Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Ước mơ có phải là điềm lành tối thượng? (hết)

Ước mơ có phải là điềm lành tối thượng? (hết)

135
0

Vậy cúi xin đức Thế Tôn hãy nói lên những điềm lành tối thượng’. Vì lợi ích an lạc cho cả chư Thiên và loài người, cho nên Ngài thuyết ‘kinh điềm lành tối thượng’ (1). 

Trong kinh này, trước tiên đức Phật khuyên: “không thân cận kẻ ngu, nhưng gần gũi bậc trí, đảnh lễ người đáng lễ, là điềm lành tối thượng”. Ca dao tục ngữ có câu: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Vì người nào “thân cận kẻ ngu” thì ví như “gần mực thì đen”. Như kinh Pháp cú (kệ 61) nói:

“Tìm không được bạn đường,  
hơn mình hay bằng mình,
Thà quyết sống một mình,    
không làm bạn kẻ ngu”.

Quan điểm này đã khẳng định, nếu tìm không ra bằng hữu tri kỷ tri bỉ, thì thà rằng sống một mình, chứ không làm bạn với kẻ ngu. Trái lại, ai “gần gũi bậc trí” thì ví như “gần đèn thì sáng”. Lại nữa, trong Văn Cảnh Sách, ngài Quy Sơn nói: “thân cận thiện hữu như vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y, thời thời hữu nhuận” (gần gũi bạn hiền hay bậc trí thì giống như người đi trong sương mai, tuy không ướt áo, nhưng dần dần sẽ được thấm đẫm). Phật dạy nên “đảnh lễ người đáng lễ”. Người đáng lễ là cha mẹ ruột của mình, những vi cao Tăng thạc đức, những bậc A-la-hán, Thanh Văn, Duyên Giác và chư Bồ-tát.Thánh tăng, là phước điền vô thượng ở đời. Đảnh lễ những bậc ấy là điềm lành tối thượng.

Phật khuyên chúng ta nên “Ở trú xứ thích hợp, công đức trước đã làm, chân chánh hướng tự tâm, là điềm lành tối thượng”. Ở những nơi yên tĩnh, có khí hậu trong lành, thích hợp cho việc tu thân hành đạo, hoặc ở những nơi nào thuận tiện cho nhu cầu cá nhân, gia đình, xã hội và cho đất nước. Còn “công đức trước đã làm” thì không nên tự hào kiêu hãnh, không nên tự mãn mà phải tiếp tục. Nếu sinh tâm tự mãn, thì sẽ mắc ‘bệnh thành tích’ mà người đời nay hay chấp thủ. Nếu sinh tâm tự mãn với công đức, thì cũng như hàng Nhị thừa tự mãn với quả vị. Đó là khi Phật thuyết kinh Pháp Hoa, những người sinh tâm tự mãn đều bỏ ra khỏi hội chúng mà không chịu lắng nghe giáo pháp vi diệu ấy. Do đó, chúng ta chớ nên sinh tâm tự mãn mà phải tiếp tục duy trì và phát huy. Ngài khuyên chúng ta phải nên “chân chính hướng tự tâm”, tâm luôn hướng nội, “phản quang tự kỷ”, không duyên theo ngoại cảnh, sáng suốt cảnh tỉnh trong mọi thời. Nếu tâm định tĩnh, thì trí tuệ phát sanh. Trong kinh Lăng Già nói rằng việc tu chứng không từ ngoài vào, cũng không do tha nhân ban tặng mà chỉ do chính mình “tự chứng tự nội”. Lại nữa, “Chân chánh hướng tự tâm”, theo Thiền học, khéo dụng “vô sư trí” qua phương tiện của “hữu sư trí”, ắt thấy được bản tâm. Nếu tâm được định tĩnh, gặp chướng duyên không ngại, vượt khó khăn không sầu, thì “đối cảnh vô tâm”, như “nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự”. Nói chung, ở nơi thích hợp, không tự mãn với công đức đã làm, chân chánh hướng tự tâm, tâm không hướng ngoại, là điềm lành tối thượng. 

Lại nữa, đức Phật khuyên: “Học nhiều, nghề nghiệp giỏi, khéo huấn luyện học tập, nói những lời khéo nói, là điềm lành tối thượng”. Nếu người không học, thì khác gì kẻ mù. Như những kẻ mù sờ voi, sờ tai voi thì cho rằng voi to như cái quạt; sờ chân voi thì bảo voi to như cái cột nhà; sờ đuôi voi thì bảo voi như cái chổi… Cũng vậy người ‘tu mà không học là tu mù’. Học để có đôi mắt giúp mình và người thấy được điều đúng sai, tà chánh, chân nguỵ, và tránh hố sâu vực thẳm; học để có đôi chân đứng vững trước mọi thịnh suy của cuộc đời; và học để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, duy trì truyền thống văn hóa thiêng liêng của đạo pháp. Học để “sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới” mà nhất là thời kỳ hội nhập cộng đồng quốc tế, thời kỳ bùng nỗ thông tin, thời kỳ công nghệ phát triển thì càng phải học để “ôn cố tri tân”. Học giúp cho tinh thần không bị già nua, cằn cỗi và tàn lụn theo chiếc búa thời gian mà nó làm héo úa dung nhan, tàn tạ tinh thần; học để trau dưỡng tâm linh, giúp cho chính mình có lòng tự tin; vì càng học thì càng thấy mình ngu, càng thấy loài cái ngu cái dốt thất học. Học nhiều không hẳn chỉ học chữ mà còn phải học nghề, học nghề nghiệp giỏi để tự lo sinh kế, để tạo ra sản phẩm cho xã hội và nên truyền đạt cho hậu thế các nghề ấy. Người có học thì mới có thể huấn luyện cho kẻ khác học tập. Người có học mỗi khi nói thường đắn đo và cẩn trọng. Nếu là người có học và cẩn trọng, thì khi “xuất ngôn tu thiệp ư điển chương, đàm thuyết nãi bàn ư kê cổ” (phát ra ngôn từ thì nên liên quan đến chương cú của các kinh điển, lúc đàm luận thì nên kê cứu lại những lời dạy của bậc Thánh xưa). Học để biết khi nào đáng nói và khi nào không nên nói. Như trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Phật dạy: “Im lặng như chánh pháp và nói năng như chánh pháp”. Đây là lý do, đức Phật khuyên chúng ta nên “nói những lời khéo nói”. Ngài đã từng dạy rằng không nói láo, không nói những lời nịnh hót trau chuốt phù phiếm, không đến người này nói xấu kẻ kia và không đến người kia nói xấu kẻ này, không nói lời hiểm ác độc hại. Do đó, “học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”. Tuổi trẻ phải gắng hết sức mình để tu học, vì việc học hôm nay là tương lai ngày mai. Nói “tuổi trẻ hôm nay, thế giới ngày mai” tức là nhắm đến tầng lớp tuổi trẻ có đủ khả năng, tài đức song toàn, là tiềm lực phong phú mà xã hội và đất nước đang trông đợi. Nói chung, học tập không ngừng, giỏi nghề nghiệp và giỏi huấn luyện, lời nói phải cân nhắc và thận trọng, là điềm lành tối thượng.

Phật dạy rất cặn kẽ: “Hiếu dưỡng mẹ và cha, nuôi nấng vợ và con, làm nghề không rắc rối, là điềm lành tối thượng”. Thiêng liêng và phổ biến nhất là vấn đề hiếu sự mà Ngài đã căn dặn. Về hiếu sự, Khổng Tử đề cập khá nhiều nơi. Như trong kinh Hiếu, Khổng Tử nói: “Sanh sự chi dĩ lễ. Tử táng chi dĩ lễ. Tế chi dĩ lễ”. Nghĩa là: khi cha mẹ còn sống, thì phải lấy lễ mà phụng sự. Khi cha mẹ mất, thì phải lấy lễ mà mai táng. Khi cúng tế cho cha mẹ, thì phải cúng tế cho trang nghiêm. Khổng Tử chỉ ra 5 điều hiếu sự: “Phàm vi nhân tử giả, xuất tất cáo, phản tất diên, du tất hữu thường, tập tất hữu nghiệp, hằng ngôn bất xưng lão”. Nghĩa là: phận làm con thì hãy đi thưa, về trình, đi chơi thì phải chơi chỗ thường ngày, phải học tập cho có nghề nghiệp, thường nói năng khiêm tốn không được huênh hoang. Đó là 5 cách xử sự hiếu kính của phận làm con đối với cha mẹ. Ngược lại là bất hiếu. Lại nữa, Khổng Tử nói: “Phụ hiếu đức chi bổn dã, giáo chi sở do sanh dã”. Nghĩa là: Hiếu là gốc của đạo đức, mọi sự giáo dục của con người đều phát sanh từ nền tảng này. Bổn phận của người làm cha, làm chồng phải có trách nhiệm như thế nào đối với vợ con, và bổn phận của người vợ phải có trách nhiệm như thế nào đối với chồng,… thảy đều được đức Phật nói rõ trong kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt của Trường A Hàm, hay trong kinh Thiện Sanh của Trường Bộ kinh. Phận làm con phải chu toàn hiếu sự; khi cha mẹ còn sống, thì phải hết lòng phụng dưỡng, săn sóc; khi cha mẹ đau yếu bệnh tật, thì phải lo thuốc thang cơm nước, sớm khuya hầu hạ chu đáo; khi cha mẹ qua đời, thì phải lo tang lễ, v.v… Rất nhiều kinh đề cập đến hiếu sự hiếu đạo, như: kinh Vu Lan Bồn, kinh Báo Ân cha mẹ, kinh Tăng Chi I, kinh Tương Ưng II, kinh Hiền Ngu, v.v… Việc hiếu sự, đức Phật dạy: “Phụng dưỡng cha mẹ là vận may tối thượng”. Hay “Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật vậy”. Đặc biệt kinh Phạm Võng, Ngài nhấn mạnh rằng: “Hiếu danh vi giới”, Hiếu được gọi là giới. Lại nữa, hiếu luôn được đức Phật đề cao: “Tận cùng của việc ác, không gì bằng bất hiếu, tận cùng của việc thiện, không gì bằng hiếu”; hoặc “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”, v.v… Ngoài ra, đức Phật còn khuyên chúng ta phải làm ăn lương thiện, hành nghề chơn chánh, không nên làm các nghề rắc rối, phức tạp. Nghề nghiệp rắc rối và phức tạp, chẳng hạn như: buôn bán Á phiện, buôn bán hàng quốc cấm, mua bán trẻ em, làm nghề “Tú bà”, trộm cắp, sát sanh, đồ tể, buôn bán rượu, v.v… Nói chung, hiếu kính cha mẹ, nuôi vợ và con, hoặc lo cho chồng và con, làm ăn lương thiện, là điềm lành tối thượng.
Kế đó, Phật dạy: “Bố thí, hành đúng pháp, săn sóc các bà con, làm nghiệp không lỗi lầm, là điềm lành tối thượng. Chấm dứt, từ bỏ ác, chế ngự đam mê rượu, trong Pháp, không phóng dật, là điềm lành tối thượng. Bố thí hay trao tặng tài vật là sự biểu hiện từ tâm, san sẻ và hết lòng giúp đỡ người hoạn nạn, nghèo khốn, người già neo đơn, trẻ mồ côi, v.v… Bố thí không khởi tâm mong cầu kẻ khác đền đáp, không mưu toan và không vì lợi dưỡng. Việc hành bố thí nếu đầy đủ tam tịnh: người cho, vật được cho và người nhận, cả ba đều thanh tịnh; đó là bố thí đúng pháp. Bố thí là một trong Sáu Ba-la-mật của Bồ-tát hạnh. Do đó, muốn có điềm lành tối thượng thì phải thể hiện lòng từ, quan tâm và săn sóc bà con thân thích, họ hàng quyến thuộc nội ngoại gần xa… cả về phương diện vật chất và tinh thần; luôn thu nhiếp thiện căn, phải giữ thân khẩu ý thanh tịnh, không tạo các lỗi lầm hại mình hại người. Ngài dạy rằng “chế ngự đam mê rượu” là cốt để trau dưỡng trí tuệ; vì nếu không tiết độ và chế ngự, thì khi rượu chè say sưa quá chén, sẽ dẫn đến tốn kém tiền của, mất hạnh phúc và hòa khí trong gia đình, và tai hại nhất của việc đam mê rượu là làm lu mờ hạt giống trí tuệ. Thường hành tinh tấn, sống không phóng dật, phòng hộ các căn, thiểu dục tri túc và đúng như lý tác ý, là nếp sống phạm hạnh. Nói chung, bố thí cúng dường, san sẻ hoặc chăm sóc quan tâm đến thân bằng quyến thuộc, làm nghề chơn chánh, không làm các điều ác, tiết chế rượu chè, là điềm lành tối thượng.

Lại nữa, đức Phật dạy: “Kính lễ và hạ mình, biết đủ và biết ơn, đúng thời, nghe Chánh pháp, là điềm lành tối thượng”. Nếu người muốn kẻ khác trọng mình, thì trước phải có lòng tự trọng; vì ‘tự trọng để được trọng’. Người có lòng tự trọng luôn khởi tâm kính lễ bậc thầy của mình, tôn trọng người đứng tuổi, kính lão đắc thọ, giữ gìn oai nghi tế hạnh, khiêm cung và hạ mình, sống thiểu dục tri túc, nhớ nghĩ và biết ân, thi ân và báo ân, không hống hách ngã mạn, không tự hào phách lối, luôn nhớ các ân nặng và phải siêng đi nghe pháp, là điềm lành tối thượng. Người đúng thời, nghe chánh pháp là người có tâm cầu tiến, cầu học. Người nghe được chánh pháp, tư duy về chánh pháp và hành đúng theo chánh pháp, tức là tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình là hòn đảo cho chính mình, và tự mình lấy chánh pháp làm nơi nương tựa, không nương tựa Thiên thần quỷ vật, không nương tựa ngoại đạo tà giáo, cũng không nương tựa bè đảng xấu ác; đó là điềm lành tối thượng.

Ngoài ra, đức Phật khuyên: “Nhẫn nhục, lời hòa nhã, yết kiến các Sa-môn, đúng thời, đàm luận Pháp, là điềm lành tối thượng”. Nhẫn nhục là việc làm khó nhất. Nhẫn nhục không phải nhu nhược, tự ti, tủi thân và hổ thẹn, mà nhẫn nhục để nuôi lớn đạo tâm, trau dưỡng chí khí, làm giàu nghị lực và điềm tĩnh an nhiên với cuộc thế nhiễu nhương, vô số chướng duyên, đầy dẫy cạm bẫy,… Nhẫn nhục là phép tối thượng trong các pháp môn tu. Người tu nhẫn nhục là diệt trừ tự ngã, người hành nhẫn nhục thì không kiêu căng ngã mạn, người sống nhẫn nhục thì luôn khiêm tốn, nói lời hòa nhã. Lại nữa, người muốn tiến thân, hiểu đúng chánh pháp và muốn việc hành trì đạt được kết quả diệu dụng thì phải đích thân đến yến kiến Sa-môn và những bậc Chân nhân. Những Sa-môn và những bậc Chân nhân, theo kinh Trung bộ, là những vị Đa văn Thánh đệ tử. Người đến yết kiến Sa-môn và những bậc Chân nhân, là những người cầu tiến, có đạo tâm và đức hạnh. Ngược lại với hạng người này là những kẻ Vô văn phàm phu. Đúng thời đàm luận pháp, không đàm luận pháp phi thời, không đúng lúc, không đúng đối tượng và không hợp căn cơ. Nói chung, khoát áo nhẫn nhục, nói lời ái ngữ, yết kiến các bậc Sa-môn, những bậc Chân nhân, đúng thời đàm luận pháp, là điềm lành tối thượng.

Đặc biệt, Phật dạy: “Kham khổ và Phạm hạnh, thấy được lý Thánh đế, giác ngộ quả Niết-bàn, là điềm lành tối thượng”. Sống an ổn thanh bần, tự sống đời đạm bạc, không phung phí tài vật, hành nếp sống phạm hạnh, sống thiểu dục tri túc, tư duy quyết trạch pháp, ‘y pháp không y nhân’, hành pháp đúng chánh pháp, thì người đó xứng đệ tử của đức Thế Tôn. Thánh đế là chân lý, ai thấy được Thánh đế, người ấy thấy chân lý. Chân lý không phải một, cả Tục đế Chơn đế, người nào khéo hiểu biết, phân biệt được Tục đế, thì có thể biết Chân đế. “Nếu người không có khả năng biết, phân biệt Chơn Tục đế, thì đối với pháp Phật sâu xa, không biết được nghĩa chơn thật” (2).  Lại nữa, Chân đế không tự có mà có từ Tục đế. Như ngài Long Thọ dạy: “Nếu không nương Tục đế, thì không chứng được Đệ nhất nghĩa. Nếu không chứng Đệ nhất nghĩa đế, thì không chứng đắc Niết-bàn” (3).  Tục đế là phương tiện, Tục đế là trợ duyên, Chơn đế là cứu cánh, Chơn đế là tánh giác, là Đệ nhất nghĩa đế. Người có được tánh giác, thấy rõ: Khổ Tập đế thuộc về Tục đế, pháp hữu lậu, hữu vi. Người tánh giác viên mãn, thấy rõ: Diệt Đạo đế là Chơn đế, pháp vô lậu, vô-vi. Tục đế có trong Chơn, Chơn đế có trong Tục, Chơn Tục hỗ tương nhau, trợ duyên thành Thánh đế. Người thấy lý Thánh đế, là thấy chơn diệu pháp, là giác ngộ Niết-bàn. Như trong Phẩm Ngu, Phật dạy:

“Người ngu dầu trọn đời,   
thân cận người có trí,
Không biết được Chánh pháp,  
như muỗng với vị canh.
Người trí dầu một khắc,  
thân cận người có trí,
Biết ngay chân diệu pháp,  
Như lưỡi với vị canh”.
(Pháp Cú, kệ 64, 65)
Tương tự ý này, Phật dạy:
“Ai sống một trăm năm, 
không thấy pháp tối thượng,
Không bằng sống một ngày,   
thấy được pháp tối thượng”.
(Pháp Cú, kệ 115)

Pháp tối thượng cũng chính là điềm lành tối thượng, và thấy được lý Thánh đế cũng chính là đạt đến chơn diệu pháp. Nói chung, sống phạm hạnh, kham khổ, thấy rõ lý Thánh đế, ngộ được quả Niết-bàn, là điềm lành tối thượng.

Ở đoạn cuối của bài kinh này. Như đức Phật dạy: “Khi xúc chạm việc đời, tâm không động, không sầu, không uế nhiễm, an ổn, là điềm lành tối thượng. Làm sự việc như vậy, không chỗ nào thất bại, khắp nơi được an toàn, là điềm lành tối thượng”. Ngay nơi câu đầu đã nói lên tinh thần nhập thế của Phật giáo. Nhờ tu học và thành tựu Giới, Định và Tuệ, (Tâm) giải thoát và giải thoát tri kiến, cho nên khi xúc chạm thế sự, hoặc gặp nhiều chướng duyên nhưng tâm vẫn điềm tĩnh, an nhiên, không động cũng không sầu. Đó là nhờ định lực kiên cố, và Định nhờ Giới mà thành tựu. Do nghiêm trì tịnh Giới, cho nên tâm không phan duyên theo ngoại cảnh, an nhiên và bất động. Nếu người nào chưa chế ngự được tham ưu ở đời, chưa điều phục tâm mình, theo kinh Trung bộ, thì phải tìm nơi vắng vẻ, hành thiền quán chiếu, loại trừ năm triền cái (dục tham, sân hại, hôn trầm thụy miên, trạo hối và nghi) và thành tựu năm thiền chi (tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm), “lấy tâm điều phục tâm, lấy tâm chế ngự tâm, lấy tâm đánh bại tâm”, là một trong những phương thức giúp cho chúng ta chế ngự được tham ưu ở đời, và nhiếp phục được tự tâm. Khi xúc chạm việc đời, thì luôn chú tâm tỉnh giác, phòng hộ các căn môn, tâm không bị khách trần làm nhiễm ô, không động không sầu muộn. Ai nhiếp phục tự tâm và tự chiến thắng mình, là điềm lành tối thượng; vì “chiến thắng ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, tự chiến thắng chính mình, chiến công oanh liệt nhất”.  

Tại sao lại nói rằng tất cả các loại ước mơ, tiêu cực hay tích cực, tục đế hay chơn đế (thế gian hay xuất thế gian) cũng đều không ngoài ba cấp độ: bậc thượng, bậc trung và bậc hạ? Ước mơ có loại tích cực, bậc thượng; ước mơ có loại không quá tích cực cũng không quá tiêu cực, bậc trung; và ước mơ có loại tiêu cực, bậc hạ. Nếu đứng trên bình diện tục đế, thì ba cấp độ ước mơ này thuộc về hữu lậu; vì tâm phàm phu còn nhiều vọng tưởng tạp niệm, còn bị luân hồi trong tam đồ lục đạo. Ngược lại, nếu trên bình diện chơn đế, thì ước mơ (hay hạnh nguyện) của hạng Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ-tát thuộc về vô lậu, thoát khỏi ba cõi (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới). Ba bậc Thánh nhân này (Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ-tát) vẫn sống trong thế gian nhưng nhờ hộ trì các căn môn, nhờ chú tâm tỉnh giác trong mọi lúc mọi thời, tợ như sen đang sống trong bùn mà không bị bùn làm ô nhiễm ngược lại nó vẫn có những đóa sen tỏa hương thơm ngát. Chính vì vậy mà ngài Huệ Năng bảo rằng “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mích bồ-đề, kháp (do) như cầu thố giác”. Cũng vậy, con người không thể tách lìa thế gian này thì ước mơ của họ mới có thể đạt đến điềm lành tối thượng; vì ước mơ xứng với điềm lành tối thượng thì ước mơ đó phải thực hiện ngay bây giờ và tại đây, trong thế gian này. Như trong kinh Nhất dạ hiền giả, đức Phật dạy: “Không tiếc nuối quá khứ, không mơ ước tương lai, chỉ sống với hiện tại, tuệ quán chính ở đây”. Phật giáo chỉ chú trọng và nhấn mạnh đến ‘sống với’, chứ không ‘tiếc nuối quá khứ’, cũng không ‘mơ ước tương lai’, và dĩ nhiên càng không phải để ‘nói về’ hay ‘mơ về’.

Vì ‘tiếc nuối quá khứ’, hoặc ‘mơ ước tương lai’ thì chỉ toàn là huyễn mộng và ảo giác không thật. Cũng vậy, ước mơ sẽ mãi là ước mơ, chứ chưa thành hiện thực; do đó cho nên bất cứ ai cũng đều có quyền ước mơ, ước mơ ấy dù ở cấp độ nào vẫn không bị ai cấm đoán. Tương tự, bất kỳ ai cũng đều có quyền tư duy, dù tư duy ở cấp độ nào vẫn không bị ai cấm đoán. Nếu nói theo Pháp tướng tông, thì ‘ước mơ’ hoặc ‘tư duy’ chỉ ở cấp độ ‘vô biểu’, tức là chưa biểu hiện, và người khác không thể biết là người đó đang mơ ước về điều gì và đang tư duy về vấn đề gì; ngoại trừ những bậc đã chứng lục căn viên thông, như chư Phật và chư Bồ-tát. Nói như thế nhưng đừng vội kết luận rằng đạo Phật sao lại quá bi quan, yếm thế? Thậm chỉ là ước mơ như những người bình thường ước mơ, vậy mà sao Phật giáo lại quá dè dặt và quá lưu tâm như thế! Sở dĩ dè dặt và lưu tâm là vì Phật giáo luôn chú trọng đến nếp sống tâm linh hơn là đời sống vật chất hình thức; vì “những gì có hình tướng đều là giả dối không thật”; và vì ước mơ của con người có đến vô số, nhưng theo Phật giáo là ước mơ đó có xứng với ‘điềm lành tối thượng’ hay không; đây mới thực sự là vấn đề quan trọng. Do đó cho nên đừng vội nghĩ rằng những ‘ước mơ’ ấy nào có tội vạ gì đâu mà phải ‘rào trước, đón sau’ hoặc phải ‘giữ kẽ’, hay ‘dương đông, kích tây’ làm gì cho mệt! Nếu người nào nghĩ như vậy, thì có lẽ quá nông nỗi và quá vớ vẩn. Ước mơ đó nếu không phải từ ‘ý’, ‘thức’, ‘tâm’ thì đâu mà có, do đâu nó phát sinh. Trong tam nghiệp: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, ý nghiệp là quan trọng nhất. Nói ý nghiệp quan trọng nhất là vì đức Phật dạy: “Ý làm chủ các pháp, ý làm chủ ý tạo, nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe (theo) chân vật kéo”. Ngược lại, đức Phật dạy: “Ý làm chủ các pháp, ý làm chủ ý tạo, nếu với ý thanh tịnh, nói lên hay hành động, an lạc bước theo sau, như bóng không rời hình”. Nếu với ý thanh tịnh là điềm lành tối thượng, cũng vậy nếu với ước mơ [mà lòng] thanh tịnh thì đó cũng là điềm lành tối thượng.

Tựu trung, ước mơ thuộc về Tục đế, là ‘tùy tục’, là hữu lậu; còn nói phát tâm là thuộc về Chơn đế thì có lẽ chưa đúng mà phải ‘phát Đại thừa tâm’ thì mới đúng là Chơn đế, vô lậu. Tuy nhiên, Chơn đế không ngoài Tục đế; vì Chơn và Tục hỗ tương nhau, trợ duyên nhau; vì tận cùng của phương tiện thiện xảo là cứu cánh. Cứu cánh nếu không ‘tùy tục’ là cứu cánh ảo; còn ‘tùy tục’ mà không có phương tiện thiện xảo thì ‘tùy tục’ huyễn. Những gì thuộc về ‘ảo’, thuộc về ‘huyễn’ thì cái đó thuộc về hý luận. Do đó cho nên tinh thần nhập thế, trong ý nghĩa hoàn bị nhất, chính là tinh thần ‘tùy tục’. Vì sao? Vì có những ước mơ gắn bó suốt cả cuộc đời người. Như ước mơ được “sanh lên cõi Tây phương Tịnh độ, chín phẩm hoa sen là cha mẹ…”. Lúc sống hay lúc lâm chung vẫn đều có ước mơ. Hễ có ước mơ tức là có ‘tùy tục’, là thể hiện tinh thần ‘tùy tục’. Để khỏi ngộ nhận ước mơ, dù Tục đế hay Chơn đế, là điềm lành tối thượng, là tinh thần ‘tùy tục’, tạm mượn cuộc đàm thoại của hai thầy trò (4) – thầy: Thiền sư Thường Chiếu và trò: Thiền sư Thần Nghi – thay cho lời kết của đề tài ‘ước mơ nào là điềm lành tối thượng?’ này.

Khi ngài Thường Chiếu sắp viên tịch, Thần Nghi hỏi:
– Mọi người đến thời tiết này, vì sao tùy tục (theo thế tục) mà chết?
Thường Chiếu hỏi:
+ Ngươi thử nhớ xem được mấy người không tùy tục?
– Một mình tổ Đạt Ma.
+ Có những đặc biệt gì?
– Một mình đạp trên sóng trở về Tây.
+ Núi Hùng Nhĩ là nhà ai?
– Chỉ là chỗ chôn chiếc giày trong hòm mà thôi.
+ Lừa người lấy lợi, đứng đầu là Thần Nghi.
– Đâu thể nói Tống Vân truyền dối, việc vua Trang Đế quật mồ thì sao?
+ Một con chó lớn sủa láo.
– Hòa thượng cũng tùy tục chăng?
– Tùy tục! ……

T.K.Đ.
 

Chú thích

1. Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Tiểu Bộ, Thích Minh Châu dịch, Viện NCPHVN, 1992, tr. 11-4.
2. “Nhược nhơn bất năng tri, phân biệt ư Nhị đế, tắc ư thâm Phật pháp, bất tri chơn thật nghĩa”. Thích Thiện Siêu (dịch và tóm tắt), Trung Luận, Nxb Tp. HCM, 2001, tr. 374.
3. “Nhược bất y Tục đế, bất đắc Đệ nhất nghĩa; bất đắc Đệ nhất nghĩa, tắc bất đắc Niết-bàn”. Thích Thiện Siêu, Sđd.
4. Thích Thanh Từ, Thiền Sư Việt Nam, Thành Hội Phật giáo Tp. HCM, 1999, tr. 208-9.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here