Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Ai đã mua được bức tranh CHIỀU TÀ của Hàm Nghi ?

Ai đã mua được bức tranh CHIỀU TÀ của Hàm Nghi ?

141
0

Tác phẩm CHIỀU TÀ (Déclin du jour) kí tên Tử Xuân đề năm 1915 đã được bán ở mức 8.800 Euro (11 700 USD) khi nhát búa gõ xuống bàn đấu giá Phòng 1 Khách sạn Drouot, Paris, vào lúc 14g57 ngày thứ tư 24 tháng 11-2010.

Đây là lần đầu tiên, một tác phẩm hội họa của cựu hoàng Hàm Nghi (Nguyễn Phúc Ưng Lịch, 1871-1944) được đưa ra bán trên thị trường. Như chúng tôi đã đưa tin, tháng 11 năm 1926, người bạn thân của ông, nữ nghệ sĩ Suzanne Meyer-Zundel, đã tổ chức — lần đầu tiên và có lẽ một lần duy nhất — một cuộc triển lãm tranh và tượng của ông. Năm 2008, khi chuẩn bị giúp đoàn của đạo diễn Nguyễn Hồ thực hiện bộ phim tư liệu 70 tập Đi tim dấu tích Ba Vua, chúng tôi đã tìm ra danh sách những tác phẩm của "ông hoàng An Nam" đã được trưng bày tại Galerie Mantelet (rue de la Boétie, Paris 8), nhưng rất tiếc, cho đến nay, vẫn chưa có tài liệu lưu trữ nào cho biết những ai đã mua được tác phẩm nào nhân dịp này. Cho đến nay, chỉ biết cháu ngoại của nhà vua (con công chúa Như Lý) vẫn giữ trong vòng gia đình những tranh và tượng mà bà Marcelle Laloë (kết hôn với Hàm Nghi năm 1904) đã mang về Pháp vào đầu thập niên 1960. Được biết, khi rời biệt thự Gia Long (khu El Biar, Alger) một năm trước ngày Algérie giành được độc lập, bà Laloë vẫn để lại ở ngoài vườn những bức tượng lớn. Theo người cháu nội duy nhất của nhà vua (con người con trai ngoại hôn) thì sau năm 1962, chính phủ Algérie đã đưa những tác phẩm này vào một viện bảo tàng ở Alger. Một lần nữa, chúng tôi mong rằng Bộ văn hóa và Bộ ngoại giao Việt Nam nhận thức được ý nghĩa của việc đi tìm dấu tích những di vật ấy và đặt vấn đề với nước bạn.

Trong hoàn cảnh ấy, chúng ta hiểu tại sao hiện nay chưa có một vựng tập các tác phẩm hội họa và điêu khắc của nghệ sĩ Hàm Nghi, chưa thể có những chuyên gia thẩm định nguồn gốc xác thực của mỗi tác phẩm, và tất nhiên, chưa có bảng giá trên thị trường mĩ thuật. Bởi vậy, trong vựng tập của văn phòng M & A (gồm 228 tranh tượng mang ra bán đấu giá ngày 24.11.2010), Chiều tà được ước định giá ở một mức khiêm tốn : từ 800 đến 1 200 Euro, và mở đầu cuộc đấu, đại diện M & A ra giá là 1000 Euro(1330 USD).

Đại diện công ti SVV Millon & Associés  gõ búa vào lúc 14g57, chấp nhận giá cuối cùng là 8 800 Euro. Hình bức tranh CHIỀU TÀ được chiến trên màn ảnh (trên cao, góc trái).

Đó là lô số 41. Nửa giờ trước đó, bức tranh Chiều trên (đảo) San Giorgio (Venise) của Félix Ziem (1911), lô 17, đã được ngã giá 59 000 Euro (nằm trong giai phổ ước tính 40 000/60000). Một phút trước, lô 40, Dạ vũ hóa trang của Frédéric II Dufaux (1943), được gõ búa ở giá 15 000 Euro (ước tính từ 10 000 đến 15 000 Euro).

14g52, lô 41. "Tranh của Hoàng đế Hàm Nghi, 1915, 35 cm x 46cm", nữ nhân viên đấu giá nhấn mạnh : "một tác phẩm phi thường (exceptionnelle)". Quả là phi thường, biệt lệ. Người ta có thể tranh cãi về giá trị nghệ thuật, về bút pháp của một họa sĩ nghiệp dư, cầm kỳ thi họa không phải là một nghề, có thể là đam mê, và chắc chắn là nơi ẩn náu của một con người xuất chúng, bắt đầu tuổi tráng niên là một kiếp đọa đầy. Trong phòng đông nghẹt người (người đứng có lẽ còn đông hơn người ngồi), bỗng im phăng phắc. Góc trái, góc phải, những bàn tay giơ lên : người tham gia đều là người Việt Nam, trung niên có, cao niên có. 1000, 1500,… 2600, … Người đứng bán trên bục quay lại phía sau : một nhân viên, điện thoại ép tai, ra dấu : 3000. Từ lúc ấy, là cuộc đấu giữa hai phụ nữ một ngồi, một đứng trong phòng, và một lệnh mua qua điện thoại viễn liên : 5000, 5500,… Điện thoại : 8000. trong phòng : 8100… Điện thoại 8500. Trong phòng có ai trả hơn ? Không có ai ? 8600 ! Điện thoại đáp ngay : 8800. Trong phòng không có ai ? Một, hai, ba. Cái búa gỗ gõ nhẹ trên mặt bàn. Máy ảnh của tôi ghi thời điểm 14g57. Chiều tà đã được bán với giá 8 800Euro, gấp gần 9 lần định mức ban đầu. Nó đã về tay một người chủ vô danh (và theo lệ, văn phòng đấu giá sẽ không công bố tên người mua nếu không được phép, cũng như họ sẽ chỉ thông báo tên người bán cho riêng người mua). Nhưng ở những phút giây quyết định, người ta có cảm tưởng rất rõ : ở đầu kia của đường dây điện thoại, ai đó đã quyết tâm, và có khả năng, đi tới cùng của cuộc đấu, bất luận người trong phòng muốn đưa giá lên tới mức nào. Có lẽ vì cảm thấy điều ấy, mà bàn tay phụ nữ trong phòng đã giơ lên lần cuối cùng ở giá 8 600.

Khi chiếc búa gỗ của BTC gõ nhẹ xuống bàn đấu giá, bức tranh với giá 8.800 Euro đã không về Huế trong sự tiếc nuối của bao người Việt Nam đang có mặt!

Ai là chủ nhân của tác phẩm mà Tử Xuân Hàm Nghi đã vẽ cách đây gần một thế kỉ ? Có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết. Chỉ biết đó không phải là Thành phố Huế, tuy Huế đã ủy quyền cho Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tham gia cuộc đấu giá, và theo tin của chúng tôi, người thay mặt sứ quán đã phải ngừng ở mức mà Ủy ban Nhân dân Huế đã định trước (hay đúng hơn, đã ngừng ở một mức cao hơn hẳn, nhờ sự hưởng ứng "góp phần" của một Việt kiều Mạnh Thường Quân khát khao mong muốn di vật quý báu của nhà vua yêu nước cuối cùng sẽ trở về hoàng thành, nơi nhà vua trẻ tuổi ra đi từ  năm 1888). Ra khỏi phòng đấu giá, nhiều Việt kiều còn đứng một lúc lâu, trao đổi cảm tưởng, thông tin, ước đoán. Không ít người nghĩ rằng người mua chắc phải là một "đại gia", nếu không ở Việt Nam thì cũng đang kinh doanh phát đạt ở Nga, ở Tiệp…

Tất cả các giả định đều có thể, nhưng không có gì chắc chắn. Người viết bài này vốn lạc quan, muốn "bỏ phiếu" cho một kịch bản lạc quan nhất : đại gia ấy là một người thiết tha tới những giá trị lịch sử, văn hóa, biết kết hợp đam mê của mình với công đoạn "PR" của một doanh nhân hiện đại. Bởi vì hiến tặng họa phẩm này cho một viện bảo tàng Việt Nam — tất nhiên phải là một viện bảo tàng xứng đáng và có khả năng, kĩ năng bảo quản, không thể để trong một cái tủ kính bám bụi mà du khách phải chứng kiến ở các lăng tẩm và phòng trưng bày ở Huế những năm qua — là một hành động văn hóa vô giá, và một cách quảng cáo quá rẻ so với kết quả sẽ đạt được.

Nói tới tranh, người viết lại nhớ tới một bức tranh trong câu chuyện ngụ ngôn "ông K" của văn hào Đức Bertolt Brecht. Chuyện rằng : có người hỏi ông K "mến ai thì ông làm gì ?". "Tôi vẽ chân dung anh ta". "Rồi sao nữa ?". "Rồi tôi làm cho anh ta giống bức chân dung".

Tôi không phải là họa sĩ. Nhưng tối nay, tôi muốn vẽ chân dung người chủ bức tranh "Chiều tà".

N.N.G (Báo Diễn Đàn)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here