Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Vùng ký ức

Vùng ký ức

147
0

Lớp học thật đông, lũ trẻ có khuôn mặt thật hồng, còn lấm lem bụi đất sau một quãng đường vượt đồi đến đây. Ngày đầu tiên, bọn chúng nhìn nhau bỡ ngỡ, xa lạ, đứa này lom lom nhìn đứa kia, vẻ mặt lầm lì cố hữu, không đứa nào mở miệng nói câu nào. Vậy mà, bây giờ thì đã như quen thân nhau lắm rồi, buổi học nào thiếu ai là bọn chúng nhận ra ngay. Cũng là buổi học đầu, Sư ngồi chơi với lũ trẻ hết một buổi sáng.

Sư kể những câu chuyện về tiền thân Đức Phật rất thú vị, bọn trẻ ngồi ngẩn người nghe một cách say sưa. Con suối bên cạnh cái am tranh nhỏ nơi Sư thường tĩnh tu, một vài chú cá nhỏ quẫy đuôi nghe tiếng nước bắn trong veo, nhìn ra con đường trúc xanh phía trước, chợt nhớ một thời Đức Phật ở Trúc Lâm Tinh Xá, ru hồn lũ trẻ vào một cõi xa xưa mà sống động vô cùng. Hình như có những năng lực nào đó khiến cho cái lớp học nhỏ của Sư phụ và những “đệ tử” con nít, khi nào cũng có được cảm giác trang nghiêm nhưng thật ấm áp và gần gũi.

Lớp học có bốn chị em có bốn cái tên rất dễ thương: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Chúng không phải là chị em ruột của nhau, mà gặp gỡ nhau dưới một mái ấm tình thương rồi kết nghĩa chị em. Không biết chúng kết thân với nhau từ lúc nào, chỉ biết khi Sư nghe kể thì chúng đã thân thiết với nhau lắm rồi. Hàng ngày ngoài công việc thường nhật phải làm ở trại trẻ, thường chúng rất ít khi rời nhau, ngay cả việc rủ nhau đến lớp học này, bốn mùa khi nào cũng ngồi chung một bàn, đó là “ranh giới” bất khả xâm phạm của bọn chúng. Mỗi đứa trong lớp học đều có một hoàn cảnh riêng, rất dài, rất buồn, điểm gặp gỡ chung của chúng là là khu mái ấm tình thương bên kia đồi, nơi nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em cô đơn, bất hạnh, không nhà.

Cuộc đời của Sư cũng có nhiều điểm ly kì. Sư cũng là người mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nhưng Sư may mắn được lớn lên và trưởng thành trong sự yêu thương của vị Thầy của mình. Rồi một ngày vị Thấy ra đi về cõi Phật, Sư lại một mình cất bước du phương, đến nơi phố núi hoang sơ này, dạo ấy còn thanh vắng và hoang dại lắm. Phần lớn người dân phố núi rất nghèo, rất cơ cực, họ chưa hiểu nhiều về giáo lý nhà Phật. Lũ học trò thì thường ngây ngô kháo nhau: “Sư phụ hiền như ông Tiên, kể chuyện về ông thần Phật rất hay”. Sư lại mỉm cười nhìn chúng, bao dung như một “ông thần Phật” trong trí suy nghĩ trẻ con, ngây thơ, non nớt. Lớp học ban đầu có khoảng 20 trò, rải rác từ hôm này sang hôm khác, sĩ số cứ tăng dần lên.

Có lẽ càng ngày tụi nhỏ càng mê tài kể chuyện của “ông thần Phật” nên có đứa tranh thủ lúc ba nó sau khi đi uống rượu về, lăn quay ra sân nằm ngủ ngáy khò khò, nó quáng quàng mặc vội chiếc áo học trò đã ngả sang màu úa vàng, lao đến chiếc am tranh để nghe chuyện. Có đứa vội vàng quá khi vào lớp vấp ngã, rớt lại một chiếc dép bên ngoài khóm trúc xanh làm những đứa khác cười ồ. Sư biết ở cái tuổi ăn, tuổi chơi cộng với bao gian khó nhọc nhằn thường nhật, có thể lũ trẻ chưa hiểu nhiều về Đạo Phật, nhưng với tâm hồn trẻ con, ngây thơ, chất phác và hồn nhiên như vậy, Sư đã dần dần dẫn dắt cho chúng những bước đi cơ bản đầu tiên trên con đường đến với Tam Bảo. Đó là câu chuyện về một vị Sư áo vàng, chân đất, từ phố thị xa trở về chốn phố núi mây bồng, cất một căn chòi lá đơn sơ, hằng ngày đùa chơi với lũ trẻ quanh đó bằng một cách truyền đạt, dạy bảo rất riêng của mình.

Những ngày đã qua, thật bình yên. Hằng ngày, sau giờ Sư đi khất thực vào mỗi buổi sớm, còn lại thời gian Sư dạy bọn trẻ học giáo lý nhà Phật. Sư dạy cho chúng biết thế nào là Phật, Pháp, Tăng, là quy y Tam Bảo, là nghiệp hay nhân quả, luân hồi… Rồi chúng dần dần được Sư chỉ bày cách niệm Phật, ngồi Thiền… am tranh nhỏ trở nên chật chội hơn so với số “thiền sinh” nhỏ tuổi. Sư mở rộng không gian ra ngoài vườn trúc, bên chiếc ao nhỏ có những bông hoa súng dại và dây leo rừng bò quanh. Các em đã biết thế nào là ngồi bán già, kiết già… mặc dù thời gian không lâu, chỉ một chút là chúng đã bắt đầu ngọ ngoậy, mắt nhắm mắt mở không yên nhưng Sư biết, với chúng, đó đã là những sự nỗ lực rất lớn. Con nít mà… Rồi có những ngày vì “mê” ngồi Thiền quá mà các bà mẹ tất tả chạy đi tìm con, rồi thở phào nhẹ nhõm khi thấy chúng ngồi “trầm tư mặc tưởng” bên cạnh một ông Sư áo vàng trong khu vườn trúc râm mát. Bên cạnh chiếc ao nhỏ, gió thổi nhè nhẹ làm tóc lũ trẻ bay bay phất phơ, nắng đùa chơi trên những bông hoa mận làm cho cảnh vật trở nên đẹp đẽ và nên thơ đến lạ.

Những lúc như vậy, các bà mẹ lại lặng người nhìn ngắm, rồi khẽ khàng ngồi xuống trong im lặng, thỉnh thoảng lại đưa ánh mắt lạ lẫm nhìn xung quanh,vừa chắp đôi bàn tay gân guốc, chai sạn nắng mưa lên trước ngực, vừa lẩm nhẩm theo một danh hiệu Phật mà mơ hồ không biết đã đúng hay chưa. Có người, những lần khác, rụt rè đến chỗ Sư, mang theo một ít gạo, muối, một ít măng rừng khô. Sư lại mỉm cười, trầm mặc chỉ cho họ những cách thức đầu tiên của việc cúng dường.

Nhiều năm trôi qua, ngôi thất nhỏ ngày nào giờ đã được xây dựng thành một ngôi chùa rất đỗi khang trang, cũng chênh vênh giữa phố núi, bao quanh là những ngọn núi cao chót vót, trùng điệp. Ở đó bây giờ đã có những thiền đường, điện Phật lớn, số Tăng sĩ cũng đã tăng lên nhiều. Chiếc ao nhỏ ngày nào đã biến thành một hòn non bộ hùng vĩ, bên trên được đặt một bức tượng Bổn Sư thật lớn lộ thiên. Chỉ rặng trúc xanh ngát là vẫn còn ở đó, được uốn theo con đường nhỏ lát đầy những viên gạch xanh lưu ly dành cho khách thập phương đến lễ Phật, vãng cảnh chùa.

Có một cánh chim trắng nào đó vừa vút bay lên, khi những âm thanh rộn ràng, ồn ã của nơi này không còn phù hợp với nó nữa. Hình như nó đã bay qua bên kia núi, nơi mà những sự ồn ào, náo động không thể tìm đến được. Hình ảnh ngày xưa của một vị Sư áo vàng, giờ không còn nữa. Nghe nói, sau khi nhắn gởi lại những điều cần thiết ngắn gọn với những người đệ tử của mình, Sư lại cất bước ra đi. Ngày Sư đi, không có lũ trẻ ngày xưa với tiếng cười hồn nhiên và những ánh mắt trong veo ngày nào, bọn chúng giò đã lớn và tản mác mỗi đứa một phương. Chỉ có những đứa trẻ có đủ cơ duyên trở thành đệ tử Sư thì đưa tiễn Sư nhưng Sư cũng chỉ cho tiễn đi một đoạn. Khi vừa cất bước đến đầu rặng trúc xanh vừa qua khỏi cổng chùa, Sư quay đầu lại, mỉm cười độ lượng rồi lại bước đi. Lần này thì thật sự, không ai biết Sư đã đi đâu, và đến chốn nào… Những đứa trẻ ngày xưa, có đứa sau này về tìm lại, và chúng chỉ còn được đi tìm Sư, được nhìn thấy Sư trong một vùng ký ức rất đẹp đẽ ngày xưa của mình. Nhưng chúng biết Sư mãi mãi vẫn còn ở đó, chờ chúng đến học bài, bên chiếc am tranh có rặng trúc xanh râm mát với lớp học rộn rã, hồn nhiên của thưở nào.

T.C

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here