Do ảnh hưởng của đới gió đông phát triển mạnh, kết hợp với rìa phía bắc dải áp thấp có trục 9-11 độ vĩ bắc, nên trong những ngày qua khu vực Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa trong 48 giờ qua phổ biến từ 250 đến 350 mm, có nơi lớn hơn như Bình Điền 375 mm, thành phố Huế 406 mm.
Lực lượng phòng chống lụt bão chuẩn bị đối phó với các tình huống lũ lụt. Ảnh: Nguyễn Phương. |
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, đã yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các huyện, thành phố Huế và thị xã Hương Thủy, các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm vùng sạt lở ven biển, cửa sông, đầm phá, khu vực miền núi, vùng có nguy cơ lũ quét, vùng thường xuyên bị ngập sâu đến nơi an toàn.
Tỉnh cũng yêu cầu các vùng có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ, dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm thiết yếu, thực hiện tốt phương châm “5 tại chỗ” để chủ động đối phó với tình huống bị chia cắt dài ngày.
Hôm nay, nhiều nơi ở thành phố Huế ngập sâu trong nước. Có nơi đường ngập sâu tới 0.5 m – 1 m khiến cho giao thông bị đình truệ, ùn tắt giao thông cục bộ như: Đống Đa, Nguyễn Huệ, Hùng Vương, Phạm Văn Đồng, cầu Phú Xuân, cầu Trường Tiền… Có nơi phải dùng cả xuồng để đưa du khách nước ngoài và người dân qua khỏi nơi ngập sâu như tại tuyến đường Bến Nghé.
Thành phố Huế ngập nước. Ảnh: N.T.Lợi. |
Trong mấy ngày qua, tại Hà Tĩnh đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng, gây lũ cục bộ ở các huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn.
Sáng nay, lũ lụt đã làm anh Đoàn Trọng Giáp chiến sĩ thuộc Đại đội 17 CB Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, đang thi công tại đường hầm CH -01 (xã Hoà Hải) và chị Trần Thị Hoa, giáo viên Mầm non xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, bị nước cuốn trôi.
Tại huyện Lộc Hà, một chiếc tàu do ông Nguyễn Hùng Thích làm chủ và 6 thuyền viên đã bị mất liên lạc ở vị trí cách cửa soát Thạch Kim 7 hải lý. Hiện các lực lượng chức năng đang khẩn trương tìm kiếm người mất tích.
Lũ lụt cũng làm nhiều tuyến đường quan trọng, huyết mạch liên huyện, liên xã bị nước lũ chia cắt. Nhiều xã bị nước lũ cô lập, đời sống người dân đang gặp nhiều khó khăn. Tính đến thời điểm này, lượng mưa đo được tại Chu Lễ – Hương Khê là 322,4 m, mực nước là 13,01 m; Linh Cảm – Hương Sơn lượng nước đo được là 285,3 mm, mực nước: 3,75 m; thị trấn Nghèn – Can Lộc: 381 mm… Dự báo đợt mưa có thể kéo dài 5 – 6 ngày và có thể gây ra lũ lớn trên sông Ngàn Sâu. Mực nước trên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố có thể lên ở mức báo động 2 và 3.
Nước lên khiến người dân phải đi lại bằng xuồng. Ảnh: Nguyễn Phương. |
Tại huyện miền núi Vũ Quang, 8/12 xã bị nước lũ chia cắt, cô lập, là các xã: Hương Thọ, Hương Quang, Hương Điền, Đức Liên, Đức Hương, Đức Giang, Đức Lĩnh II và Ân Phú.
Qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Hoàn, Chủ tịch xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang, cho biết: “Xã chúng tôi bị nước lũ chia cắt từ 23h đêm 2/10. Đến thời điểm hiện nay, nước lũ đã chia toàn xã ra thành 5 khu vực biệt lập. Các tuyến đường từ xóm 1, 2 sang UBND xã ; tuyến đường từ xóm 6, 7 sang xóm 8, 9; tuyến đường từ xóm 8, 9 sang xóm 10; từ xóm 10 sang xóm 11 đều bị ngập, nước lũ chia cắt hoàn toàn. Hiện người dân đang gặp nhiều khó khăn trong lũ.”
Tỉnh lộ 5, tuyến đường đi qua trung tâm huyện lỵ lên các xã vùng biên giới Hương Quang, Hương Điền cũng bị nước lũ chia cắt thành nhiều đoạn nhỏ. Chính quyền xã Hương Điền, Hương Quang đã bị nước lũ cô lập hoàn toàn trong sáng nay. Nước ngập mạnh nhất ở cầu Mạn Chạn (gần đồn 567, xã Hương Quang) và cầu Khe Chất xã Hương Điền. Nhiều người dân 2 xã này về xuôi lên đã bị mắc kẹt lại, không trở về nhà được.
Ông Nguyễn Mậu Lâm, Bí thư kiêm Chủ tịch xã Đức Liên, huyện Vũ Quang, cho biết thêm: “Tuyến đường liên xã từ Đức Bồng đi Đức Hương, Đức Liên chuẩn bị lút, nguy cơ cô lập các xã vùng hạ huyện sắp đến nơi rồi.”
Sáng nay, chúng tôi đi lấy thông tin tại các xã Đức Lĩnh II, Đức Giang và Ân Phú nhưng tuyến đường liên xã này cũng bị chia cắt khá nhiều đoạn, không thể đi được. Liên lạc qua điện thoại với ông Bùi Duy Hoàn, Bí thư xã Đức Giang, cho hay: “Đức Giang bị chia cắt, tuyến đường Đức Lĩnh đi Đức Giang, Ân Phú không đi được nữa đâu. Bây giờ mà từ Đức Lĩnh đi Ân Phú phải đi đò.”
Hiện chưa có con số thiệt hại chính thức. Tuy nhiên, ngay sau khi mưa lớn gây lũ cục bộ ở các huyện miền núi, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình đã cùng cán bộ huyện đã thị sát tình hình lũ lụt ở các huyện miền núi.
Du khách đi lại bằng thuyền ở thành phố Huế. Ảnh: N.T.Lợi. |
Chiều nay, tin từ Vùng D Hải quân (huyện Trường Sa- Khánh Hòa) cho biết, lúc 0h30 hôm nay, tàu Trường Sa 16, thuộc Lữ Đoàn 125 Vùng D Hải quân, đã bàn giao toàn bộ 18 thuyền viên và hai tàu cá bị nạn cho Bộ đội Biên phòng tỉnh an toàn.
Trước đó, từ ngày 25/9, tàu cá PY 92179TS, do ông Nguyễn Tân Hiệp (37 tuổi, trú phường 6, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) làm thuyền trưởng, trên tàu có 8 thuyền viên, hành nghề câu cá ngừ đại dương bị chết máy và trôi dạt trên vùng biển Trường Sa.
Đến 17h ngày 30/9, tàu cá PY 92864TS do anh Trần Ngọc Tự (30 tuổi, trú phường 6, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) làm thuyền trưởng (trên tàu có 8 thuyền viên) đến để kéo tàu bị nạn nói trên, nhưng do sóng to nên tàu PY 92864TS bị gãy trục chính, sau đó cả 2 tàu trôi dạt đến vùng biển Đá Chữ Thập, đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa.
Đến 16h ngày 1/10, Sở Chỉ huy vận tải Lữ đoàn 125 Vùng D Hải quân nhận được chỉ thị của Quân chủng Hải quân điều tàu đến ứng cứu hai tàu bị nạn nêu trên. Ngay lập tức tàu Trường Sa 16 của đơn vị này đã lên đường ứng cứu. Lúc 23h cùng ngày, tàu Trường Sa 16 đã tiếp cận được hai tàu bị nạn ở tọa độ 10020’ Bắc – 111001’06’’ Đông, cách Quân cảng Cam Ranh 250 hải lý về hướng Đông – Đông Nam.
Đến 23h ngày 2/10, tàu Trường Sa 16 lai dắt 2 tàu bị nạn về Cảng Ba Ngòi, thị xã Cam Ranh an toàn. Toàn bộ 18 thuyền viên trên 2 tàu đã được chăm sóc kịp thời.
Hiện hai tàu trên đã được Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa bàn giao lại cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên.
Theo Báo Đất Việt