Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Gã bụi đời thành 'Bồ Tát đường phố'

Gã bụi đời thành 'Bồ Tát đường phố'

123
0

Từ một chàng trai bụi đời, lang thang anh Tạ Duy Sáu, ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã mở trung tâm bảo trợ mang tên Hiền Lương, nhận cưu mang, giúp đỡ cho hàng chục mảnh đời bất hạnh.

Bây giờ, cơ sở bảo trợ xã hội mang tên Hiền Lương của anh đã chính thức ra đời được 2 năm và anh nông dân, gã bụi đời từng lang bạt hết trong Nam, ngoài Bắc nghiễm nhiên trở thành ông giám đốc.

Một cái danh từ ghép vào con người này dường như khập khiễng. Bởi, tôi cứ hình dung, với khuôn mặt phả ra ngùn ngụt mùi sương gió cuộc đời, pha lẫn thêm một chút từ tâm của một người ngoại đạo nhưng tôn sùng lòng nhân ái của đạo Phật ấy, thì dù có khoác lên mình bao nhiêu cái hào nhoáng của áo quần, vẫn thấy anh là gã nông dân chân đất.

Chỉ có điều, không giống như những anh nông dân khác chuyên xắn quần đi lội ruộng, trồng lúa mà thay vào đó, anh tự đày ải mình bằng việc đi tìm những số phận mồ côi, tật nguyền…đem về nuôi dưỡng, rồi lại tất bật ngược xuôi nghĩ kế sinh nhai cho bao nhiêu số phận không may mắn ấy.

Gã bụi đời sạch sẽ

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở một vùng quê nghèo như Yên Thành, tuổi thơ của Sáu gắn liền với nghèo đói, bất hạnh. Là con út trong một gia đình có 6 người con, lớn lên một chút, Sáu đã tận mắt chứng kiến sự ra đi đột ngột của hai anh chị em ruột của mình. Cảnh nhà vốn đã túng bần, lại mất đi 2 trụ cột trong gia đình, nên tự khắc đứa con út Tạ Duy Sáu cũng đành phải ngậm ngùi chia tay trường lớp, để lao mình vào cuộc mưu sinh nhọc nhằn ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới".

Theo chân đám bạn, Sáu lần mò vào Nam, mảnh đất Sáu chưa một lần đặt chân tới, chỉ mơ hồ nghe đâu đó rằng, vào đó kiếm được nhiều tiền. Thế là anh đi, hăm hở và đầy những dự định. Ban đầu, Sáu xin đầu quân cho một cơ sở sản xuất đá ở Gia Lai.

Nhưng khác với những gì Sáu nghĩ, vào làm được một thời gian, Sáu và đám bạn mới nhận ra, mình đang bị bóc lột sức lao động một cách dã man. Chúng ép những cô bé, cậu bé làm với một mật độ công việc dày đặc hơn cả người trưởng thành, trong khi đó, bữa ăn thường rất qua loa, toàn đồ thiu thối.

Nhiều lần Sáu và đám bạn đã tìm cách trốn ra khỏi cái nơi tù ngục ấy, nhưng rồi lại bị bắt, lại bị hành hạ đến không còn biết trời đất là gì nữa. May mắn cho Sáu, một thời gian sau, công an biết được nơi này đang sử dụng lao động trẻ em một cách tàn bạo, đã tiến hành giải vây. 

Anh Tạ Duy Sáu cùng các em bé đường phố tại cơ sở của mình, Ảnh Hồ Viết Thịnh

Ra khỏi bãi đá với một tấm thân gầy ruộc, bầm tím. Sáu hoang mang không biết cuộc đời mình sẽ như thế nào. Về nhà ư? Phải giải thích thế nào với bố mẹ, khi tay trắng trở về. Thế là Sáu lại đi, lần này anh chọn thành phố Hồ Chí Minh.

Đến nơi, cũng là lúc Sáu nhận ra mình không còn một xu dính túi. Những bước chân đờ đẫn cứ đưa Sáu dật dờ trong cái không khí ngột ngạt của thành phố ồn ã này. Suốt 2 ngày không có một tí thức ăn nào vào bụng, Sáu lăn đùng ra bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, anh nhận ra bên cạnh mình là 2 cha con mù hát rong. Thì ra, trong cái đô thành nhộn nhạo ấy, chính cha con người hát rong đã cứu sống Sáu. Anh chao chát nhận ra, trong cuộc sống này, chỉ có những người ở tận đáy cùng xã hội mới dễ dàng sẻ chia cho nhau.

Nói lời cảm tạ với những người ân nhân xa lạ, Sáu lại đi. Lần hồi mãi, anh gia nhập vào đội quân bụi đời, chuyên nghề bán báo, bán vé số.

Sáu kể, trong thế giới của những kẻ bụi đời như gã, chuyện bị đánh bị rủ rê vào con đường sa ngã, tưởng chừng như ngắn lắm. Sáu đã nhiều lần phải gồng mình lên mới không bị cuốn vào cái vòng tội lỗi.

Thế nên, bây giờ, khi ngồi trước mặt tôi, Sáu vẫn hả hê nói đầy tự hào: Nói về khía cạnh này, tôi là một gã bụi đời, nhưng là một gã bụi đời sạch sẽ. Vì tôi kiếm tiền chân chính bằng mồ hôi công sức của mình, không cướp giật của ai bao giờ.

"Nỗi buồn chia sẻ nỗi buồn vơi"

Những ngày lậm lụi chắt chiu từng đồng tiền lẻ từ bán báo, Sáu chưa từng nghĩ đến chuyện, mình sẽ có một mái ấm gia đình, dù rằng đó là điều ai cũng ao ước. Thế rồi, nhân duyên tìm đến với anh như một may rủi, như một sự sắp bày của số phận, đó là người con gái cùng quê Nghệ An với Sáu tên là Lê Thị Lương. Chị Lương tâm sự: Ban đầu làm cùng nhau, cũng chỉ là tình đồng hương, sau dần mới nảy sinh tình cảm yêu đương.

Nghe đến đó, thấy Sáu nháy nháy mắt với vợ mình: Thế không kể chuyện vào viện chăm sóc người ta ạ. Anh Sáu tiếp: Thật ra, tôi và cô ấy quen nhau cũng lâu, nhưng cái sự kiện đánh dấu bước đột phá để chúng tôi đến với nhau, đó là lần tôi bị ốm phải nằm viện. Lương chính là người thân duy nhất chăm sóc tôi lúc đó. Thú thật, từ nhỏ tới lớn, tôi chưa nhận được sự chăm sóc tận tình nào của một người con gái như thế.

Ngày Sáu xuất viện, cũng chính là ngày đôi trẻ nói lời hò hẹn yêu thương. Đó cũng chính là lúc, Sáu bắt đầu nghĩ đến việc hồi hương. Đem suy nghĩ này nói với chị Lương, nhận được sự đồng thuận từ người con gái mình yêu.

Chẳng bao lâu sau, hai con người lang bạt tìm thấy nhau giữa Sài Thành rộng lớn ấy đã quyết định "làm con một nhà" và về quê xây dựng mái ấm của riêng mình.

Cũng chính ở đây, Sáu được nghe, được chứng kiến nhiều số phận bi đát của những em bé mồ côi, những người tật nguyền không nơi nương tựa. Sáu thương lắm, nhưng một kẻ bụi đời về quê với số tài sản bao năm tích góp chẳng đáng là bao ấy, Sáu nào giúp được ai. Mà có giúp, cũng chỉ cho các cháu được mấy bữa cơm. Rồi thì sao…

Anh lại nhớ đến hình ảnh hai cha con mù hát rong đã cứu sống anh khi mới chân ướt chân ráo đến TP. Hồ Chí Minh. "Người ta khổ như thế, mà còn giúp đỡ mình, tại sao mình lại không thể giúp đỡ được người khác". Sáu nghĩ thầm trong bụng.

 

Chú Sáu, "bố Sáu" cùng các con, Ảnh Hồ Viết Thịnh

Thế là mấy năm sau đó, từ năm 2001 đến tận năm 2008 là khoảng thời gian, Sáu chuẩn bị cho dự định thành lập một cơ sở chuyên cưu mang, giúp đỡ trẻ em mồ côi, tật nguyền, người già neo đơn, không nơi nương tựa. Anh bàn với vợ, thế chấp nhà để lấy vốn thành lập cơ sở. Chị Lương cũng từng có một thời gian sống cảnh lang thang, nên thấu hiểu được những khó khăn, bất hạnh của cuộc đời, nên chị ra sức ủng hộ.

Cơ sở của Sáu ra đời, không cần khua chiêng, gõ trống gì tự khắc bao nhiêu trẻ em khuyết tật, bao nhiêu số phận không may mắn ùn ùn tìm về. Sáu lại phải làm thêm một việc mà thực tâm không hề mong muốn: Lựa chọn những cháu đủ tiêu chuẩn mà cơ sở đã đã đặt ra ban đầu, trong đó có việc ưu tiên cho những em mồ côi cả cha lẫn mẹ, tật nguyền không nơi nương tựa… "Cơ sở của mình thì nhỏ, kinh tế thì eo hẹp, nếu nhận vào mà không lo được cho các cháu, thì tôi hối hận lắm" – Sáu nói.

Những ngày đầu cơ sở mới ra đời, thật không thể kể hết những khó khăn chồng chất. Người ăn núi lở, Sáu phải chạy vạy hết nơi này chỗ nọ, phần thì vay mượn bạn bè, người thân, phần thì kêu gọi các nhà từ thiện chung tay giúp đỡ. Nhưng cũng chỉ cầm chừng được một thời gian.

Dần già, Sáu bắt đầu nghĩ: Các cháu dù tật nguyền, nhưng chưa hẳn đã mất hoàn toàn sức lao động. Có lẽ, phải dạy nghề cho các em, vừa tạo ra được thu nhập, lại khiến cho các em cảm nhận được sự hữu ích của mình trong cuộc đời.

Ủng hộ quyết định của Sáu, nhiều người đã chung tay cùng gã gây dựng cơ sở sản xuất chiếu trúc, chổi…như ông Trần Đình Toàn, ông Lê Duy Hiển, người là thương binh, người thì khiếm thị, nhưng họ đã cùng Sáu ngày đêm truyền nghề cho các cháu không may mắn.

Làm được sản phẩm, Sáu lại tong tong đi tìm nơi tiêu thụ. Nhiều chuyến hàng sáng chở đi, chiều trở về cũng y nguyên từng ấy. Nhưng Sáu không nản, cuộc đời lang bạt dạy cho gã tính kiên nhẫn. Mãi rồi, công sức của gã cũng được đền đáp, nhiều cơ sở nhận mua hàng do các cháu làm ra.

Kỳ cục mãi, bây giờ Sáu đã có thế kheo với tôi. Các cháu trong trung tâm không ai còn phải thiếu ăn, thiếu mặc, thậm chí một tháng, còn dư ra mấy trăn ngàn gửi về gia đình nữa.

Đang trò chuyện rôm rả, Sáu chợt nhớ ra điều gì, rồi xin phép tôi gọi điện thoại. Lát sau, một cậu bé khuôn mặt khôi ngô, nhưng không có đôi tay bước vào.

Sáu tiến đến, ôm chặt lấy cậu bé giới thiệu với tôi: "Đây là cháu Phú, đến trung tâm từ những ngày đầu, khi đó chưa biết gì, nhưng bây giờ đã sành vi tính, đã học được văn hóa rồi nhé". Không dấu nổi niềm cảm kích, Phú nói: "Cháu coi o chú Sáu như người thân của mình, không có o chú, cháu không nghĩ mình còn có ích trên đời". Nói rồi, Phú  "trình diễn" cho tôi xem tiếp mục viết bằng chân rất điệu nghệ.  Xung quanh em, rộ lên tiếng cười đùa, tiếng i a đọc bài của bao nhiêu số phận không may mắn khác.

Đạo đời

Gặp Sáu ở trung tâm – như anh giới thiệu – và được pháp luật thừa nhận bằng quyết định của Ủy ban nhân dân huyện Yên Thành ấy thực ra là những mái nhà kin kít nhau, lợp pro-xi-măng. Vào ngày nóng, cả khu nhà ấy như một cái lò nung, còn mùa đông lại lạnh đến thấu xương. Sáu dường như đoán được cái băn khoăn của tôi, liền nhanh nhẩu trần tình "từ khi thành lập trung tâm đến nay, phần thì mình tự mua sắm, phần thì các nhà tài trợ gửi tặng, nên cũng được cải thiện đi nhiều rồi, nhưng còn cái nhà này, cố lắm vẫn không thể cải tạo được. Suy cho cùng, phải lo cho mọi người được cơm no, áo ấm đã. Rồi tính lên dần dần".

Có lẽ, trong cái trung tâm còn quá eo hẹp về vậy chất này, nổi bật nhất chính là gian chính giữa, đó là nơi bày ra những bức tượng Phật, những lời khuyên răn của đạo Phật. Tôi hỏi: Anh theo đạo Phật hả. Anh cười: Tôi theo đạo đời. Còn đạo Phật, đơn giản vì tôi thấy thấm thía lời răn của các ngài, nên muốn nhắc nhở mình thường xuyên, và cũng là để các cháu tự răn mình.

Rồi anh lại tâm sự: Ngày đầu mới bưng mấy bức tượng Phật về đây đặt, đến khổ với mấy bác chính quyền. Họ cứ đinh ninh, mình âm mưu lập đàn, lập điếc gì đấy. Nên kiên quyết không cho. Nhưng tôi vẫn cứ làm. Vì tôi tin, mình không làm điều gì sai trái, thì không thẹn với mình, không sợ luật pháp trừng phạt.

Hỏi anh, tại sao lại đặt tên cơ sở mình là Hiền Lương, anh nói. Lương là tên vợ tôi, còn Hiền là tâm niệm của tôi. Mong muốn cơ sở mình sẽ làm những việc lương thiện, hiền tâm, làm một cái mái ấm, một gia đình lớn cho những em tật nguyền không may mắn.

H.V.T (TuanVietnam)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here