Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Trên động Thất Diệp

Trên động Thất Diệp

155
0

Động Thất Diệp nằm trong khu quần thể của những thánh tích Phật giáo tại Rajagaha, thủ phủ của nước Ma kiệt đà xưa cũ. Tại khu vực này, chúng ta có thể viếng thăm đỉnh Linh Thứu, ngọn núi có hình dáng như đầu chim Kên kên. Trên ngọn núi thiêng này những bài kinh Đại thừa quan trọng đã được đức Phật tuyên thuyết. Xuống ngang lưng chừng núi là nơi Đề Bà Đạt Đa lăn đá hại Phật năm xưa vẫn còn nằm nguyên vẹn. Khu vườn xoài của y sĩ Phật tử trứ danh Jivaka dâng cúng đức Phật làm tịnh xá nằm cách đó không xa. Đi thêm một đoạn đường ngắn nữa là ngục thất giam vua Bình Sa Vương được A xà thế thiết kế chiều theo ý vua cha có cánh cửa sổ hướng về núi Linh Thứu để hàng ngày Bình Sa Vương có thể ngắm nhìn đức Phật đi thiền hành mà sanh khởi tín tâm trong chốn ngục tù. Và cách một khoảng không xa là Trúc Lâm Tịnh xá – vườn Thượng uyển của vua Tần-bà-sa-la dâng cúng để xây dựng Tịnh xá cho đức Phật và Tăng chúng cư ngụ.

Cánh đồng trước động Thất Diệp

Đườngng vào động 

Xe dừng lại bên vệ đường, chúng tôi bắt đầu lên núi. Động Thất Diệp nằm xoay mặt về phía trước có cánh đồng với nhiều ô thửa vuông vức. Đằng xa là khu di tích thành Vương xá. Hang động nằm sâu hút bên trong lòng núi, tiết diện không rộng lắm. Có lẽ do sự xói mòn của thời gian mà hang động ngày nay đã thu hẹp lại. Lối vào tối om. Chúng tôi phải dùng đèn pin để sọi đường mới có thể đi được. Bên trong còn một tảng đá lớn, bằng phẳng nằm ở vị trí trung tâm. Tại đây, cuộc kết tập kinh điển lần đầu tiên đã được tiến hành vào tháng thứ hai của mùa mưa thứ nhất khoảng 90 ngày sau khi đức Phật nhập Niết bàn. Đại hội gồm 500 vị A la hán, Tôn giả Đại Ca Diếp làm Chủ tọa, ngài Ưu Ba Li trùng tuyên Luật tạng, ngài A Nan trùng tuyên lại Kinh tạng. Cuộc kết tập diễn ra suốt trong bảy tháng dưới sự bảo trợ của vua A xà thế.

Đá núi cheo leo

Chỗ ngài A Nan ngồi thiền chứng quả A La Hán

 

Sau khi chiêm bái hang động chính xong, chúng tôi ra ngoài để thăm Tư thất nhỏ của ngài A Nan nằm kề bên phía tay trái. Nơi đây là chỗ mà ngài A Nan năm xưa đã ngồi tọa thiền nỗ lực để đạt được Thánh quả A la hán trong đêm trước khi đại hội kết tập kinh điển khai mở. Đứng tại nơi này, mọi người ai cũng cảm kính về Ngài, vị Thánh đệ tử Đa văn đệ nhất, suốt đời làm thị giả hầu cận đức Phật. Thế mà vẫn không được chấp nhận tham dự đại hội bởi lý do là Ngài chưa chứng đắc quả vị A la hán. Thật tội nghiệp hơn khi Ngài còn bị tăng chúng sát hạch bảy vấn nạn liên quan đến những vấn đề cá nhân mà trong quá trình hầu cận đức Phật Ngài chưa xử lý hết. Có thể đây là giọt cà phê đắng chát nhất cuối cùng mà Ngài phải nếm trải, để từ đó dốc hết năng lực tinh tấn tu tập nhằm đoạn các lậu hoặc, chứng đắc Thánh quả. Để rồi trong đại hội kết tập Ngài trở thành một nhân vật vô cùng quan trọng trùng tuyên lại toàn bộ Kinh tạng được ghi nhận trực tiếp từ kim khẩu của đức Phật không thiếu sót một lời.

Lần theo dấu xưa                                                 Thành tâm tưởng niệm

Động Thất Diệp đã đánh một dấu móc lịch sử vô cùng quan trọng sau kỳ kiết tập kinh điển. Mặc dầu trước đó thỉnh thoảng đức Phật cũng đã nhiều lần đến trú ngụ. Vì tại nơi đây, lời dạy của đức Phật được tái thiết lập, Tăng đoàn được cũng cố và phát triển vững mạnh trở lại sau sự hoang mang của Tứ chúng đệ tử khi đức Phật vắng bóng.
 
Thấy được tầm quan trọng này, đoàn chúng tôi đã sắp xếp một thời gian thích hợp cho chuyến viếng thăm hang động đặc biệt đó. Sinh tiền Hòa thượng Thích Thiện Siêu trong một chuyến hành hương Phật tích đã phát biểu rằng: dù đi đâu trong các Thánh địa Phật giáo Ấn Độ, nhưng động Thất Diệp bằng mọi giá Tôi cũng phải ghé thăm. Sau khi chiêm bái, đãnh lễ và xưng tán hồng danh Pháp bảo xong, chúng tôi chụp hình lưu niệm và mỗi người ai cũng thỉnh một viên đá và cây Bồ đề tại đây đem về thờ và trồng để làm kỷ niệm.

Nhỏ bé trước cửa hang

 
Kể ra, Thất Diệp động không tráng lệ và mỹ thuật như động Tân Cương, Đôn Hoàng…nhưng nó là hang động duy nhất, vô tiền khoáng hậu mang một giá trị tâm linh sâu sắc trong lịch sử Phật giáo trên thế giới. Người đến đây chiêm bái không phải trầm trồ ngợi khen những phiếm họa mang dáng vóc nghệ thuật đọc đáo, hay những công trình điêu khắc tuyệt tác. Mà đến đây ai cũng trào dâng một cảm xúc lạ kì. Dường như từng lời kinh năm xưa vẫn còn động lại trong từng phiến đá để ai một lần đến đây cũng đều được tận hưỡng âm thanh ấy, như đang lắng nghe từng bài pháp thoại được trùng tuyên bởi Chư vị Thánh đệ tử của đức Phật.
 
Ra về mà ai cũng cảm thấy luyến thương. Dường như âm vang của đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất năm xưa vẫn còn đó, năng lực của năm trăm Thánh tăng A la hán vẫn còn đây. Tất cả đều được bảo lưu trường tồn miên viễn xuyên suốt qua mọi thời đại, khắc sâu vào trong tâm trí của những người kính Phật, kính Pháp, trọng Tăng. Mỗi lần đọc tụng kinh điển là mỗi lần hàm ân công đức của Chư vị Thánh tăng trong kỳ đại hội. Và động Thất Diệp vẫn mãi lưu hương thấm nhuần mưa pháp, để gội sạch bụi trần trở về với thế giới chân như.

T.Đ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here