Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Quả Báo (Tiếp theo và hết)

Quả Báo (Tiếp theo và hết)

119
0

Bà Sâm vẫn nằm thiêm thiếp trên giường. Cậu Thông vẫn kiên nhẫn chờ bà tỉnh lại. Hằng ngày, bác sĩ đến khám, chuyền dịch nhưng tình trạng sức khỏe bà ngày một xấu đi. Rồi bà trút hơi thở cuối, không một lời trối trăn. Cậu Thông ra ngoài ăn cơm, đến khi về nhìn cái xác lạnh tanh của mẹ, cậu rú lên điên loạn: “Mạ ơi, mạ ác quá, mạ chôn vàng ở đâu sao không nói cho con cháu biết. Mạ giết con rồi mạ ơi.”

Theo luật thừa kế, ngôi nhà bà Sâm thuộc về cậu Thông và hai đứa con dì Lựu. Nhưng không biết cậu làm cách nào mà cuối cùng thằng Nho và bé Đào chỉ được chia một số tiền nhỏ. Dành xong quyền sở hữu, cậu bắt đầu chiến dịch “truy tìm kho báu” bằng cách thuê người đến xăm nát nền nhà, phá toang W.C nhưng cuối cùng vẫn không tìm thấy gì cả. Vàng bạc châu báu của bà Sâm đã bốc hơi. Theo nguyên lý bảo toàn năng lượng, nhất định hơi này sẽ đọng lại dưới một dạng khác, tại một chỗ bí mật nào đó, cậu phải điều tra cho ra mới được.

Cậu tìm đến dì Liễu: “Nghe nói lâu nay O là người gần gũi mệ, tay hòm chìa khóa nơi O hết phải không?” Dì Liễu nhíu mày: “Anh hiểu lầm rồi. Em như thiên lôi, mệ sai đâu đánh đó. Tiền bạc giấy tờ một tay mệ giữ, em biết chi mô.” “Mệ giữ cái chi? Trong hộc bàn, trong tủ sắt không có một đồng xu.”Dì Liễu lắc đầu: “Làm sao em biết được.”

Không nhân chứng, vật chứng, cậu Thông đành chào thua. Bán rẻ ngôi nhà thừa kế, cậu trở vào Sài Gòn và không bao giờ trở lại Huế nữa.
 
Thời gian qua. Những đứa trẻ lớn lên và trưởng thành. Thằng Khôi con dì Lan tốt nghiệp Cao đẳng Nông Lâm Súc, nhưng tay chân còn vụng về lắm. Có lần mẹ tôi nhờ nó chiết cành hoa mãn đình hồng, loay hoay thế nào, nó làm chết luôn cả nhánh. Đối với công tác thú y cũng vậy, nó chữa “lợn lành thành lợn què” là chuyện thường ngày của nó. Trái lại, hai đứa con dì Liễu thì quá xuất sắc: thằng Hào tốt nghiệp Bác sĩ, thằng Kiệt đang học Đại Học Kiến Trúc, ông Thái luôn luôn để hình hai đứa cháu ngoại trong túi áo, hễ có dịp là đem ra khoe khắp nơi.

Riêng thằng Nho đã gần 30 tuổi nhưng không hề trưởng thành. Học hành chẳng đến đâu, nó thi vào Sư phạm Qui Nhơn và trở về dạy lớp năm ở một ngôi trường ngoại ô thành phố Huế. Lương ba cọc ba đồng, nên tuần nào nó cũng đạp xe về xin tiền dượng Phan. Lúc này, dượng đã có thêm 3 mặt con với cô Tú nên đời sống không còn thong thả như trước. Ngôi nhà cho thuê đã xuống cấp, không có tiền sửa, nên giá thuê rẻ như bèo, chả thấm vào đâu so với sinh hoạt phí gia đình. Cô Tú buôn bán trở lại, bé Đào nghỉ học ra chợ phụ bà mẹ kế không một lời than van. Bé Đào nết na hiền lành chừng nào thì thằng Nho ba que xỏ lá chừng đó. Nó hội đủ các tật xấu trên đời: bồ bịch, uống rượu, hút thuốc, cờ bạc… mất tư cách đạo đức đến nỗi nhà trường cho nghỉ dạy, chuyển sang làm thư ký văn phòng. Vậy mà nó vẫn không biết hồi tâm, càng lún sâu vào bùn nhơ. Tệ hại nhất là nó đánh bạc triền miên. Ban đầu, dượng Phan còn cho tiền nhưng nó cứ bòn rút mãi, chịu trời không thấu, dượng tuyên bố: “Tao không phải là cái ngân hàng.” Xin tiền dượng Phan không được, thằng Nho tìm đến những người bà con vay mượn. Ai cũng cương quyết lắc đầu, hững hờ quay mặt. Những lúc tuyệt vọng, nó nghĩ đến bà ngoại nhưng đã muộn màng, lòng chợt nuối tiếc, giá mà ngày xưa nó đừng về phe ba nó và cô Tú thì bây giờ đời nó đâu có khốn khổ thế này.
 
Ngôi nhà bà Sâm được mua đi bán lại nhiều lần. Người chủ cuối là dì Liễu. Dì cho người đập ra, xây mới hoàn toàn với hai tầng lầu khang trang, nội thất văn minh sang trọng, dự định mở phòng mạch cho thằng Hào. Ngoài ra, dì còn mua thêm một ngôi nhà vườn trong Thành Nội để dưỡng già, sau này sẽ giao căn phố hiện ở cho thằng Kiệt khi nó ra trường. Dư luận lại bắt đầu xôn xao, kho tàng của bà Sâm chắc chắn đã lọt vào tay cô cháu gái.

 *

Những đứa trẻ ngày xưa đã sống đủ 60 năm cuộc đời, cọng thêm vài năm nữa. Một ngày đẹp trời, thằng Khôi từ Huế vào tìm thăm tôi. Nó bây giờ rất oai phong, khoe đang làm chủ khách sạn Hồng Thu bên Vỹ Dạ. Vợ chồng con cái nó cùng nhau quản lý, điều hành, giá cả hợp lý nên khách du lịch ghé đông, thu nhập rất khá. Tôi hỏi: “Thằng Nho còn ở Huế không?” “Chị không biết à. Anh Nho hiện đang ở Tây Ninh. Nghe nói cực lắm. Em sắp đi thăm đây, xuống cho  ảnh vài triệu kẻo tội.”
 
Nhờ thằng Khôi, tôi đã gặp lại thằng bạn thân thời thơ ấu –một ông già sắp 70 tuổi đen thui, gầy đét trông chẳng khác gì bộ xương khô, vậy mà luôn miệng nói: “Mình không hề đau ốm chi cả, không tốn một viên thuốc”. Tôi nghĩ, chắc đó là kết quả những món ăn bổ dưỡng ngày xưa bây giờ mới phát huy tác dụng. Nho đưa tấm danh thiếp, ghi Trần Văn Nhân –Giáo viên Anh Văn: “Mình đổi tên rồi.” “Tại sao?” “Chuyện dài lắm, sau này mình sẽ kể.” Giáo viên? Thiệt không đây? Mà còn dạy môn thời thượng nữa, sao trông rách nát te tua quá. “À, bé Đào dạo này sao rồi? Cho tui số điện thoại của nó đi.”  Nho bỗng lớn tiếng: “Đừng nhắc đến cái con mất dạy đó. Mình từ nó rồi.” “Có chuyện gì tính sau. Bây giờ cứ cho số điện thoại…” Thằng bạn ngắt lời: “Lâu quá không liên lạc, quên mất số rồi.” Anh em ruột gì kỳ cục, tôi nghĩ nhưng không nói ra.
 
Khoảng tháng sau, Nho chạy lên nhà tôi với vẻ mặt vô cùng hốt hoảng: “Bà làm ơn cho tui mượn hai triệu. Cháu ngoại tui bị sốt xuất huyết đang nằm ở bệnh viện Chợ Rẫy. Đúng một tháng sau, tui sẽ trả.” Gom hết tiền trong nhà, chỉ còn một triệu rưỡi, tôi đưa hết cho Nho: “Nhớ trả đúng hẹn nghe.” Một tháng, nó gọi điện lên khất nợ, tháng sau lại gọi điện khất nữa, sau đó thì im luôn. Sáu tháng, rồi một năm trôi qua… thôi thì của đi thay người. Biết vậy đừng thèm gặp nó cho xong.
 
Bỗng thật bất ngờ, tôi nhận được điện thoại của bé Đào: “Khôi cho em số di động của chị.” Hai chị em gặp nhau tại một quán cà phê, mừng mừng tủi tủi. Đào có chồng, 3 con trai và đã có cháu nội, cuộc sống không dư dã nhưng hạnh phúc. “Tại sao anh Nho từ em vậy?” “Trời ơi, bị ảnh từ em mừng hết lớn đó. Chị biết không? Anh cứ đến nhà mượn tiền hoài, em đâu phải là kho bạc. Không cho mượn thì quậy phá, em phải kêu công an đó.” Hèn chi. “Mượn rồi lơ huyền chứ gì. Năm ngoái, chị cũng bị Nho giựt một triệu rưỡi.” “Nếu chị gặp em sớm là đỡ rồi.” “Nhưng đây là tiền đóng viện phí cho cháu ngoại Nho bị sốt xuất huyết. Thấy chết, không lẽ chị không cứu.” “Trời ơi là trời, ảnh không có đứa con nào thì làm gì có cháu. Chị bị lừa rồi.” “Không ngờ Nho lại tệ như vậy.” Đào nói Nho còn nhiều cái tệ hại hơn nhiều. Hồi còn trẻ cờ bạc, vay tiền tụi xã hội đen, bị tụi nó khống chế, dọa xẻo lỗ tai, dượng Phan phải bán nhà cứu mạng. Đến khi về già, cũng vì nợ nần, chủ nợ truy sát, phải đổi tên, trốn chui trốn nhủi. “Hiện Nho sống như thế nào? Có phải đang đi dạy Anh Văn không?” Đào nhếch môi:“Không có lòng tự trọng, không có nhân cách thì dạy ai. Giờ ảnh đang sống báo đời bà vợ bán bún bò ở chợ Tây Ninh, không biết là vợ thứ mấy nữa. Bà này cũng ớn đến tận xương sống rồi, nhưng không bỏ được. Chắc là cái nợ kiếp trước phải trả thôi.” “Còn dì Liễu? chắc tuổi già sung sướng lắm phải không?” “Sướng cái nỗi gì. Thằng Hào ra bác sĩ được một năm thì bị tâm thần, cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ, nhưng mà hiền. Còn thằng Kiệt thì vướng vào xì ke ma túy, phá hết gia tài của dì Liễu rồi. Âu cũng là của Thiên trả Địa. Đó là tiền của bà ngoại em mà .”  Đào thở dài: “Mà tiền đó cũng là mồ hôi nước mắt của người nghèo. Chắc vì rứa mà con cháu của mệ không ai gặp may cả. Nghe nói những người cầm đồ, cho vay là bất nhơn thất đức lắm phải không chị?”

 
HẾT

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here