"Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh"
Thiền sư Pháp Thuận [915-990.]
Có một thời, trong cơn lốc của những xúc động tụng ca, người ta khẳng định "Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?… Những ngày ta sống đây là ngày đẹp nhất. Trái cây rơi vào áo người hái quả… Gặp mỗi người đều muốn ghé môi hôn…: "[Chế Lan Viên]. Rồi để khẳng định cái ánh sáng chói lòa của hiện tại, người ta nhìn về những thời đoạn lịch sử trước kia với đôi mắt chưa thật tỉnh táo "Ông cha từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời. Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa [Chế Lan Viên], và rồi, Một câu hỏi lớn không lời đáp. Cho đến bây giờ mặt vẫn chau" [Huy Cận].
Đừng quên những câu thơ ấy từng hấp dẫn những tâm hồn đa cảm bị khúc xạ bởi màn sương hư ảo của những chấn động một thời. Ở đây gợi nhớ đến một phân tích lạnh lùng, sắc sảo của Gustave le Bon: "Chẳng gì chứng minh rõ hơn sự mê hoặc do một niềm tin chung gây ra, nhưng cũng chẳng gì chỉ ra rõ hơn những giới hạn nhục nhã của trí tuệ con người"1!
Ngẫm cho kỹ, sẽ nhận ra sự dễ dãi đến bạc bẽo khi đưa ra những phán xét, cho dù bằng những rung động thẩm mỹ có phần cảm tính, về ông cha. Ông cha ta đâu có "bế tắc", cái "câu hỏi lớn" mà nhà thơ cho là "không lời đáp" là gì nếu không là vận mệnh của đất nước? Mà nếu thế thì ông cha ta đã từng đưa ra những lời đáp thật thuyết phục với những bằng chứng lịch sử không thể bác bỏ. Nếu không như vậy thì làm gì có "Nghìn năm Thăng Long" để hôm nay chúng ta long trọng và tưng bừng kỷ niệm.
Mà quả thật, không nhiều những quốc gia có được một thủ đô nghìn năm tuổi để tự hào trình diễn trước thế giới như chúng ta đang làm. Khi mà kim chiếc đồng hồ bên Hồ Gươm đã chỉ vào con số chờ đợi, thì cũng là lúc người ta hiểu ra rằng, lịch sử là một thành phần mà nếu thiếu nó, thì không một ý thức dân tộc nào có thể được khẳng định. Mà nếu không có điều ấy thì cũng không thể có bất cứ sự phát triển nào có ý nghĩa cả. Càng không thể có sự hội nhập một cách chủ động và biết chọn lựa để phát triển.
Mà giả dụ nếu có, thì e chỉ có thể là sự vong bản, tự đánh mất mình, khởi đầu bằng đánh mất văn hóa. Vì thế, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, xét đến cùng, là để khẳng định bản lĩnh văn hóa Việt Nam nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lấy đó làm điểm tựa để động viên lòng yêu nước, khí phách anh hùng "có cứng mới đứng đầu gió", gió Biển Đông đầy bất trắc dồn dập sóng cồn giữa biển cả thời gian đầy thách thức.
Lịch sử là một thành phần mà nếu thiếu nó, không một ý thức dân tộc nào có thể được khẳng định. Mà nếu không có điều ấy thì cũng không thể có bất cứ sự phát triển nào có ý nghĩa cả. Càng không thể có sự hội nhập một cách chủ động và biết chọn lựa để phát triển.Mà giả dụ nếu có, thì e chỉ có thể là sự vong bản, tự đánh mất mình, khởi đầu bằng đánh mất văn hóa. |
Phải có bản lĩnh ấy để tồn tại và phát triển trong cái thế kẹt địa-chính trị đầu cầu dẫn đến một vùng Đông Nam Á giàu tiềm năng, vốn luôn là đối tượng của những tham vọng bành trướng khó bề thay đổi. Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long cũng là để gợi nhớ và tôn vinh một bản lĩnh văn hóa, bản lĩnh của vị vua khai sáng vương triều Lý.
Sau chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng đánh tan quân Nam Hán, chặn đứng mộng bành trướng, mở đầu việc dựng xây nền móng cho một nhà nước tự chủ, thì quyết định dời đô về Thăng Long của Lý Thái Tổ là sự khẳng định quyết tâm củng cố nền độc lập và phát triển đất nước, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp trường kỳ dựng nước, mở nước và giữ nước của ông cha ta.
Trên ý nghĩa ấy, cần thấy cho ra "Chiếu dời đô" thể hiện một tầm nhìn khởi đầu một sự nghiệp. Cũng có thể nói, "Chiếu dời đô" của vua Lý Thái Tổ là sản phẩm của một bản lĩnh văn hóa. Không có bản lĩnh văn hóa ấy thì dễ gì hôm nay đất nước có một thủ đô nghìn năm tuổi!
Muốn cho "vận nước dài lâu, phong tục giàu thịnh" nhằm "làm kế cho con cháu muôn vạn đời", vì vậy "xem khắp nước Việt, đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời" nên quyết dời đô về đây. Ấy chính là "trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân"!* Phải có một bản lĩnh văn hóa đủ tầm mới chỉ ra được những điều ấy.
Đương nhiên, bản lĩnh ấy không ngẫu nhiên mà có. Người mở đầu cho vương triều Lý là một người được hấp thu một học vấn nghiêm chỉnh từ nhỏ. Thầy dạy của Lý Công Uẩn là thiền sư Vạn Hạnh, một nhà sư uyên bác, một trí thức đứng hàng đầu trong những người có học vấn đương thời. Hãy chỉ đọc một bài thơ của ông để cảm nhận điều đó, bài "Thị đệ tử":
Thân như điện ảnh hữu toàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô [ Thân người như bóng chớp, có rồi lại không/ Như muôn cây cỏ mùa xuân tươi tốt đến mùa thu khô héo/ Ngẫm và hiểu cái lý của thịnh suy, lòng không sợ hãi/ Vì thịnh suy nối tiếp nhau như khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ].
Theo tác giả của "Lịch sử Phật giáo Việt Nam", giáo sư Lê Mạnh Thát, "trước khi mất, Vạn Hạnh đã gọi đệ tử mình ở chùa Lục Tổ đến và đọc cho họ nghe bài kệ trên, rồi dặn dò đệ tử của mình: "Các con muốn đi đâu? Ta không lấy chỗ trụ để trụ, mà cũng không dựa vào chỗ không trụ để trụ". Bài thơ này là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của văn học Việt Nam… nó đúc kết cả một triết lý hành động mà suốt đời Vạn Hạnh đã theo đuổi". *
Có thể vắn tắt gợi lên những phân tích của tác giả "Lịch sử Phật giáo Việt Nam" về bài thơ này như sau:
Câu đầu là một cái nhìn về chính bản thân. Con người xuất hiện trên thế giới này đúng như một ánh chớp, chỉ lóe lên rối tan biến vào đâu đó trong không gian mênh mông của vũ trụ. Con người, như vậy, vừa có tính bi kịch, nhưng lại vừa có tính thần thánh cao sang của nó.
Câu hai là một cái nhìn tổng quát về thế giới con người đang sống, một cái nhìn về quy luật phát triển của thế giới tự nhiên, mọi sự sống đều kèm theo cái chết.
Câu thứ ba và bốn là một cái nhìn về quy luật của phát triển xã hội. Xã hội nào có thịnh rồi cũng có suy. Tổ chức cao nào cũng có lên rồi cũng có xuống. Xã hội loài người chuyển dịch theo những quy luật vận động của nó. Chính quy luật vận động đó đã tạo nên sự thịnh suy.
Con người Phật giáo biết nắm lấy quy luật vận động đó [nhậm vận] thì đứng trước sự thịnh suy hoàn toàn có thể làm chủ được tình thế, chẳng có gì phải sợ hãi. Mà có gì phải sợ hãi khi sự thịnh suy đó diễn ra cũng chóng vánh như một hạt sương mai long lanh trên ngọn cỏ trong chốc lát biến mất dưới ánh sáng của mặt trời!
Ngược về trước, còn những bài thơ gợi lên cảm thức hùng vĩ về đất nước, về con người mà bài thơ "Nguyên Hỏa" của đại sư Khuông Việt, và trước đó là bài "Quốc Tộ" của thiền sư Pháp Thuận là những ví dụ sống động về dòng thơ quan tâm đến vận mạng của đất nước, đến cuộc sống của người dân được nhìn nhận như là "dòng thơ chủ lưu của nền văn học Việt Nam"**.
Xin nói đôi điều về bài thơ "Nguyên hỏa" [Gốc lửa] của Khuông Việt:
Mộc trung nguyên hữu hỏa
Nguyên hỏa phục hoàn sanh
Nhược vị mộc vô hỏa
Toàn toại hà do manh
[Trong cây vốn có lửa/ Sẵn lửa, lửa mới sinh ra/ Nếu cây không có lửa/ khi cọ xát sao lại thành].
Đây cũng là một bài kệ thị tịch mà đại sư đã trao lại cho học trò của mình trước khi mất. Hình ảnh ngọn lửa phải chăng là ánh sáng giác ngộ? Không phải tìm một thế giới giác ngộ nào khác ở ngoài cuộc đời mà ta đang sống. Mỗi người đều có thể đạt tới sự giác ngộ, nhận ra được chân lý từ chính cuộc sống của mình. Như lửa vốn có ở trong cây, vấn đề là làm sao cho cây bật lên ngọn lửa. Hình tượng này diễn đạt một triết lý sống, một triết lý dẫn dắt hành động nhằm cứu dân giúp nước của Phật giáo thời kỳ này.
Để hiểu hơn điều này, xin dẫn ra mấy câu trong kinh Lục độ tập của học giới Phật giáo Việt Nam thời kỳ ấy: "Phù hữu tất không, do nhược lưỡng mộc tương toán sinh hỏa, hỏa hoạn thiêu mộc, hỏa mộc câu tận, nhị sự giai không" [Hễ có tất không, giống như hai miếng gỗ cọ nhau mà sinh ra lửa, lửa trở lại đốt gỗ, lửa gỗ đều tiêu hết, hai việc đều không] **
Trước "Nguyên hỏa" của Khuông Việt [930-1011] , bài "Quốc Tộ" [Vận Nước] của thiền sư Pháp Thuận [915-990], một kiệt tác ghi lại dấu ấn của một tầm vóc tư tưởng và triết lý mà đến cả nghìn năm sau, đọc lại vẫn tươi nguyên tính hàm súc, giàu sức thuyết phục:
Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh
[Vận nước đan xen với nhau như mây quấn/Đất trời Nam đang hưởng thái bình/ Nếu triều đình thấm nhuần lẽ vô vi/Mọi nơi sẽ không còn chiến tranh]
Bời bời vận nước quấn mây
Trới Nam mở lượng đó đây thái bình
Thiền tâm thấm tận triều đình
Thì nhân gian dứt đao binh đời đời
Nguyễn Duy dịch thơ
Phải trở lại với bối cảnh ra đời của bài thơ mới thấy hết được những ý tứ sâu sắc tiềm ẩn trong hình tượng, trong câu chữ của bài thơ ra đời cách đây hơn 1000 năm.
Đó là bối cảnh mà "Việt Giám Thông Khảo Tổng luận" chép: "Nước nhà nhiều nạn, xã tắc lâm nguy, lại thêm giặc Chiêm quấy nhiễu phía nam, quân Tống xâm lăng phía bắc, quyền thần nắm việc nước, người trong nước lìa lòng… họ Đinh dấy lên do ở Tiên Hoàng mà họ Đinh mất đi cũng là do Tiên Hoàng, không phải mệnh trời không giúp, chính là vì mưu của người không ra gì.
Lê Đại Hành cầm quyền mười đạo, giữ chức nhiếp chính, vua bé nước nguy, nhân thời chịu mệnh, giết vua Chiêm Thành để rửa cái nhục sứ thần bị bắt, phá quân Triệu Tống làm nhụt cái mưu tất thắng của chúng…Cày ruộng tịch điền ở Long Đội, mời người xử sĩ ở Tượng Sơn, kén dùng hiền tài, dựng mở trường học, có mưu lược to lớn của bậc đế vương".*
Bài thơ nói trên chính là câu trả lời của thiền sư Pháp Thuận đối với câu hỏi của nhà vua về vận nước trong bối cảnh thù trong giặc ngoài. Câu hỏi thể hiện một trực cảm của nhà chính trị đứng trước những thử thách khắc nghiệt của một vương triều mới dấy nghiệp, và câu trả lời cũng là một trực cảm chính trị sâu sắc trên nền tảng một triết lý nhân bản thâm hậu.
Trọng lực của ý tưởng cũng như sự đúc kết toàn bộ triết lý của tác giả bài thơ dồn vào khái niệm "vô vi". Vận nước có dài lâu được hay không tùy thuộc vào nhận thức và ứng xử của người gánh vác trọng trách với sơn hà xã tắc, đất trời Nam đang hưởng thái bình liệu có duy trì được tiếp hay không, là do ở chỗ "Vô vi cư điện các. Xứ xứ tức đao binh" [nếu triều đình thấm nhuần lẽ vô vi [thì] mọi nơi sẽ không còn chiến tranh".
Chiến tranh ở đây là những cuộc tranh bá đồ vương, nồi da xáo thịt của anh em dòng họ và của các phe nhóm muốn tranh giành ngôi vua, kiếm chác quyền lực mà hệ lụy là loạn lạc, là máu xương đổ lên đầu trăm họ. Loạn 12 sứ quân làm sụp đổ vương triều Ngô, rồi loạn Đỗ Thích giết vua để rồi bị giết và tiếp theo là các tướng cũ của Đinh Tiên Hoàng định mưu phạt Lê Hoàn [Lê Đại Hành] để rồi bị giết, kết thúc vương triều Đinh.
Và đồng thời, đáng ngại hơn nữa, là âm mưu xâm lược từ phương Bắc khi mà nhà Tống chấm dứt thời kỳ "ngũ đại thập quốc" và đang bành trướng về phía nam. Tháng tư năm 981 đội quân xâm lược do Hầu Nhân Bảo chỉ huy chia quân làm hai ngả, hòng nuốt chửng quốc gia nhỏ bé không chịu thần phục cứ như cái xương mắc trong họng khiến không nuốt được những miếng mồi ngon phương Nam! Bị đánh tan tác trên cửa sông Bạch Đằng, Hầu Nhân Bảo phải đền mạng. Năm 1005, Lê Đại Hành mất, các con tranh chấp ngôi vua, đem quân đánh lẫn nhau, kết thúc nhà Tiền Lê.
Có hiểu bối cảnh đó mới hiểu được ý tưởng của thiền sư Pháp Thuận muốn tác động đến suy nghĩ của người đứng đầu trăm họ. Liệu có phải hai chữ "vô vi" trong bài thơ của ông có gốc gác từ kinh "Lục độ tập" của nhà Phật "Cẩn thận không kiêu ngạo, là hạnh của học sĩ, bỏ lòng dơ ân ái, không lấm bụi bậm của sáu tình, không để các ái nhỏ như tóc tơ che dấu trong lòng mình thì các niệm lắng diệt, đó là vô vi"? ** Xin đọc thêm hai bài thơ sau:
Thiền sư Chân Không [1046-1100] trong bài "Cảm Hoài" [Tỏ nỗi lòng] thì lại nói đến khái niệm "vô vi" dưới một chiều cạnh khác:
Diệu bản hư vô nhật nhật khoa
Hòa phong xuy khởi biến sa bà
Nhân nhân tận thức vô vi lạc
Nhược đắc vô vi thủy thị gia.
[cái bản tính vi diệu trống không ngày ngày có mặt/Gây nên cơn gió hòa ở khắp thế gian/Người người ai cũng biết cái hạnh phúc của vô vi/Phải thể hiện được cái vô vi đó trong cuộc sống mới gọi là nhà]
Thiền sư Từ Đạo Hạnh [?-1117] trong bài "Hữu Không" [Có và không] lại cho rằng:
Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu, không như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không
[Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Kìa xem bóng nguyệt dòng sông
Ai hay không có, có không là gì]
Tục truyền theo Huyền Quang Tam Tổ
Rõ ràng là "vô vi cư điện các" hàm nghĩa một phẩm chất được hình thành và nuôi dưỡng từ một tư tưởng triết học Phật rất sâu sắc.
Sự suy thoái về phẩm chất, về đạo lý của người cầm quyền gắn liền với sự rối ren của thời cuộc, sự ly tán của lòng dân, vận nước gặp buổi khó khăn dẫn tới sự sụp đổ của một triều đại là điều thường thấy, và dường như đã thành quy luật "đẩy thuyền là dân mà lật đổ thuyền cũng là dân". |
Mới đây thôi, trong cái ồn ào, bụi bậm của dòng đời thời hiện đại ào ạt tuôn chảy, trong tập thơ đượm màu sắc triết lý "Cỏ dọc đường trần" của Việt Phương, nhà thơ và là nhà nghiên cứu, có hai câu gợi nhiều suy tưởng từ bài thơ có nhan đề là "Nghĩa" dường như muốn diễn đạt sự cảm nhận của mình về tinh thần cơ bản của triết học ấy:
"Không có gì tạo thành tất cả
Tất cả đầy những không có gì"***
Liệu có thể nhận thức rằng "tất cả là không có gì, và không có gì là tất cả" chính là sự thâu tóm một cách đơn giản nhất triết học Phật? Có lẽ phải trên tinh thần đó mới có thể hiểu rõ khái niệm "vô vi" trong bài thơ "Vận nước" của Pháp Thuận.
Để có thể "vô vi cư điện các" [triều đình thấm nhuần lẽ vô vi] thì tất nhiên người đứng đầu trăm họ phải là người có trí và có đức. Có được điều đó mới chấm dứt được nạn binh đao khiến muôn dân chịu cảnh lầm than, đem xương máu lót đường cho những mưu ma chước quỷ trong những cuộc tranh bá đồ vương nhằm giành giật cái ghế quyền lực.
Oái oăm thay, những con người với những phẩm chất như vậy thường chỉ xuất hiện trong thời kỳ mở đầu cho một triều đại! Rồi triều đại do họ lập nên thịnh suy, dài ngắn ra sao gắn liền với việc những phẩm chất đẹp đẽ như vừa nói của người nắm quyền được gìn giữ, kế thừa và phát huy đến đâu, hay lụn bại dần dần rồi dẫn đến chỗ băng hoại.
Người lập nên triều đại Tiền Lê, người anh hùng dân tộc đánh tan quân xâm lược nhà Tống làm rạng rỡ non sông, nhưng rồi khi nằm xuống thì các con trai ông đã giết nhau để tranh ngôi. Lê Long Đỉnh, người tranh được chiếc ngai vàng sau khi giết hết anh em mình, đã không ngồi được trên ngai, mà phải "ngọa triều" để điều hành việc nước! Và thế tất là phải hèn mạt cúi đầu trước nhà Tống để duy trì cho được tư thế "ngọa triều" đó, để rồi chóng vánh chấm dứt triều đại do cha mình lập nên! Và đây là chuyện diễn ra không chỉ một lần trong lịch sử.
Sự suy thoái về phẩm chất, về đạo lý của người cầm quyền gắn liền với sự rối ren của thời cuộc, sự ly tán của lòng dân, vận nước gặp buổi khó khăn dẫn tới sự sụp đổ của một triều đại là điều thường thấy, và dường như đã thành quy luật "đẩy thuyền là dân mà lật đổ thuyền cũng là dân".
Chỉ một lời bình được chép trong Đại Việt Sử ký Toàn thư về "Ngọa triều Hoàng đế" đủ diễn tả được quy luật ấy: "Vua làm việc càn rỡ, giết vua cướp ngôi, thích dâm đãng tàn bạo, muốn không mất nước sao được?"! Cũng chẳng cần đến loại "ngọa triều" như Lê Long Đỉnh mới làm sụp đổ chóng vánh một triều đại! Lịch sử đầy rẫy những thảm họa từ bọn vô tài bất tướng, vì những lý do khác nhau mà ngoi lên nắm được quyền hành, đẩy trăm họ đến chỗ lầm than, sơn hà nghiêng ngả, đấy là thời vận nước suy. Điều này chẳng lấy gì khó hiểu.
Những người lập nên một triều đại mới thường phải trải qua thời "nằm gai nếm mật" nên hiểu được nguyên lý "đẩy thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân" nói trên, do vậy mà biết lo tìm cách "an dân", "khoan thư sức dân", thu phục nhân tâm, trọng dụng hiền tài.
Nhưng rồi những hậu duệ của họ, nếu không được giáo dục và rèn luyện, thì theo quy luật khắc nghiệt của quyền lực bị tha hóa, sẽ chóng vánh bộc lộ những bệnh hoạn của kẻ ăn trên ngồi trốc nhờ những ngẫu nhiên của lịch sử mà leo được lên, không có "đức", cũng chẳng có "trí", thế tất nhanh chóng bị lịch sử phế bỏ! Đó là chuyện xảy ra như cơm bữa, xưa nay đều như vậy!
Xem ra, sự diễn đạt hết sức cô đọng quan điểm triết lý "Nhậm vận thịnh suy vô bố úy/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô" trong lời thị tịch của Vạn Hạnh không chỉ biểu lộ một bản lĩnh, một nhân cách mà còn là sự đúc kết một quy luật.
Nối liền bài thơ này với hai bài thơ thị tịch trước đó của đại sư Khuông Việt và thiền sư Pháp Thuận dẫn ra ở trên, và sau đó như những bài thơ của thiền sư Viên Chiếu [999-1090], thiền sư Mãn Giác [1052-1096] và nhiều bài thơ Thiền khác nữa mà ở đây không thể kể ra hết được, sẽ thấy rõ một dòng mạch tư tưởng trong nền văn học ghi đậm ảnh hưởng triết học Phật có ý nghĩa lớn thế nào đến vương triều Lý với Lý Thái Tổ.
Xin dẫn thêm lời danh nho Ngô Thì Sĩ, cũng trong "Việt sử tiêu án" đã chép ở trên, để hiểu hơn vai trò của văn hóa Phật giáo với những đóng góp lớn lao của họ vào đời sống tinh thần của xã hội ta thông qua các vị danh sư của thế kỷ thứ X và XI: "Văn nhân cũng không thể làm hơn được, không biết học hành dồi mài từ đâu. Anh hùng cái thế ra đời, luôn không thiếu người…". Chính họ đã giúp sinh thành nên một Lý Thái Tổ với "Chiếu dời đô".
Cần lưu ý rằng, trong bối cảnh của xã hội ta thời kỳ này thì nhà chùa không chỉ là trường học mà còn là những trung tâm văn hóa. Hầu hết các lễ hội dân gian hiện đang tồn tại thì xem ra ít nhiều đều gắn bó với nhà chùa, nếu không muốn nói rằng phần lớn xuất phát từ đó. Ba lễ hội lớn như hội Khám, hội Dâu và hội Gióng đều xoay quanh ngày Phật đản, tức là ngày mồng tám tháng tư. Đừng quên là đền Gióng nằm sát cạnh chùa Kiến Sơ và lễ hội thường diễn ra tại chùa.
Mồng bảy hội Khám
Mồng tám hội Dâu
Mồng chín đâu đâu
Kéo về hội Gióng
Trong những lời hát tại lễ hội này, có cả lời hát vào chùa xin lễ:
Vào chùa thắp một nén nhang
Khói lên nghi ngút bốn phương nhà chùa…**
Có thấy ra điều đó mới hiểu được ý nghĩa sâu xa việc Lý Công Uẩn, như "Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục" ghi: "Khi lên ba tuổi, sư chùa Cổ Pháp là Lý Khánh Văn nuôi làm con, nhân đấy lấy theo họ Lý".
Sách "Đại Nam nhất thống chí" cũng chép rằng: "Chùa Cổ Pháp ở xã Đình Bảng, huyện đông Ngạn, là nơi trụ trì của Lý Khánh văn. Sử chép Lý Thái Tổ sinh được ba năm thì mẹ ẵm đến đây, được Khánh Văn nhận nuôi. Nay trong chùa có tượng mẹ Lý Thái Tổ". Sách "Đại Việt Sử Ký Toàn thư" lại chép: "Vua sinh ra mới 3 tuổi, mẹ ẵm đến nhà Lý Khánh Văn. Khánh Văn bèn nhận làm con nuôi. Bé đã thông minh, vẻ người tuấn tú khác thường. Lúc nhỏ đi học, nhà sư ở chùa Lục Tổ là Vạn Hạnh thấy, khen rằng: "Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy, gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ".
Bằng những phân tích dựa trên các dữ liệu sưu tập được, tác giả của "Lịch sử Phật giáo Việt Nam" đưa ra nhận định: "nếu chùa Lục Tổ là chùa Cổ Pháp đổi tên thì rõ ràng Lý Khánh Văn chính là thiền sư Vạn Hạnh. Người đã nhận cậu bé Lý Công Uẩn làm con nuôi và người thầy dạy dỗ cậu là một…"**
Không đi sâu vào dữ liệu còn tranh cãi, điều cần khẳng định là: tài đức của Lý Thái Tổ, người khai sáng thế kỷ XI, mở ra một trang mới trong lịch sử nước nhà với thủ đô Thăng Long trường tồn cả nghìn năm, trải nghiệm bao thăng trầm biến động không phải ngẫu nhiên mà có.
Tài đức ấy, bản lĩnh ấy là do được dạy dỗ, rèn đúc từ ấu thơ bởi những bậc danh sư như thiền sư Vạn Hạnh, một đỉnh cao của tri thức đương thời như đã phân tích ở trên. Mà tầm cao tri thức ấy là do thu góp cả một đời người từng sống qua các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê để góp phần dựng nên vương triều Lý. Phải chăng vì thế mà gây dựng được nền móng cho một vương triều kéo dài 216 năm, có thể nói là dài hơn bất cứ triều đại nào sau đó.
Chẳng phải bây giờ, mà trước đây, Lý Nhân Tông sống vào nửa thế kỷ sau Van Hạnh, vẫn hết lời ghi nhận công đức của vị thiền sư có công lớn dựng nên cơ nghiệp nhà Lý: "Vạn Hạnh dựng ba cõi/ Thật hợp sấm lời xưa/ Quê hương tên Cổ Pháp/ Chống gậy giữ kinh vua".
Tưởng cũng nên nói thêm đôi điều về Lý Nhân Tông người đã tôn vinh công đức vị danh sư, người thầy của vị vua sáng lập vương triều Lý. Đến Nhân tông, triều Lý đã được 4 đời trải qua 127 năm, Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông đều là những minh quân.
Sử chép khi sắp mất, Nhân Tông gọi thái úy Lưu Khánh Đàm nhận di chiếu: "…Chôn cất hậu làm mất cơ nghiệp, để tang lâu làm tổn tính mệnh, trẫm không cho là phải. Ta đã ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên, đến khi chết đi lại khiến cho thứ dân mặc áo xô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, bỏ cúng tế, làm cho lỗi ta thêm nặng, thiên hạ sẽ bảo ta là người thế nào! … chớ làm sai mệnh, trẫm dù nhắm mắt cũng không di hận. Việc tang thì chỉ 3 ngày bỏ áo trở, nên thôi thương khóc; việc chôn thì nên theo Hán văn Đế, cốt phải kiệm ước, không xây lăng mộ riêng, nên để ta hầu bên cạnh tiên đế…".*
Thì ra kiệm ước vì thương dân, tránh chuyện phô trương hình thức trong tang lễ, xây lăng mộ tốn kém đã là vấn đề được đặt ra cả nghìn năm trước khi mà thể chế quốc gia đã đi vào khuôn phép!
"Tiên đế" nói đây là Thánh Tông. Đại Việt sử ký Toàn thư chép: "Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, đắt khoa bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc vua tốt"*
Chừng nào người đứng đầu trăm họ còn theo đuổi được một triết lý nhân bản, còn nắm được quy luật "nhậm vận thịnh suy, thịnh suy như lộ thảo đầu phô" thì vận nước còn có cơ hưng thịnh. Một khi mà những kẻ cầm quyền suy đốn, nhân tâm lý tán, họa ngoại bang rình rập thì vận nước suy vong. |
Kế thừa là kế thừa công đức của vua cha Thái Tông, vị vua được Ngô Sĩ Liên bình như sau: "Cùng lòng cùng đức, tất sự nghiệp có thể thành. Có vua có tôi, gian hiểm nào cũng vượt được. Thái Tông đương lúc đau xót, biến loạn sinh ngay kẻ nách mà vua tôi xử trí gãy gọn phải lẽ, vượt được hiểm nạn làm nên sự nghiệp, tông miếu nhờ đó được vững yên. Không phải là vua tôi gặp gỡ cùng đức cùng lòng mà được như thế ư?". Đây là nói về chuyện vua nghĩ tình cốt nhục mà tha cho tội mưu phản không thành của hai người em.
Phải chăng ẩn chìm trong vấn đề "nghĩ tình cốt nhục" mà tha không giết lại cho phục chức như cũ chính là thực hành triết lý "vô vi cư điện các" mà thiền sư Pháp Thuận đã khuyến cáo?
Chừng nào người đứng đầu trăm họ còn theo đuổi được một triết lý nhân bản, còn nắm được quy luật "nhậm vận thịnh suy, thịnh suy như lộ thảo đầu phô" thì vận nước còn có cơ hưng thịnh. Một khi mà những kẻ cầm quyền suy đốn, nhân tâm lý tán, họa ngoại bang rình rập thì vận nước suy vong.
Tuy nhiên, "quốc tộ như đằng lạc" [vận nước đan xen với nhau như mây quấn], sự suy vong của một triều đại chỉ có thể là một sự chuẩn bị cho việc ra đời của một triều đại mới đáp ứng được khát vọng của nhân dân. Mà sức dân thì như nước có thể đẩy thuyền, cũng dư sức lật thuyền! Vả chăng, "thịnh suy nối tiếp nhau chỉ như khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ ". Cái mới đã ươm mầm từ trong cái cũ, và sự ra đời của cái mới là không gì có thể cưỡng lại được!
Thì đấy, "Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai" [Đừng bảo xuân tàn hoa cũng rụng hết. Đêm hôm qua, trước sân (rộ) một cành mai]. Đây là lời nhắn gửi của thiền sư Mãn Giác, người sống cùng thời với Lý Thánh Tông, trong bài "Cáo tật thị chúng" [Có bệnh báo mọi người]. Ở đây là một cách diễn đạt khác về điều mà thiền sư Vạn Hạnh khuyến cáo vừa dẫn ở trên: "Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô" [Như muôn cây cỏ mùa xuân tươi tốt đến mùa thu khô héo].
Sự sống thật sự vô cùng vô tận và bất diệt. Đó là vận động bất tận. Mà vận động luôn luôn là tự thân vận động, những cú hích ở bên ngoài chỉ có tác động nhằm thúc đẩy nhanh những "hợp trội" khiến nảy sinh những đột biến, thúc đẩy sự phát triển. Sự tự thân vận động ấy là không sao cưỡng lại được. Thì chẳng thế sao: "Mộc trung nguyên hữu hỏa. Nguyên hỏa phục hoàn sanh" [trong cây vốn có lửa, sẵn lửa, lửa mới sinh ra]. Bởi lẽ "Nhược vị mộc vô hỏa. Toàn toại hà do manh" [nếu cây không có lửa. khi cọ xát sao lại thành?]
Suy ngẫm về ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đang đến gần, gợi nhớ hình ảnh vị vua khai sáng nhà Lý cách đây mười thế kỷ, đọc lại "Chiếu dời đô" càng thấm thía đến lẽ thịnh suy và vai trò của văn hóa trong sự định hình một triều đại vốn giữ một vị thế hết sức độc đáo trong lịch sử dân tộc. Ở đây là văn hóa thấm nhuần triết lý Phật. Vào thời đó, Phật giáo được xác định như một con đường "mà ngoài xã hội có thể cứu dân giúp nước, còn ở nhà thì có thể phụng thờ cha mẹ và lúc ở một mình có thể dùng để hoàn thiện bản thân" như Mâu Tử đã viết trong Lý Hoặc Luận!**
Với tính cách là một lực lượng văn hóa dân tộc, Phật giáo không thể tách rời sự nghiệp đấu tranh thường trực để dựng nước và giữ nước của dân tộc. Có thể hiểu vì sao những bài thơ Thiền thấm đãm triết lý Phật dẫn ra ở trên đều hàm chứa mối quan tâm đến vận nước. Chính ở đây, khi nói về về mối tương quan giữa thiên nhiên, đất nước và con người đã thể hiện sâu sắc quan điểm "duyên sanh" cơ bản của triết lý Phật giáo.
Đưa ra những cảm nhận trên đây cốt chỉ để trình bày một nhận thức: được đào luyện từ tấm bé, với một bản lĩnh văn hóa được dày công hun đúc, Lý Công Uẩn đã trở thành Lý Thái Tổ, mở đầu cho một triều đại dài nhất trong lịch sử dân tộc. Xét đến cùng , đó là bài học về văn hóa, mà ở thời đoạn lịch sử thế kỷ XI-XII là sự kết tinh của triết lý Phật, điểm tựa cơ bản nhất của triều đại nhà Lý!
Khí phách và bản lĩnh của vị vua khai sáng triều Lý thể hiện khá nổi bật trong bài thơ "Tức cảnh", tương truyền là Lý Công Uẩn làm lúc còn trẻ, nhân tình cảnh bị thầy phạt phải trói nằm dưới đất, không ngủ được, đã làm bài thơ tự vịnh:
Thiên vi khâm chẩm địa vi chiên
Nhật nguyệt đồng song đối ngã miên
Dạ thâm bất cảm trường thân túc
Chỉ khủng sơn hà xã tắc điên
[Trời làm chăn gối, đất làm nệm/ Trời trăng cùng đối diện giấc ngủ của ta/ Đêm tối quá không dám duỗi dài chân/ Chỉ sợ đất nước rối loạn] Nếu đích thực đây là bài thơ của người sẽ sáng lập nên vương triều Lý thì, thơ tức là người. Tưởng cũng chẳng nên bình luận gì thêm. Không có một bản lĩnh văn hóa, không có một điểm tựa đúng đắn và vững vàng về triết lý dẫn dắt cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước, khó để lập nên một triều đại hưng thịnh và dài lâu.
Tượng Lý Thái Tổ trầm mặc bên Hồ Gươm đang nhắc nhở con cháu hôm nay nghĩ về cách ông cha mình đã trả lời "những câu hỏi lớn" của lịch sử như thế nào, và dựa vào đâu để có bản lĩnh trả lời câu hỏi cho vận nước.
Để trả lời câu hỏi ấy, có lẽ phải trở lại với câu thơ "Nam nhi tự hữu xung thiên chí. Hưu hướng Như Lai hành xứ hành" trong bài thơ "Đừng đi theo vết chân Như Lai" [Hưu hướng Như Lai] của thiền sư Quảng Nghiêm [1122-1190]. Câu thơ ra đời từ một nghìn năm trước mà nay đọc lại, bỗng thấy choáng ngợp với ý tưởng mới mẻ, độc đáo và sao mà "hiện đại" đến thế !Thật là chống giáo điều ngay trong chuyện tu hành!
Phải bằng bản lĩnh ấy, khí phách ấy để trả lời câu hỏi lớn về vận nước. Đừng quên rằng, "Xe vẫn chạy nghìn đời… Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từng đi chuyến trước, Những chuyến xe không có khứ hồi" [Chế Lan Viên. "Di cảo thơ"]. Chính vì những chuyến xe lịch sử không có khứ hồi, cho nên, tiếp bước cha ông không phải là dẫm theo lối mòn có sẵn, mà là dũng cảm gạt bỏ mọi trở ngại để vươn về phía trước, như dòng sông chỉ có chảy ra biển mới gọi là trung thành với ngọn nguồn của nó.
Sự nghiệp của ông cha để lại, vận mệnh của dân tộc "sẽ được quyết định khi một thế hệ mới sẽ lớn lên… Khi những con người như thế xuất hiện, họ sẽ vứt bỏ tất cả những điều mà theo quan niệm hiện nay họ phải làm: họ sẽ tự biết cần phải làm như thế nào"3
Vận nước sẽ được quyết định bởi thế hệ trẻ năng động và sáng tạo!
___________________
1. Gustave le Bon "Tâm lý học đám đông" "Tâm lý học đám đông" NXB Tri thức 2008, tr.213
2. Việt Phương "Cỏ dọc đường trân". NXB Hội Nhà văn.2010, tr.46
3. Thơ Thiền Lý Trần. "Lời nói đầu". NXB Văn hóa Sài Gòn. 2005, tr.7.
4. C.Mác & Ph.Angghen Toàn Tập , Tập XXI. NXBCTQG . Hà Nội, 1995 tr..128
* Đại Việt Sử ký Toàn thư. Tập 1. NXBKHXH Hà Nội 1998, tr.241, tr.122, tr.247, tr.233, tr.250, tr.240, tr.271
** Lê Mạnh Thát. "Lịch sử Phật giáo Việt Nam".Tập II. NXBTổng Hợp TPHCM. 2006, tr. 363, tr.442, tr. 450, tr.365, tr.395
Tương Lai (Theo Vietnamnet)