Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Phố cổ Gia Hội, một mai có còn?

Phố cổ Gia Hội, một mai có còn?

130
0

Tìm về nguồn cội của khu phố cổ

Vào thế kỷ 19, khu Gia Hội là trung tâm buôn bán sầm uất giữa người Hoa và Việt. Vị trí thuận lợi nên việc buôn bán ở đây ngày càng tấp nập, người Hoa tụ tập về nơi này ngày một đông. Họ lập ra các bang lấy tên  theo bản quán ở Trung Quốc như Phúc Kiến, Triều Châu, Quỳnh Phụ.

Ngày nay, khu Gia Hội của TP Huế gồm 3 phường Phú Cát, Phú Hiệp và Phú Hậu như một ốc đảo nằm gọn giữa sông đào Đông Ba và sông Hương. Cũng tại nơi này, Phố chợ Dinh khi xưa được các ông hoàng, bà chúa thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn chọn để xây cất dinh thự, phủ phòng và đồng thời cũng là nơi ở của các thương gia, quan lại.

Con đường chạy thẳng từ cầu Gia Hội về chợ Dinh mà người Huế vẫn thường gọi là Gia Hội, nay là Chi Lăng. Đây là khu chợ người Hoa với 8 nhà hàng lớn có tên chung là Duyên giang bát tràng (8 nhà hàng ở ven sông). Còn con đường chạy dọc sông Đông Ba vuông góc với đường Chi Lăng, ngày xưa có tên là Hàng Đường nay được đổi thành Bạch Đằng.

Trên bản đồ Huế được vẽ vào khoảng đầu năm 1886, một tác giả người Pháp đã ghi rõ khu vực Gia Hội là “ville marchande” tức là phố thương mại. Tại đây có đền Chiêu Ứng, một công trình do người Hải Nam xây dựng vào năm 1887 mang nhiều ý nghĩa lịch sử văn hóa và giá trị nghệ thuật. Nhưng kể từ năm 1999, chợ Đông Ba được dời ra đường Trần Hưng Đạo và là trung tâm thương mại của TP Huế thì Gia Hội trở thành một khu phố cổ trầm mặc.

Ngôi nhà cổ này có thể sập bất cứ lúc nào

Trải qua bao thăng trầm và biến đổi cùng thời gian, đến nay những ngôi nhà cổ nằm trên khu phố này đang dần xuống cấp với tốc độ chóng mặt, chỉ khi tận mắt chứng kiến những gì đang xảy ra tại đây thì chúng tôi mới ngỡ ngàng trước sự hờ hững của cơ quan chức năng với một khu phố cổ có bề dày lịch sử và giá trị văn hóa như phố cổ Gia Hội.

Phố cổ trước nguy cơ xóa sổ

“Xem trên báo và tivi, biết tỉnh muốn bảo tồn phố cổ Gia Hội để làm du lịch nhưng đến giờ chúng tôi vẫn chưa rõ thế nào là nhà cổ, phố cổ”-anh Nguyễn Xoa, chủ một ngôi nhà cổ cho biết. Có lẽ vì thiếu sự hướng dẫn của cơ quan chức năng nên người dân ở đây vẫn mông lung, không biết phải xử lý ra sao khi các ngôi nhà cổ ở đây đều hơn 200 năm tuổi đang trong tình trạng “nhà dột cột xiêu”. Một số ngôi nhà đã bị sụp đổ hoàn toàn chỉ còn lại bờ tường, số còn lại ở trong tình trạng xiêu vẹo, tan hoang và không ít chủ nhà đã phá bỏ sự cổ kính để xây cất nhà mới theo lối hiện đại.

Theo lời chỉ dẫn của anh Xoa, chúng tôi tìm đến ngôi nhà cổ tồi tàn nhất của vợ chồng ông Đào Minh Tuấn và bà Ngô Thị Sương, chủ ngôi nhà cổ 88, đường Bạch Đằng. Phải can đảm lắm chúng tôi mới dám bước vào ngôi nhà cổ xập xệ đang chực sập xuống này. Ông Tuấn loay hoay dẹp cái cửa chính đã mục nát đang sửa dở qua một bên khi thấy có khách đến. Tưởng khách du lịch đến tham quan, ông Tuấn niềm nở nhưng khi được giới thiệu là phóng viên đến tìm hiểu về nhà cổ thì ông Tuấn từ chối vì… ngại. Thuyết phục mãi, cuối cùng ông Tuấn mới đồng ý để chúng tôi tìm hiểu. Ngôi nhà cổ của ông Tuấn đã qua ba đời chủ, hơn 200 năm tuổi và hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Vì kinh phí phục hồi nhà cổ quá lớn nên vợ chồng ông Tuấn chỉ biết lấy đòn gỗ chống đỡ tạm bợ và mong sao nó đừng sập để còn chỗ mà ở. “Nhà cửa xiêu vẹo như ri tui cũng sợ bị sập lắm, phá bỏ rồi xây mới thì không có tiền lại mất đi vẻ cổ kính nên để vậy cho du khách tham quan”-ông Tuấn chia sẻ trong nỗi buồn.

Ông Tuấn đang cố sửa lại cánh cửa đã mục nát

Nhìn những ngôi nhà xập xệ có thể đổ bất cứ lúc nào nhưng những hộ dân này vẫn cố gắng tìm mọi cách chống đỡ để sống chung với nó. Không có đến một chỗ khô ráo để ngồi ăn cơm khi trời mưa-là tình cảnh chung của những con người đang sống trong những ngôi nhà cổ nơi đây.

Đến nay đã có rất nhiều hộ dân tự tay tháo dỡ nhà cổ để xây mới chỉ vì… sợ sập. Trước nguy cơ khu phố cổ bậc nhất của Cố đô Huế có thể biến mất, UBND phường Phú Cát cũng như Ban chỉ đạo Dự án phố cổ TP Huế đã có nhiều biện pháp song vẫn chưa đem lại hiệu quả. “20 triệu đồng là quá ít để trùng tu, sửa chữa lại nhà cổ và nếu nhận số tiền này thì sau này mình muốn bàn giao nhà cho con cũng không được”-ông Tuấn bức xúc trước những lý do ràng buộc của cơ quan chức năng.  

Mang những băn khoăn ở khu phố cổ tới UBND phường Phú Cát, chúng tôi gặp được ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND phường. Ông Phú cũng bày tỏ tiếc nuối về sự xuống cấp của những ngôi nhà cổ Gia Hội, cách đây vài năm, tỉnh Thừa Thiên-Huế có chính sách hỗ trợ, kêu gọi người dân chung tay hợp tác bảo vệ phố cổ nhưng vì nhiều lý do ràng buộc nên người dân không đồng tình. Nay, những ngôi nhà cổ còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay và đã rất cũ nát. Ông Phú cho biết, hiện tại tỉnh vẫn chưa có chính sách cụ thể để hướng dẫn phường trong việc thực hiện trùng tu khu phố cổ Gia Hội. Về phía mình,  phường Phú Cát đang soạn thảo văn bản để xin ý kiến của cấp trên, nhằm tìm ra những phương án thiết thực giúp đỡ người dân cũng như “cứu” các ngôi nhà cổ…

Rời khu phố cổ, chúng tôi không khỏi thắc mắc trước những biện pháp khắc phục mang tính tạm thời của những cơ quan hữu trách. E rằng, khi có giải pháp cụ thể thì khu phố cổ Gia Hội đã biến mất. “Ai cũng muốn Huế đẹp hơn nhưng chỉ dân tụi tui thì không thể đủ sức để cứu khu phố cổ. Nếu mình đồng lòng, đồng sức, tin rằng một ngày không xa, phố cổ Gia Hội sẽ trở lại như xưa”, câu nói đầy trăn trở của anh Nguyễn Xoa, cũng là tiếng lòng của phố cổ này.

Theo QĐND

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here