. Khi đào bới đất, họ phát hiện nhiều đồng xu.  Một phái đoàn người Ý do nhà khảo cổ Domenico Faccenna dẫn đầu đã cố gắng khai quật vùng này từ năm 1956 -1962. Sau khi tìm hiểu các bước xây dựng, phái đoàn đã xác minh rằng bảo tháp có nhiều vật trang trí thuộc kiến trúc văn hóa Hy Lạp cổ đại trong thế kỷ thứ II trước TL. Trước năm 2006,mỗi năm có khoảng 20-25 phái đoàn du khách ngoại quốc đến chiếm bái; đa phần họ là Phật tử. Đây là nơi chiêm bái quan trọng đối với họ và đặc biệt là thích hợp cho những ai quan tâm đến thiền vì nơi đây rất yên tĩnh và trong lành.”

Nhà sử học danh tiếng Fazal Rabi Rahi cũng nhìn nhận tầm quan trọng của khu vực và nói với phóng viên báo Express Tribune: “Nếu các di tích lịch sử như thế tồn tại trong một quốc gia phát triển thì quốc gia đó sẽ có rất nhiều lợi thế. Ở châu Âu, các tòa nhà lịch sử và các công trình tưởng niệm hàng năm có hàng ngàn du khách đến tham quan và đất nước họ thu được một nguồn thu nhập rất lớn… Mặc dù hàng ngàn khu di tích lịch sử Phật giáo đại diện cho nền văn minh của Gandhara tồn tại khắp nơi trong thung lũng Swat và có thể giúp cho chúng ta thu được lợi nhuận, thế nhưng cả chính quyền cũng như ngành khảo cổ không hề quan tâm đến việc bảo tồn những di sản quý giá đang rơi vào tình trạng mục nát.”

Hamayun Firas, nhà hoạt hoạt động xã hội và cư dân ở Batkara rất đau lòng về tình hình bảo tháp hiện tại, ông nói: “Cách đây 30 năm bảo tháp này còn rất tốt, kiến trúc của nó rất tuyệt vời và màu sắc trang trí cũng như nước sơn còn rất đẹp nhưng nếu ngày nay bạn đến thăm thì chẳng thầy gì tráng lệ cả, thậm chí những hình ảnh được khắc tạc trên tường  cũng bị hư nát hoặc bị thất lạc. Vấn đề khác mà bạn luôn chứng kiến trong khu di tích lịch sử này toàn là chó và kẻ nghiện ma túy.”

Trong thời gian qua, các nhà khảo cổ đã khai quật được 9.484 pho tượng, 107 đồng xu ở khu vực Batkara. Bảo tháp này được xây dựng bằng đá và thạch cao khắc tạc lại cuộc đời của đức Phật thế nhưng ngày nay đã trở thành khu vực hoang phế vì sự thờ ơ của ngành khảo cổ học cũng như chính quyền địa phương.

(Theo Express Tribune)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here