Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Những kiến trúc khổng lồ ở Yên Tử

Những kiến trúc khổng lồ ở Yên Tử

128
0

Hệ thống cáp treo khổng lồ

Kiến trúc sư Lê Viết Lãm nhận xét: “Nhiều công trình kiến trúc của Công ty Tùng Lâm (công ty cung cấp dịch vụ cáp treo) như: nhà ga, phòng vé, đường dẫn đã che khuất một phần cảnh đẹp”. Anh chỉ cho chúng tôi các mái vòm của nhà ga cáp treo số 1 (chân Yên Tử), tự đặt câu hỏi: “Có cần xử lý to và cao thế này không? Từ sân chờ, du khách không thể nhìn thấy các ngọn núi phía sau”. Khu vực nhà ga số 2 (khu vực bên phải chùa Hoa Yên), xây dựng trên khu vực yên ngựa rất hợp lý, nhưng nhà ga số 3 (bên trái chùa Hoa Yên) thì choán không gian nhiều quá. Đứng từ Hoa Yên nhìn sang, dễ thấy công trình này không ăn nhập với khung cảnh của toàn bộ khu vực. Một công trình nửa cổ nửa kim, hai tầng, giống kiểu nhà sàn, quét sơn màu hồng bám vào một điểm nhô của núi. Nên khi du khách đứng ngắm cảnh từ phía chùa Hoa Yên xuống chân núi cảm thấy tầm mắt như có điểm vướng.

Một số ki-ốt tạm bợ (bên trái) xây bên cạnh chùa Đồng
Tôi cho rằng nhà ga này nên khắc phục bằng cách xử lý màu sơn, vì đập phá, sang sửa một công trình như vậy, trên núi cao là rất tốn kém và lãng phí. Màu xử lý như thế nào? Nên có gam màu trầm hơn. Với màu trầm, ta sẽ giải quyết được vấn đề “vướng tầm nhìn” hòa nhập với khung cảnh núi rừng, quan trọng hơn là công trình không tạo ra cảm giác tương phản với các công trình chùa, tháp quanh khu vực chùa Hoa Yên, chùa Một Mái.
Công trình nhà ga số 4 gần đỉnh An Kỳ Sinh được thiết kế giống như một bảo tháp. Đây là một công trình đẹp, nhưng quy mô thì quá to trong mối tương quan với những ngôi chùa trên đỉnh Yên Tử. Giống như người ta xây nhà, xây biệt thự, không ai lại xây một cái ga-ra hoành tráng, to cao vượt hẳn nhà chính cả. Mối tương quan không cân xứng này đưa đến cảm giác: hệ thống cáp treo là “chủ” của Yên Tử.
Khi bàn đến vấn đề này chúng tôi mong rằng trong tương lai, Công ty Tùng Lâm khi xây dựng những công trình kiên cố cần chú ý hơn nữa đến mối tương quan giữa các ngôi chùa và không gian thắng cảnh.
Hệ thống ki-ốt khổng lồ
Rất nhiều người tới Yên Tử, khi đã leo lên đến chùa Hoa Yên đều nhận thấy sự mất mĩ quan của hệ thống ki-ốt này. Nếu đứng từ nhà ga cáp treo số 3 nhìn sang khu vực chùa Hoa Yên, du khách không tránh khỏi cảm giác nhếch nhác. Vì từ khu vực này chỉ nhìn được vào phía sau các khu ki-ốt. Mà các công trình kinh doanh, dân sinh, tạm bợ, chắp vá này thường không chú trọng mĩ quan của hướng “cửa hậu”. Cảm giác nhếch nhác là điều không tránh khỏi.
Chúng tôi đếm được 10 ki-ốt được xây dựng khá kiên cố. Mỗi ki-ốt xây một kiểu, song tất cả đều đua nhau về chiều cao, thành ra, trông từ phía sau, những ki-ốt này trở thành một khối khổng lồ, che khuất chùa Hoa Yên. Đi cáp treo, càng lên cao nhìn xuống càng phản cảm.
Chúng tôi thấy rằng một số ki-ốt trong khối đã được sơn màu xanh để hòa nhập với môi trường rừng cây, mặc dù vậy, khối ki-ốt vẫn che khuất một góc đẹp của chùa Hoa Yên. Về lâu dài chúng tôi cho rằng cần phải di chuyển những ki-ốt này xuống vị trí thấp và khuất hơn để bảo đảm sự tôn nghiêm của chùa, sự hài hòa của kiến trúc danh thắng.
Ngoài ra, nhiều ki-ốt tạm xây dựng bằng vách tôn-khung sắt, lều bạt-khung tre nằm rải rác từ khu vực An Kỳ Sinh lên tới chùa Đồng cũng làm xấu đi hình ảnh Yên Tử.

Chùa Hoa Yên lấp ló sau khối ki-ốt, (ảnh chụp từ nhà ga cáp treo số 3)
Lần đầu tiên tôi lên Yên Tử là năm 1994. Lúc đó chùa còn nhỏ, dịch vụ gần như không có gì. Du khách phải ăn lương khô và uống nước suối, tối ngủ nhờ trong chùa, nằm nền đất lạnh, có khi còn phải ngủ ngoài trời. Nói thế để thấy vai trò của các ki-ốt, khu dịch vụ là rất quan trọng, ít ra là về nơi ăn chốn ở đối với những du khách hành hương dài ngày. Song, sự cần thiết đó không nên trở thành lý do để người ta xây dựng lan tràn nhiều ki-ốt tạm bợ, xấu xí.
Theo thống kê của UBND xã Thượng Yên Công, trên dọc tuyến di tích Yên Tử có 313 điểm kinh doanh, trong đó chỉ tính từ chân bến xe Giải Oan lên chùa Đồng là 279 điểm. Hai khu kinh doanh dịch vụ ăn uống ở chân bến xe Giải Oan, chùa Hoa Yên và 11 hàng quán quanh khu trụ sở nhà an ninh vốn đã được đấu thầu từ nhiều năm trước, cộng với nhà hàng Yên Sơn, là nhà nghỉ công đoàn của cán bộ nhân viên Trung tâm quản lý di tích Yên Tử, còn lại hơn 250 điểm hàng quán khác ở Yên Tử hiện đều phải nộp lệ phí thuê điểm theo từng năm.  
Chúng tôi được biết, hiện nay tỉnh Quảng Ninh chưa có phương án quy hoạch cụ thể cho các điểm ki-ốt, hộ kinh doanh tại Yên Tử. Mong rằng, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, việc chỉnh trang kiến trúc, quy hoạch các ki-ốt sẽ được đưa vào đề án quy hoạch, mở rộng khu danh thắng Yên Tử.
Theo QĐND

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here