Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Huế – Văn hóa nghe và không gian tâm tưởng

Huế – Văn hóa nghe và không gian tâm tưởng

128
0

Người Huế – truyền thống –  thông thường vẫn nghe nhiều hơn nói. Với họ, thì im lặng nhiều khi không hàm ý chối từ hay bặt dứt tư duy. Đấy là im lặng lắng nghe và chiêm nghiệm. Im lặng của tư tưởng. 

Không chỉ ở thị tứ mà bất cứ nơi đâu cũng trở nên ngột ngạt, ồn ào khi con người dần đánh mất không gian. Đấy là lúc nhân loại phải chấp nhận mọi thứ tiếng xô bồ của thị phi náo nhiệt. Ai cũng muốn thể hiện mình, muốn nói vì mình hơn là nghe người khác.  Không gian thu hẹp dần, khiến tư tưởng con người chỉ chuyên về đối phó. Sự phóng khoáng của tâm hồn trở thành xa xỉ phẩm và tính thực tế nhanh chóng lên ngôi. Những mơ mộng lâu dài sẽ bị thay thế dần bằng những giải trí có lập trình. Khuynh hướng ấy đang hiện hữu với sức mạnh toàn-cầu-hóa. 

Tại sao người Tây phương du lịch, đi tìm về các giá trị mà xã hội văn minh thời @ hôm nay đang mai một ? Họ đi tìm những gì có thể đã đánh mất ngày qua…Du lịch thực chất để được đi, được biết, được nhìn…Nhưng ngoài ra còn để được im lặng và lắng nghe người khác nói. 

Ở một nơi như Huế, thiên nhiên đã cứu rỗi con người. Thanh thoát với núi, nước, trời, mây…Tư tưởng con người có nhiều cơ hội hơn để vươn cánh ra khỏi không gian toan tính mỗi ngày. Nhu cầu nói tự giảm, thêm một phần cho mơ mộng, tư duy…Từ đó, trầm tư trở nên một phần trong tính cách Huế. Có nghĩa, im lặng là chiều sâu và lắng nghe là tư tưởng. Con người nơi đây dễ dàng bắt gặp những "Giao thoa" mà chỉ với im lặng thành khẩn mới đích thực được hòa mình và rung cảm…

Trước thiên nhiên, là lúc im lặng lắng nghe gì ? Phải chăng đấy là lúc tư tưởng vỗ cánh bay xa, bỏ sau lưng những không gian đời thường đầy mỏi mệt. Là sự vượt thoát ra khỏi khống chế bi kịch của "thời gian đóng hộp". Người Tây phương đã chỉ cho chúng ta biết đâu là ích lợi thiết thực từ những giây phút mộng mơ ? Vâng, sự hóa giải "Stress", những sản phẩm không mời gọi của nền văn minh hiện đại.   

Từ mộng mơ đến tư tưởng để phôi thai nghệ thuật và sáng tạo, phát minh…Đều mang dấu ấn của lắng nghe và im lặng. Lắng nghe nội tâm dạt dào, thổn thức. Im lặng để cảm nhận và thấu triệt những tiếng vọng ẩn khuất còn trầm tích dưới đáy sâu tư tưởng. Điều ấy trả lời cho câu hỏi vì đâu ? Người Huế rất yêu thơ và đam mê nghệ thuật. Họ vẫn thường hay mơ mộng…"Đất là người". Tư tưởng phương tây từng nói thế.

Quả thực Huế giàu có sự nhàn hạ, không gian và tư tưởng. Văn hóa nghe được đánh giá như một trong những giá trị đặc thù, truyền thống. Nhưng những gì điển hình nhất mà người Huế lắng nghe ? 

Tiếng chuông chùa tinh sương lan tỏa giữa màn đêm khi trời đất yên tĩnh đợi bình minh một ngày dần hé lộ…Buổi sáng ở đây luôn thanh thản và bắt đầu sớm hơn so những nơi nào khác. Vì thế, thời gian một ngày như dài hơn để có thể cho ta thêm chút bình tâm, quên vội vã. Mỗi ngày đến nhẹ nhàng tựa đóa sen nở ra từ bóng đêm, vẫn còn đẫm hơi sương tinh khiết. Đó là lúc người Huế thức giấc để lắng nghe Đại hồng chung ngân nga…Tiếng chuông chùa Thiên mụ.  

Tách trà của cụ già trong ánh lửa đầu ngày – trang trọng nhưng hết sức đơn sơ – với một nét hồn đầy tĩnh lặng. Sự độc ẩm bây giờ không mang nghĩa cô đơn hay phiền lụy. Tiếng vọng trầm của hồi chuông giúp con người hồi tưởng việc hôm qua…Đó là cơ hội để giải tỏa ẩn ức hay bình tâm quán xét lại buồn và vui nhân thế. Tất cả đều có thể, rồi sẽ như khói tỏa ở chung trà. Sẽ tan đi nhẹ nhàng và trôi tận cõi hư vô… Vâng, độc ẩm mà như đang "song ẩm" bên – tiếng chuông –  người bạn tri âm không phải cần gặp mặt. "Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình". Người xưa, chỉ cần tiếng lòng đủ để hiểu nhau dù vẫn cách xa vạn lý. Đã bao lâu ? Người xứ Huế là tri âm của tiếng chuông chùa Thiên mụ ? 

Thời gian đi qua với bao nhiêu lần đứt nối, phế hưng song thời gian trong âm thanh kia dường như là hằng cửu. Đó là tiếng thời gian lan tỏa khắp không gian. Thứ vọng âm hiện hữu đủ nguyên bản cổ sơ, đi thấu  suốt, chạm tới mọi ngõ ngách không gian, vượt thời đại để gặp gỡ vị lai. Im lặng, lắng nghe vọng âm ấy, tư tưởng như được bay cao bay xa vào vô tận…

Bây giờ, khi mà tiếng chuông chùa xứ Huế được ca ngợi, được tôn vinh nhiều nhất – như một quán tính phong trào – cũng là lúc không gian xưa  trở nên lạ lẫm đã từ lâu. Tiếng Đại hồng chung ấy mất hút giữa những tiếng động rền rĩ của nền cơ giới văn minh. Chuông chùa xa khuất, mơ hồ không còn trầm hùng lồng lộng giữa trời đêm. Từ cuối thập niên 60 trở về trước, một tiếng chuông chùa Thiên Mụ lúc tinh mơ nghe được đến tận những thôn làng heo hút, vượt qua Bồ giang thong thả ngân nga…Chạm tới cả lau lách dọc con sông Mỹ Chánh. Gần hơn, trong địa bàn thành phố, mỗi tiếng chuông lúc ấy mỗi chấn động mặt đất dưới chân người nhè nhẹ…Đi chân trần mới thấu hiểu vì sao ai đã gọi, có "tiếng trống nổi trời" và "tiếng chuông dậy đất" ? Tiếng chuông chùa xứ Huế vẫn còn đây, song tất cả chừng ấy đã khác xa trong quá vãng… 

Uống trà độc ẩm, nghe chuông chùa Thiên mụ giữa tinh sương để tĩnh tâm và bắt gặp những tư tưởng trong sáng đầu ngày, có còn là di sản tinh thần tiếp tục lung linh trong ký ức Huế hôm nay ? Tiếng chuông như một tặng vật kỳ diệu dành cho ai biết lắng nghe và điều hòa tâm tưởng. Tặng vật giúp "thân tâm thường an lạc". 

Cheo leo nơi sườn núi, đỉnh đồi có tiếng Đại hồng chung kia buông thả, khoan thai. Thông điệp vô thường, nhắn gởi tới con người cái chớp mắt "Sát na" trên mọi nẻo đường danh lợi.

Còn dưới kia, dòng sông xanh lơ lững…Mặt nước sông Hương muôn đời bình lặng. Trước im lặng của dòng sông, gợi tưởng sự im lặng của con người xứ Huế. Lặng lẽ để xanh trong. Sự xanh trong mang tâm hồn ẩn sĩ. Những con người lấy "Nghêu ngao vui thú yên hà. Mai là bạn cũ, hạc là người quen". Ngay dưới bóng thành quách rêu phong ấy, vẫn lẩn khuất đâu đây đôi dáng người buông câu trên mặt nước. Thú "yên hà" của những ai chọn thiên nhiên làm "bằng hữu tâm giao". Họ là những kẻ im lặng bên dòng để lắng nghe vọng âm từ tiết tấu thiên nhiên. Một nét tư tưởng Lão Trang, cái đẹp nhẹ nhàng tranh thủy mặc.      

Cho đến khi hoàng hôn xuống, lãng đãng tiếng lòng ai vỡ nhòa trên mặt nước mênh mông ? Giọng hò mái đẩy. Có người đứng giữa lau lách một bờ sông để lắng nghe thứ tiếng ấy mãi cho đến khi bóng con thuyền khuất xuôi về cửa biển ? Giọng hò như treo vào trong gió, lất phất bay cơ hồ từ một cõi khói sương nào phiêu dạt…Con thuyền mờ tỏ giữa thứ ánh sáng giao hòa  đêm và ngày kỳ ảo. Câu hò giọng Huế khiến thổn thức lòng ai…

Cảm giác ấy không hiện hữu ở một nơi nào khác nữa, dẫu người đi khắp muôn dặm quan san. Thuyền khuất dạng giữa màn đêm buông xuống. Một mặt nước mênh mông xao xuyến còn vướng lại nỗi niềm trên ngọn cỏ bờ lau. Đó là lúc tư tưởng con người vừa nhận được thông điệp của thời gian. Sự mênh mông và bất tận tháng ngày. Còn lại đó là lặng lẽ bâng khuâng từng câu hỏi, về đâu ? Một con thuyền mong manh mặt nước. Hay, về đâu ? Con người giữa thời gian vô thủy đến vô chung. Phận người lênh đênh là thế, sao câu hò vẫn nhắn gởi một tình thương…Buồn mà đẹp biết bao nhiêu. Ôi, đạo nghĩa làm người và "trường ca" bi tráng trên sông !

Giọng mái đẩy không vỗ về, gần gũi như âu yếm ru hò bên tao nôi người mẹ. Không xôn xao rạo rực như giọng hò giã gạo thức trắng đêm thanh. Đó là thứ tiếng lòng cô quạnh buông thả giữa dòng sông…Mỗi nhịp chèo là một lần khuấy động nỗi niềm không biết tỏ cùng ai ? Giọng hò ấy từ những tâm hồn mộc mạc, chỉ biết đem tâm sự với thiên nhiên những gì mà con người chưa nói đủ với con ngưòi…Tại sao giọng hò ấy khiến những bậc tài trí anh hào vẫn xúc cảm không nguôi ? Vâng, sự kỳ diệu ấy không đợi chờ tư tưởng. Tư tưởng hiện thân cốt giải thích mọi điều. Song tư tưởng có lúc cũng trở về im lặng. Im lặng lắng nghe những gì không thể lấp đầy bằng ngôn ngữ. Bên dòng Hương giang kia, còn giọng hò mái đẩy. Đó là lúc tư tưởng lặng lẽ trên bến bờ "Bất tư nghị". 

Giọng hò mái đẩy xa vắng nao lòng kia không sanh phách đẩy đưa. Một con thuyền chơi vơi và "nhân ảnh" nhạt nhòa…Chỉ có lá trúc lay và dòng sông bát ngát. Đó là thứ tiếng nguyên thủy của dòng sông, là hồn vía từ ngàn xưa lưu lại giữa đôi bờ. Con sông ấy vẫn còn đây…

Như tiếng chuông chùa Thiên mụ, giọng hò mái đẩy cũng đã thuộc về thứ vọng âm không thể nào lãng quên của Huế. Một – ngân nga giữa đêm trường cho tới lúc bình minh. Một – thả dài trên bến bãi cuối ngày khi hoàng hôn đọng bóng. Cả hai đều tồn tại do bản chất của không gian  nguyên sơ, khoảng khoát nơi nầy. Tất cả sẽ nhạt nhòa, sẽ chỉ còn là vang bóng thời gian khi núi, nước, trời, mây dần chia cắt phân ly. Những vọng âm kia là ấn chứng vĩnh cửu cho đặc thù văn hóa nghe của Huế. Hãy ước mong cho không gian làm nên chúng…Vẫn mãi rộng, mãi còn như tấm lòng những đứa con xứ Huế, khi sinh ra là đã cưu mang vọng âm kia trong suốt cả cuộc đời.   

T.H.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here