Hàng thêu Đức Thành nằm lọt thỏm giữa khu phố điện tử Phan Đăng Lưu sầm uất nhất Huế. Dù tuổi đã cao nhưng chủ nhân của cửa hiệu, lão nghệ nhân dân gian Lê Văn Kinh, vẫn niềm nở đón tiếp khách ghé thăm và say sưa nói về những bức tranh thêu.
Ông là thợ thêu hàng đầu của xứ Huế, một trong năm bậc thầy lão luyện của các nghề truyền thống ở Huế (thêu, đúc đồng, chạm khắc gỗ, ca nhạc truyền thống, diều) được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian. Còn các chuyên gia UNESCO gọi ông là “báu vật nhân văn sống”.
Nói về 14 bức tranh “Cáo tật thị chúng”, ông chia sẻ: “Hơn 10 năm nay ngày nào tôi cũng mất ăn, mất ngủ với bộ tranh thêu đang thực hiện. Mỗi bức một nét chữ, màu chỉ khác nhau nên đòi hỏi nhiều công sức, sự tỉ mỉ trong từng đường kim, mũi chỉ”.
Ông Kinh bảo thêu bài thơ “Cáo tật thị chúng” bằng tiếng nước ngoài chính từ sự tự ái nghề nghiệp. “10 năm về trước, khi nhóm nhà báo Mỹ đến tìm hiểu về nghề tranh thêu ở Việt Nam, họ tìm đến cửa hàng của tôi. Họ bảo Việt Nam có nhiều bài thơ hay trên sách vở mà sao tìm bài thơ trên tranh mỹ nghệ lại không có? Câu hỏi đó làm tôi suy nghĩ nhiều, lẽ nào trong hàng trăm nghệ nhân thêu nức tiếng Việt Nam lại không làm được việc đó”, ông Kinh kể.
Và bức "Cáo tật thị chúng" với nội dung: "Xuân đi, trăm hoa rụng/Xuân đến, trăm hoa cười/Trước mắt, việc đi mãi/ Trên đầu, già đến rồi/Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/Đêm qua sân trước một nhành mai" (theo bản dịch của Ngô Tất Tố) được ông chọn để thực hiện đến bây giờ.
Nghệ nhân dân gian Lê Văn Kinh tại Hàng thêu Đức Thành, số 82 Phan Đăng Lưu (TP Huế). Ảnh: Văn Nguyễn. |
Ngày ngày, ngoài việc bận rộn với các đơn đặt hàng khắp trong và ngoài nước, lão nghệ nhân luôn dành một khoảng thời gian nhất định để tự tay dệt, viết, thêu.
Trong số 14 thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga, Italy, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam…, tự tay ông Kinh dịch được 3 bản là tiếng Hán, tiếng Pháp và tiếng Việt. Các tiếng còn lại, ông phải nhờ người quen dịch. Dịch xong rồi ông lại gửi sang các quốc gia đó để nhờ kiểm chứng thêm một lần nữa mới yên tâm ngồi viết và thêu.
Công việc thêu thùa với ông thật đơn giản, nhưng khi bắt tay vào thêu bức “Cáo tật thị chúng”, không ít lần ông phải cắt ngang bức tranh để thêu lại. “Việc viết chữ để thêu đã khó, đến việc chọn màu chỉ cho từng bức thêu để phù hợp với phần nào văn hóa quốc gia đó lại càng khó hơn. Có những bức tôi bỏ cả tháng trời thêu xong nhưng không ưng lại dỡ ra thêu từ đầu”, nghệ nhân Lê Văn Kinh tâm sự.
Sinh ra trong một gia đình có ông nội và cụ thân sinh làm nghề thêu, từng nhận thêu hoàng bào cho nhà vua dưới thời Khải Định, Bảo Đại, nên ngay từ nhỏ, Lê Văn Kinh đã thừa hưởng được tất cả sự khéo léo của đường kim, mũi chỉ từ bàn tay tài hoa của những người thợ trong gia đình.
Năm 10 tuổi, Lê Văn Kinh đã có hàng chục tác phẩm thêu khiến nhiều người thán phục, trong đó có không ít tác phẩm đã được gửi đi triển lãm tại châu Âu, châu Mỹ. Năm 1958, ông đã thêu bức tranh "Bất khuất" tỏ rõ khí phách của nhà yêu nước Trần Bình Trọng, khổ 1,8×1 m, trong 9 tháng miệt mài kim chỉ để gửi đi triển lãm ở Mỹ…
Ông Kinh còn học thêm căn bản mỹ thuật hiện đại từ hai người thầy họa sĩ nổi tiếng ở Huế bấy giờ là Tôn Thất Đào và Lê Yên (nguyên hiệu trưởng Cao đẳng Mỹ thuật Huế). Vì vậy cách dựng hình, phối màu trên bức tranh thêu của ông trở nên linh hoạt, khắc phục được những điểm yếu của lối thêu dân gian truyền thống.
14 bức tranh thêu là công trình lão nghệ nhân tâm đắc nhất trong lịch sử dòng họ 3 đời làm nghề thêu tranh truyền thống. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Nhiều năm qua, nghệ nhân thêu Lê Văn Kinh đã thêu hàng nghìn bức tranh về những thắng cảnh của Huế như cảnh sông Hương, núi Ngự, lăng tẩm, đền chùa… với mong muốn giới thiệu cảnh đẹp của xứ Huế đến mọi người.
Đặc biệt, ông đã thêu tác phẩm "Tẩu lộ" (Đi đường) trong tập thơ "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khổ 59×94 cm bằng chữ Hán và chữ Việt, hiện được treo trang trọng trong cửa hiệu Đức Thành. Cả hai bức thêu này được thể hiện trên nền gấm màu trắng ngà, dệt bằng bảy màu chỉ khác nhau được gửi mua từ Thượng Hải (Trung Quốc).
Ông cũng dày công thêu bài thơ “Thiên Trường Vãng Vọng” của vua Trần Nhân Tông trên nền gấm đỏ dệt kim tuyến, chữ thêu bằng kim tuyến tỏ long kính trọng vị vua yêu nước.
Nghệ nhân Lê Văn Kinh bảo những bức tranh thêu bài thơ “Cáo tật thị chúng”, “Tẩu lộ” và “Thiên Trường Vãng Vọng” là báu vật của đời mình bởi cả tấm lòng của người thợ thủ công Huế gửi gắm vào trong đó và là niềm tự hào khi những bài thơ của Việt Nam trên chất liệu tranh mỹ nghệ được đông đảo bạn bè thế giới biết đến.
Nhiều bức thêu trong số này đã được du khách đặt mua. Riêng nghệ nhân Lê Văn Kinh mong muốn bộ tranh thêu “Cáo tật thị chúng” sẽ được giới thiệu tại các cuộc triển lãm ở trong và ngoài nước.
Nói về dự định của mình, ông tâm sự: “Trong năm 2011, tôi tiếp tục thêu thêm 6 bức tranh bằng 6 thứ tiếng khác của những nước lấy Phật giáo làm quốc giáo như: Lào, Thái Lan, Campuchia… để hoàn thiện bộ tranh thêu bài thơ ‘Cáo tật thị chúng’ bằng 20 thứ tiếng. Và nếu như còn sức, tôi tiếp tục dịch, viết và thêu ra nhiều thứ tiếng nữa!”.
Bài thơ được thêu bằng 14 thứ tiếng
|
||
Bức “Cáo tật thị chúng” bằng tiếng Nhật theo âm phương ngữ. | ||
Bằng tiếng Hàn Quốc theo âm phương ngữ được thêu chỉ đen ba màu đậm nhạt. | ||
|
||
|
||
|
||
|
||
|
||
|
||
|
||
|
||
|
||
|