Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Vài suy nghĩ về: Ý nghĩa tôn giáo và triết học...

Vài suy nghĩ về: Ý nghĩa tôn giáo và triết học trong hình ảnh đức Phật thành đạo

145
0

Trong khu rừng rợp bóng cây Tất-bát-la (Pippala) xứ Già-da, cách đây 2554 năm, cạnh dòng Ni-liên-thiền xanh mát, cuốn dợn bên dưới từng gợn cát trắng nhấp nhô, ánh bình minh đã ló dạng. Sau bao năm Bồ-tát Gotami đi tìm chân lý, trải gót khắp vùng đất lạ, cuối cùng đến nữa đêm thứ 49, nhằm vào ngày 08.12, giữa lúc sao mai mọc. Tuệ giác siêu việt đã bừng sáng trong nội tâm Ngài – một đức Phật xuất hiện tại thế gian và đạo Phật ra đời từ đó. Tất cả kinh điển ghi nhận hình ảnh này như một sự kiện trọng đại trong cả hai phương diện: Tôn giáo và Triết học.

 
Ấn Độ là đất nước của những huyền thoại tôn giáo – triết học. Trong lời giới thiệu cuốn “Lịch Sử Triết Học Ấn Độ”, Hòa thượng Thích Minh Châu viết: “Người Ấn Độ, đã tự ngàn xưa ngạc nhiên đồng thời sống hòa đồng với thiên nhiên, họ cứ tưởng như mỗi một con người chứa một mảnh thiên nhiên vậy. Do đó, tôn giáo tính và triết lý tính bắt đầu xuất hiện bằng những hình ảnh thực thể của huyền thoại thiên nhiên, và một sớm, triết lý tính và tôn giáo tính chuyển thành khối: đó là lúc các tôn giáo và triết học ra đời”. Sự kết hợp hài hòa giữa tôn giáo tính và triết học tính là đặc trưng không chỉ của Bà-la-môn giáo mà còn của  các tôn giáo ra đời sau đó, trong đó có Phật giáo. Trong khi phương Tây, triết học đi với khoa học tự nhiên và đối lập với tôn giáo thì ở  Ấn Độ, tôn giáo và triết học đều có mục đích chung là tìm tòi ý nghĩa đích thực của cuộc sống nhân sinh. Hegel cũng đã nhắc đến đặc điểm này khi nói tới triết Ấn Độ. Vì vậy, nếu chúng ta thống nhất rằng: tôn giáo không dừng ở niềm tin và nghi thức mà vươn lên trở thành một phương tiện thực hành chân lý và triết học không chỉ có nhiệm vụ suy từ để phát hiện chân lý mà còn là thực nghiệm chân lý đó trong cuộc sống nhân sinh, thì sự kiện đức Phật thành đạo quả là một cách mạng toàn triệt mang ý nghĩa phủ định biện chứng những giá trị tư tưởng tôn giáo và triết lý độc tôn thời bấy giờ. Từ khoảng 600 năm trước công nguyên, Bà-la-môn giáo đóng vai trò thống lãnh tư tưởng tại Ấn Độ. Trải qua ba thời kỳ từ Rig Veda, Bràhmara đến Upanishad, tư tưởng tôn giáo và triết học Bà-la-môn đã hình thành một hệ thống thống trị tinh thần trong lịch sử văn hóa Ấn Độ cổ đại. Điểm đồng quy của hệ thống này chính là sự thần phục trước thế lực thần khải độc tôn Bràhman thuộc về phương diện vũ trụ và Àman thuộc về phương diện tâm lý. Từ Bràhman có gốc Bràh có nghĩa là tăng trưởng, phát triển. Vốn có các nghĩa: lời cầu nguyện; quyền lực thánh thiện; cội nguồn của vũ trụ, thế giới. Mỗi con người mang trong tự thân một phần tử đồng thể với Bràhman gọi là Atman, bản chất của con người. Sự tu luyện chính yếu là hướng nội, thanh lọc phần thô thiển trong nội tâm bằng các phương pháp thực hành tôn giáo khác nhau với mục đích hòa nhập tiểu ngã Atman vào đại ngã Bràhman. Sự phủ định biện chứng đầu tiên mà đức Phật đã đem lại cho cả nền lịch sử triết học – tôn giáo Ấn Độ cổ đại là phủ nhận thái độ tôn sùng thần cách Bràhman. Đó là cuộc cách mạng thật sự, lật đổ không những những chủ thuyết đa thần của các Thánh ca Veda mà còn cả cái nguyên lý duy nhất độc thủ Bràhman. Hình ảnh đức Phật xuất hiện tại thế gian được các kinh điển Phật giáo thống nhất là một sự kiện hy hữu, khó thấy ở đời. Những điều quan yếu ở đây, trước hết và trên hết phải là đức Phật từ vị trí một con người tu tập và thành tựu Phật quả. Trong kinh Rohita – Tương Ưng Bộ kinh I, đức Phật đã tuyên bố “Chính trong thân dài một trượng này, ta tuyên bố thế giới, thế giới tập khởi, thế giới đoạn diệt và con đường đưa đến thế giới đoạn diệt”.
 
Theo đó, tu tập thân tịnh hóa bản thân tự thân không phải chỉ là đình hóa Bràhma mà còn là sự  phát huy năng lực Bi, Trí, bằng cách hành Ba-la-mật, vượt lên Bràhma và tiến đến đạo quả Phật. Sự  “thoái vị” của Bràhman được đánh dấu bằng hình ảnh Phạm Thiên Bràhma Mahapàti cung thỉnh đức Phật chuyển pháp luân trong đêm thành đạovà trở thành người hộ pháp.
 
“Bạch hóa đức Thế Tôn! Cầu xin đức Thế Tôn truyền dạy giáo pháp! Cầu xin đấng trọn lành truyền bá giáo pháp! Có những chúng sanh bị ít nhiều cát bụi vướng trong mắt, nếu không nghe được giáo pháp sẽ phải trầm luân sa đọa. Nhưng cũng có người sẽ ngộ được chân lý”.
 
Sự phủ  định biện chứng thứ hai được phô diễn tiến trình tư duy như thực đưa đến tuệ giác siêu việt của đức Phật. Đó là quá trình tu tập thiền quán trên hai cơ sở nhân duyên và  sự thoát ly. Như đã nói ở trên, thế  giới và nhân sinh quan theo hệ thống triết học tôn giáo Rig Veda đến các tông phái trong phong trào Upanishad chủ yếu là suy cứu làm sáng tỏ những yếu tố nào cấu tạo nên sự vật (trong đó có con người), những sự vật nào mới thực sự biểu trưng cho liên hệ giữa tạo hóa và con người và tìm ra những bí quyết, phương thuật trong tế lễ, ca tụng nhằm hiện sinh hóa được chư thần. Con đường đưa đến giải thoát, tạo sự hòa đồng nhất thể với Bràhman và các hệ thống thần linh được thể hiện bằng hình thức tế lễ, ca tụng, xướng lễ, hô thần nhất nhất đều phải quy theo pháp của Thánh kinh. Bởi Thánh kinh Rig-Veda là kho tàng lớn lao của bí chú, bí thuyết, là phương tiện giao cảm giữa con người và thần thánh. Thần thánh siêu hình mang chức năng phù hộ độ trì. Từ cơ sở hình nhi thượng đó, thiết chế xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ cũng định hình với bốn giai câp: giai cấp tế tự Bà-la-môn, giai cấp Sát-đế-lị tức bọn vua quan thuộc tầng lớp sanh từ miệng và đỉnh đầu của Phạm Thiên, nắm quyền thống trị và hai giai cấp bị trị thương gia và công nhân, thợ thuyền và nô lệ. Giai cấp Ba-li-a được xem là hạng cùng đinh trong xã hội bởi họ là người sinh ra ở dưới chân Phạm Thiên. Theo bộ luật Manu, họ chỉ có giá trị như loài súc vật, họ bị tước bỏ mọi quyền tự do của một con người. Không được thần thánh chấp nhận, họ gần như trở thành hạng sinh vật hạ đẳng trong thế giới loài người. Họ không có chổ đứng trong cái thế giới mà đấng sáng tạo chủ Bràhman đã tạo ra. Trong một bối cảnh xã hội đầy bất công và vô nhân đó, sự xuất hiện của đức Phật Thích Ca đã làm đảo lộn tất cả mọi hệ thống giáo điều ác độc. Trong đêm thành đạo đức Phật đã thực chứng chân lý duyên sanh, duyên diệt của vạn pháp hữu vi. Bằng tư duy xã ly qua các cấp độ thức thiền, tâm Ngài lắng dịu, trong sáng, ngoài hướng tâm về tam minh và liễu tri. Sự vận hành của toàn bộ thế giới nhân sinh qua bốn đế và mười hai nhân duyên, khúc khải hoàn đã vang lên: “ Quả thật vậy, khi các chân lý phát hiện hiển nhiên trước bậc thánh nhân đã có cố gắng và có thiền định, bao nhiêu hoài nghi đều tiêu tan, vì vị này đã thấu triệt chân lý và nguyên nhân”.
 
Thấu triệt duyên lý duyên khởi và bằng tư duy xuất ly khỏi những ảo kiến bóng hình hữu ngã vô minh, đức Phật đã thành tựu đạo quả chánh đẳng – chánh giác. Thế nhưng “đức Phật không hề  tự xưng mình là hiện thân của thần Vishnu, một thần linh mà kinh Bhagavadgita đã ca ngợi như vị  sanh ra để bảo vệ sự chân chánh, tiêu diệt tội lỗi và cũng cố đạo lý”. Ngài dạy: đạo quả  Phật không phải là của riêng Ngài mà đối với những ai chân chánh đi theo con đường của Ngài đã  đi đều có thể được giác ngộ như  Ngài – Tumhehi Kiccain àtappain àkkhãtàro tathàgata – “Các con phải tự nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là bậc đạo sư”. Trong kinh Trường Bộ (Difgha Nykàya) và Kinh Đại Bát Niết Bàn (Mahàpaarinibbàna), ta còn thấy có những câu khác như: “Hãy tự xem con là hải đảo của con. Hãy tự xem con là nương tựa của con. Không tìm nương tựa nơi ai khác”. Đức Phật thành đạo đã đánh dấu một thời đại mới trong lịch sử triết học và tôn giáo Ấn Độ. Con người bấy giờ là chủ nhân của chính mình. “Không có giai cấp trong máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn” là thông điệp hòa bình của đức Phật, mang giá trị phủ định toàn bộ hệ thống giai cấp không những cho xã hội thời bấy giờ mà còn cho cả xã hội ngày nay”. Sự tu luyện thanh lọc tâm hồn không phải chỉ là dùng lời để tế tụng, để giao thông với thần linh mà là nỗ lực tự chuyển hóa cái ngã thành vô ngã và vô ngã là hệ quả từ quy luật duyên khởi, vô thường. Vạn pháp từ thế giới vĩ mô đến vi mô luôn luôn vận động theo một trật tự hòa điệu: “Cái này có thì cái kia có, cái này không có thì cái kia không có”. Không một pháp nào tồn tại như một nguyên lý nhất thể, độc lập và chủ thuyết Bràhman như một đấng sáng tạo chủ hay cội nguồn của vũ trụ thế giới hoặc quyền lực thánh thiện tối cao, quy hướng của những hành vi đạo đức tôn giáo cũng thế. Bràhman cũng phải là một nguyên lý được phát hiện từ các pháp ngoài nó.
 
Phủ  định biện chứng thứ ba mang ý nghĩa tôn giáo  – triết học trong hình ảnh đức Phật thành đạo là tư tưởng trung đạo mà đức Phật  đã tự thân chiêm nghiệm trong quá trình đi tới giác ngộ. Trung đạo là con đường tư duy thoát ly cả hai cực đoan khổ-lạc, năng-sở, có-không… Say sưa trong niềm tin cuồng nhiệt và thực nghiệm chân lý bằng các phương pháp thực hành tôn giáo thiên cực, đa phần các tôn giáo trước đó đã rơi vào bế  tắc. Từ bỏ mọi lạc thú trần gian đức Phật đã tự thân trải qua sáu năn hành trì  khổ hạnh nhưng Ngài lại từ bỏ nó bởi vì Ngìa nhận thấy cả hai cực đoan khổ  hạnh ép lạc hay vui thú theo dục lạc đều không đưa tới giác ngộ. Chúng không lợi ích, không thiết thực, không liên hệ đến phạm hạnh và giải thoát. Trong kinh Mahasaccaka số 36 – Trung Bộ  I, đức Phật đã dạy cho Bà-la-môn Niganthaputta Saccaka về hai trạng thái tâm lý đưa đến hai kết quả khác nhau:
 
– Loại thứ nhất: thân và tâm đều không tu tập. Khi tiếp xúc lạc thọ liền tham đắm lạc thọ; khi lạc thọ mất đi, họ cảm giác khổ đau.
 
– Loại thứ hai: thân và tâm đều tu tập. Khi tiếp xúc lạc thọ thì không tham đắm lạc thọ. Vì vậy khi lạc thọ mất đi, họ không phải chịu khổ đau.
 
Trung đạo theo kinh tạng A-hàm còn là sự nỗ lực  đoạn trừ tát cả các phiền não của tự  thân. Như vậy, Trung đạo là tư tưởng khai sáng có giá trị cách mạng hết sức quan trong của đức Phật đối với hệ thống tư  tưởng triết học và phương pháp hành trì của các tôn giáo đương thời. Kinh Phạm Võng số 1, Trường Bộ kinh I đã giới thiệu 62 luận thuyết ngoại  đạo gồm 18 luận chấp về quá khứ và  44 luận chấp về tương lai. Kinh Sa-môn quả số  2 – Trường Bộ kinh cũng gián tiếp giới thiệu chủ thuyết của 6 đọa sư ngoại đạo, họ chủ trương thế giới hoặc là thường còn hoặc là đoạn diệt, hoặc do ngẫu nhiên mà thành. Mọi khổ đau và hạnh phúc của con người đều diễn ra như một vỡ kịch mà mỗi con người là những con rối quay cuồng trong bàn tay định mệnh… Đức Phật dạy họ như một chuỗi người mù dắt nhau đi, người đầu, người giữa và người cuối cùng đều không thấy, trên phương diện hành trì thì trung đạo là đời sống trọn vẹn với sáu hạnh thanh tịnh chơn chánh là chánh kiến, chánh tư duy, chánh tinh tấn, chánh ngữ, chánh nghiệp, cháng mạng, chánh niệm và chánh định. Sự thực hành này được thiết lập trên nền tảng của giới học, định học và tuệ học đưa đến sự đạp tan mọi ác kiến nhị biên, phóng cái nhìn bình đẳng, vô phân biệt vào thế giới sai biệt để thấy được thực tại như thật. Bởi giải thoát giác ngộ ở đây là giải thoát mọi sợi dây ràng buộc của vô minh, tham ái, chấp thủ, chứ không phải là chạy trốn cuộc đời, sống với thế giới của riêng mình. Đó là một quá trình chuyển đổi tâm lý và nhận thức thế giới mà các khoa học gia gọi là vũ trụ khách quan. Vì vậy, trung đạo có thể được xem như một biện chứng pháp đưa tư duy tiếp cận với thực tại nhằm phủ định các suy lý chấp thủ của hệ thống triết học Bà-la-môn giáo đương thời.
 
Hơn hai thiên niên kỷ rưỡi đã trôi qua, giáo lý đức Phật  đã theo quá trình phát triển sinh thành học trở  thành một hệ thống triết học – tôn giáo có sức thuyết phục lớn lao trên toàn cầu. Nhưng tất cả mọi giá trị tư tưởng chỉ là  phải được bắt nguồn từ tuệ giác siêu việt của đức Phật dưới cội Bồ-đề. Bước đi  đầu tiên bao giờ cũng là bước đi quan trọng nhất. Hình ảnh đức Phật thành đạo chính là sự  biểu hiện trọn vẹn của một nhân cách siêu việt như  Ngài Sri Radhakrishnan trong cuốn “Gautama the Buddha”  đã viết: “Nơi đức Phật Gotama, ta thấy một tinh hoa hoàn thiện của người phương Đông. Ảnh hưởng của Ngài trong tư tưởng và đời sống nhân loại là  một kỳ công hy hữu; cho đến nay không thua kém  ảnh hưởng của bất cứ vị giáo chủ nào trong lịch sử. Ngài là người đã dựng nên một hệ  thống tôn giáo và triết học vô cùng thâm cao huyền diệu. Ngài thuộc về lịch sử tư tưởng thế  giới”.
 
T.T.K

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here