Trang chủ Thiền môn xứ Huế Lần tìm dấu tích các ngôi Bảo tháp xưa ở Thừa Thiên-Huế....

Lần tìm dấu tích các ngôi Bảo tháp xưa ở Thừa Thiên-Huế. Kỳ I: Rừng thiền Lâm Lộc

147
0

Theo sự chỉ dẫn của các bậc cư sĩ cao niên, chúng tôi đã lần tìm những dấu chân của các bậc cao tăng qua những ngôi bảo tháp cổ – nơi lưu giữ nhục thân, pháp khí, pháp cụ của tiền nhân trong hoài niệm về một thời và với ưu tư của người hôm nay về việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Phật giáo…

Phật giáo Thuận Hóa-Phú Xuân-Huế khởi xướng và thịnh hành nhất có thể là vào giai đoạn các chúa Nguyễn (tức từ 1558 đến 1801). Thời đó, Thuận Hóa tuy chưa là kinh đô của một đất nước nhưng đã là thủ phủ của xứ Đàng Trong, nơi tụ hội của anh hùng hào kiệt và lẽ tất nhiên các thiền sư khắp nơi đã tìm về đây để tu hành và giáo hóa đồ chúng.

dautich-1.gif

Toàn cảnh tháp Thiền sư Tế Quả

Vùng đất mà các thiền sư chọn lựa để tu hành và hoằng hóa là vùng phía Nam sông Hương. Vùng đất này thuở xưa còn có tên chung là vùng Lâm Lộc, là nơi lắm thú dữ và thảo khấu thường chọn là chốn ẩn núp. Sau đó, có rất nhiều vị thiền sư chọn lựa dựng tích trượng lập am tranh để tu hành. Những người đầu tiên là chư Tổ từ Trung Hoa sang như Tổ Giác Phong, Tổ Từ Lâm, Tổ Khắc Huyền, Tổ Huyền Khê, Tổ Nguyên Thiều… Cùng với đó, các vị thiền sư người Việt Nam đầu tiên cũng đã đến đây học đạo và nhiếp hóa đồ chúng như Tổ Sư Liễu Quán (1667-1742), và sau đó chư vị thiền sư là đệ tử của Tổ Liễu Quán…

Trong nhiều vị Tổ sư, thiền sư tu hành trong "rừng thiền Lâm Lộc" đó, có vị còn lưu lại dấu tích, tháp mộ, bia văn cho hậu thế. Nhưng cũng có rất nhiều vị đã "không lưu dấu tích" thì đang ở đâu. Liệu được mấy ai trong lớp Tăng Ni trẻ hôm nay biết và có tâm ý muốn tìm lại những dấu tích xưa của các Ngài đã ở đâu giữa chốn bạt ngàn rừng núi này. Chúng tôi đã nghe kể về hành trạng của chư Tổ, được biết nhiều vị có những đặc dị trong đời sống tu hành, nhưng mãi đến hôm nay mới có duyên lành được các đạo hữu cao niên hướng dẫn băng rừng, lội suối, vượt dốc núi hiểm trở để tìm lại dấu tích xưa.

dautich-2.gif

Bảo tháp Thiền sư Tế Quả nghiêng khoảng 50

Dấu tích đầu tiên mà chúng tôi tìm đến là ngôi bảo tháp nằm nghiêng nghiêng và khiêm tốn giữa rừng thông bao la thuộc thôn La Khê u tịch. Ngôi bảo tháp nhỏ nhắn, cao khoảng 2m đã bị lún nghiêng về khoảng 50, văn bia khắc chữ "Tự Lâm Tế chánh tông, tam thập lục thế, thượng Thông hạ Tải, húy Tế Quả lão đại sư chi tháp", lạc khoảnh bên phải ghi "Tân Mùi khánh sanh, thế lạp lục thập lục thập nhị tuế, lạc khoảnh bên trái ghi "Nhâm Thân, thất nguyệt, thập thất Ngọ thời thị tịch". Như vậy, rất rõ ràng, đây là ngôi bảo tháp của Thiền sư Tế Quả thuộc đời thứ 36 dòng thiền Lâm Tế (pháp phái Liễu Quán), viên tịch năm Nhân Thân (1752) tức cách đây đã 258 năm.

Đứng ở vị trí của ngôi bảo tháp này trông ra bốn phương tám hướng thì thấy núi liền trời, trời liền mây một dãy xanh tươi bát ngát, phía trước là khe Chiêu Ê, sau lưng là núi cao hiểm trở mà liên tưởng ngày xưa, Thiền sư Tế Quả đã đến đây bằng cách nào, và đã làm gì để độ nhật? Có người bảo thiền sư đã chặt cây, đốn củi, đốt than gánh ra bìa rừng đổi gạo muối nuôi sống qua ngày.

Tiếp đó, chúng tôi men theo đường rừng tìm đến chùa Kim Đài thuộc thôn Châu Chữ, nơi có một ngôi tháp xưa tọa lạc. Người dẫn đường là anh Vạn, cầm cây rựa vừa đi vừa phát quang con đường đầy cây gai um tùm dẫn chúng tôi đến ngôi bảo tháp. Ngôi bảo tháp cũng nằm trống vắng, trơ vơ đơn độc giữa bốn bề cây rừng và cỏ tranh. Một tấm bia đá dán vào tháp có khắc dòng chữ "Tự Lâm Tế chánh tông tam thập thất đại (đợi) húy Đại Sum, Khánh Hội đại sư chi tháp" không có lạc khoảnh ghi lại năm tháng. Bia tháp chỉ cho biết Thiền sư Đại Sum, đời thứ 37 dòng thiền Lâm Tế (pháp phái Liễu Quán). Theo Đại đức Thích Nguyên Đạt, trụ trì chùa Kim Đài, chùa được ngài Đại Sum khai sơn vào năm 1748, nên ngôi bảo tháp chắc chắn được xây dựng trong khoảng thời gian sau từ 20 đến 30 năm.

dautich-3.gif

Tháp của Thiền sư Đại Sum

Từ tháp của ngài Đại Sum, chúng tôi được các vị cao niên cho biết trong vùng còn có hai ngôi tháp của các thiền sư đã tàn lụi. Và chúng tôi được các bác hướng dẫn đi theo con đường mòn băng qua một ngọn đồi khá cao. Từ trên một đồi cao, quan sát thấy một không gian đồi núi, hồ nước rất hữu tình. Các vị cao niên cho biết, vị trí mà hai ngôi tháp đang tọa lạc là tại lùm cây rậm bên cạnh hồ. Thế là chúng tôi phải lần qua những bụi cây dại, ngôi tháp – mộ hoang tàn hiện ra thật bất ngờ.

Ngôi tháp, đúng hơn là ngôi mộ xây theo kiểu bảo châu thấp giữa một vòng la thành bằng đá tổ ong mà phần vôi vữa đã rơi rụng hết, chỉ còn một đôi miếng nhỏ còn bám víu lại như muốn chống chọi lại với thời gian. Ngôi mộ không có bia đá, và cũng chẳng thấy di chỉ văn tự nào còn sót lại, chỉ nghe các vị cao niên kể lại rằng từ bao đời nay, dân làng Châu Chữ truyền nhau đây là ngôi tháp của thiền sư khai sơn chùa Đức Sơn. Ngôi chùa do ngài đây lập nên nằm cách ngôi tháp khoảng 100m về hướng Nam nhưng nay đã biến mất, nền chùa đã bị ủi lấy đất làm công trình thủy lợi chỉ còn lại ngói và gạch vỡ nằm ẩn dưới thảm cây rừng làm chứng tích. Rất may mắn là tại chùa Kim Đài có thờ một bài vị ghi "truyền Lâm Tế chánh tông đệ tam thập thất thế, Đức Sơn tự viên tịch Tỳ kheo húy Phổ Lý Nguyên Ông đại sư đài tọa". Chúng tôi suy luận chắc chắn rằng thiền sư nằm dưới ngôi tháp mộ là Thiền sư Phổ Lý, khai sơn chùa Đức Sơn (đã mất). Và thiền sư cùng thời với ngài Đại Sum cũng thuộc đời thứ 37 dòng thiền Lâm Tế, pháp phái Liễu Quán.

dautich-4.gif

Hiện trạng tháp mộ của Thiền sư Phổ Lý

Từ những dấu tích xưa, chúng tôi hình dung ra một đời sống tu hành rất ẩn mật giữa chốn rừng núi thâm u đầy lam sơn chướng khí này. Cũng từ đây, chúng tôi thấy được rằng để có được chốn "Thiền kinh" vang bóng một thời, các ngài đã phải tu hành rất gian khổ và lắm lúc phải "gởi thân" giữa chốn núi rừng hoang vắng. Thế mà mãi đến hôm nay cách quý ngài đã gần 300 năm, khi mà phương tiện xe cộ đầy đủ, đường sá đi lại khá dễ dàng thì chúng tôi mới được biết "chốn Tổ"!

Kỳ 2: Trên những tầng tháp cổ

 Theo Báo Giác Ngộ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here