Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Phật giáo và các vấn đề tính dục: Kỳ 4 (hết): Tan-tra...

Phật giáo và các vấn đề tính dục: Kỳ 4 (hết): Tan-tra thừa và tính dục

135
0

Thật ra thì Tan-tra thừa Phật giáo còn gọi là Kim cương thừa xuất phát trực tiếp từ Đại thừa, là một con đường toàn vẹn mang lại thể dạng của Phật. Tan-tra thừa hoàn toàn không đơn giản như một thứ kỹ thuật giúp giải thoát khỏi tính dục. Biểu tượng của tính dục nêu lên trong Tan-tra thừa mang mục đích trình bày sự kết hợp bất khả phân giữa các cực đối nghịch (polarités – polarities) trong tâm thức, trong vũ trụ và trong thực tế. Do đó các thần linh nam tính trong Tan-tra thừa tượng trưng cho các phương tiện thiện xảo (upaya) trên đường tu tập và các thần linh nữ tính mang tính cách đối nghịch tượng trưng cho trí tuệ (prajna) hay là sự hiểu biết Tánh không, giữ vai trò chứng nhận kết quả do phương pháp (upaya) mang lại. Trong lãnh vực tâm linh tính chất phân cực tính dục cho thấy phương pháp (nam tính) nếu không hướng vào một sự mở rộng (nữ tính) sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm. Cũng tương tự như thế, các hiện tượng trong vũ trụ (phân cực nam tính) chỉ có thể triển khai được trong môi trường không gian mở rộng (phân cực nữ tính) làm nền tảng (matrice – matrix) tiếp nhận hiện tượng. 

Tinh khiết hóa các hậu quả

Tâm thức mang bản chất giác ngộ tức là không gian mở rộng (thể dạng nữ tính) đón nhận và phối hợp với sự sáng tỏ (thể dạng nam tính). Các biểu tượng chủ yếu của Kim cương thừa gồm có vajra một cây gậy kim cương [kim cương chùy] tượng trưng cho nam tính và ghanta một cái chuông nhỏ tượng trưng cho nữ tính hay phân cực vũ trụ. Các biểu tượng của chư Phật được trình bày bằng sự kết hợp nam và nữ tính không hề hàm chứa tính cách truy hoan dù cho cố tình gán thêm cho chúng tính cách thiêng liêng !

Vậy đối với vấn đề tính dục xác thịt thì sao ? Tại Nhật bản, các học phái Chân ngôn tông (Shingon) và Thiên thai tông (Tendai) chính thống [Chân ngôn tông và Thiên thai tông là các tông phái xuất phát từ Tan-tra thừa] hoàn toàn loại bỏ các kinh sách tan-tra mang các biểu tượng có tính cách diễn đạt cụ thể. Trong các tông Chân ngôn và Thiên thai các biểu tượng tính dục được trình bày thật kín đáo, thần linh thuộc hai phái tính được xếp bên cạnh nhau và các biểu tượng đó được sử dụng như một kỹ thuật tinh khiết hóa các tác động của hậu quả và các cảm nhận ô nhiễm về hiện thực. Thế nhưng vào thế kỷ XII cũng có một chi phái Chân ngôn tông mang tính cách lệch lạc gọi là Tachikawa-ryu. Chi phái này chủ trương sử dụng thể dạng phúc hạnh của sự phối hợp tính dục trong mục đích mang lại sự giác ngộ. Thật ra Lão giáo chịu ảnh hưởng nặng nề hơn hết trước các dị giáo diễn đạt lệch lạc về Tan-tra thừa. Nhờ vào các ảnh hưởng lệch lạc đó Lão giáo thu hút được nhiều tín đồ và phát triển rất mạnh. Các nhà sư Phật giáo thuộc nhiều tông phái khác nhau phản đối tính cách "dị giáo" đó trong Lão giáo khiến Lão giáo bị cấm đoán ở Nhật vào thế kỷ XIV và các kinh sách Lão giáo bị đốt sạch.

Cakrasamvara (Hộ thần Hung tợn) và Vajravarahi (Nữ thần tượng trưng cho trí tuệ) tranh Tây tạng (chi tiết) thế kỷ XVI

Tại Ấn độ và Tây tạng kỹ thuật tu tập Tan-tra mang tính cách hoàn toàn nội tâm, do đó các biểu tượng tính dục thường được trình bày lộ liễu hơn. Tuy nhiên sự kết hợp với người phối ngẫu (mudra) chỉ có thể được xem là một phép tu tập giác ngộ khi nào người du-già đã đạt được một cấp bậc thật cao, phải có căn bản vững chắc về sự hiểu biết Tánh không, phát huy được lòng từ bi, chủ động được sự quán tưởng và các phép tụng niệm man-tra, cũng như các phương pháp luyện tập du-già về khí lực. Nếu xem cách sử dụng tính dục là một kỹ thuật loại bỏ sự bám víu vào thế tục thì hoàn toàn không hiểu gì cả về sự tu tập Tan-tra. Do đó cũng không nên ngạc nhiên khi thấy tính dục được sử dụng như một phương tiện biến cải : Tan-tra thừa là con đường chủ trương cách tu tập dựa trên sự biến cải giúp người tu tập biến đổi các thứ nọc độc tâm thần thành trí tuệ nhờ vào các phương pháp cực mạnh của du-già. Trong khi tính dục tầm thường của thế tục biểu hiện sự thèm-khát-bám-víu và lạc thú, thì Tan-tra biến thể dạng ấy trở thành thiêng liêng và xem đó là cơ hội giúp cảm nhận thể dạng phúc hạnh, xóa bỏ hoàn toàn thể dạng tâm thức thô thiển để thay vào đó bằng thể dạng tâm thức tinh khiết của ánh sáng trong suốt. Thông thường ánh sáng trong suốt chỉ thể hiện khi chết, thế nhưng khi chủ động được sự phối hợp tính dục sẽ tạo ra một thể dạng tương tợ như thể dạng tâm thức khi rời bỏ thân xác. Nhờ vào du-già "cái chết ngắn ngủi" và "u tối" của khoái lạc sẽ nhường chỗ cho các tia sáng rạng đông của ánh sáng trong suốt, khi thực hiện được thể dạng đó người du-già và người phối ngẫu đạt được sự tỉnh thức phát sinh trong lúc chết. Đây là một trong nhiều thí dụ nêu lên xung năng dục tính (eros) đi đôi với xung năng của cái chết (thanatos)…, (Philippe Cornu).

Vài lời góp ý của người dịch

Phật giáo sử dụng phương pháp phân giải để tiếp cận với hiện thực. Sự phân giải đó hướng vào hai chiều khác nhau, một chiều sử dụng sự phân cắt các hiện tượng đến cùng cực, đến chỗ không còn lại gì cả tức là tánh không của chúng. Chiều thứ hai hướng vào cách nhìn thật rộng lớn bao gồm tất cả mọi hiện tượng giúp quán thấy bản chất và các quy luật toàn cầu chi phối sự vận hành của chúng, chẳng hạn như nguyên lý tương liên giữa các hiện tượng (lý duyên khởi), nguyên lý vô thường, quy luật nguyên nhân hậu quả… Các bài viết trên đây đưa ra một số kết quả rút tỉa từ các phương pháp phân giải và cho thấy Phật giáo không tìm cách trực tiếp "xử lý" những tác động tai hại của tính dục, cũng không quy lỗi cho thân xác như là cơ sở làm phát sinh ra dâm dục. Trái lại Phật giáo phân tích xa hơn để chứng minh cho thấy mọi thứ khổ đau và thác loạn là hậu quả phát sinh từ sự bám víu trong tâm thức. 

Phật giáo Nguyên thủy tìm cách ngăn chận các tác động tai hại của tính dục bằng các giới luật khắt khe và các liều thuốc hóa giải. Phật giáo Đại thừa cũng sử dụng giới luật để hạn chế tác động của tính dục nhưng đồng thời cũng tìm cách vượt lên trên tính dục để mang lại một chút phóng khoáng trong kỷ cương đạo đức của người bồ-tát xuất gia hay tại gia giúp họ hành động hữu hiệu hơn. Phật giáo Tan-tra dựa vào một cách tiếp cận khác hẳn, đó là cách trực tiếp lợi dụng xung năng của tính dục hướng thẳng vào sự giác ngộ.

Ngày nay nhờ vào khoa học, triết học, xã hội học…chúng ta được thừa hưởng một sự hiểu biết phong phú hơn, vậy những hiểu biết đó có góp phần gì thêm cho Phật giáo trong mục đích hướng dẫn chúng ta tìm hiểu sâu xa hơn về tính dục và những tác động của nó hầu giới hạn những hậu quả tai hại và thác loạn do nó gây ra trong xã hội và cho mỗi con người chúng ta hay không ? Để trả lời cho câu hỏi trên chúng ta thử phân tích nguyên nhân của xung động tính dục dưới một khía cạnh khác, xa hơn cấp bậc thân xác và tâm thức bằng cách dựa vào khái niệm về bản năng xem sao.

Thật vậy chúng ta thường xuyên bị thúc đẩy bởi bản năng đủ loại. Trong số đó có ba thứ bản năng gây ra tác động mạnh nhất đó là muốn ăn, muốn dâm và sợ chết. Muốn ăn là biểu hiện của bản năng sinh tồn làm phát sinh ra sự bảo vệ miếng ăn, ngân hàng, tiền bạc, của cải, tranh dành, biển lận, tham lam, keo kiệt, súng đạn, chiến tranh, cướp giật, giàu sang, nghèo đói, dư thừa… Muốn dâm là bản năng dục tính hay truyền giống, đó là bản năng làm phát sinh sự ghen tuông, si mê, thất tình, "hạnh phúc", buồn khổ, mặc cảm, đâm chém, tự tử, tù tội…, bản năng đó biểu hiện dưới muôn ngàn thể dạng như phấn son, quần áo, nước hoa, thi phú ướt át, nhạc trữ tình, phim ảnh dâm ô, tiểu thuyết tình cảm… Sợ chết là bản năng tự vệ hay bảo tồn sự sống của chính mình, làm phát sinh ra triết học, tôn giáo đủ loại, y khoa, thuốc men, phù phép, luyện đan bất tử, sáng chế ra mọi cảnh giới cực lạc… với mục đích được sống mãi dưới bất cứ hình thức nào. 

Tóm lại thế giới của hiện tượng vô cùng phức tạp, thế nhưng nếu suy ngược về nguyên nhân làm phát sinh ra các hiện tượng thì cõi ta-bà đầy biến động này cũng không phải là phức tạp lắm. Bản năng muốn ăn, muốn dâm và sợ chết tác động, khống chế và điều khiển tất cả mọi sinh vật từ con người, muôn thú cho đến côn trùng và các sinh vật nhỏ bé, một cách vắn tắt là tất cả chúng sinh. Tác động của bản năng tạo ra sự bám víu và trói buộc mang lại khổ đau. Bản năng đó do đâu mà ra ? Do vô minh căn bản còn gọi là vô minh nguyên thủy buộc chặt chúng sinh vào chu kỳ hiện hữu. Sinh ra làm người, chúng ta mang bản năng của con người, sinh ra dưới thể dạng một con thú, chúng ta mang bản năng của một con thú. Nghiệp cá nhân tác động thêm vào đó tạo ra sự đa dạng của tất cả chúng sinh.

Khi ý thức được bản năng đang điều khiển và khống chế chúng ta, đương nhiên chúng ta phải tìm cách giới hạn tác động của chúng để tìm lấy tự do và giải thoát cho mình. Một cách đơn giản, nếu đủ ăn thì không cần phải tham lam, cướp giật, gây ra chiến tranh để bảo vệ của cải hay làm giàu thêm, nếu muốn truyền giống thì hãy nhìn vào gần bảy tỉ người đang đau khổ trên hành tinh này, nếu sợ chết thì thật là hoài công vì không thể tránh khỏi. 

Riêng đối với bản năng tính dục thì giáo lý Phật giáo đã dự trù trước các giới luật ngăn chận và các phương thuốc hóa giải. Giới luật trong Phật giáo Nguyên thủy nêu lên trường hợp cố ý hay vô tình phóng thải tinh dịch chẳng hạn, đấy chỉ là tình trạng lạc vào chi tiết hay ít ra cũng chỉ là một hình thức câu nệ và bám víu. Phật giáo Đại thừa tỏ ra phóng khoáng hơn đối với người bồ-tát, thế nhưng muốn được hưởng tính cách phóng khoáng trong giới luật thì phải là một người bồ-tát trước đã. Sự bành trướng của tông phái Tan-tra thật giới hạn so với các tông phái khác, số người tu tập cao thâm có thể lợi dụng được sức mạnh của tính dục trên đường giác ngộ quả thật vô cùng hiếm hoi. Người tu tập có thể nhìn vào tấm gương của Đức Đạt-lai Lạt-ma, Ngài là một người tu tập theo Phật giáo Tan-tra thế nhưng Ngài là một nhà sư hoàn toàn đoạn dục.

       Bures-Sur-Yvette, 02.12.10  
        Hoang Phong chuyển ngữ

 

(Hết)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here