Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Con người trong thơ thiền đời Lý

Con người trong thơ thiền đời Lý

132
0

Hình ảnh con người trong thơ Thiền đời Lý là một ví dụ điển hình. “Dấu ấn cái “tôi” mang giá trị thẩm mỹ trong nền văn học ấy chưa biểu hiện ra bằng sự khắc họa ngoại hình nhân vật cũng như tô điểm cá tính nhân vật, tuy vậy, nó đã thấp thoáng ẩn hiện đằng sau cảm hứng rạo rực của những bài thơ dùng thiên nhiên để nói lên tâm trạng của người viết” (Nguyễn Huệ Chi – Nghĩ về văn học đời Lý).

Đời Lý  được xem là thời đại thuần từ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam (Hoàng Xuân Hãn) chính là do sự ảnh hưởng của Phật giáo lúc bấy giờ. Phật giáo thời kỳ này phát triển sâu rộng trong xã hội. Từ vua quan đến thứ dân, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Có thể nói, đó là một đạo Phật với tất cả những yếu tố phù hợp với tâm lý, tập quán và đạo lý truyền thống của dân tộc, là  đường lối đúng đắn có ích cho sự phát triển, hưng thịnh của đất nước. Đó là Phật giáo Thiền tông, một Phật giáo Việt Nam vô ngã, vị tha, bình dị và thiết thực, đi thẳng vào lòng xã hội với tinh thần thực tiễn, tích cực nhập thế: “Người ta không chú tâm đi tìm một Niết bàn xa xôi mà đi tìm chân lý, hạnh phúc ngay chính trong lòng cuộc sống. Công quả của Thiền sư không ở tu trì giới hạnh mà bằng những đóng góp hữu ích cho con người, cho dân tộc” (Đoàn Thị Thu Vân, thơ Thiền Lý-Trần).

Với tư  cách là một dòng văn học, thơ Thiền đời Lý không thể không bàn về vấn đề con người. Có thể nói, nổi bật trong thơ Thiền  đời Lý là sự thể hiện giáo lý  khá đậm nét, với tinh thần điều hòa, dung hợp quân bình giữa tâm và trí. Thông thường nói đến tâm và trí là nói đến hai phạm trù  đối lập nhau. Trí là trí tuệ, lý trí  tức là nói đến sự rạch ròi, khúc chiết với tư duy logic, đó là nhận thức lý tính mang tính nghiêm khắc, khô khan. Tâm không chỉ là tình cảm, là tấm lòng mà còn phải hiểu theo nghĩa triết học là làm chủ thể cả tư tưởng cùng hành vi của con người. Tâm có tĩnh thì trực giác mới mẫn nhuệ. Thiền học là tâm học, phương pháp tu tập của Thiền là trực cảm tâm linh, thấy rõ chỗ không tâm mới đạt đạo. Người ta có hành đạo, sống đạo mới biết đạo là gì. Đó chính là một nét đặc thù của thơ Thiền đời Lý. Chính từ khả năng trực cảm ấy, con người trực ngộ được lẽ nhiệm mầu của Đạo, thấy được bản chất của các pháp. Vấn đề bản thể thường xuyên được đặt ra.

Danh từ  “bản thể” theo từ điển Phật học nói “là  căn nguyên tự thể của các pháp”. Cao Xuân Huy nói “Bản thể là bản thể của vũ  rụ, vạn pháp, là các hiện tượng trong thế giới khách quan”. Kinh Hoa Nghiêm nói “Thế giới bản thể gọi là Lý pháp giới, thế giới hiện tượng gọi là Sự pháp giới”, bản thể  ví như nước, hiện tượng ví như sóng. Sóng dù có muôn hình, vạn trạng nhưng bản chất tối sơ, nguyên thủy nước vẫn không thay đổi. Quan niệm  đồng nhất , trong sai biệt này được thơ Thiền phản ánh khá đầy đủ, chủ yếu dưới hình ảnh hiện tượng vô thường, vô ngã của thế  giới:

“Bát nhã chân vô tông
Nhân không ngã diệc không
Quá  hiện vị lai Phật
Pháp tánh bản lai đồng.
(Lý Thái Tông)

Con người cũng là một pháp, một pháp đặc biệt, hiện lên trong thơ Thiền đời Lý là con người bản thể: vô ngã, duyên sinh.

Thân như  điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo  đầu phô.

(Vạn Hạnh)

Giáo lý  đạo Phật thậm thâm vi diệu, khó hiểu khó nhận. Giúp người dễ dàng nắm bắt không gì bằng ví  dụ. Thông qua “ánh chớp, hạt sương, ngọn cỏ” tính vô thường, giả tạm của nhân sinh, trần thế  hiện lên rõ nét.

Thân như  bóng chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi thu não nùng.

(Ngô  Tất Tố dịch)

Thiền sư  Bản Tịch cũng nói:

Huyễn thân bản tự không tịch sinh
Do như  khính trung xuất hình tượng”.

Không phải các Thiền sư là người đầu tiên nhận ra vô  thường. Từ xưa, Khổng Tử đã từng than “quân bất kiến Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi”. Các nhà thơ, văn, nghệ sĩ thỉnh thoảng cũng nhận ra điều đó, để rồi than thân trách phận:

“Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân cứ tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn trời  đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”.

(Xuân Diệu)

Dòng thời gian vẫn mãi vô tình trôi. Bạn chấp nhận hay không nó vẫn vậy. Nếu nhận chân được bản chất con người là vô ngã, thế sự vô thường, bạn sẽ bớt đi sự khổ đau, bi lụy. Hãy nghe Thiền sư nói:

“Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông”.

Mở đầu bài thơ tưởng như tâm trạng bi ai của tác giả  luyến tiếc vô thường chóng vánh nhưng kết thúc là  sự minh triết đầy vẻ thư thái của một con người bản lĩnh. Con người đã vượt lên những được-mất, vinh-nhục, hơn-thua, tốt-xấu. Đi giữa dòng đời mà không lụy thế, đó là tinh thần “tùy duyên bất biến” của Thiền tông, của Phật giáo.

Hình ảnh “hạt sương treo đầu ngọn cỏ” chuyển đạt trọn vẹn tính vô thường tạm bợ của kiếp người, cuộc đời, đồng thời cũng hàm súc diệu nghĩa chơn thường trong lòng thực tại. Điều đó càng được thể hiện rõ nét qua hình ảnh đẹp lung linh của cành mai trong “Cáo tật thị chúng” của Thiền sư Mãn Giác:

“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân  đáo bách hoa khai
Sự  trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị  xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.

(Mãn Giác)

Lối tư  duy mới mẻ bắt nguồn từ vị trí đang là của bản thân,tác giả dẫn ta đến một thực tại không ai phủ nhận được. Năm tháng trôi nhanh, cuộc đời chóng vánh, loay hoay đã hết kiếp người. Nói như Trương Văn Quang rằng nếu con người có niềm tự hào không-giống-cỏ-cây thì con người cũng có đau đi-không-trở-lại.

“Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai”.

Một nhà  thơ đã từng tham vọng trở lại mùa thu trước nhặt lá vàng:

“Về đây đem chắn nẻo xuân sang”

“Chắn”  được không? Âu chỉ là tham vọng! Dòng đời vẫn vậy! Phảng phất đâu đây cái buồn “mang mác sầu thiên cổ”. Ta đã già rồi, cuộc đời không còn bao nhiêu nữa. Người đọc như muốn xuôi theo tác giả trong nỗi niềm gần như tuyệt vọng. Thế là hết kiếp người, nuối tiếc, xót xa!

Nhưng không:

“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”

Theo ý  người viết “nhất” ở đây không phải lượng từ, là danh từ bởi nó không còn là  một cành mai cụ thể, đơn điệu mà là  cành mai hình tượng. Chặn đứng mạch tư duy đang tuôn trào của chúng ta không là vách núi đá cũng không phải bức tường cứng nhắc vô tri mà là  “nhất chi mai”, “mai” chứ không phải một loại hoa khác. Tâm thức vỡ òa, mọi suy nghĩ, tính toan phút chốc tan biến.

Văn thơ  thiền không dụng ý nghệ thuật, nhưng chổ  độc đáo, thâm diệu của Thiền tông lại lồ lộ  hiện lên trong mớ ngôn từ không dụng ý đó.

Trên tàn lụi kiếp người, trên mong manh hư ảo, cành mai ấy tích tụ nguyên khí để hồi sinh, nảy lộc, đơm hoa kết trái và không cần đợi ánh dương lên, một đêm, bừng nở! Một sự sinh tồn với sức sống mãnh liệt tự do tự tại. Câu kết sững lại. Cành mai hay chiếc cọc neo giữa dòng thời gian cuồn cuộn. Chính nơi đây thể hiện rõ bản lĩnh trác việt của thiền giả ngộ đạo. “Chắn nẻo xuân sang” không còn là ảo vọng, nhưng không phải bằng những lá vàng khô.

Là Thiền sư, chắc hẳn tác giả không cố tình làm thi sĩ.  “Thị đệ tử” là một bài kệ trước lúc thị tịch, nhưng đồng thời cũng là một bài thơ  đích thực, thấm đẫm tính nghệ thuật. Có cái gì như một khúc ca mãi du dương, như một dòng sông êm lẫn trong tâm thức chảy về phía chúng ta và mãi mãi về sau. Sóng vẫn xô giữa hai bờ sinh – tử. Gần 1000 năm, cành mai ấy vẫn luôn luôn tươi thắm. Vô thường là gì giữa cuộc nhân sinh.

Thực chất, “vô thường không làm nên đau khổ” duyên sinh đã vén màn cho những chân trời xa. Cũng vậy, quan niệm con người duyên sinh vô ngã ở đây không phải là một quan niệm hư vô, phủ định sạch trơn mọi hiện hữu của con người mà chính là cái nhìn đúng như thật. Ngay khởi điểm đó, thơ Thiền chắp cánh cho con người bay cao, bay xa vô  tận trên lộ trình hướng thượng. Vô ngã  nên con người là một thực thể sống động có  khả năng chuyển nghiệp để cải thiện vị  trí của mình trên bản đồ sanh tử, đập tan ranh giới rạch ròi giữa chủng tộc thượng đẳng và  thấp hèn. Đồng thời, vì vô ngã nên một lần nữa khẳng định tất cả chúng sanh đều có  Phật tánh, có khả năng thành Phật, là con người mang tính nhân văn cao cả.

Vô ngã  là bản thể, là nguồn gốc mà từ đó con người có cái nhìn sáng suốt, chính xác đối với thế giới vạn hữu, đối với hoàn cảnh, quốc  độ cụ thể con người đang sống. Thế giới tồn tại trong một tương quan hòa điệu vì mật không thể cắt xén bằng khái niệm. Con người phải  đặt bản thân và cuộc sống mình trong thế giới thực tại đó mới có thể cảm nhận được sự mầu nhiệm xung quanh: con người vô trú. Nhờ  sự tự do tự tại của con người vô ngã, vô trú mà khắc họa nên một con người vô  úy như một nhà phê bình đã nhận xét: “Đó là con người chưa chịu sự ràng buộc của Nho giáo, còn đầy tinh thần tự chủ, tiến thủ tích cực kiểu Thiền tông. Con người vô ngôn, vô ngã, tự do phá chấp theo giáo lý nhà Phật”.

Sinh lão bệnh tử
Tự  cổ thường nhiên
Dục cầu xuất ly
Giải trọc thêm phiền
Mê  chi cầu Phật
Hoặc chi cầu thiền
Thiền, Phật bất cầu
Uổng khẩu vô nghiên.

(Diệu Nhân)

Đả phá mạnh mẽ những lối mòn trong tư duy thường tình. Cầu Thiền, cầu Phật là một việc là ngốc nghếch sai lầm như muốn đi ngược lại quy luật tự nhiên sinh lão bệnh tử. Điều đó có phản bội lại lý tưởng tìm cầu giác ngộ giải thoát không?

Khi được hỏi “Đạo Phật nên nhập thế hay nên yếm thế”, rất tự nhiên chúng ta sẽ nhớ đến bài kệ:

“Phật pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác
Ly thế  mích bồ đề
Do như  cầu thố giác”.

Bỏ qua thực tế cuộc sống, không dám đối mặt với hiện thực mà lánh đời để cầu giác ngộ há  không phải vọng cầu sao? Đạo Phật không chỉ cho con người thấy khổ, vô thường để rời xa, than oán: “Ngay trong lẽ thường tình sanh lão bệnh tử ấy, con người nhìn ra được lý chơn thường mới là ngộ đạo”.

Nước Việt Nam trải qua gần 1000 năm bị phương Bắc đô hộ, hai triều vua Đinh, Tiền Lê vẫn chưa có những đóng góp gì lớn cho sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất  nước. Trọng trách đặt lên vai nhà Lý. Đứng trước hiện trạng ấy của đất nước, câc Thiền sư là những người trụ cột, có ảnh hưởng rất lớn trong việc vạch ra phương hướng đúng dắn cho nước nhà. Không giáo điều như Nho giáo, không bị đồng hóa bởi Trung Hoa, không để đất nước lại rơi vào tay giặc… âm hưởng ấy ít nhiều phảng phất trong hơi thở Thiền gia.

“Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ
Sanh vô  sanh hậu thuyết vô sanh
Nam nhi hữu chí xung thiên khí
Hưu hướng Như Lai hành xứ hành”.

(Quảng Nghiêm)

Tính khai phóng, phá chấp khoáng đạt của Thiền tông đã mở  ra cho con người những chân trời mới đầy hứa hẹn. Không cần cứng nhắc rập khuôn theo giới điều, phong cách cũ, đường đi không còn quan trọng chỉ cần  đích đến là giải thoát tối thượng. Mỗi một con người là một cuộc sống riêng với rất nhiều duyên hòa hợp, trong trùng trùng duyên khởi ấy không ai giống ai.

Thiền sư  Bảo Giám còn nhấn mạnh:

“Mấy ai thành Phật ở tu hành
Chỉ  trói cùm thêm trí óc mình
Thấu lẽ  huyền vi trong ngọc sáng
Là  vầng dương hiện giữa trời xanh”

“Mặt trời soi tỏ giữa trời cao” là hình ảnh rất ấn tượng, biểu thị chân tính khi gạt hết mọi mây mờ che lấp. Giá trị  ở chổ mỗi người đều có ngọc ma ni của chính mình, chỉ cần nhận biết điều này thì ai cũng đủ tự tin để “gạn đục khơi trong”, để vạch ra cho mình một hướng đi mới “chớ dẵm Như Lai lối đã qua”, mãnh liệt hơn nhưng không trái bản nguyên của Phật pháp. Chính điều này đã thay áo mới cho Phật giáo; vẫn mang màu sắc, hình thái như một tín ngưỡng truyền thống nhưng không rơi vào lối mòn bảo thủ, cố chấp hay thụ động. Các Thiền sư dấn thân phụng sự dân tộc nhân sinh mà vẫn không quên mục đích chính giải thoát, giác ngộ. Thiền sư nhập thế mà không lụy tục, sẵn sàng “chống gậy trấn kinh kỳ” nhưng cũng sẵn sàng bỏ vinh hoa phú quý như “trút bỏ chiếc giày rách”, bởi Thiền sư hiểu rõ:

“Sắc là không, không tức sắc
Không là  sắc, sắc tức không”
(Diệu Nhân)

Con người trong thơ Thiền đời Lý, tựu trung là con người giác ngộ, mang tư tưởng tùy tục, hòa hợp với  đời một cách nhuần nhuyễn, hóa đạo, hành đạo trong tinh thần “phụng sự chúng sanh là đền ân chư Phật”. “Con người” trong thơ  Thiền đời Lý tuy vẫn mang thủ pháp tượng trưng ước lệ cao, chưa thoát ra phương pháp phổ  biến xây dựng những mẫu mực nghệ thuật trong quan điểmTrung cổ khiến cho phần nào xa vời cái “tôi”  bé nhỏ, gần gũi ở mỗi con người cá  thể nhưng ảnh hưởng sâu sắc của “con người”  ấy đối với bao thế hệ người đọc là  điều không thể phủ nhận.

Tuế  nguyệt sa đà. Cành mai Mãn Giác vẫn lung linh !

B.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here